Giải pháp

Chính sách khí hậu sẽ tổn thất ghê gớm

Tổng thống đắc cử đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris và tăng cường sản xuất dầu khí.

Donald Trump tại một buổi vận động ở Potterville, Michigan, vào ngày 29 tháng 8. Hình ảnh: Brittany Greeson/The New York Times/Redux

Donald Trump tại một buổi vận động ở Potterville, Michigan, vào ngày 29 tháng 8. Hình ảnh: Brittany Greeson/The New York Times/Redux

Tác giả: Leslie Kaufman với Jennifer A. Dlouhy, Ari Natter và Greg Stohr

17 tháng 12, 2024 lúc 4:08 PM

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bày tỏ quan điểm rất rõ ràng: Nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ là cuộc tổng tấn công vào chính sách khí hậu thời Biden. Khi tranh cử, ông đã thề sẽ triển khai chính sách “cứ khoan thoải mái đi” cho ngành dầu mỏ và khí đốt, đồng thời chỉ trích kịch liệt ngành điện gió ngoài khơi. Ông tấn công đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của tổng thống Joe Biden, khoản đầu tư lớn nhất lịch sử cho khí hậu, là “trò lừa đảo xanh mới.” Và ông cam kết sẽ lại rút Mỹ khỏi nghị định thư Paris.

Ở nước ngoài, nhiều người lo sợ rằng chính quyền Mỹ mới sẽ “đập tan chính sách ngoại giao khí hậu cũ,” theo lời bà Rachel Cleetus, giám đốc chính sách khí hậu và năng lượng của liên minh khoa học gia quan ngại. Chiến thắng của ông Trump đã phủ bóng lên hội nghị khí hậu Liên hiệp quốc COP29. Các đại biểu ở đó đã hoang mang không biết đi lối nào trước viễn cảnh nước Mỹ rút lui.

2000x1334(2).jpg
Tổng thống Biden ký Đạo luật Giảm Lạm phát tại Nhà Trắng vào ngày 16 tháng 8 năm 2022. Hình ảnh: Sarah Silbiger/Bloomberg

Sẽ “xuất hiện khoảng trống để các đối thủ địa chính trị của Mỹ nhảy vào,” theo John Morton, cựu cố vấn của bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và đang là giám đốc điều hành ở công ty tư vấn và đầu tư về khí hậu Pollination. Vai trò lãnh đạo mảng khí hậu toàn cầu của Mỹ có thể sẽ chuyển sang Trung Quốc, hiện là nước phát thải lớn nhất (Mỹ thứ hai), nhưng cũng là thế lực lớn về năng lượng tái tạo.

Ở Mỹ, do phe Cộng hòa đã nắm cả ghế tổng thống và quốc hội, ông Trump sẽ có thể triển khai thay đổi nhanh chóng hơn nhiều so với khi phe Dân chủ nắm một hay cả lưỡng viện quốc hội. Dẫu vậy, chưa chắc là ông đã có thể xóa sổ hoàn toàn IRA.

Phần lớn khoản tiền hàng trăm tỉ đô la Mỹ tín dụng thuế theo IRA đã chảy vào các khu vực bầu cử Cộng hòa, mang tới hoạt động đầu tư và công ăn việc làm mà một số nghị sĩ Cộng hòa giờ chắc chắn không muốn bị hủy bỏ. Thật ra trước cuộc bầu cử này, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa đã gửi thư cho chủ tịch Hạ viện Mike Johnson lập luận chống lại việc rút lại những khoản trợ cấp. Và IRA cũng có những phần được lòng giới doanh nghiệp đại gia. Darren Woods, CEO của Exxon Mobil, nói ở COP29: “Chúng tôi nghĩ là IRA có nhiều điểm hợp lý.”

Nhưng nếu quốc hội không rút lại đạo luật, Bộ Tài chính dưới quyền Trump vẫn có thể viết lại quy định để một số khoản tín dụng thuế nhằm sản xuất hydrogen khó được giải ngân hơn, ngay cả khi khí đốt tự nhiên được sử dụng để tạo ra loại nhiên liệu sạch này. Những thay đổi tương tự có thể làm giảm số xe điện đủ tiêu chuẩn để hưởng khoản tín dụng thuế 7.500 đô lá.

IRA cũng khuyến khích đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Lĩnh vực đấy được lưỡng đảng ủng hộ và nhiều khả năng không bị tấn công, theo Costa Samaras, giám đốc viện Cách tân Năng lượng Wilton E. Scott, đại học Carnegie Mellon. Ông Biden “đã có khoản đầu tư lớn nhất vào điện hạt nhân trong vòng một thế hệ qua,” theo lời ông Samaras, vốn từng là quan chức ở văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng cho tới đầu năm nay. “Chính quyền tiếp theo cần tiếp tục những khoản đầu tư đó.”

Mỹ đã là nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới sáu năm liên tiếp, từ thời Trump 1.0 tới hết nhiệm kỳ Biden. Trump gần như sẽ chắc chắn hạ bớt rào cản với hoạt động khai thác dầu trên vùng đất và vùng nước công, cũng như cho thuê các vùng này nhiều hơn. Ông đã thề sẽ gỡ bỏ quyết định của ông Biden, vốn tạm ngưng cấp phép với hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Lựa chọn của ông Trump cho vị trí đứng đầu cục Bảo vệ môi trường (EPA), cựu hạ nghị sĩ New York Lee Zeldin, dự kiến sẽ làm đúng lời hứa đảo ngược hoặc nới lỏng nhiều quy định, giống như các quyết sách của ông Trump ở nhiệm kỳ đầu. Trên mạng xã hội, Zeldin nói ông sẽ nỗ lực “khôi phục ưu thế áp đảo về năng lượng của Mỹ, hồi sinh ngành công nghiệp xe hơi và mang việc làm trở lại cho người Mỹ, cũng như biến nước Mỹ thành lãnh đạo toàn cầu về AI.”

Có thể diễn đạt rằng mục tiêu của ông là các quy định thời Biden vốn hạn chế ngặt nghèo khí thải của xe cộ và tiêu chuẩn gây ô nhiễm của các nhà máy điện mới chạy bằng than đá và khí đốt. EPA hiện đang xây dựng quy định về khí thải cho các nhà máy chạy bằng khí đốt hiện hữu; dưới thời chính quyền mới, nỗ lực này có thể chấm dứt.

397336516.jpg
Trụ sở Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) tại Washington, DC, Mỹ. Hình ảnh: Eric Lee/Bloomberg

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã hứa sẽ “đập tan” nhà nước quan liêu, và nhiều nhân viên dài hạn ở EPA cùng các cơ quan khác có thể sẽ bị cho thôi việc. Hàng trăm nhà khoa học đã rời EPA trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Những người nghi ngờ biến đổi khí hậu đang thúc đẩy đội ngũ chuyển giao thách thức khoa học vốn là nền tảng cho quá trình ra quyết định của EPA.

Ông Trump cũng có thể lựa chọn bãi bỏ hay định nghĩa lại khái niệm “ngân hàng xanh” của bộ Năng lượng (cơ quan phụ trách là văn phòng các chương trình vay ưu đãi), một mục tiêu của ông trong nhiệm kỳ đầu. Văn phòng này đã bơm hàng trăm tỉ đô la qua IRA cho các khoản vay công nghệ sạch. Nhưng toàn bộ khoản tiền chưa giải ngân hết, và ông Trump có thể điều hướng phần còn lại vào các dự án nhiên liệu hóa thạch.

Dù chính sách môi trường của ông có ra sao, nhiều khả năng ông Trump sẽ vấp phải thách thức về pháp lý. Ông đã định hình lại nhánh tư pháp trong nhiệm kỳ đầu khi bổ nhiệm ba thẩm phán có quan điểm bảo thủ vào Tòa Tối cao và vài chục thẩm phán ở các tòa cấp thấp hơn. Những vị này có thể cảm thông với các nhóm đang thách thức quy định môi trường hiện hữu. Nhưng tòa án cũng có thể sẽ cản đường ông Trump. Trong một diễn biến trớ trêu, chính quyền mới hiện có thể bị trói tay bởi phán quyết chấn động của Tòa Tối cao vào tháng Sáu thu hẹp phạm vi quyền lực của các cơ quan liên bang trong việc diễn giải những điều luật chưa rõ ràng.

Nếu có tin nào có thể coi là tốt cho khí hậu, thì đó là kinh tế năng lượng sạch giờ đã là khó thể ngăn cản. Điện mặt trời hiện là nguồn điện rẻ nhất, theo Joseph Shapiro, giáo sư về thương mại và môi trường ở đại học California, Berkeley. “Bức tranh tổng thể,” ông Shapiro nói, “là quá trình chuyển dịch năng lượng ở Mỹ có thể không ở tốc độ tối đa, nhưng vẫn tiếp tục.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chinh-sach-khi-hau-se-ton-that-ghe-gom-52657.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media