Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang khi Bắc Kinh siết chặt xuất khẩu đất hiếm, đe dọa chuỗi cung ứng công nghệ và quốc phòng Mỹ.
Hình ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg
Tác giả: Bloomberg News
03 tháng 6, 2025 lúc 9:50 AM
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn chỉ vài tuần sau khi hai nước đạt thỏa thuận hạ thuế tại Geneva, lần này xoay quanh quyền tiếp cận chip và các loại khoáng sản hiếm. Bắc Kinh ngày càng cho thấy họ đang nắm ưu thế trong cuộc đối đầu mới này.
Tổng thống Donald Trump ngày thứ Sáu cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận đã ký vào tháng trước và yêu cầu sắp xếp một cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giải quyết căng thẳng.
Trọng tâm hiện nay là các loại khoáng sản thiết yếu, khi phía Mỹ chỉ trích Trung Quốc không đẩy nhanh xuất khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất thiết bị điện tử tiên tiến. Chính quyền ông Trump khẳng định việc giảm thuế chỉ diễn ra nếu Trung Quốc đồng ý nới lỏng kiểm soát một số loại đất hiếm.
"Chính phủ đang tích cực thúc đẩy đưa chuỗi cung ứng thiết yếu, bao gồm sản xuất nam châm, về Mỹ," thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố. "Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ việc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận thương mại Geneva, và Tổng thống Trump sẽ trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Tập trong thời gian tới."
Trong khi Trung Quốc tiếp tục siết chặt xuất khẩu các kim loại liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ, Washington lại đẩy mạnh các biện pháp hạn chế công nghệ. Trong vài tuần qua, Mỹ đã cấm xuất khẩu linh kiện động cơ phản lực sang Trung Quốc, chặn quyền tiếp cận phần mềm thiết kế chip và áp đặt các lệnh hạn chế mới đối với chip của Huawei.
Những động thái này đã khiến Bắc Kinh tức giận. Giới chức Trung Quốc hôm thứ Hai tuyên bố sẽ đáp trả, đồng thời cáo buộc Mỹ phá vỡ đồng thuận Geneva, khiến khả năng tổ chức cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo trở nên mong manh hơn.
Trong nhiều năm, Washington được cho là chiếm ưu thế trong cuộc đua kiểm soát công nghệ nhờ khả năng chi phối chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Tuy nhiên, ông Tập đang cho thấy quyết tâm phản công, phần nào thông qua việc siết quyền kiểm soát các loại khoáng sản chiến lược nhằm buộc Mỹ phải xóa bỏ hạn chế.
Dù chính quyền Trump chưa có dấu hiệu nhượng bộ, họ cũng nhận thấy việc tìm nguồn cung đất hiếm thay thế Trung Quốc có thể mất nhiều năm và gây tổn hại cho các ngành công nghiệp then chốt. Trung Quốc hiện sản xuất gần 70% lượng kim loại cần thiết để chế tạo máy bay chiến đấu, thanh điều khiển lò phản ứng hạt nhân và các công nghệ trọng yếu khác.
Theo ông Cory Combs, phó giám đốc tại công ty tư vấn Trivium China, Mỹ vẫn cần ít nhất mười năm nữa để hoàn toàn không phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm. Ông cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã phát triển được nhiều sản phẩm thay thế cho phần lớn chip của Mỹ.
"Hiện tại, đòn bẩy của Trung Quốc có tính bền vững cao hơn nhiều so với đòn bẩy của Mỹ," ông nói. “Tôi không chắc điều này sẽ kết thúc theo hướng có lợi cho Mỹ.”
Tranh chấp hiện tại có nguy cơ phá vỡ thỏa thuận đình chiến thương mại vốn rất mong manh giữa Washington và Bắc Kinh. Về lý thuyết, mức thuế có thể quay lại hơn 100% sau thời hạn đàm phán 90 ngày. Tổng thống Trump có động lực tránh kịch bản đó, nhất là khi kinh tế Mỹ vừa suy giảm đầu năm và thị trường tài chính biến động mạnh vì gánh nặng thuế quan.
Chiến tranh chuỗi cung ứng
Trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được tại Thụy Sĩ, Trung Quốc cam kết gỡ bỏ hoặc tạm dừng “các biện pháp trả đũa phi thuế quan áp lên Mỹ” sau khi Tổng thống Trump công bố loạt thuế trừng phạt hồi tháng Tư. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không công bố chi tiết các biện pháp này.
Tại Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu đất hiếm phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại. Quy trình này thiếu minh bạch và khó xác minh, cho phép giới chức dễ dàng điều chỉnh dòng chảy xuất khẩu một cách kín đáo, khó bị giám sát từ bên ngoài.
Việc xin giấy phép đã gây nhiều chậm trễ và chỉ mới có dấu hiệu cải thiện gần đây. “Chúng tôi ghi nhận một số trường hợp đã được cấp phép — chắc chắn vẫn chậm hơn kỳ vọng của ngành,” ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết. “Một phần chậm trễ liên quan đến việc Trung Quốc đang triển khai hệ thống mới.”
Với một số công ty Mỹ, nguồn cung đất hiếm không đến kịp để đáp ứng nhu cầu. Hồi tháng trước, Ford Motor đã buộc phải tạm thời đóng cửa một nhà máy ở Chicago vì thiếu linh kiện chứa đất hiếm. Tại một hội nghị hàng không quốc phòng Mỹ mà ông Combs vừa tham dự, đất hiếm là chủ đề nổi bật. Ông cho biết các đại biểu đã nhìn nhận mối đe dọa này một cách “rất nghiêm túc.”
Chính những lo ngại này cho thấy vì sao kiểm soát xuất khẩu đã trở thành trụ cột trong chiến lược “chiến tranh chuỗi cung ứng” của Trung Quốc. Biện pháp này có thể gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp Mỹ nhưng ít ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, đặc biệt là so với các biện pháp thuế quan.
Đòn bẩy của ông Tập càng mạnh hơn khi ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát đất hiếm lan rộng ra ngoài Mỹ.
Tuần trước, hãng sản xuất xe tay ga điện lớn nhất Ấn Độ Bajaj Auto cảnh báo rằng ngành sản xuất xe nước này có thể bị ảnh hưởng ngay từ tháng 7 nếu Trung Quốc không nối lại hoạt động xuất khẩu. “Nguồn cung và hàng tồn đang cạn kiệt từng ngày,” ông Rakesh Sharma, giám đốc điều hành của công ty, cho biết.
Ông Sharma cũng tiết lộ đã có hơn 30 hồ sơ xin xuất khẩu sang các doanh nghiệp Ấn Độ — nhưng chưa hồ sơ nào được duyệt. Một số doanh nghiệp từ một quốc gia châu Á lớn khác chỉ mới bắt đầu nhận được giấy phép vào tuần trước, theo một quan chức nước này.
Việc Trung Quốc siết chặt nguồn cung với cả các nước thứ ba cho thấy Tổng thống Trump đang đối mặt với rủi ro lớn hơn: các ngành chiến lược của Mỹ như pin và bán dẫn vẫn phụ thuộc vào Hàn Quốc và Nhật Bản về linh kiện. Nếu Bắc Kinh chặn nguồn đất hiếm đến các nước đồng minh này, doanh nghiệp Mỹ sẽ chịu tổn thất sâu hơn nữa.
Ông Ryosei Akazawa, trưởng đoàn đàm phán thương mại hàng đầu của Nhật Bản, sau vòng đàm phán mới nhất với đại diện Mỹ hôm thứ Sáu đã gọi đất hiếm là “một chủ đề chắc chắn mang tính sống còn đối với an ninh kinh tế.”
Chiến tuyến tiếp theo
Ngay trong cao điểm của cuộc chiến thương mại đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump, các khoáng sản thiết yếu đã được cảnh báo là mặt trận tiếp theo trong quan hệ Mỹ – Trung. Thời điểm đó, ông Tập đến thăm một trong những nhà sản xuất nam châm vĩnh cửu lớn nhất Trung Quốc — chuyến đi được nhiều người xem như lời cảnh báo ngầm.
Đến tháng 7 năm 2023, Bắc Kinh hiện thực hóa cảnh báo bằng việc áp lệnh hạn chế xuất khẩu đối với gallium và germanium — hai khoáng chất được dùng trong sản xuất chất bán dẫn — sau khi Mỹ tìm cách chặn quyền tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc.
Nhận thấy mối đe dọa, Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết xây dựng một chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh, từ khai thác đến sản xuất nam châm, để đáp ứng toàn bộ nhu cầu quốc phòng nội địa trước năm 2027.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải nhiều thách thức: thiếu trữ lượng có giá trị thương mại, thiếu kỹ sư được đào tạo, và thiếu doanh nghiệp có thể tồn tại với biên lợi nhuận thấp của ngành.
Bà Liza Tobin, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn rủi ro Garnaut Global, cho biết giới an ninh Mỹ đã nhận thức rõ sự phụ thuộc này từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp quy mô lớn. Dù vậy, bà nhấn mạnh, chính quyền Trump không có ý định nhượng bộ.
“Trong vài tuần qua, chính quyền đã tăng quyền lực cho Bộ Thương mại và mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu,” bà nói với Bloomberg Television.
Khả năng Mỹ bắt kịp Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng đầu tư của Washington. Tổng thống Trump đã bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài. Trong chuyến công du Trung Đông tháng trước, MP Materials — nhà sản xuất đất hiếm duy nhất của Mỹ — đã ký thỏa thuận với một tập đoàn khai khoáng hàng đầu của Ả Rập Saudi để phát triển chuỗi cung ứng.
Mỹ cũng có thể tăng cường hợp tác với Lynas Rare Earths của Úc — nhà sản xuất đất hiếm tách chiết lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, dù công ty này vẫn gửi một phần sản phẩm sang Trung Quốc để tinh luyện. Trong khi công suất sản xuất đang tăng tại Brazil, Nam Phi, Nhật Bản và Việt Nam, các thị trường này vẫn chưa thể giải quyết ngay nhu cầu của doanh nghiệp Mỹ.
Hiện tại, Bắc Kinh vẫn chưa sử dụng hết toàn bộ đòn bẩy. Các lệnh hạn chế đến nay chủ yếu nhắm vào nhóm đất hiếm trung bình và nặng, chủ yếu phục vụ quốc phòng. Nếu Trung Quốc chuyển sang dùng đất hiếm nhẹ như neodymium và praseodymium để gây sức ép, nền kinh tế Mỹ có thể hứng chịu tổn thất sâu rộng hơn, do các nguyên tố này được ứng dụng rộng rãi trong hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Neil Thomas, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, ông Tập khó có khả năng sử dụng các biện pháp cực đoan nhất ở thời điểm hiện tại do lo ngại gây thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước.
“Việc Bắc Kinh kiểm soát đất hiếm là một lời cảnh báo nhằm ngăn chặn leo thang,” ông nói thêm. “Nhưng nếu căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục leo thang, Bắc Kinh có thể gây tổn thất thực sự cho chuỗi cung ứng quốc phòng Mỹ.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-siet-xuat-khau-dat-hiem-my-doi-mat-rui-ro-chuoi-cung-ung-53344.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media