Kinh tế

Việt Nam chiếm lợi thế nhờ ký sớm thỏa thuận với chính quyền Trump

Cuộc chạy đua của Việt Nam nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại với chính quyền Trump – dù các điều khoản vẫn chưa rõ ràng – đã giúp nước này giành ưu thế trước các đối thủ trong khu vực, theo ông Ted Osius, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ–ASEAN.

Hình ảnh: Linh Phạm/Bloomberg

Hình ảnh: Linh Phạm/Bloomberg

Tác giả: Francesca Stevens và Nguyễn Diệu Tú

05 tháng 7, 2025 lúc 11:53 AM

“Thông điệp từ chính phủ Việt Nam rất rõ ràng ở mọi giai đoạn: chúng tôi muốn tiếp tục làm ăn với Mỹ,” ông Osius nói trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi quay lại Việt Nam để thành lập văn phòng đại diện của hội đồng tại TP. Hồ Chí Minh. Cách tiếp cận của Hà Nội, theo ông, là “chúng tôi sẽ đàm phán, không trả đũa, và sẽ đặt nhiều vấn đề lên bàn thương lượng.” Ông Osius từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2014–2017.

Các nhà đàm phán đang hoàn tất các điều khoản của khung thỏa thuận thương mại mà tổng thống Donald Trump công bố hôm thứ Tư, trong đó áp thuế 20% lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam, và 40% lên các mặt hàng bị coi là chuyển khẩu qua Việt Nam – chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, nước cung cấp nhiều linh kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tại quốc gia láng giềng phía nam.

Thông báo của tổng thống Trump đã phần nào giảm bớt áp lực đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, vốn đang lo ngại phải chịu mức thuế lên đến 46%. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa công bố chi tiết, cho thấy quá trình thương lượng vẫn đang diễn ra.

Chính quyền Mỹ đã gây áp lực buộc Hà Nội phải mạnh tay hơn với gian lận thương mại, ngăn chặn hàng Trung Quốc bị tái đóng gói và trung chuyển qua Việt Nam nhằm né thuế cao, và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tháng trước từng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn nhất của mình – một thách thức không nhỏ cho giới lãnh đạo Việt Nam.

Dẫu vậy, cách tiếp cận của Việt Nam đã đưa nước này đi trước các quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. “Bạn không muốn là người đến sau cùng,” Osius nói. “Nếu bạn là quốc gia thứ 100 mới bước vào bàn đàm phán thì không còn nhiều dư địa để xoay xở nữa.”

Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng ngay khi ông Trump áp một trong những mức thuế đối ứng cao nhất vào ngày 2 tháng 4. Trump cho biết Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã gọi điện đề nghị dỡ bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu của Mỹ, nay trở thành một phần trong thỏa thuận.

Việt Nam nhiều lần cam kết mua thêm hàng hóa đắt tiền từ Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay. Tháng trước, hai bên đã ký thỏa thuận mua 3 tỉ USD nông sản Mỹ, tuy nhiên các thương vụ lớn khác vẫn chưa thành hiện thực.

Điều đó có thể thay đổi khi ông Tô Lâm thăm Mỹ, Osius nói. Bloomberg News trước đó đưa tin một chuyến thăm Nhà Trắng đang được lên kế hoạch trong vài tuần tới, dù chưa có ngày cụ thể.

Theo ông Osius, những thương vụ mua sắm quốc phòng vốn được thảo luận từ lâu có thể được đưa lên bàn đàm phán. Ngoài máy bay vận tải quân sự C-130 của Lockheed Martin, Việt Nam có thể đang quan tâm đến các thiết bị bay và hàng hải không sử dụng người lái của Mỹ để giám sát vùng biển thuộc chủ quyền tại Biển Đông, nơi có một số khu vực đang tranh chấp.

“Thỏa thuận càng lớn thì khả năng được đón tiếp cấp cao càng cao,” ông Osius nhận định. “Chính quyền này hoạt động khá thực tế và tôi nghĩ nếu bạn sẵn sàng ký những hợp đồng lớn, thì bạn sẽ nhận được một chuyến thăm cấp cao tương xứng.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/viet-nam-chiem-loi-the-nho-ky-som-thoa-thuan-voi-chinh-quyen-trump-53665.html

#thỏa thuận
#thuế quan
#Trump
#Việt Nam
#Mỹ

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media