Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Ý kiến
Mỹ đang ở giữa một “tình thế cách mạng”, theo tác giả của cuốn End Times.
Minh họa: Trevor Davis cho Bloomberg Businessweek. Hình ảnh: Getty Images (14).
Tác giả: Peter Turchin
17 tháng 12, 2024 lúc 3:15 PM
Một sử gia tương lai nhìn lại xu hướng xã hội và kinh tế thập kỷ vừa qua sẽ kinh ngạc trước tình trạng trục trặc của quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất. Bất chấp thay đổi công nghệ và mức tăng trưởng kinh tế khá, phúc lợi của hầu hết người Mỹ đã suy giảm. Thậm chí nhiều người thắng cuộc cũng đang lo lắng sâu sắc chuyện truyền lại được thành công cho con cái. Và chúng ta đang sống cùng đống nợ công không bền vững, mà chưa có giải pháp gì rõ ràng.
Vì vậy trong khi việc ông Donald Trump thắng cử là điều khiến nhiều người ngạc nhiên, những lực lượng nền tảng của biến cố đó đã tích tụ ít nhất là từ chiến thắng đầu tiên của ông vào năm 2016. Như tôi đã viết trong cuốn sách in năm 2023, End Times (Hồi kết), tình thế hung hiểm của chúng ta hiện giờ không phải là độc nhất vô nhị. Các xã hội con người phức tạp đã được tổ chức thành nhà nước từ khoảng 5.000 năm trước. Trong một thời gian, các xã hội đấy có thể trải qua những thời kỳ hòa bình và trật tự tốt đẹp, thường là khoảng một thế kỷ, nhưng không thể tránh khỏi, họ sẽ bước vào các giai đoạn bất ổn xã hội và phân rã chính trị - những hồi kết cho các xã hội như vậy. Đó là cuộc cách mạng Pháp và Nga, hay cuộc Nội chiến Mỹ.
Tại sao lại như vậy? Phân tích vài trăm cuộc khủng hoảng trong vài nghìn năm qua, nhóm nghiên cứu của tôi chỉ ra một hiện tượng chung: Tình thế “sản sinh ra quá mức giới tinh hoa.” Nói một cách đơn giản, đó là khi quá nhiều người muốn chen chân vào tầng lớp tinh hoa giành giật nhau số lượng cố định các vị trí quyền lực. Hiện tượng đấy giống như trò chơi chiếc ghế âm nhạc, với số ghế là không đổi, trong khi số người chơi ngày một tăng lên. Khi trò chơi diễn ra, số người thua cuộc giận dữ ngày càng đông đúc. Và một số người thua cuộc đấy biến thành những người “chống đối giới tinh hoa” - những người sẵn sàng thách thức trật tự cũ: những nhà cách mạng như Vladimir Lenin và những người Bolshevik ở Nga, hay Fidel Castro và những người Barbudo ở Cuba. Đây là lý do chính khiến các xã hội phức tạp đi tới hồi kết.
Tình trạng bần cùng hóa số đông - khi phúc lợi cho người bình thường ngày một suy giảm - là nguyên liệu quan trọng thứ hai dẫn tới khủng hoảng. Cùng với tình trạng sản sinh ra quá mức giới tinh hoa, đó là hai kết hợp bùng nổ, vì phong trào chống giới tinh hoa tổ chức lại và chuyển tâm trạng bất bình lan rộng của họ vào sứ mệnh lật đổ giai cấp thống trị.
Những tri kiến này giúp gì cho chúng ta khi tìm hiểu tình trạng hỗn loạn chính trị hiện giờ ỏ Mỹ? Nói đơn giản hóa, giai cấp thống trị Mỹ là liên minh của những người nắm giữ tài sản trên cao nhất (mà tôi gọi là tầng lớp Một Phần Trăm, cho tới gần đây, đại diện cho họ là đảng Cộng hòa) và những người có bằng cấp chuyên môn cao, hay bằng đại học ở các trường tốp đầu (nhóm 10 Phần trăm, đại diện là đảng Dân chủ). Cả hai đảng chính trị chủ lưu đều đã thay đổi nhanh chóng trong thập kỷ vừa qua. Điều này đặc biệt đúng với đảng Cộng hòa, vốn đã định vị mình là một đảng thật sự cách mạng ủng hộ chủ nghĩa dân túy cánh hữu, theo một số người, hay là đảng chân chính của nhân dân lao động, theo một số người khác.
Quá trình chuyển đổi này bắt đầu với chiến thắng bất ngờ của ông Trump năm 2016. Ông Trump tất nhiên không phải là một nhà cách mạng; ông là doanh nhân khởi nghiệp tham gia chính trị, người đã lợi dụng được tâm trạng bất mãn, nhất là của người Mỹ da trắng không có bằng đại học, để đưa mình lên nắm quyền lực. Tuy nhiên, khi đã nắm quyền, ông tìm cách thực hiện đúng lời hứa của mình (điều rất khác với các chính trị gia lâu đời). Không phải mọi sáng kiến ông đề xuất đều đi ngược lại lợi ích của giai tầng thống trị. Luật pháp về thuế của ông đã khiến thuế khóa càng có tính lũy thoái hơn nữa. Nhưng trên những mặt trận khác, ông đã chống đối trực tiếp những ưu tiên của giai tầng tinh hoa kinh tế. Những tội lỗi lớn nhất của ông là chính sách chống nhập cư (giới tinh hoa thích nhập cư, do nó giúp kềm chế lương bổng của người lao động), bác bỏ lý luận chính thống về thị trường tự do kiểu Cộng hòa truyền thống mà ủng hộ nhà nước can thiệp qua chính sách công nghiệp, quan điểm nghi ngờ NATO và không muốn khởi phát xung đột ở nước ngoài.
Năm 2020, giai tầng thống trị ở Mỹ đã trấn áp được cuộc cách mạng. Đảng Dân chủ cũng có phe dân túy của riêng họ và trở thành đảng của giai cấp thống trị - của nhóm 10 Phần trăm và 1 Phần trăm. Quá trình điều chỉnh lại ý thức hệ này thể hiện qua thực tế là bà Kamala Harris chi tiêu vượt xa ông Trump trong kỳ bầu cử mới rồi, cũng như sự ủng hộ dành cho bà từ các nhân vật Cộng hòa chủ lưu như Liz và Dick Cheney, hay những người tân bảo thủ như Bill Kristol. Trong khi đó, ông Trump đã thành công ấn tượng khi định hình lại phe Cộng hòa thành một đảng cánh hữu dân túy. Một số người Cộng hòa kiểu cũ vẫn chỉ trích ông đã về hưu, những người khác bị đánh bại trong các cuộc bầu cử, nhiều người chuyển phe, và phần còn lại đành lặng lẽ khuất phục nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy.
Dù truyền thông và các chính trị gia chủ lưu đều ám ảnh về Trump, ông thực ra chỉ là phần đỉnh của tảng băng. Những gì chúng ta đã thấy năm 2024 là tổng hòa của một liên minh chống giới tinh hoa đa dạng xoay quanh tên tuổi Trump. Một số người trong liên minh này, như JD Vance, lên nhanh như diều từ đội ngũ Cộng hòa bình thường. Những người khác, như Robert F. Kennedy Jr. và Tulsi Gabbard, đổi phe từ phía Dân chủ. Những người chống giới tinh hoa không làm chính trị bao gồm các nhân vật truyền thông, như Tucker Carlson, người đã bị sa thải ở Fox News nhưng sau đó mở một sô độc lập cực kỳ thành công trên X. Hay nhà tài phiệt Elon Musk, vốn bị truyền thông và giới chính trị gia chủ lưu căm hận vì đã tiếp quản Twitter (giờ là X) và sử dụng nền tảng đó để vận động cho ông Trump.
Tôi có thể nói mãi về chuyện này, nhưng vấn đề chính ở đây là điều đoàn kết phong trào chống tinh hoa (với nhiều cái tên tôi không nhắc ở đây) là họ chất chứa oán hận với tầng lớp thống trị. (Ta thậm chí tự nhủ không biết Barack Obama giờ có hối hận vì đã móc mỉa Trump trong tiệc báo chí Nhà Trắng năm 2011 hay không.)
Giai tầng thống trị Mỹ đã rơi vào tình thế hung hiểm từng xảy ra hàng ngàn lần trong lịch sử nhân loại. Nhiều người Mỹ bình thường không còn ủng hộ tầng lớp tinh hoa cai trị họ nữa. Theo lời Carlson, họ đã “giơ ngón tay thối vào mặt giai cấp thống trị Mỹ.”
Rất nhiều người khát khao vươn lên giai cấp tinh hoa có đủ điều kiện về năng lực, do thất vọng vì không thể làm được điều đó, trở thành lực lượng cảm tình viên đông đảo cho phong trào chống đối, vốn mơ về chuyện lật đổ chế độ hiện hữu. Hầu hết những người nắm giữ của cải đều không muốn hy sinh bất kỳ lợi thế cá nhân nào chỉ để duy trì nguyên trạng. Thế là ta có một “tình thế cách mạng.”
Với giai tầng thống trị, có hai con đường ra khỏi tình thế cách mạng này. Con đường thứ nhất là họ bị lật đổ. Còn con đường kia là giới tinh hoa thống trị phải ủng hộ những cải cách giúp tái cân bằng hệ thống xã hội, đảo ngược xu hướng bần cùng hóa dân chúng và sản sinh ra quá nhiều giới tinh hoa. Nó từng xảy ra một lần ở Mỹ, khoảng một thế kỷ trước với chính sách Kinh tế Mới của Franklin Delano Roosevelt.
Hai năm trước, tôi từng nêu câu hỏi: “Họ có thể làm vậy lần nữa không?” Sau cuộc bầu cử năm 2024, câu trả lời đang trở nên rõ ràng hơn. Nếu Trump và phong trào chống giới tinh hoa của ông thắng lợi, một khả năng đang ngày càng lớn, thì chúng ta sẽ bước vào thời kỳ thay thế giai tầng tinh hoa, thay vì những cải cách từ tốn.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/bau-cu-my-chien-thang-cua-phong-trao-chong-gioi-tinh-hoa-52655.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media