Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Cách ông Donald Trump có thể thực hiện các cam kết về thuế quan trong chiến dịch của mình sau khi đã trở thành tân tổng thống Mỹ.
Bloomberg Economicsz
Tác giả: Bloomberg Economics
08 tháng 11, 2024 lúc 8:43 AM
Ông Donald Trump giành chiến thắng, trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kỳ bốn năm bắt đầu từ 20.1.2025. Khi vận động tranh cử, ông cam kết tăng thuế xuất nhập khẩu, giảm thuế cho doanh nghiệp. Kinh tế trưởng Tom Orlik của Bloomberg Economics, cũng là cây bút quen thuộc trên mục Trung cảnh của Bloomberg Businessweek, viết: “Sử dụng nhiều mô hình tính toán, các chuyên gia phân tích thuộc Bloomberg Economics đánh giá tác động của các cam kết chính sách như vậy ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát, nợ công của Mỹ, cũng như các tác động đến kinh tế toàn cầu.”
Cho dù có khoảng cách giữa lời vận động tranh cử của ứng viên và chính sách khi lên nắm quyền, kết quả phân tích, ước lượng xoay quanh tác động kinh tế Mỹ, đồng đô la và thương mại toàn cầu cũng giúp cho người đọc có cơ sở để quan sát, đánh giá, trước khi ra quyết định.
1. Ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ: Thuế quan, giảm thuế doanh nghiệp
Không chỉ chiến thắng ở Nhà Trắng, đảng Cộng hòa còn kiểm soát thượng viện. Dựa trên giả định đảng này có thể nắm cả hành pháp và lập pháp, kịch bản cơ sở là ông Trump sẽ gia hạn hầu hết các nội dung trong đạo luật việc làm và cắt giảm thuế năm 2017 (TCJA), và sẽ tiếp tục cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống. Trong ngắn hạn, tăng trưởng và lạm phát có thể sẽ cao hơn một chút. Tỉ lệ nợ công trên GDP có khả năng tăng cao hơn.
Nhà kinh tế Anna Wong của Bloomberg Economics nhận định, nhiều khả năng ông Trump sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác để tài trợ cho việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên chưa rõ mức thuế thực tế có thể đạt 100% cam kết, tương đương với 60% thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc và 20% từ các nước khác. Cần chú ý đến lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ, đó là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về nợ công của nước Mỹ.
Trên thực tế, cả tăng trưởng và lạm phát đều có thể sẽ cao hơn một chút so với trường hợp không có thay đổi chính sách. Tỉ lệ nợ trên GDP sẽ tăng cao hơn. Dựa trên khả năng chính sách thuế của ông Trump được lưỡng viện thông qua, theo phân tích của nhà kinh tế Anna Wong, khả năng tỉ lệ nợ trên GDP lên 141% vào năm 2035 - cao hơn bảy điểm phần trăm so với mức cơ sở.
Về chính sách, dự đoán cụ thể các thay đổi như dưới đây: Thực hiện các thay đổi về thuế kinh doanh và thuế bất động sản trong TCJA; Mở rộng một số khoản cắt giảm thuế cá nhân theo TCJA; Giảm mức thuế doanh nghiệp tối đa từ 21% xuống 20%; Loại bỏ các khoản tín dụng thuế năng lượng xanh trong đạo luật Giảm lạm phát (2024).
Giả sử các điều chỉnh chính sách như vậy được thông qua, ước tính mức GDP thực tế sẽ cao hơn 0,5% vào năm 2026 và cao hơn 0,1% vào năm 2028. Lạm phát sẽ cao hơn 0,2% vào năm 2028.
Chính sách thương mại dưới thời ông Trump, có khả năng sẽ được áp đặt thuế lên hàng hóa có thể ảnh hưởng tới chi phí doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tác động của chính sách thuế quan khiến cho tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm 2028 có thể giảm 0,8% trong trường hợp Trung Quốc trả đũa, và giảm 1,3% GDP nếu cả phần còn lại của thế giới cùng tham gia trả đũa.
Có hai giả định được nhóm tính toán sử dụng. Thứ nhất là khi tăng thuế quan, chỉ có Trung Quốc trả đũa và kịch bản sau là tất cả các đối tác cùng trả đũa. Nếu Mỹ tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu gây cú sốc lớn đối với kinh tế Mỹ. Trong kịch bản chỉ có Trung Quốc trả đũa, tổng giá trị thương mại của Mỹ sẽ giảm 40%. Trong kịch bản tất cả đối tác cùng trả đũa, cú sốc càng trầm trọng hơn với thương mại Mỹ khi giá trị nhập khẩu giảm hơn 55%. Khi các nhà xuất khẩu Mỹ mất thị phần ở nước ngoài, họ sẽ cạnh tranh gay gắt hơn ở thị trường trong nước, thay thế nhiều nhà sản xuất nước ngoài. Ngoài ra, sự trả đũa cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, gây cắt giảm sản xuất và nhu cầu, đồng thời buộc các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu phải cân nhắc thêm về nhập khẩu hàng hóa trung gian và hàng tiêu dùng cuối cùng.
Một số ngành sản xuất đang phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu, chẳng hạn như ngành dệt may và ô tô, sẽ được hưởng lợi, trong khi các ngành dựa nhiều vào nhu cầu trong nước, đặc biệt là dịch vụ, sẽ bị ảnh hưởng. Nếu tất cả các đối tác trả đũa, các ngành dựa vào xuất khẩu như nông sản, máy bay sẽ bị ảnh hưởng nặng. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sẽ giảm khoảng 30% nếu chỉ có Trung Quốc trả đũa và hơn 60% nếu tất cả các đối tác tăng thuế.
Mức thuế cao hơn cũng sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên cao, tạo ra rủi ro lạm phát tăng cao. Ngoài tác động trực tiếp, tác động lên giá tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào việc liệu người lao động có sẵn sàng đàm phán mức giá lương cao hơn, tạo ra hiệu ứng gián tiếp khiến giá tăng. Ngược lại, nếu mức lương không tăng, người lao động bị giảm thu nhập thực tế, kéo theo nhu cầu giảm và một số nhà sản xuất không có khả năng chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng gánh chịu. Trong mô hình của chúng tôi, hiệu ứng trước chiếm ưu thế trong kịch bản ít nghiêm trọng hơn khi chỉ có Trung Quốc trả đũa và giá mức dự kiến sẽ cao hơn 4,3% vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tiếp theo. Khi sự trả đũa từ các đối tác khác nặng nề hơn lên hoạt động, tác động giảm phát từ nhu cầu yếu hơn sẽ mạnh hơn và gần như bù đắp hoàn toàn tác động trực tiếp của thuế quan, với chỉ số CPI chỉ tăng 0,5% so với mức cơ sở.
2. Thương mại toàn cầu bị xáo trộn
Ông Donald Trump hứa hẹn tăng thuế lên 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 20% đối với hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới. Điều này sẽ đưa mức thuế trung bình của Hoa Kỳ lên trên 20%, một mức chưa từng thấy kể từ đầu thế kỷ 20.
Sử dụng mô hình cân bằng tổng thể do tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xây dựng, hai nhà kinh tế Maeva Cousin và Eleonora Mavroeidi của Bloomberg Economy cho rằng, tỉ trọng thương mại hàng hóa toàn cầu của Mỹ sẽ giảm từ mức 21% hiện tại xuống còn khoảng 9%.
Theo kịch bản tất cả các nước trả đũa, tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ sẽ giảm 54% và xuất khẩu giảm 63%, so với kịch bản không thay đổi về thuế quan. Thương mại giữa phần còn lại của thế giới ngoại trừ Hoa Kỳ, tăng lên để bù đắp phần bị sụt giảm. Điều này sẽ làm giảm ảnh hưởng vai trò của Mỹ trong thương mại toàn cầu. Năm 2008, hơn 20% giá trị của tất cả hàng hóa giao dịch quốc tế đến Mỹ hoặc từ Mỹ xuất đi. Đến năm 2028, tỉ lệ này có thể giảm xuống còn khoảng 8,5%.
Tổn thất giữa các nền kinh tế phụ thuộc vào cơ cấu xuất nhập khẩu với Mỹ. Canada và Mexico là hai nước có khả năng gặp tổn thất nặng nề hơn cả Mỹ, khi thuế quan tăng lên.
Tính toán theo mô hình kể trên cho thấy, nếu Trung Quốc trả đũa lại khi Mỹ tăng thuế, khiến cho tăng trưởng GDP của nước này giảm bớt 0,4% nếu thuế quan không thay đổi. Trong trường hợp tất cả các nước cùng trả đũa, kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm 0,25%. Đối với liên minh châu Âu và Nhật Bản, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP ở mức 0,1%.
Tuy mô hình phụ thuộc vào nhiều biến số, kết quả có thể không phản ánh chính xác tác động, song về định tính, có thể thấy khi tăng thuế quan, sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại và tăng chi phí hoạt động kinh tế trên toàn cầu.
3. Đồng đô la mạnh lên
Đồng đô la đã tăng giá sau chiến thắng của ông Donald Trump, bất chấp lời hứa trước đó của ông làm suy yếu đồng tiền. Điều này hầu như không có gì đáng ngạc nhiên - ít nhất là trong ngắn hạn, nhiều chính sách của Trump sẽ có tác dụng tăng sức mạnh đồng đô la Mỹ.
Sử dụng mô hình vĩ mô mở giữa hai nền kinh tế do Obstfeld và Rogoff xây dựng năm 1996, hai nhà kinh tế Rana Sajedi và Maeva Cousin thuộc Bloomberg ước lượng tác động của thuế quan đề xuất tới tỉ giá hối đoái thực tế (REER). Lập luận của nhóm tác giả này cho rằng, bản chất của thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ trong 45 năm qua chủ yếu là do đầu tư trong nước của Mỹ lớn hơn tiết kiệm trong nước. Do vậy, trừ khi áp mức thuế quan làm thay đổi căn bản xu hướng tiết kiệm của người dân hoặc làm tăng đầu tư toàn cầu vào Hoa Kỳ, điều đó sẽ không làm thay đổi thâm hụt thương mại.
Biến số ảnh hưởng đến cân bằng thương mại là tỉ giá hối đoái. Do thuế quan làm cho hàng nhập khẩu kém cạnh tranh hơn và làm giảm thâm hụt thương mại, đồng đô la có thể sẽ tăng giá để đưa thâm hụt trở lại mức phù hợp với sự thiếu hụt tiết kiệm. Hai tác giả ước tính, trong thường hợp Mỹ áp thuế 60% đối với Trung Quốc và 20% đối với phần còn lại của thế giới, và chỉ có Trung Quốc trả đũa, tỉ giá hối đoái thực của đồng đô la (REER) sẽ cần tăng 8%-11%. Nếu tất cả các đối tác trả đũa, thì tác động lên hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ bù đắp một phần sự cải thiện trong thâm hụt thương mại - yêu cầu điều chỉnh đồng đô la nhỏ hơn khoảng 4% -5%.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/anh-huong-bau-cu-my-toi-kinh-te-toan-cau-52592.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media