Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Ý kiến
Hiện tượng thiên tai một thời gây chết chóc kinh hoàng hiếm gặp đang xảy ra thường xuyên hơn và gây nhiều thiệt hại hơn khi trái đất nóng dần lên. Những trận đại hồng thủy có còn xứng với tên gọi như vậy nữa không khi hiện chúng đang xảy ra cứ mỗi năm năm một lần?
Bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 10.9.2024. Hình ảnh: Hữu Khoa
Tác giả: Mark Gongloff
15 tháng 10, 2024 lúc 10:39 AM
Hiện tượng thiên tai một thời gây chết chóc kinh hoàng hiếm gặp đang xảy ra thường xuyên hơn và gây nhiều thiệt hại hơn khi trái đất nóng dần lên. Những trận đại hồng thủy có còn xứng với tên gọi như vậy nữa không khi hiện chúng đang xảy ra cứ mỗi năm năm một lần?
Đó là câu hỏi có thể đặt ra tuần này ở miền Nam Mỹ, miền Trung châu Âu, và Trung Phi, sau khi những trận lũ lụt như trong Thánh Kinh diễn ra ngày càng thường xuyên với sức hủy diệt ngày càng lớn khi hành tinh chúng ta nóng dần lên. Đó là lời nhắc nhở rằng biến đổi khí hậu không còn là chuyện của thế hệ con cháu chúng ta nữa – trừ khi đám con cháu đó sống trong tầng hầm tòa nhà chúng ta đang bị ngập lụt. Bất chấp vị trí địa lý và trình độ phát triển kinh tế, các nước đều chưa chuẩn bị đối mặt với thiên tai và các hệ quả đi kèm.
Giữa tháng Chín, cơn bão nhiệt đới bình thường tới mức không đáng đặt tên tràn vào bờ biển phía Nam North Carolina, quanh vùng Wilmington, gây ra lượng mưa 45,7cm trong vòng 12 tiếng. Các chuyên gia khí tượng nói xác suất thiên tai như vậy trong một năm bất kỳ có tỉ lệ 1/1.000; hay “trận lụt ngàn năm có một.” Cụm từ đó giờ không còn phù hợp, do tần suất diễn ra trong cùng khu vực nói trên rơi vào năm 1984, 1999, 2010, 2015 và 2018. Tính luôn trận lụt mới nhất, chúng xảy ra năm lần trong vòng 25 năm qua.
Dù không được đặt tên, trận mưa xối xả đó gây ra thiệt hại bảy tỉ đôla Mỹ, theo ước tính của dịch vụ khí tượng AccuWeather. Đó là chưa kể có 20 hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở Mỹ trong năm 2024, với thiệt hại trên một tỉ đô la, theo cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), khiến năm nay được xếp vào năm có nhiều biến cố do thiên tai gây ra trong lịch sử, dù mùa mưa bão mới diễn ra được một nửa.
Hầu hết thiên tai về cơ bản là những trận mưa bão cường độ cao đặc biệt, gây ra mưa lớn và gió lốc ở nhiều vùng miền Trung nước Mỹ, từ Texas tới Michigan. Đó là chưa kể những trận bão ít gây thiệt hại hơn, nhưng vẫn khủng khiếp ở Florida, Vermont, và những nơi khác.
Vấn đề nằm ở chỗ không khí nóng sẽ hút nước lên ồ ạt rồi đổ xuống như trút khi hoàn cảnh phù hợp xuất hiện. Cứ mỗi một độ C nhiệt độ tăng thêm, bầu khí quyển có thể giữ được thêm 7% hơi ẩm. Trái đất tới giờ đã ấm lên khoảng 1,3 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp và sẽ tăng lên ba độ C với tốc độ phát thải khí nhà kính hiện giờ. Những trận lũ lụt đó chỉ là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về những điều còn kinh khủng hơn phía trước nếu chúng ta không quyết liệt cắt giảm nhiên liệu hóa thạch hơn nữa.
Nhưng vậy cũng đã là hủy diệt kinh hoàng rồi. Trong tháng Chín, một vùng rộng lớn ở châu Phi hạ Sahara hứng các trận mưa lớn nhất lịch sử, gây ra nạn lũ lụt làm 1.000 người chết, hàng triệu người mất nhà cửa và hủy hoại nguồn cung cấp thực phẩm vốn đã rất khó khăn. Thời tiết đã trở nên kỳ lạ khi ngay cả Sahara cũng mưa như trút, với lượng mưa “có lẽ vài ngàn năm mới thấy một lần,” theo blog thời tiết Severe Weather Europe.
Trang blog này nhắc tới nghiên cứu năm 2023 trên chuyên san JG Atmospheres liên hệ mưa ở Sahara với tình trạng nước nóng lên ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Nói cách khác, khi các đại dương nóng hơn lên, biến đổi khí hậu sẽ khiến mưa rơi ở những vùng khô cằn nhất trái đất.
Vùng Địa Trung Hải ấm khác thường cũng dẫn tới mưa lớn ở miền Trung châu Âu giữa tháng Chín này, có những nơi chỉ vài ngày lượng mưa gấp năm lần lượng bình quân của cả tháng Chín. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng và thiệt hại vật chất lên tới hàng tỉ đô la, và mực nước vẫn đang tăng ở sông Danube.
Bloomberg News cho biết Ba Lan, cộng hòa Czech và các nước châu Âu khác đã đầu tư mạnh vào công tác phòng chống lũ lụt những thập kỷ gần đây, nhưng vẫn chưa đủ để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Các nước này và một số nước giàu khác, bao gồm Mỹ, sẽ phải mở rộng hệ thống thoát nước và hồ chứa nước để xử lý lượng mưa cực lớn đang ngày càng trở thành chuyện thường tình. Họ sẽ cần các vùng đất ngập nước và đồng bằng thoát lũ thay thế cho mặt đất không thể thẩm thấu nước. Họ sẽ phải gia cố nhà cửa, đường sá, cầu cống và các hạ tầng khác.
Các nước phát triển cũng có thể giúp các nước đang phát triển không để tình trạng mưa lũ này từ tai họa trở thành thảm kịch như ở châu Phi. Như lời nhà khoa học Friederike Otto, người tiên phong giải thích hiện tượng thời tiết cực đoan qua lăng kính biến đổi khí hậu, những thảm họa này khuếch đại lên khi xảy ra ở những xã hội vốn đã khó khăn.
Các nước giàu đã cam kết đóng góp 100 tỉ đô la mỗi năm để hỗ trợ các nước nghèo giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu. Nhưng số tiền cần thiết thực ra là hơn 500 tỉ đô la một năm, theo ủy ban Thường trực về Tài chính của Liên hiệp quốc. Xóa hay cấu trúc lại các khoản nợ cực lớn của những nước nghèo cũng sẽ rất hữu ích. Trung Quốc cũng có thể góp một tay.
Dù chúng ta ở đâu, dù đang điều hành chính phủ hay một hộ gia đình, chúng ta đều cần đặt câu hỏi về năng lực sẵn sàng của mình nếu trận mưa bão sắp tới là một thảm họa làm đảo lộn đời sống. Cuộc khủng hoảng khí hậu không còn là vấn đề ngàn năm hay trăm năm nữa. Nó đang ở đây, ngay lúc này.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khi-thien-tai-kinh-hoang-nhu-bao-yagi-milton-thanh-chuyen-thuong-tinh-52530.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media