Kinh tế

Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Việt Nam áp thuế nhập khẩu 20%

Thỏa thuận được công bố sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư Tô Lâm, mở đường cho hàng hóa Mỹ vào Việt Nam và ngăn các mức thuế cao hơn.

Hình ảnh: Linh Phạm/ Bloomberg

Hình ảnh: Linh Phạm/ Bloomberg

Tác giả: Francesca Stevens, Nguyen Dieu Tu Uyen, và Jennifer A Dlouhy

03 tháng 7, 2025 lúc 9:08 AM

Tóm tắt bài viết

Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Việt Nam, theo đó áp thuế 20% với hàng hóa từ Việt Nam và 40% với hàng hóa bị nghi ngờ trung chuyển.

Đổi lại, Việt Nam đồng ý xóa bỏ toàn bộ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ với mức thuế bằng 0, theo thông tin từ ông Trump.

Tổng bí thư Tô Lâm đề xuất Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghệ cao trong cuộc điện đàm.

Năm ngoái, Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ sáu vào Mỹ, với kim ngạch gần 137 tỉ đô la, thặng dư thương mại đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mexico.

Việt Nam đề xuất xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu và cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ, bao gồm thỏa thuận trị giá 3 tỉ đô la cho hàng nông sản và dự án nghỉ dưỡng 1,5 tỉ đô la của Trump.

Tóm tắt bởi AI HAY

Ông Trump cho biết ông đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, trước hạn chót vào tuần tới có thể khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế cao hơn.

Theo ông Trump, Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với hàng hóa từ Việt Nam và 40% với các sản phẩm bị cho là được trung chuyển qua Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam đồng ý xóa bỏ toàn bộ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

“Nói cách khác, họ sẽ MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG CHO MỸ, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam với mức thuế bằng KHÔNG,” ông Trump viết trên mạng xã hội ngày 2.7. Tổng thống cho biết đã đạt được thỏa thuận này sau cuộc thảo luận với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo rằng trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư, ông Trump cam kết tiếp tục hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương. Tổng bí thư Tô Lâm đề xuất phía Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghệ cao.

Dù ông Trump đã công bố các nội dung chính của thỏa thuận, Nhà Trắng vẫn chưa phát hành văn bản chi tiết hay bất kỳ tuyên bố chính thức nào để xác nhận nội dung này. Một số điều khoản có thể vẫn đang được đàm phán. Trước đó, Mỹ và Anh đã công bố thỏa thuận thương mại vào đầu tháng 5, nhưng đến giữa tháng 6 ông Trump mới ký sắc lệnh thi hành, và nhiều điều khoản cụ thể vẫn đang được thương lượng.

Thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận thương mại thứ ba được công bố sau các thỏa thuận với Anh và Trung Quốc, trong bối cảnh các đối tác thương mại đang gấp rút đạt thỏa thuận với Mỹ trước hạn chót ngày 9.7. Đầu tháng 4, Mỹ từng áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam như một phần của chính sách thuế đối ứng được áp dụng với hàng chục quốc gia. Tuy nhiên sau đó, mức thuế này đã được giảm còn 10% để tạo điều kiện đàm phán.

Theo đánh giá của Bloomberg Economics, thỏa thuận với Việt Nam có thể khiến Trung Quốc trả đũa. “Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ đáp trả nếu các thỏa thuận với Mỹ gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, và việc Việt Nam đồng ý với mức thuế cao hơn cho hàng hóa bị xem là ‘trung chuyển’ có thể thuộc trường hợp này,” chuyên gia Rana Sajedi của Bloomberg viết trong một báo cáo nghiên cứu.

Việt Nam từng là bài toán khó với chính quyền ông Trump, bởi một số cố vấn hàng đầu của ông xem Việt Nam như đối tác chiến lược trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc ở châu Á. Đồng thời, hàng xuất khẩu của Việt Nam lại đóng vai trò thiết yếu đối với người tiêu dùng Mỹ.

Trong những năm gần đây, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh, một phần do nhiều nhà sản xuất chuyển dây chuyền từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á này là nhà cung cấp chính các mặt hàng dệt may và thể thao, với nhiều nhà máy sản xuất cho các thương hiệu như Nike, Gap và Lululemon.

Năm ngoái, Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ sáu vào Mỹ, với kim ngạch gần 137 tỉ đô la theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 35% khi các doanh nghiệp gấp rút đưa hàng lên tàu trước thời hạn áp thuế.

Sau tuyên bố của ông Trump, chỉ số S&P 500 tăng điểm, cổ phiếu các công ty nội thất và may mặc cũng tăng. Cổ phiếu của ON Holding, Nike và Lululemon đều tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong phiên.

Một số quan chức Mỹ muốn điều chỉnh mức thuế đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sao cho thấp hơn nhiều so với mức thuế áp lên Trung Quốc, nhằm khuyến khích doanh nghiệp rút hoạt động sản xuất khỏi quốc gia này.

Mức thuế cao hơn 40% được công bố hôm thứ Tư sẽ áp dụng đối với hàng hóa bị xem là “trung chuyển” — tức là các linh kiện từ Trung Quốc hoặc những nước khác được đưa qua Việt Nam hoặc chỉ qua khâu lắp ráp đơn giản trước khi xuất khẩu sang Mỹ.

Đây là mối quan tâm lớn đối với các cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, trong đó có Peter Navarro. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi tháng 4, Navarro gọi Việt Nam là “thực chất là một thuộc địa của Trung Quốc.”

Hiện chưa có đầy đủ thông tin về những mặt hàng cụ thể sẽ bị áp mức thuế cao này.

Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam năm ngoái chỉ đạt 15 tỉ đô la. Ông Trump bày tỏ kỳ vọng rằng thỏa thuận sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu ô tô sang Việt Nam.

“Cá nhân tôi cho rằng dòng xe SUV, hay còn được gọi là xe động cơ lớn, vốn rất được ưa chuộng tại Mỹ, sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho các dòng sản phẩm hiện có tại Việt Nam,” ông viết trên mạng xã hội Truth Social.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu ô tô Mỹ sang Việt Nam sẽ là một mục tiêu đầy tham vọng. Ngay cả các mẫu SUV do Mỹ sản xuất có giá rẻ hơn và kích thước nhỏ hơn cũng có thể vẫn đắt so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp — với thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.500 đô la, chỉ bằng một phần hai mươi so với Mỹ theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Điều đó hạn chế quy mô thị trường ô tô tại một quốc gia mà xe máy vẫn phổ biến hơn nhiều.

Ban đầu, ông Trump và đội ngũ của mình dự kiến sẽ tiến hành đàm phán song song với hàng chục đối tác thương mại. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, tổng thống và các cố vấn cho biết sẽ tập trung đàm phán với các nền kinh tế lớn và đơn phương áp thuế với các quốc gia nhỏ hơn hoặc không đạt được thỏa thuận.

Thỏa thuận với Việt Nam được chốt sau nhiều tuần thảo luận, trong đó Mỹ gây sức ép yêu cầu Việt Nam mạnh tay hơn trong việc chống gian lận thương mại, tăng cường kiểm soát việc trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc và loại bỏ các rào cản phi thuế quan.

Việt Nam đề xuất xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu và nhiều lần cam kết sẽ mua thêm hàng hóa Mỹ. Các quan chức cấp cao Việt Nam đã sang Mỹ để vận động và ký kết các hợp đồng, bao gồm một thỏa thuận trị giá 3 tỉ đô la cho hàng nông sản. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp như Nike và Gap để kêu gọi họ ủng hộ quá trình đàm phán.

Giới chức trong nước còn quảng bá kế hoạch phát triển khu nghỉ dưỡng cao cấp trị giá 1,5 tỉ đô la của Tập đoàn Trump — dự án sẽ bao gồm khách sạn 5 sao, sân golf và khu biệt thự trên diện tích hơn 990 hecta.

Eric Trump, con trai tổng thống, đã tham dự lễ khởi công dự án vào tháng 5, cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

— Với sự hỗ trợ của Malcolm Scott

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/my-dat-thoa-thuan-thuong-mai-voi-viet-nam-ap-thue-nhap-khau-20-53626.html

#Donald Trump
#Việt Nam
#thỏa thuận thương mại
#thuế
#Mỹ
#xuất khẩu
#gian lận thương mại
#Tập đoàn Trump

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media