Tài chính

Chứng khoán châu Âu vượt Mỹ nhờ lợi nhuận và dòng vốn tăng mạnh

Chứng khoán châu Âu đang vượt trội so với Mỹ nhờ triển vọng kinh tế cải thiện và dòng vốn toàn cầu quay lại, bất chấp rủi ro từ chính sách thuế của Mỹ.

Sở Giao dịch Chứng khoán Euronext NV tại Paris. Hình ảnh: Nathan Laine/Bloomberg

Sở Giao dịch Chứng khoán Euronext NV tại Paris. Hình ảnh: Nathan Laine/Bloomberg

Tác giả: Sagarika Jaisinghani và Julien Ponthus

02 tháng 6, 2025 lúc 4:00 PM

Chứng khoán châu Âu đang trở thành điểm sáng toàn cầu khi triển vọng kinh tế khu vực cải thiện, đúng lúc thị trường tài chính Mỹ chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động.

Theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến hết tháng Năm, tám trong số mười thị trường chứng khoán có diễn biến tốt nhất thế giới nằm ở châu Âu. Danh sách này bao gồm chỉ số DAX của Đức với mức tăng hơn 30% tính theo đô la Mỹ, cùng các thị trường cận biên như Slovenia, Ba Lan, Hy Lạp và Hungary.

Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu hiện đang vượt S&P 500 tới 18 điểm phần trăm — mức chênh lệch cao kỷ lục — nhờ chương trình chi tiêu tài khóa chưa từng có tiền lệ của Đức và đồng euro mạnh hơn. Giới phân tích nhận định khu vực này còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhờ lợi nhuận doanh nghiệp ổn định và định giá hấp dẫn, nhất là khi kinh tế Mỹ đối mặt với rủi ro từ thương mại và nợ công.

“Châu Âu đã trở lại trên bản đồ đầu tư,” Frederique Carrier, giám đốc chiến lược đầu tư khu vực Quần đảo Anh và châu Á của RBC Wealth Management, nhận định. “Trong hai tháng qua, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi về thị trường châu Âu hơn cả mười năm trước cộng lại.”

Nếu đà tăng này tiếp diễn, nó sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn sau nhiều năm thị trường châu Âu bị trì trệ. Theo các nhà đầu tư lạc quan, chính đà tăng giá hiện tại sẽ tiếp tục thu hút thêm dòng vốn toàn cầu.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích của UBS Group cho biết việc nhà đầu tư rút khỏi tài sản Mỹ có thể khiến khoảng 1.200 tỉ euro (tương đương 1.400 tỉ USD) chảy vào thị trường cổ phiếu châu Âu trong vòng năm năm tới.

Động lực ban đầu trong năm nay đến từ đề xuất chi tiêu hàng trăm tỉ euro cho hạ tầng và quốc phòng của chính phủ Đức — một quốc gia vốn nổi tiếng với chính sách thắt lưng buộc bụng. Theo các chuyên gia kinh tế của Citigroup, gói cải cách này sẽ bắt đầu thúc đẩy tăng trưởng toàn khu vực đồng euro từ nửa cuối năm 2026.

Trong khi đó, phía bên kia Đại Tây Dương, nhà đầu tư Mỹ lại đối mặt với nguy cơ suy thoái trong bối cảnh lạm phát tăng và thâm hụt ngân sách ngày càng lớn. Tâm lý thị trường trái phiếu xấu đi trong tháng Năm sau khi Moody’s Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, do lợi suất tăng mạnh sau đề xuất cắt giảm thuế của ông Trump.

Một tòa án tại Mỹ cũng vừa bác bỏ hàng loạt sắc thuế nhập khẩu mà ông Trump từng áp lên các đối tác chủ chốt, giáng đòn mạnh vào chương trình thương mại của ông. Đồng thời, một đề xuất thuế mới đang khiến giới tài chính Phố Wall lo ngại, vì nó sẽ nâng thuế suất đối với cá nhân và doanh nghiệp từ các quốc gia bị coi là “phân biệt đối xử” với Mỹ, đẩy nhà đầu tư nước ngoài khỏi thị trường Mỹ.

Dù S&P 500 đã hồi phục trong tháng Năm, chỉ số này vẫn kém xa phần còn lại của thế giới. Tính đến hiện tại, S&P 500 chỉ tăng khoảng 0,5%, trong khi chỉ số MSCI All-Country World Index (trừ Mỹ) tăng 12%. Trong số 92 chỉ số mà Bloomberg theo dõi, S&P 500 đang xếp thứ 73.

Beata Manthey, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu và toàn cầu tại Citigroup, nhận định khu vực đồng euro đang có vị thế khá tích cực, nhờ Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn còn dư địa để giảm lãi suất và định giá cổ phiếu chưa bị đẩy lên quá cao.

“Dĩ nhiên, nếu Mỹ rơi vào suy thoái, không thị trường nào tránh bị ảnh hưởng,” Manthey nói. “Tuy nhiên, vì thị trường châu Âu không bị định giá quá cao nên sẽ ít bị tổn thương hơn nếu xảy ra làn sóng bán tháo.” Bà cho biết dòng tiền vào khu vực này vẫn còn rất nhỏ so với lượng vốn từng bị rút đi trong những năm qua.

Các thị trường cận biên vượt trội

Một loạt thị trường quy mô nhỏ tại châu Âu đang chiếm ưu thế trên bảng xếp hạng toàn cầu năm nay. Chỉ số blue-chip SBI TOP của Slovenia hiện là chỉ số có diễn biến tốt thứ hai thế giới, tăng 42% tính theo đô la Mỹ, chỉ sau chỉ số chuẩn của Ghana. Chỉ số WIG20 của Ba Lan tăng 40%, trong khi các chỉ số tại Hy Lạp và Hungary đều tăng hơn 34%.

Các chiến lược gia tại Societe Generale khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc nhóm thị trường cận biên châu Âu trong năm nay, do chênh lệch rủi ro cao hơn cùng nền tảng chính trị tương đối ổn định. Họ tiếp tục dự báo nhóm thị trường này sẽ vượt trội nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ ổn định hơn so với các nền kinh tế có mức chi tiêu lớn như Pháp và Đức.

Cổ phiếu quốc phòng là một trong những nhóm tăng mạnh nhất năm nay. Trong số 10 cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất trong chỉ số Stoxx 600, có tới 7 cổ phiếu thuộc lĩnh vực này. Tất cả đều tăng ít nhất 90%, dẫn đầu là ba tập đoàn quốc phòng Đức gồm Renk Group, Rheinmetall và Hensoldt. Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng trong năm 2025.

“Cổ phiếu chứng khoán châu Âu không có gì có thể chê được cả,” Florian Ielpo, giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Lombard Odier Investment Managers, nhận xét. “Tại Mỹ, bạn bị trừng phạt vì chấp nhận rủi ro, nhưng ở châu Âu, bạn được thưởng vì điều đó. Lạm phát có vẻ đã được kiểm soát, và thị trường bắt đầu có điểm tựa rõ ràng. Còn ở Mỹ, người ta vẫn chưa biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì hay sẽ đọc được những dòng tweet nào.”

Kỳ vọng lợi nhuận

Lợi nhuận doanh nghiệp là điểm sáng nổi bật, khi kết quả quý I của các công ty trong chỉ số MSCI Europe tăng 5,3%, trái ngược hoàn toàn với mức giảm 1,5% mà giới phân tích từng dự báo, theo dữ liệu từ Bloomberg Intelligence. Dù nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra thận trọng trước bất ổn thương mại, số lượng chuyên gia cắt giảm dự báo lợi nhuận trong những tuần gần đây đã giảm đáng kể, cho thấy giai đoạn điều chỉnh tiêu cực có thể đã qua.

Tuy nhiên, triển vọng thương mại toàn cầu vẫn là một rủi ro lớn. Một tòa phúc thẩm liên bang vừa cho phép Tổng thống Trump tạm thời trì hoãn việc thực thi phán quyết đe dọa hủy bỏ phần lớn chương trình áp thuế của ông. Tổng thống cũng tuyên bố sẽ tăng thuế đối với thép và nhôm từ 25% lên 50%.

Nhiều ngành công nghiệp lớn của châu Âu như khai khoáng, ô tô và hàng xa xỉ vẫn phụ thuộc lớn vào doanh thu từ thị trường quốc tế. Theo Bloomberg, các chuyên gia phân tích đã giảm khoảng 1,4% dự báo lợi nhuận 12 tháng tới của các công ty trong chỉ số Stoxx 600.

Dù vậy, một số nhà dự báo thị trường vẫn tin rằng cổ phiếu châu Âu sẽ vượt xa thị trường Mỹ. Nhóm chiến lược gia của JPMorgan thậm chí cho rằng đây có thể là giai đoạn chênh lệch hiệu suất lớn nhất từ trước đến nay. Theo khảo sát của Bloomberg với 20 chiến lược gia, chỉ số Stoxx 600 được dự báo sẽ tăng thêm 1% so với mức hiện tại.

“Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tôi thực sự tin rằng cổ phiếu châu Âu có cơ hội vượt thị trường Mỹ,” Francois Rimeu, chiến lược gia tại La Francaise Asset Management, nhận định. “Nhưng để xu hướng này tiếp tục, lợi nhuận doanh nghiệp cần phải thực sự tăng trưởng trong năm tới.”

— Với sự hỗ trợ của Leonard Kehnscherper, Kwaku Gyasi, và Michael Msika

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chung-khoan-chau-au-vuot-my-nho-loi-nhuan-va-dong-von-tang-manh-53335.html

#chứng khoán châu Âu
#cuộc chiến thương mại
#Tổng thống Donald Trump
#dữ liệu Bloomberg
#thị trường cận biên
#S&P 500
#đồng euro
#lợi nhuận doanh nghiệp
#thuế
#dự báo lợi nhuận

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media