Kinh tế

Duy trì điểm cân bằng

Việt Nam là một nền kinh tế đang nổi lên và còn phụ thuộc thương mại với nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam khá khéo léo để không rơi vào cái “bẫy” kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.

Tác giả: Joseph Brusuelas

08 tháng 11, 2024 lúc 5:12 PM

Kinh tế Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng trên 5%, tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát duy trì thấp. Trong năm năm tới, Việt Nam cần tìm cách cân bằng giữa sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và những quốc gia đang nỗ lực kiềm chế sự bành trướng của kinh tế Trung Quốc. Việt Nam có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào các cường quốc bằng cách thiết lập các mối quan hệ thương mại với nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ.

Các xu hướng kinh tế gần đây đang ủng hộ Việt Nam.

Thứ nhất, khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển, cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm tốc độ cắt giảm lãi suất, và đô la Mỹ mạnh lên so với đồng Việt Nam. Một khi đồng đô la mạnh hơn sẽ giúp tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ mà không cần phải giảm giá tiền đồng.

Thứ hai, xuất khẩu Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục hưởng lợi. Dưới thời tổng thống Trump và Biden, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kể từ năm 2018, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể sang Mỹ. Từ năm 2018 đến 2019, xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 40%. Trong giai đoạn đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm từ khoảng 20% xuống còn 1 7,5% , trong khi hàng hoá từ Việt Nam tăng từ khoảng 21,5% lên 26%.

Giao thương giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục tích cực dưới thời của tổng thống Biden. Động lực thúc đẩy đến từ việc nhiều doanh nghiệp chuyển dịch khỏi Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch Covid- 19, cùng với chính sách thúc đẩy các mối quan hệ thương mại quốc tế. Tuy vậy, Việt Nam đang đối mặt với các rủi ro.

22.jpg
Công nhân làm việc tại công ty may mặc Thái Sơn, Bình Thuận, Việt Nam. Hình ảnh: Bloomberg Mercury

Lợi ích thương mại mà Việt Nam đang có có thể biến mất, nếu Mỹ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển hàng từ Trung Quốc qua các nước trung gian hoặc thông qua các công ty do Trung Quốc thành lập tại Việt Nam. Vì vậy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, như linh kiện, thiết bị điện tử có nguy cơ phải chịu thuế cao hơn.

Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc chưa quá khởi sắc, khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn hơn, khi cũng phải đối mặt với mức thuế cao từ Mỹ.

Xuất khẩu là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các bất ổn xung quanh quyết định lãi suất của Fed có thể gây khó khăn cho chính sách tiền tệ của nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Khả năng lạm phát bùng phát trở lại trong năm tới tại Mỹ là không cao, nhưng bất kỳ thay đổi nào trong chính sách tài khóa của chính quyền mới có thể kích hoạt lại lạm phát và ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.

Việt Nam cần khai thác tối đa từ thị trường Mỹ, đồng thời chuẩn bị cho những kịch bản thuế quan cao hơn. Bước đầu tiên mà Việt Nam cần làm là xác định các ngành nào dễ bị ảnh hưởng bởi rào cản thương mại và ngành nào ít bị ảnh hưởng hơn. Bằng cách này, Việt Nam sẽ hạn chế được những tổn thất trong tương lai.

Cơ hội của Việt Nam bắt đầu từ Mỹ, nơi có nền kinh tế vượt trội hơn các nước phát triển khác kể từ sau đại dịch. Thành công này đến từ các chính sách tiền tệ và tài khóa “táo bạo”, đã giúp củng cố chuỗi cung ứng, tăng cường độc lập về năng lượng và hiện đại hóa hạ tầng. Cùng với đó là những đột phá trong trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử, hứa hẹn một làn sóng năng suất mới trong tương lai. Việt Nam cũng cho thấy mong muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng, đóng vai trò cung cấp công nghệ nền tảng. Với đà tăng trưởng hiện nay, kinh tế Mỹ đang trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn tài chính toàn cầu, nhờ sức mạnh của đồng bạc xanh tiếp tục cải thiện. Tổng vốn nước ngoài đầu tư vào chứng khoán của Mỹ hiện lớn hơn tổng vốn đầu tư vào 12 nền kinh tế lớn tiếp theo gộp lại.

Tuy nhiên, niềm tin kinh tế ngày càng lớn mạnh của Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng địa kinh tế với Trung Quốc, qua đó định hình kinh tế khu vực và toàn cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang tiếp nhận dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc và xuất khẩu vào khu vực đồng đô la.

Trong khi cơ hội đến với Việt Nam từ Mỹ - đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất, thách thức có thể đến từ nước láng giềng kiêm đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam. Quốc gia này hiện đứng trước một ngã rẽ chiến lược mới. Mô hình kinh tế trong ba thập kỉ đầu tư vào một quốc gia kém phát triển hơn đã đến giai đoạn bão hòa.

Quá trình phát triển này đã dẫn đến thị trường bất động sản, nhà ở và thương mại bị đóng băng trong các năm qua. Do đó, Trung Quốc đang bắt đầu bước vào giai đoạn giảm thiểu nợ (hay còn gọi là “giảm đòn bẩy tài chính”), dự báo sẽ kéo dài cả thập kỷ. Để duy trì tăng trưởng, Trung Quốc có thể chuyển áp lực sang các đối tác thương mại bằng cách tăng lượng hàng hóa sản xuất dư thừa, xuất khẩu với giá dưới mức thị trường. Bằng cách tập trung sản xuất hàng hóa, Trung Quốc muốn gia tăng vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu, duy trì nhịp độ tăng trưởng.

Mục tiêu ngắn hạn của Trung Quốc là giảm thiểu thất nghiệp và duy trì tăng trưởng. Về lâu dài, Trung Quốc cần có các chính sách tài khóa và tiền tệ để cân bằng lại nền kinh tế trong khi tiếp tục quá trình giảm đòn bẩy tài chính. Song, chiến lược này đòi hỏi các đối tác khu vực chấp nhận tỉ trọng sản xuất toàn cầu nhỏ hơn và gánh chịu phần điều chỉnh kinh tế từ Trung Quốc, trong bối cảnh các nước G7 gia tăng chính sách bảo hộ công nghiệp.

Việt Nam sẽ cần tiếp tục duy trì sự khéo léo khi căng thẳng địa kinh tế leo thang, do Trung Quốc đang dần thích ứng với tốc độ tăng trưởng chậm hơn, trong khi Mỹ ngày càng mạnh mẽ nhờ đổi mới công nghệ, nỗ lực củng cố khối thương mại và đồng bạc xanh.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/duy-tri-diem-can-bang-52594.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media