Kinh tế

Thỏa thuận với Việt Nam cho thấy mức thuế áp lên Trung Quốc sẽ không dưới 40%

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam hé lộ chiến lược thuế của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc, cho thấy mức thuế sẽ không dưới mức 40%.

Tác giả: Bloomberg News

04 tháng 7, 2025 lúc 1:00 PM

Tóm tắt bài viết

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Việt Nam cho thấy mức thuế có thể lên tới 40% đối với hàng hóa "trung chuyển", dấu hiệu về mức thuế tối thiểu Mỹ có thể áp cho Trung Quốc.

Ông Gabriel Wildau, giám đốc điều hành của Teneo, nhận định mức thuế 40% có thể phản ánh quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump về mức thuế phù hợp cho Trung Quốc.

Trung Quốc và Mỹ đạt thỏa thuận thương mại tạm thời đến giữa tháng 8, Trung Quốc nối lại xuất khẩu đất hiếm và Mỹ nới lỏng hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng.

Ông Christopher Beddor, phó giám đốc Gavekal Research, cho biết Trung Quốc sẵn sàng thỏa thuận về fentanyl, nhưng khó khiến Mỹ giảm thuế xuống dưới 40% cho Trung Quốc.

Bà Hà Vịnh Tiền, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, tuyên bố sẽ đáp trả nếu thỏa thuận nào gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, liên quan đến thỏa thuận Mỹ - Việt Nam.

Tóm tắt bởi AI HAY

Thỏa thuận thương mại mới ông Trump ký kết với Việt Nam phát đi tín hiệu rõ ràng về mức thuế mà Mỹ có thể áp dụng với hàng hóa Trung Quốc, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp diễn sau thỏa thuận đình chiến gần đây.

Hiện hàng hóa Trung Quốc đang chịu mức thuế khoảng 55%, và nhiều khả năng sẽ duy trì đến hết tháng 8. Tuy nhiên, theo thỏa thuận mới với Việt Nam, Mỹ sẽ áp thuế 20% với hàng xuất khẩu từ nước này, cùng mức cao hơn 40% với hàng hóa bị coi là “trung chuyển” — một động thái nhằm vào hành vi chuyển hàng qua Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu, vốn ngày càng phổ biến kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đầu tiên.

Bằng cách siết chặt các kẽ hở này, chính quyền ông Trump phát đi thông điệp về cấu trúc của bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc trong tương lai. Mức thuế 40% đối với hàng trung chuyển cho thấy rằng, ngay cả khi thuế với Trung Quốc được giảm, chúng khó có khả năng hạ xuống dưới ngưỡng này.

“Nhiều khả năng con số 40% trong thỏa thuận với Việt Nam phản ánh quan điểm rộng hơn của chính quyền ông Trump về mức thuế phù hợp dành cho Trung Quốc, và điều này cũng sẽ được phản ánh trong các thỏa thuận song phương khác,” ông Gabriel Wildau, giám đốc điều hành tại Teneo chuyên phân tích rủi ro chính trị tại Trung Quốc, nhận định. “Tuy nhiên, tôi nghi ngờ việc ông Trump đặt ra một ranh giới cụ thể cho mức thuế tối thiểu áp với Trung Quốc.”

Tháng trước, Bắc Kinh và Washington đã đạt được một khuôn khổ thỏa thuận thương mại sau các cuộc đàm phán tại London. Thỏa thuận này có hiệu lực đến giữa tháng 8. Theo đó, Trung Quốc đồng ý nối lại xuất khẩu đất hiếm — nguyên liệu thiết yếu để sản xuất tua-bin gió, xe điện và thiết bị quân sự. Đổi lại, Mỹ sẽ nới lỏng một số hạn chế xuất khẩu đối với ethane, phần mềm thiết kế chip và linh kiện động cơ phản lực.

Thuế của Mỹ đối với hàng Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh 145% hồi đầu tháng 4 xuống còn khoảng 55%. Tuy nhiên, mức thuế 20% vẫn được duy trì với các mặt hàng liên quan đến fentanyl. Đáp lại, Bắc Kinh đã siết kiểm soát hai tiền chất quan trọng trong sản xuất chất gây nghiện này — một trong số ít đòn bẩy rõ ràng mà Trung Quốc có thể dùng để tìm kiếm nhượng bộ thuế quan từ Mỹ.

“Con số 20% hiện là điểm trọng tâm thu hút sự chú ý lớn nhất,” ông Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Research cho biết. “Giới phân tích cho rằng chính phủ Trung Quốc rất sẵn lòng đạt thỏa thuận về vấn đề fentanyl. Họ đã phát tín hiệu như vậy trong nhiều tháng qua.”

Tuy nhiên, những nỗ lực này khó có thể khiến Mỹ hạ thuế với Trung Quốc xuống dưới mức 40% hiện đang áp cho Việt Nam. Nếu mức thuế của Trung Quốc giảm xuống còn 35%, chẳng hạn, nước này sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh và khuyến khích doanh nghiệp quay trở lại đây — điều đi ngược với mục tiêu dài hạn của ông Trump.

“Nếu Trung Quốc được áp mức thuế thấp hơn Việt Nam, điều đó chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp phải tính lại bài toán cạnh tranh. Nhưng cần phải nhớ rằng việc di chuyển nhà máy sản xuất không đơn giản như việc bật một công tắc,” ông Stephen Olson, cựu đàm phán thương mại Mỹ hiện làm việc tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định. “Từ góc nhìn của các doanh nghiệp Trung Quốc, không ai tin rằng một khi ông Trump đã đặt ra mức thuế, nó sẽ được duy trì lâu dài.”

Hiện tại, cả Washington và Bắc Kinh đều thể hiện thiện chí trong việc thực thi các điều khoản đã cam kết tại London. Chính quyền ông Trump đã dỡ bỏ yêu cầu giấy phép xuất khẩu gần đây đối với phần mềm thiết kế chip bán dẫn cho các giao dịch với Trung Quốc, đồng thời phê duyệt xuất khẩu ethane từ Mỹ sang Trung Quốc mà không cần thêm giấy tờ nào khác.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết các nam châm đất hiếm của Trung Quốc đang được xuất khẩu trở lại, dù chưa đạt mức như trước khi Bắc Kinh áp hạn chế hồi đầu tháng 4. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News ngày thứ Ba rằng Mỹ vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng hạn chế sau thỏa thuận London.

Cũng trong ngày thứ Năm (3.7), một quan chức cấp cao Trung Quốc đã đưa ra phát biểu tích cực hiếm hoi về quan hệ với Mỹ. Ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại của Trung Quốc, phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới rằng ông rất “lạc quan” về triển vọng quan hệ song phương.

“Trung Quốc nhận thức rõ những lợi ích mà hợp tác Trung – Mỹ mang lại,” ông Lưu nói. “Hợp tác giữa hai nước là đôi bên cùng có lợi. Việc dựng lên rào cản chỉ khiến cả hai bên cùng thiệt hại.”

Đàm phán khác

Bên cạnh Việt Nam, Bắc Kinh ngày càng thận trọng trước các nỗ lực của Mỹ nhằm ký kết những thỏa thuận thương mại có thể cô lập Trung Quốc. Khi thời hạn ngày 9.7 đến gần — thời điểm mức thuế “đối ứng” cao hơn của ông Trump chính thức có hiệu lực — các quan chức Mỹ đang đẩy mạnh đàm phán với các đối tác chủ chốt tại châu Á và châu Âu.

Washington đang vận động các thỏa thuận mới, trong đó có thể bao gồm giới hạn tỉ lệ linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc trong hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, hoặc các cam kết chống lại những hành vi bị Mỹ coi là không công bằng từ phía Trung Quốc. Ấn Độ, một quốc gia cũng đang tích cực đàm phán, hiện đang thương lượng về quy định “xuất xứ hàng hóa”.

Nhận định từ Bloomberg Economics...

“Câu hỏi được đặt ra lúc này là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao. Bắc Kinh đã khẳng định sẽ đáp trả nếu bất kỳ thỏa thuận nào gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, và việc Mỹ đồng ý áp thuế cao với hàng hóa bị coi là 'trung chuyển' qua Việt Nam có thể thuộc nhóm này. Với vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn cung cấp linh kiện chủ chốt cho sản xuất trong nước, bất kỳ biện pháp trả đũa nào từ phía Trung Quốc cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam.”

— Rana Sajedi và Adam Farrar

Bắc Kinh hôm thứ Năm cho biết đã ghi nhận thông tin về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, và hiện đang đánh giá tình hình.

“Chúng tôi hoan nghênh việc các bên giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua đàm phán bình đẳng, nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ thỏa thuận nào gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc,” bà Hà Vịnh Tiền, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, phát biểu tại buổi họp báo.

“Nếu tình huống như vậy xảy ra, Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình,” bà nói thêm.

Ông Stephen Olson cảnh báo không nên quá phụ thuộc vào thỏa thuận thương mại Mỹ – Việt để đánh giá cách Washington sẽ tiếp cận Bắc Kinh. Ông cho rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc có mức độ quan trọng cao hơn nhiều, bởi đây là cuộc cạnh tranh chiến lược và liên quan đến hàng loạt yếu tố địa chính trị lớn hơn.

Ngoài ra, sự chênh lệch quyền lực giữa hai bên trong đàm phán Mỹ – Trung cũng nhỏ hơn nhiều so với các thỏa thuận song phương khác.

“Bài học quan trọng mà Trung Quốc có thể rút ra từ thỏa thuận với Việt Nam, cũng như trước đó với Anh, là Mỹ đang sử dụng các cuộc đàm phán này như công cụ gây sức ép với Trung Quốc,” ông Olson nhận định. “Điều này có thể khiến Trung Quốc phải đánh giá lại một cách thận trọng hơn về những gì có thể đạt được với Mỹ trong những cuộc đàm phán sắp tới.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thoa-thuan-voi-viet-nam-cho-thay-muc-thue-ap-len-trung-quoc-se-khong-duoi-40-53641.html

#thỏa thuận thương mại
#Donald Trump
#Việt Nam
#thuế
#hàng hóa Trung Quốc
#đàm phán
#hàng xuất khẩu
#trung chuyển
#cuộc chiến thương mại
#fentanyl
#đất hiếm
#đối tác thương mại
#biện pháp trả đũa
#cạnh tranh chiến lược
#địa chính trị

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media