Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Sự trở lại của chiến tranh thương mại và cách thức điều hành-qua-tweet.
Tổng thống đắc cử Trump. Hình ảnh: Hannah Beier/Bloomberg
Tác giả: Brooke Sutherland
17 tháng 12, 2024 lúc 4:35 PM
Các lập đoàn lớn luôn muốn tình hình dễ đoán, và chính sách kinh tế chủ yếu của thời Donald Trump sẽ là sự hỗn loạn. Dù là mối đe dọa những sắc thuế mới mạnh tay trả đũa các doanh nghiệp không ủng hộ ông, giới CEO và những kế hoạch chu đáo của họ một lần nữa sẽ lại bị đảo lộn vì ông Trump, nhà lãnh đạo vốn đang quyết tâm sắp xếp lại nền kinh tế Mỹ.
Ông Trump đã hứa sẽ rút lại nhiều quy định kinh doanh, điều mà các công ty nói chung là thích, nhưng như nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông đã thể hiện, thôi thúc xé bỏ luật lệ của ông có thể là hết sức bừa bãi.
Phần lớn giới lãnh đạo kinh doanh không muốn bốn năm nữa như thế này. Các cựu CEO của DuPont, Ford và PepsiCo đã cùng nhiều người khác ký vào lá thư trước bầu cử bày tỏ mong muốn thấy ông Trump thua. Nhiều lãnh đạo kinh doanh hiện giờ cũng suy nghĩ tương tự, nhưng chỉ là khéo léo không công khai nói ra. Sau khi ông Trump thắng, “nhiều lời chúc mừng nặng ký” bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội X của Elon Musk, chủ yếu từ giới lãnh đạo công nghệ vốn thường là mục tiêu chỉ trích của ông Trump.
Giới lãnh đạo kinh doanh đã trao đổi với Bloomberg Businessweek đều nói họ cảm thấy nhiệm kỳ hai của ông Trump cũng sẽ “có đi có lại” như nhiệm kỳ đầu. Như vậy cách ứng phó là giới lãnh đạo kinh doanh phải tích cực ve vãn Nhà Trắng hay Mar-a-Lago, đồng thời xác định rõ lập trường “Nước Mỹ trên hết,” lấy ví dụ như tuyên bố mở một nhà máy ở Mỹ (bất chấp dự án đó có thành hiện thực hay không.) Một ví dụ tốt là sự kiện năm 2019, khi CEO của Apple Tim Cook vận động thành công ông Trump khi ăn tối ở khu resort chơi golf của tổng thống tại Bedminster, New Jersey, qua đó ông chấp nhận miễn trừ cho một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không bị áp thuế quan. Đổi lại, ông Cook hùa theo khi ông Trump nhận công với việc mở một nhà máy ở Austin vốn đã lắp ráp máy tính từ thời Barack Obama và một khu phức hợp khác trị giá một tỉ đô la Mỹ của Apple mà công ty đã công bố từ trước khi ông Trump lên.
Nhưng công ty Boeing lại là câu chuyện cảnh giác. Ông Trump đã thuyết phục được công ty này giảm giá cho phi đội Air Force One trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, điều mà ông đã khoe trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News hồi tháng Mười. Nhưng ông lại không nói là Boeing đã thua lỗ gần ba tỉ đô la Mỹ và mất các hợp đồng trị giá bốn tỉ đô la nữa vì chi phí phát sinh và trì hoãn do các thỏa thuận giảm giá này.
Hầu hết các công ty đã rút tỉa kinh nghiệm từ sai lầm của Boeing, và những doanh nghiệp đủ sức ảnh hưởng hay có người vận động hành lang phù hợp có hy vọng tránh được tai họa. Ngoài ra, do phe Cộng hòa đã kiểm soát quốc hội, vấn đề giảm thuế cho doanh nghiệp sẽ được đặt ra, giúp bù đắp phần nào cho tổn thất vì thương chiến leo thang và những lộn xộn của hoạt động quản trị nhà nước qua Twitter. Nhưng các CEO, giống như hầu hết chúng ta, cũng thừa nhận rằng họ thực sự không biết nhiệm kỳ Trump thứ hai rồi sẽ thế nào. Tình hình trước cuộc bầu cử là “hết sức hỗn loạn,” theo lời Nicholas Pinchuk, CEO của Snap-on, hãng sản xuất công cụ có trụ sở ở Kenosha, Wisconsin, với khoảng 13 ngàn nhân công. “Không một ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi có thể dự báo, nhưng dự báo không dễ chịu chút nào.”
Các khoản thuế quan theo lời đe dọa của ông Trump – vốn sẽ áp thuế 60% với hàng nhập khẩu Trung Quốc, nhiều rào cản với hàng Mexico, và 10-20% với các đối tác thương mại khác – sẽ gây ra hỗn loạn đặc biệt với nền kinh tế. Nhưng cả giới đầu tư lẫn sản xuất đều không có vẻ coi lời đe dọa đó là nghiêm túc. Những con số lớn như vậy nhiều khả năng là chiến thuật thương lượng, chứ không phải chính sách cuối cùng, và các doanh nghiệp tự tin rằng họ có thể chuyển chi phí phát sinh lại cho người tiêu dùng, theo lời Katie Nixon, giám đốc đầu tư ở Northern Trust Wealth Management. “Hoạt động thương lượng hẳn đang diễn ra quyết liệt, khi ông Trump làm nhiệt độ tăng lên,” bà nói. “Đây không phải là màn đi tàu lượn đầu tiên của chúng tôi.”
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump thường xuyên chê bai Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (Nafta) và nói nó mang lại lợi ích bất công cho nền kinh tế Mexico. Ông đã thương lượng hiệp ước sửa đổi có hiệu lực vào năm 2020, nhưng không thuyết phục được các doanh nghiệp Mỹ thôi đầu tư vào nước láng giềng phương Nam. Thật ra, thuế quan ông đánh vào hàng Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất còn tăng đầu tư hơn nữa vào Mexico nhằm lách thuế và duy trì chi phí lao động thấp. Năm ngoái, Mexico vượt qua Trung Quốc trở thành nơi cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu gần 500 tỉ đô la.
Lennox International đã tham gia vào cuộc di cư kéo dài nhiều năm này. Công ty mở nhà máy ở Mexico năm nay để sản xuất máy điều hòa thương mại vì các nhà máy của họ ở Stuttgart, Arkansas, không kiếm ra được nhân công. A.O. Smith cũng đang chuyển dây chuyền sản xuất máy nước nóng không cần bồn chứa khỏi Trung Quốc, tới một cơ sở mới ở Mexico nhằm tránh thuế quan cao. Trên đường tranh cử năm nay, ông Trump đã đe dọa áp thuế quan 200% với sản phẩm của Deere & Co. nếu công ty này thực hiện đúng kế hoạch sản xuất một số thiết bị nông nghiệp ở Mexico, thay vì Iowa. Sau đó ông tuyên bố công ty đã hủy quyết định đó (sự thực là họ vẫn sẽ triển khai như kế hoạch).
Ông Trump hiện muốn chỉnh sửa lại một lần nữa Nafta, và đề xuất đánh thuế vào hàng nhập khẩu từ Mexico còn cao hơn từ Trung Quốc, bao gồm 200% với xe cộ và có thể tới 100% với các hàng hóa khác. Hệ quả kinh tế của những động thái như vậy có thể rất khủng khiếp. Vì tính đa dạng về địa lý và nhiều thập kỷ chuyển sản xuất ra nước ngoài, chuỗi cung ứng hiện đơn giản không thể chỉ hoàn toàn gồm sản phẩm sản xuất ở Mỹ. Ngay cả những công ty lắp ráp ở Mỹ cũng phải mua nguyên vật liệu thô hay linh kiện từ nước ngoài. Đánh thuế các nước khác còn làm tăng khả năng họ sẽ trả đũa. Siemens, hãng sản xuất khổng lồ của Đức vốn có 1/4 doanh số là bán ở Mỹ, đã bán ít nguyên vật liệu hơn cho Mỹ kể từ lần áp thuế quan trước của ông Trump, và cũng do những đảo lộn vì đại dịch, theo CEO Roland Busch. Điều chỉnh dòng xuất khẩu sẽ giảm bớt tác động từ các sắc thuế mới, nhưng ông Busch cũng nói thuế quan có cơ kéo giảm tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát tăng lên. “Đó đơn giản là cản trở thương mại,” ông Busch nói. “Chứ chẳng ích gì.”
Có lý do để tin rằng nhiều bình luận của ông Trump chỉ là hăm dọa suông. Ông sẽ không muốn là người bị quy trách nhiệm nếu một nhà máy ở vùng Trung Tây phải đóng cửa do phải mua linh kiện giá cao, theo Phillip Nelson, giám đốc phân bổ tài sản ở công ty tư vấn đầu tư NEPC. Nhưng cũng phải tính tới yêu tố là lần này, ông Trump không còn phải lo chuyện tái cử nữa.
Điều đã mang lại lợi ích cho các nhà máy Mỹ gần đây là hàng loạt khoản trợ cấp từ chính quyền Joe Biden cho mảng năng lượng sạch và sản xuất linh kiện bán dẫn trong các gói kích thích mà ông Trump đã hứa sẽ sửa đổi hoặc rút lại. Đó cũng là những tia hy vọng lạc quan hiếm hoi với một nền sản xuất đang trải qua giai đoạn cầu suy yếu kéo dài nhất ít ra là từ cuộc sụp đổ dot-com. Ở mức tối thiểu, tình trạng mờ mịt về chính sách sẽ khiến giới sản xuất tạm hoãn đầu tư. Còn tệ nhất, các dự án sẽ bị hủy hoàn toàn.
Luật pháp về kinh tế khí hậu dưới thời Biden đóng vai trò chủ chốt dẫn tới quyết định của GE Vernova đầu tư 50 triệu đô la vào nhà máy ở Schenectady, New York, và thuê mướn 200 lao động sản xuất turbine gió trên bờ, theo CEO Scott Strazik. Kể từ đó, ông Trump vẫn tiếp tục bác bỏ mối đe dọa biến đổi khí hậu và nói turbine gió tạo ra tiếng ồn, gây ung thư, và làm cá voi phát điên, tất cả những lý lẽ đó đều không có cơ sở khoa học. Dự án điện giớ ngoài khơi là mục tiêu chính của ông, và cũng là mảng GE Vernova sẽ gặp nhiều thách thức. Nhưng Strazik đã điều chỉnh chiến thuật và đầu tư sang các mảng năng lượng sạch khác: Mỹ cần thêm điện cho các nhà máy chip và trung tâm dữ liệu phục vụ mảng trí tuệ nhân tạo, và nếu họ không đầu tư vào công nghệ xanh, nước khác sẽ làm, theo Strazik. Ông thừa nhận giải tỏa căng thẳng chính trị liên quan tới năng lượng tái tạo là chuyện không dễ dàng. “Nhưng nếu tạo ra việc làm thì chắc là được,” ông nói.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/noi-hoang-mang-cua-lanh-dao-doanh-nghiep-my-52659.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media