Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Các giám đốc điều hành cho biết mối quan tâm của Trump đối với thị trường chứng khoán sẽ vượt qua những ý tưởng kinh tế nguy hiểm của ông.
Tờ tiền 1 USD chưa cắt với chữ ký của Bộ trưởng Tài chính đầu tiên dưới thời Donald Trump, Steven Mnuchin, vào năm 2017. Hình ảnh: Andrew Harrer/Bloomberg
Tác giả: Max Abelson
17 tháng 12, 2024 lúc 3:32 PM
Tiên đoán của David Bahnsen về chuyện ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng khá lạc quan, và cũng là một đánh giá tâm lý học: Vị tổng thống đắc cử rất muốn hòa nhập vào giới tinh hoa tài chính ở Manhattan, tới mức ông sẽ không dám làm tổn hại tới tài sản của họ. “Cả cuộc đời trưởng thành, ông ấy đã phải sống với cảm giác là kẻ ngoài lề ở Manhattan, chưa bao giờ nhận được sự tin tưởng hay tôn trọng mà ông ấy thấy mình xứng đáng,” theo lời Bahnsen, chủ của hãng tài chính đang quản lý lượng tài sản trị giá 6,5 tỉ đô la Mỹ, Bahnsen Group. Thị trường chứng khoán đóng vai trò hàn thử biểu: “Trump sẽ không dám để chỉ số Dow Jones giảm.”
Lối tư duy tích cực đó là phổ biến ở Phố Wall kể từ khi ông Trump chiến thắng nhiệm kỳ hai. Giới chủ ngân hàng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành và đội ngũ cố vấn đều rất mong đợi việc nới lỏng quy định kinh doanh và cắt giảm thuế mà ông Trump hứa. Và trong khi lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn cho thấy một số nhà đầu tư đang lo ngại về các khoản thâm hụt ngân sách lớn hơn và lạm phát có nguy cơ tăng lên do những cam kết của ông Trump về trục xuất hàng loạt và thuế quan mạnh tay, những người lạc quan nghĩ ông sẽ không làm như mình nói. Họ thậm chí có vẻ thấy yên tâm với phong cách hỗn loạn của ông Trump, do cho rằng những ngoắt ngoéo và thay đổi của ông có nghĩa là ông đã rút lại những kế hoạch tai hại nhất.
Tâm trạng lạc quan đó là chung. Bitcoin đã tăng mạnh nhờ ông Trump, vài tuần trước cuộc bầu cử, đã quảng bá cho một dự án tiền mã hóa cùng một cựu nhân viên bán thuốc rửa ruột một thời từng tự gọi mình là “giẻ rách của internet.” Giới đầu tư đang ve vãn các cổ phiếu ngân hàng lớn nhất, họ đặt cược rằng nhờ dỡ bỏ các quy định kinh doanh, Trump sẽ mở ra thời đại mới cho hoạt động mua bán sáp nhập. Thị trường chứng khoán nói chung cũng tăng, một phần nhờ vào đề xuất của ông Trump giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống chỉ còn 15% từ mức 21%, bãi bỏ 10 quy định với mỗi quy định mới được ban hành và sa thải chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ Gary Gensler ngay ngày đầu làm tổng thống.
Mark Zandi, kinh tế gia trưởng ở Moody’s Analytics, cảnh báo tình trạng giới đầu tư quá hăng hái khiến giá cổ phiếu tăng quá cao. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có ngày chúng ta phải ăn năn, nhưng lúc đó thì đã quá muộn,” ông nói.
Một số người đang bày tỏ quan ngại về tác động khả dĩ từ kế hoạch của Trump. Nathalie Molina Niño, người đồng sáng lập và chủ tịch hãng quản lý tài sản Known, chuyên nhắm vào làm việc tử tế cho hành tinh và con người, nói các khoản giảm thuế không bù đắp được cho chính sách gây hại cho môi trường và nền kinh tế của ông Trump. “Sẽ có nhiều hậu quả kinh tế với việc trục xuất hàng loạt những người lao động thiết yếu,” bà nói.
Nhưng những người khác, bao gồm cả Nouriel Roubini, nhà tư vấn kinh tế vĩ mô suy nghĩ u ám biệt danh “tiến sĩ dự báo tai họa”, cũng tỏ ra bình tĩnh. Roubini nói với Bloomberg Television rằng ông Trump ưu ái thị trường tự do, và với những cố vấn phù hợp, ông có thể hạn chế những hành động cực đoan và khiến các chính sách thực tế trở nên “trung dung hơn.”
Hai lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu ở Phố Wall xin giấu tên cũng bày tỏ lạc quan. Một người là cựu chủ ngân hàng từng có nhiều năm làm việc với Trump. Ông nói quy định thông thoáng hơn và vị chủ tịch Ủy ban Thương mại liên bang Lina Khan, kình địch của giới doanh nghiệp, dự kiến sẽ được cho nghỉ là lý do giúp các ngân hàng có thêm lợi nhuận để theo đuổi hoạt động sáp nhập và thâu tóm. Và chủ nghĩa bảo hộ kiểu Trump có thể chỉ là nói mà không làm. Vị lãnh đạo thứ hai, trong ngành vốn tư nhân, nói giới chủ ngân hàng và giới đầu tư vốn mạo hiểm đang bận rộn chuẩn bị cho các thỏa thuận mới vì quá trình gỡ bỏ luật lệ đã rất gần. Còn về các lực đa đạng và phức tạp gây ra lạm phát thì sao? Ông nói đó là chuyện mơ hồ và còn xa.
Nhà đầu tư và lãnh đạo kinh doanh Tom Glocer, giám đốc mảng đầu tư độc lập ở Morgan Stanley, chắc chắn là các đánh giá chống độc quyền với những vụ thâu tóm “sẽ đỡ ngặt nghèo hơn, và quan trọng hơn, không gây ra hiệu ứng gây sợ hãi.” Nhưng ông cũng lo rằng thị trường dễ đón nhận kiểu thay đổi tích cực đấy hơn là “rủi ro hỗn loạn.” Giới đầu tư hiện chưa thể phán đoán xác suất tai họa xảy ra nếu, nói ví dụ, ông Trump không chịu thôi chức sau nhiệm kỳ hai, như ông đã từng làm trong nhiệm kỳ đầu.
Vậy tại sao các thị trường vẫn tăng? Vì giới đầu tư nghĩ rằng chính thị trường sẽ khiến ông Trump hành xử hợp lý. Tất nhiên, đó là kiểu tư duy lòng vòng rất dễ dẫn tới đoản mạch.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/pho-wall-khong-lo-lang-52656.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media