Kinh tế

Hưu chiến Mỹ-Trung bị đe dọa vì chính sách sinh viên quốc tế và công nghệ của Trump

Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “thiết lập lại hoàn toàn” quan hệ với Trung Quốc sau cuộc hưu chiến thương mại tại Geneva, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại leo thang.

Hình ảnh: Bloomberg

Hình ảnh: Bloomberg

Tác giả: Bloomberg News

30 tháng 5, 2025 lúc 11:25 AM

Chính quyền Trump hôm thứ Tư thông báo sẽ bắt đầu thu hồi thị thực của sinh viên Trung Quốc, đồng thời áp đặt các hạn chế mới đối với việc bán phần mềm thiết kế chip và được cho là cả một số linh kiện động cơ phản lực cho Trung Quốc. Trước đó không lâu, Mỹ cũng tìm cách ngăn Huawei Technologies Co. bán chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến trên toàn thế giới, khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ.

“Geneva mang lại tín hiệu tích cực vì cả hai bên chính thức nối lại đối thoại,” Alfredo Montufar-Helu, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc thuộc tổ chức Conference Board, nhận định. “Nhưng các cuộc đàm phán không thực sự động chạm đến những vấn đề cốt lõi đang thúc đẩy cạnh tranh giữa hai nước — quan trọng nhất trong số đó là vấn đề thống trị công nghệ.”

Dù các nhà đàm phán Mỹ - Trung đã đồng ý hạ mức thuế quan trong vòng 90 ngày, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào nhằm tái cân bằng thương mại — điều từng mất nhiều năm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Hai bên cũng bất đồng về vai trò của Bắc Kinh trong buôn bán fentanyl bất hợp pháp, cũng như các vấn đề liên quan đến đất hiếm và kiểm soát chất bán dẫn.

Cho đến nay, ông Trump vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc kể từ khi quay lại Nhà Trắng, dù đã vài lần gợi ý một cuộc điện đàm sắp diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết đàm phán với Trung Quốc đã đình trệ, nhưng ông tin rằng các cuộc đối thoại sẽ được nối lại trong vài tuần tới. Ông cũng cho biết cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình “sẽ diễn ra vào một thời điểm nào đó.”

Động thái trấn áp sinh viên Trung Quốc — nhóm sinh viên quốc tế lớn thứ hai tại Mỹ — được công bố bởi Ngoại trưởng Marco Rubio, người từng hai lần bị Bắc Kinh trừng phạt trước khi nhậm chức. Điều này xóa tan nghi ngờ rằng những nhân vật diều hâu trong chính quyền Trump đang mất dần ảnh hưởng, sau khi các quan chức thương mại ở Thụy Sĩ thể hiện thiện chí hợp tác với Bắc Kinh.

marco-rubio.jpg
Marco Rubio. Hình ảnh: Nathan Howard/Bloomberg

Phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi chính sách thị thực nói trên là “phân biệt đối xử” trong buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm thứ Năm, đồng thời khẳng định điều đó “chỉ làm xói mòn thêm uy tín toàn cầu của nước Mỹ.” Phản ứng tương đối kiềm chế này, cùng với việc Trung Quốc không đưa ra dấu hiệu trả đũa, cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng tránh để quan hệ song phương rơi vào vòng xoáy leo thang mới.

Dẫu vậy, việc gia tăng giám sát sinh viên Trung Quốc cho thấy mức độ hoài nghi sâu sắc đang bao trùm quan hệ song phương, khi cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ tại Mỹ đều coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Về phía mình, Bắc Kinh đang triển khai chiến dịch chống gián điệp quy mô rộng, tập trung đặc biệt vào người nước ngoài, nhất là công dân Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, John Moolenaar, bác bỏ cáo buộc rằng hành động của Mỹ nhằm vào người dân Trung Quốc bình thường. “Chúng tôi phản ứng trước sự hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói với Bloomberg Television.

Moolenaar đại diện cho nhóm các nhà lập pháp Mỹ hoài nghi về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ, bao gồm cả tại các trường đại học trên toàn quốc. Ông cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng sinh viên Trung Quốc làm công cụ và đầu tháng này đã đồng ký tên trong một bức thư gửi Đại học Harvard, yêu cầu trường cung cấp thông tin về các mối liên hệ với Trung Quốc.

“Mục tiêu sau cùng là xây dựng một mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên thực tế rằng chính phủ của họ đang đi theo một hướng hoàn toàn khác với những gì từng cam kết,” ông nói thêm.

harvard.jpg
Thư viện Tưởng niệm Harry Elkins Widener tại Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, ngày 27 tháng 5. Hình ảnh: Sophie Park/Bloomberg

Moolenaar đã đạt được mục tiêu khi ông Trump quyết định ngăn Harvard tuyển sinh viên quốc tế, với lý do ban lãnh đạo nhà trường đã phối hợp với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhà lập pháp Mỹ cáo buộc Harvard từng đào tạo nhân sự cho một công ty bị Mỹ trừng phạt vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

“Điều này chỉ càng làm gia tăng hiểu lầm, sự nghi kỵ và thậm chí là thù ghét giữa hai xã hội,” ông Ngô Bá Tâm  (Wu Xinbo), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải, nhận định. “Tôi e rằng chính quyền Trump sẽ còn đưa ra những ý tưởng và hành động điên rồ hơn nữa làm tổn hại quan hệ Trung – Mỹ.”

xi-jinping.jpg
Ông Tập Cận Bình. Hình ảnh: Oliver Bunic/Bloomberg

Cách tiếp cận của ông Trump hoàn toàn trái ngược với ông Tập, người từng đề cao giao lưu nhân dân là nền tảng của quan hệ Mỹ – Trung lành mạnh. Năm 2023, Chủ tịch Trung Quốc cam kết mời 50.000 thanh niên Mỹ đến Trung Quốc trong vòng 5 năm để ổn định quan hệ. Theo lời ông Jing Quan, một tham tán tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ, đã có khoảng 16.000 bạn trẻ Mỹ tham gia chương trình trong năm ngoái.

Chưa rõ chính sách mới sẽ được thực thi như thế nào, nhưng việc trục xuất sinh viên Trung Quốc khỏi Mỹ có nguy cơ khơi lại điểm nóng từng gây tranh cãi trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Khi đó, Mỹ đã thu hồi hơn 1.000 thị thực của học sinh và học giả Trung Quốc, với cáo buộc họ đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ để phục vụ quân đội Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, lập trường cứng rắn mới của Mỹ vấp phải sự bất bình và tức giận trên mạng xã hội. “Tôi không thể tin được là Trump đã cho chúng ta thấy, ngay trong thời đại của mình, sự suy tàn của đế quốc Mỹ diễn ra nhanh đến thế,” một người dùng viết trên Weibo — nền tảng tương tự X ở Trung Quốc.

Việc tạo ra một môi trường thù địch đối với sinh viên nước ngoài có thể đẩy dòng nhân tài quay trở lại Trung Quốc — phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ trong nước, khi ông Tập đặt sản xuất công nghệ cao làm động lực tăng trưởng then chốt cho nền kinh tế.

Sinh viên Trung Quốc từng đóng góp quan trọng vào thành công công nghệ và vị thế dẫn đầu khoa học của nước Mỹ, theo lời giáo sư Jessica Chen Weiss thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp (SAIS) của Đại học Johns Hopkins.

Trong thời kỳ McCarthy khi sự nghi ngờ lan rộng ở Mỹ, nhà khoa học tên lửa hàng đầu Tiền Học Sâm (Qian Xuesen) bị cấm tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu tại Mỹ, dù ông từng là người đồng sáng lập phòng thí nghiệm phản lực của NASA tại Caltech.

Và điều đó đã trở thành lợi thế cho Bắc Kinh, theo lời bà Weiss: “Ông quay về Trung Quốc và góp phần phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/huu-chien-my-trung-bi-de-doa-vi-chinh-sach-sinh-vien-quoc-te-va-cong-nghe-cua-trump-53312.html

#Trump
#Tập Cận Bình
#Mỹ
#Trung Quốc
#Chiến tranh thương mại
#Thuế quan
#Tiền Học Sâm
#chip bán dẫn

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media