Kinh tế

Thích ứng với chính sách thuế quan, cơ hội từ thỏa thuận song phương

Khi ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ và quay lại Nhà Trắng vào năm 2025, Việt Nam sẽ phải đối diện với một loạt thay đổi quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ,đi cùng với đó là cả những cơ hội và thách thức.

Tác giả: Hoàng Gia Thịnh

09 tháng 11, 2024 lúc 11:35 AM

Khi ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ và quay lại Nhà Trắng vào năm 2025, Việt Nam sẽ phải đối diện với một loạt thay đổi quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ,đi cùng với đó là cả những cơ hội và thách thức.

Trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống, ông Trump triển khai các biện pháp bảo hộ và tăng thuế mạnh tay nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, đồng thời rút khỏi các thỏa thuận đa phương như hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại Mỹ, biến những thỏa thuận đa phương trở nên xa vời, thay vào đó là các thỏa thuận song phương mà Mỹ có thể kiểm soát và thao túng tốt hơn để phục vụ cho mục tiêu nước Mỹ trên hết.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này của ông Trump cũng đồng thời mở ra cơ hội cho Việt Nam. Việc Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đã và đang tạo đà để Việt Nam vươn lên như một trung tâm sản xuất mới trong khu vực. Xu hướng này được thúc đẩy bởi việc các công ty lớn của Mỹ như Apple và Google chuyển dịch một phần sản xuất sang Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu của Trump nhằm tránh tác động từ thuế quan áp lên Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu tiếp tục tăng cường đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất và công nghệ cao, đồng thời xây dựng hệ sinh thái công nghệ để giữ chân các nhà đầu tư.

Với lập trường bảo hộ mạnh mẽ, ông- Trump có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Việt Nam, với thặng dư thương mại hơn 104 tỉ đô la Mỹ năm 2023, có nhiều khả năng lọt vào danh sách các quốc gia bị nhắm đến. Nếu các biện pháp thuế quan khắt khe hơn được áp dụng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng chi phí xuất khẩu, đặc biệt trong những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ và điện tử – các ngành có sức cạnh tranh nhờ chi phí thấp và sản lượng lớn. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, điều này không chỉ đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu giảm mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Mặc dù vậy, chính sách thương mại song phương của ông Trump cũng tạo ra cơ hội đàm phán các điều khoản thương mại có lợi cho Việt Nam. Khác với các thỏa thuận đa phương vốn mang tính tiêu chuẩn hóa cao và ít linh hoạt, các hiệp định song phương mà Trump ưa thích có thể cho phép Việt Nam điều chỉnh chiến lược đàm phán để đạt được những ưu đãi nhất định. Đối với Việt Nam, việc chủ động đàm phán thỏa thuận thương mại trực tiếp với Mỹ sẽ là một lợi thế quan trọng nhằm duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường này. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần sớm xây dựng các chiến lược thương mại và đầu tư cụ thể, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía Mỹ và sẵn sàng cho các biến động trong môi trường thương mại mới.

Từ kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump cho thấy, các dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam đã có những tăng trưởng đáng kể, đạt mức 2,9 tỉ đô la vào năm 2018, phần lớn tập trung vào ngành sản xuất và công nghệ. Đây là tín hiệu cho thấy, bất chấp các rủi ro về thuế quan, Việt Nam vẫn có tiềm năng thu hút đầu tư từ Mỹ nếu có chiến lược sản xuất và phân phối hiệu quả. Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của mình như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc, thu hút thêm các nhà đầu tư Mỹ, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Để giảm thiểu rủi ro khi Mỹ sử dụng biện pháp thuế quan, Việt Nam không thể chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất, là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao, nhằm duy trì tính cạnh tranh trong dài hạn. Chỉ khi phát triển được những lĩnh vực này, Việt Nam mới có thể thích ứng với các thách thức thương mại, cũng như tăng cường năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong tương lai.

25.jpg
Công nhân làm việc tại nhà máy công ty Asia Vital Components Co. (AVC) ở tỉnh Hà Nam, Việt Nam, ngày 1.10 2024. Hình ảnh: Linh Phạm

Tuy nhiên, một trở ngại lớn mà Việt Nam có thể gặp phải dưới thời Trump II là sự suy giảm trong dòng vốn FDI vào các ngành năng lượng sạch và bền vững. Các chính sách tập trung vào biến đổi khí hậu và năng lượng sạch sẽ không còn được ưu tiên, trong khi xu hướng đầu tư toàn cầu ngày càng hướng về phát triển bền vững. Nếu Mỹ tiếp tục giảm đầu tư vào năng lượng sạch, Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, điều này ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển xanh mà Việt Nam đang hướng đến.

Ngược lại, nếu chính quyền Trump không chú trọng các tiêu chuẩn môi trường và lao động như các ứng viên đảng Dân chủ, các ngành thâm dụng lao động của Việt Nam, như dệt may và da giày, sẽ có lợi thế trong việc giảm bớt chi phí sản xuất. Đây là yếu tố giúp Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà không phải đối mặt với áp lực tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và lao động. Điều này có thể mang lại lợi thế nhất định trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi họ giảm bớt chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Tóm lại, ông Trump trở lại Nhà Trắng, Việt Nam sẽ cần linh hoạt điều chỉnh các chính sách thương mại để thích ứng với các biện pháp thuế quan mới và tận dụng cơ hội từ các thỏa thuận song phương. Trong khi các ngành xuất khẩu truyền thống có thể đối mặt với thách thức, lĩnh vực công nghệ và sản xuất có khả năng nhận được sự hỗ trợ từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc duy trì sự cân bằng trong quan hệ thương mại, đồng thời đẩy mạnh phát triển các thị trường ngoài Mỹ, sẽ là chìa khóa để Việt Nam giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức và đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn. 

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thich-ung-voi-chinh-sach-thue-quan-co-hoi-tu-thoa-thuan-song-phuong-52596.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media