Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Sau khi đầu tư ít nhất 132 triệu đô la vào chiến dịch tranh cử của tổng thống đắc cử, người giàu nhất thế giới sắp đối xử với chính phủ Mỹ như thể đó là một mạng xã hội đang thua lỗ.
Minh họa: Trevor Davis cho Bloomberg Businessweek; Hình ảnh: Justin Merriman/Bloomberg, Jim Watson/AFP/Getty Images
Tác giả:
17 tháng 12, 2024 lúc 4:58 PM
Vào buổi chiều ngày bầu cử, Elon Musk ghé qua nơi bỏ phiếu của ông ở phía Nam tiểu bang Texas, rồi lên máy bay riêng tới dự sự kiện mà ông hy vọng sẽ là tiệc chiến thắng cho Donald Trump ở câu lạc bộ Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida. Trên đường, Musk tổ chức một cuộc vận động chính trị ngẫu hứng. Ông đăng một đường dẫn livestream lên mạng xã hội X của ông. “Chỉ còn vài giờ nữa,” Musk nói, khi động cơ máy bay đã khởi động và khoảng 100 ngàn người đang nghe ông nói. “Nên các bạn hãy nhớ kêu gọi bạn bè và gia đình bỏ phiếu, bỏ phiếu, và bỏ phiếu.”
Trước năm 2024, ông Musk điều hành sáu công ty: Tesla (xe điện), SpaceX (tên lửa), Neuralink (cấy ghép não), Boring (đào hầm), xAI (chatbot trí tuệ nhân tạo) và X (mạng xã hội). Nhưng vào tháng Năm, ông có thêm sứ mệnh thứ bảy - America PAC, ủy ban hành động chính trị đã xoay xở chi tiêu hơn 170 triệu đô la Mỹ kể từ đó cho tới khi cuộc bầu cử diễn ra.
Còn đáng ngạc nhiên hơn là cách tỷ phú Musk đích thân tham gia nỗ lực này. Ông tạm chuyển nhà tới Pennsylvania, nơi ông đã đi khắp tiểu bang, tổ chức các phiên hỏi đáp ở những khán phòng ngoại ô và biến hình ảnh trên X của mình thành chiến dịch phản ứng nhanh cho cánh hữu. Nhiều câu đùa cợt ông nói ra là phân biệt giới tính hay chủng tộc - hay cả hai. Nhiều bài đăng của ông vào những ngày cuối chiến dịch bày tỏ cơn thịnh nộ với việc cho an tử con sóc thú cưng của một diễn viên khiêu dâm.
Thương hiệu của Musk: Những trò đùa đi quá giới hạn pha trộn với hành vi trơ trẽn, hóa ra đã thắng lợi, có lẽ vì ở Trump, ông tìm thấy một ứng viên ăn khớp hoàn toàn với thương hiệu của chính ông. Vào ngày diễn ra bầu cử, vị cựu tổng thống hai lần bị luận tội, 34 lần bị tuyên có tội, đã thắng lớn với cơ sở cử tri cũ: Người da trắng lớn tuổi, nhưng cũng bổ sung thêm một lực lượng mới trẻ trung, đa dạng hơn, và chủ yếu là nam giới. Nói cách khác, những người kiểu như Elon Musk. “Ông ấy đã hạ thấp rào cản của việc trở thành người ủng hộ Trump,” Josiah Gaiter, phó chủ tịch hãng marketing chính trị Harris Media, phân tích. Với nam giới trẻ tuổi, “ưa thích Trump giờ cũng không sao.”
“Phe Dân chủ chắc phải được tất cả những người nổi tiếng ủng hộ,” Musk nói trong phiên livestream đã nhắc. “Họ được ưu ái ghê gớm trên truyền thông chủ lưu.” Ông nói với người xem rằng các chính trị gia Dân chủ cố tình nhập khẩu “những kẻ bất hợp pháp” để “tràn ngập hòm phiếu ở các bang chiến trường để các bạn không còn một cuộc bầu cử đúng nghĩa nữa.” Giống như nhiều điều Musk đã nói hai năm qua, chuyện đó là hoàn toàn sai lạc. Những người di cư ông đã khinh thường trong thuyết âm mưu đấy không phải là “những kẻ bất hợp pháp,” mà chủ yếu là người xin tị nạn đã vào Mỹ hợp pháp, có đóng thuế, và tất nhiên, không có quyền bầu cử.
Musk rõ ràng không ở thế chiếu dưới. Liên minh của ông với Trump thật ra đã luôn là câu chuyện chiếu trên - có lẽ là chiếu trên với ưu thế lớn nhất lịch sử - với một tỉ phú bá đạo rất giỏi mị dân và một tỉ phú bá đạo khác tình cờ cũng là người giàu nhất thế giới. Đó còn là câu chuyện về tiền bạc. Chúng ta không biết được hết những đóng góp tài chính của Musk cho chiến dịch của Trump, nhưng ít nhất phải là 130 triệu và có thể lên tới 200 triệu đô la. Khoản lãi cho số tiền đấy là bao nhiêu trong bốn năm tới? Trong ba ngày đầu sau cuộc bầu cử, giá trị công ty Tesla tăng 25%, bởi kỳ vọng vai trò gần gũi của Musk với vị tổng thống luôn luôn muốn có đi có lại sẽ dẫn tới lợi nhuận khổng lồ. Khoản tăng thêm đấy giúp tài sản cá nhân của Musk tăng thêm 50 tỉ đô la, lên hơn 300 tỉ đô la (hôm 24.11 vượt 347,8 tỉ đô la).
Ông Trump vốn đã hứa sẽ đền đáp: Các hợp đồng tên lửa cho một sứ mệnh mới lên sao Hỏa, quy định loại bỏ các đối thủ của Musk trong mảng robotaxi của tương lai gần, và một ghế trong chính quyền để quyết định sẽ cắt giảm và giữ lại các chương trình chi tiêu công nào. Trump và Musk gọi cơ quan này là “Bộ Hiệu quả chính phủ,” mà tên viết tắt là DOGE, loại tiền mã hóa ưa thích nhất của Musk. “Ông ấy là người đặc biệt, một thiên tài siêu đẳng,” Trump nói về Musk trong bài phát biểu chiến thắng. “Chúng ta phải bảo vệ những thiên tài siêu đẳng chứ.”
Từ ngữ chính xác hơn để nói về Musk có lẽ là “nhà tài phiệt.” Và từ ngữ đó có thể đúng với cả Jeff Bezos, Sam Altman, Sundar Pichai, Satya Nadella và một số lãnh đạo doanh nghiệp khác với lập trường đủ kiểu, từ bợ đỡ giả tạo đến quỳ gối khom lưng thật sự, chỉ nhằm đạt được mục đích của mình nhờ Trump. Những đòi hỏi riêng của họ có vẻ bao gồm đối xử khoan dung hơn với các vụ sáp nhập (Nadella, Pichai), quy định thông thoáng hơn về AI (hai người trước, và Altman) và tránh bị trả đũa bởi tin tức đăng trên tờ báo mà mình sở hữu (Bezos).
Liệu họ có đạt mục đích không? Thành tích quá khứ của Trump cho thấy khó thể tin như vậy, và làn sóng hủy đặt báo với tờ Washington Post, tờ báo mất 10% độc giả đăng ký dài hạn trong vòng vài ngày sau khi Bezos quyết định tờ báo mình sở hữu sẽ không công khai tuyên bố ủng hộ bà Kamala Harris, cho thấy sẽ có khả năng xảy ra phản ứng ngược mà giới lãnh đạo doanh nghiệp - và những nhà đầu tư đã mua vào cổ phiếu Tesla - chưa lường được hết.
Rồi vào những ngày sau bầu cử, Trump và Musk dường như đang rơi vào trạng thái hưng phấn cực độ trong mối quan hệ của họ. Musk trên thực tế đã trở thành người thân tín của Trump ở Mar-a-Lago, xuất hiện trong các bức ảnh gia đình và có mặt khi Trump gọi điện cho những nhà lãnh đạo thế giới. Tổng thống đắc cử cho tới giờ đã coi Musk như một chiến lợi phẩm vừa là một người tâm giao, bất chấp những quan ngại về an ninh quốc gia liên quan tới việc, nói ví dụ, để ông nói chuyện với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (dù Musk có vẻ cũng liên lạc bí mật với Tổng thống Nga Vladimir Putin) hay đe dọa rút khỏi NATO để trả đũa những nỗ lực của châu Âu nhằm đưa các công ty của Musk vào khuôn khổ.
Trong khi đó, Musk tiếp tục đăng đàn trên mạng xã hội để thổi bùng cơn bão Trump quen thuộc của ông, úp mở rằng ông có thể sa thải 80% nhân viên nhà nước và xóa sổ bộ Giáo dục, kèm theo các bài đăng nói cục Dự trữ Liên bang Fed là tổ chức vi hiến.
Tình trạng phấn khích điên loạn kiểu đó chắc chắn không thể kéo dài - và không được phép kéo dài, nếu Trump muốn quản lý chính quyền hiệu quả.
Musk là người giỏi ăn nói và ứng biến. Ông cũng hiểu sâu sắc nam giới trẻ tuổi, có lẽ vì theo nhiều nghĩa, ông vẫn cư xử như một cậu thiếu niên. Điều đó có thể khiến ông xung đột với những nhà phân tích và đầu tư có thể không chia sẻ những suy nghĩ như tiếng đánh rắm và các con số 420 và 69 là rất hài hước, và không thể hiểu rằng, với Musk và những người hâm mộ ông, đùa cợt vô vị chính là mục đích.
Những người ngoài cuộc khó lòng hiểu được rằng dù X là thất bại thảm hại về mặt kinh doanh, nó lại là thành công chính trị vang dội. Musk đã tiếp quản một mạng xã hội chỉ thuộc dạng tầm tầm và biến nó thành nền tảng phát tán cho truyền thông cánh hữu, những người chơi meme và không ít những kẻ thực sự theo thuyết da trắng thượng đẳng. Điều đó khiến đông đảo người dùng và hãng quảng cáo quay lưng, khiến giá trị công ty lao dốc gần 80% kể từ khi được mua lại vào năm 2022. Nhưng X vẫn có lượng khán giả trẻ trung lớn quan tâm tới Trump, thể thao, trò chơi điện tử và tiền mã hóa - và họ không hề phiền lòng nếu trên đó không có Sara Bareilles, Toni Braxton và NPR. Khảo sát vào tháng 11.2024 của YouGov Blue, hãng thăm dò dư luận đại diện cho các nhóm cánh tả, thấy rằng nam giới tuổi từ 18 tới 29 đón nhận hầu hết tin tức từ mạng xã hội, và X là nền tảng phổ biến nhất, xếp trên cả YouTube và TikTok.
Đây chính là cử tọa mà Musk nhắm tới khi bắt đầu bỏ tiền cho America PAC. Tổ chức đấy có ba mục tiêu cơ bản để giúp Trump: Đăng ký cử tri mới, khuyến khích người ủng hộ bỏ phiếu sớm và thuyết phục những người có thể không bỏ cho Trump đừng đi bầu. Thay vì sử dụng tình nguyện viên, họ sử dụng người vận động được trả lương đàng hoàng, đồng thời chi mạnh tay cho quảng cáo trực tiếp và trên mạng xã hội vốn hấp dẫn với cử tọa có cảm nhận kỳ quặc kiểu Musk. Một quảng cáo 15 giây bắt đầu là cảnh anh chàng trẻ tuổi râu quai nón nằm ườn trên ghế bành. “Nếu cứ ngồi ở nhà, Kamala và bọn điên sẽ thắng,” giọng nền cau có lên tiếng, rồi nói Trump là “anh Mỹ bá đạo.” Một quảng cáo khác cảnh báo rằng bà Harris sẽ cấm xe bán tải, thịt đỏ và viên nicotine dạng nhai Zyn. Một quảng cáo nữa gọi bà Harris là “em C đại bàng.” (“C” ngoài nghĩa viết tắt nói về xu hướng chính trị còn là ám chỉ “cunt,” một từ tiếng Anh rất tục để xúc phạm phụ nữ.)
Thời kỳ đầu của American PAC khá hỗn loạn. Những người được thuê làm cho họ, giống như nhiều nhân viên cũ đã kiện tụng Tesla và SpaceX, khiếu nại về các khoản thù lao chưa được trả, quá trình ra quyết định đầy sai lầm và hành vi xâm phạm tiêu chuẩn bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, Musk đã cho thấy hiệu quả ấn tượng: Các chiến dịch chính trị thường mất nhiều năm mới có thể thành hình, nhưng chỉ trong vài tháng, các giám đốc tiểu bang của ông đã chiêu mộ được đội quân 2.000 người. Andrew Romeo, cựu cố vấn cho Thống đốc Florida Ron DeSantis, điều hành North Carolina. David Rexrode, từng làm cho thống đốc Virginia Glenn Youngkin, cai quản Pennsylvania và Michigan. Chris Carr, giám đốc chính trị của Trump năm 2020, phụ trách Arizona và Nevada. Hầu hết các chiến dịch vận động sẽ gắng tiết kiệm tiền bằng cách gửi người vận động đi gõ cửa nhà ở các khu đông dân, nơi họ có thể gặp được càng nhiều người càng tốt. Nhưng một nguồn tin hiểu biết về hoạt động của American PAC xin giấu tên nói ngân quỹ từ Musk cho phép các giám đốc tiểu bang cử người tới vùng nông thôn, nơi ông Trump có hy vọng tăng được số phiếu một cách rõ ràng. American PAC đã gõ cửa tất cả 11 triệu nhà cử tri, theo nguồn tin đã dẫn.
Musk còn chi tiêu phóng tay cho nhiều thứ khác nữa. Khi một chiến dịch chính trị mua danh sách cử tri và gửi email và tin nhắn, thì họ thường chi không nhiều hơn 10 đô la cho một đầu mối. Musk thì lại xây dựng danh sách từ số không. Ông đề nghị chi 47 đô la cho bất cứ ai giới thiệu được một cử tri có đăng ký ở các bang chiến trường ký vào thỉnh nguyện thư của American PAC, kèm theo địa chỉ email và số di động. Musk sau đó nâng số tiền này lên thành 100 đô la riêng với cử tri đăng ký ở Pennsylvania. Rồi ông tuyên bố sẽ trao 1 triệu đô la mỗi ngày cho một người ký thỉnh nguyện thư may mắn. Đề xuất đó có lẽ trái luật, dẫn tới vụ kiện của công tố viên khu vực Philadelphia và quyết định ngăn chặn việc tổ chức trò xổ số đấy ngay trước ngày bầu cử, nhưng nó vẫn tạo được hiệu ứng truyền thông. Thỉnh nguyện thư của Musk rốt cuộc sẽ có được hơn một triệu chữ ký. “Con số đó là cao,” Gaiter ở Harris Media nói. “Có thể triển khai chiến thuật đó ở các cuộc đua vào hội đồng quản lý giáo dục, giám đốc tài chính tiểu bang, hay công tố khu vực.” (Trong chương trình livestream ngày bầu cử, Musk nói kế hoạch của ông chính là như vậy. Ông nói America PAC sẽ “chơi lớn vào đợt bầu cử giữa kỳ.”)
Nhưng động thái quan trọng nhất của Musk đơn giản là mang thương hiệu cá nhân của ông ra ủng hộ các nỗ lực của PAC. Ngày 5.10, ông xuất hiện trên sân khấu trong cuộc vận động tranh cử của Trump ở Butler, Pennsylvania, cũng là nơi Trump đã thoát được một vụ ám sát. Musk không chỉ phát biểu: Ông nhảy cẫng lên không trung, đội một chiếc nón đen MAGA và tuyên bố mình là “MAGA bóng tối.” (Chiến dịch tranh cử của Trump lập tức chộp lấy từ ngữ mới mẻ đó, ý nghĩa đại khái là “cuồng Trump tới đáng sợ.”) Musk còn tổ chức hàng loạt cuộc diễn thuyết khắp Pennsylvania, thu hút khán giả trẻ muốn thấy ông, nhưng chưa chắc đã biết nhiều về Trump. Rồi vào ngày 27.10, ông xuất hiện trong cuộc vận động tranh cử chủ điểm của Trump ở Madison Square Garden, New York, nơi ông còn được chú ý hơn đối tác tranh cử và con cái của Trump.
Một ngày trước bầu cử, Joe Rogan, chủ kênh podcast ăn khách nhất cả nước, phỏng vấn Musk, giống như với Trump tuần trước đó. “Thông điệp cho anh em mình,” Musk nói trong khi Rogan gật đầu như bổ củi, “là hãy bỏ phiếu như thể đây là chuyện sinh tử.” Rogan, vốn ủng hộ Bernie Sanders vào năm 2020, nói lần này ông ủng hộ Trump và khẳng định mình nhất trí với Musk ra sao. “Elon Musk vĩ đại và hùng mạnh,” Rogan sau này viết trên X. “Ông ấy đã đưa ra lập luận mà tôi nghĩ là thuyết phục nhất để ủng hộ Trump, và tôi hoàn toàn nhất trí.”
Musk không phải nhà tài phiệt duy nhất tăng được tài sản vào những ngày sau chiến thắng của Trump. Những người đại thắng còn có giới đầu tư vào công ty nhà tù tư nhân, tiền mã hóa và năng lượng hạt nhân. Họ tư duy theo kiểu có đi có lại của Trump và mua tài sản đợi ông thắng cử: Nhà tù tư nhân sẽ hưởng lợi nếu Trump truy quét và trục xuất hàng triệu người nhập cư; tiền mã hóa sẽ tăng nếu Trump lập dự trữ chiến lược tiền Bitcoin như đã hứa; và công ty năng lượng hạt nhân thì được Trump hứa sẽ cho xây thêm lò phản ứng mới.
Xét một số khía cạnh, Musk cũng ủng hộ Trump dựa trên logic tương tự. Khi tranh cử, Trump đề xuất chính phủ của ông sẽ bỏ tiền cho kế hoạch sứ mệnh lên sao Hỏa bằng phi thuyền có người lái vào năm 2028 - khoản cược có thể trị giá nhiều tỉ đô la, thậm chí là nhiều chục tỉ đô la, cho SpaceX, vốn hiện đã phóng tên lửa cho NASA và Bộ Quốc phòng rồi.
Một khoản có đi có lại khác còn trực tiếp hơn liên quan tới Starlink, dịch vụ internet vệ tinh thuộc sở hữu của SpaceX. Musk đã lớn tiếng than phiền về việc bị loại ra trong chương trình trợ cấp 42,5 tỉ đô la thông qua dưới thời Tổng thống Joe Biden chi trả cho cáp quang băng thông rộng ở vùng nông thôn Mỹ. Thay vì dùng tiền lắp cáp, chính quyền lẽ ra nên đưa một phần tiền cho Musk, theo Blair Levin của New Street Research, hãng nghiên cứu viễn thông. Và tiền Musk không tiêu xài có thể được trả lại cho bộ Tài chính Mỹ, để cho thấy chính quyền chi tiêu hiệu quả.
Những khoản có đi có lại khác giữa Musk và Trump có tính đầu cơ lớn tới mức gần như hão huyền. Giá cổ phiếu Tesla đã tăng mạnh có vẻ do nhận định rằng Trump sẽ đơn phương hợp pháp hóa công nghệ robotaxi của công ty này - tuyên bố mà Musk đưa ra trong cuộc gọi báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất của Tesla, vài tuần trước cuộc bầu cử. “Nếu có Bộ Hiệu quả chính phủ, thì tôi sẽ cố gắng biến điều đó thành sự thật,” Musk nói và cho biết thêm là quy định chung sẽ được áp dụng cho mọi công ty xe hơi, chứ không chỉ Tesla. Vấn đề nằm ở chỗ Tesla chưa thực sự phát triển được robotaxi hoạt động hữu hiệu, hay thậm chí là có dấu hiệu làm được như thế.
Hơn nữa, trong khi nhiều nhà đầu tư vào Tesla đúng là kiểu cử tri của Trump hay người hâm mộ Musk, những người thực sự mua xe điện của Musk lại thuộc tầng lớp trung lưu trung dung về chính trị quan tâm tới biến đổi khí hậu. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Trump, khách hàng của Tesla đáp lại lệnh cấm của ông với người nhập cư Hồi giáo bằng cách hủy đơn hàng, dù lúc đó Musk chỉ có liên hệ gián tiếp với chính quyền Trump. Lần này phản ứng chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra còn có vấn đề mối quan hệ cá nhân giữa Musk và Trump. Gần như mọi lãnh đạo kinh doanh nhiều ảnh hưởng gần gũi với Trump rồi sẽ bị xua đuổi trong hổ thẹn. Những người ảnh hưởng được lên Trump thường chỉ duy trì được ảnh hưởng đó hết sức ngắn ngủi, tới mức có tên gọi riêng chỉ họ: “Scaramucci,” ý chỉ nhiệm kỳ 10 ngày của Anthony Scaramucci, nhà đầu tư và cựu tri kỷ của Trump, trong vai trò thư ký báo chí Nhà Trắng hồi năm 2017. “Elon Musk và những người khác, ngay bây giờ thì đang mê đắm với Donald Trump,” Scaramucci nói trong cuộc phỏng vấn qua radio vào đầu tháng 11.2024. “Nhưng họ sẽ rơi xuống địa ngục cùng ông ấy. Vấn đề chỉ là thời gian thôi.”
Ngay cả nếu Musk có ảnh hưởng lâu dài hơn Scaramucci, và ngay cả nếu các doanh nghiệp của ông vượt qua được cuộc tẩy chay của khách hàng, thì cả Musk lẫn Trump đều bị căm ghét vô cùng. (Thăm dò của NBC News vào cuối tháng Chín cho thấy mức độ ủng hộ Musk là 34%; tính tới ngày 11.11, kết quả thăm dò trung bình của FiveThirtyEight với Trump là 44%.) Và đó là trước các sắc thuế và lệnh trục xuất. Nếu Trump muốn làm đúng lời hứa của Musk cắt giảm hơn hai ngàn tỉ đô la từ ngân sách liên bang, gần như chắc chắn sẽ phải cắt giảm chương trình an sinh xã hội và một số chương trình được lòng dân khác của chính quyền. Điều đó sẽ gây phản đối dữ dội, không chỉ từ phe Dân chủ, mà từ cả phe Cộng hòa, vốn đang kiểm soát quốc hội với khoảng cách mong manh.
Musk có thể đang cư xử như một nhà tài phiệt đắc cử, nhưng ở Mỹ không có chế độ tài phiệt lãnh đạo. Ít ra là chưa có.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/elon-musk-dau-tu-vao-trump-va-thang-lon-52660.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media