Ý kiến

Từ quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đang dần tự làm sạch

Hầu như toàn bộ mức tăng công suất năng lượng mới của Trung Quốc hiện nay đến từ năng lượng sạch.

Nguồn: AFP/Getty Images

Nguồn: AFP/Getty Images

Tác giả: David Fickling

06 tháng 7, 2025 lúc 3:15 PM

Tóm tắt bài viết

Theo Energy Institute, mức tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc có thể đạt đỉnh năm 2023 và giảm 1,2% năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán sự suy giảm sau năm 2027.

Sản lượng gang và xi măng của Trung Quốc đã giảm khoảng 18% kể từ năm 2020, trong khi sản lượng điện từ lưới điện quốc gia tăng gần một phần ba từ 2019-2024.

Tổng công suất điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc vượt công suất nhiên liệu hóa thạch vào tháng 12, với công suất điện mặt trời đạt 1,08 terawatt vào cuối tháng 5.

Doanh thu của China Shenhua Energy Co. giảm 12,3% và sản lượng điện từ các nhà máy của công ty này giảm 10% từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay.

Gần 53% xe bán ra tại Trung Quốc năm nay là xe điện, cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ sang năng lượng sạch và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tóm tắt bởi AI HAY

Bắt đầu điều khiển một siêu tàu chở dầu, bạn sẽ nhận thấy đó là công việc chậm rãi, gần như không thể cảm nhận được. Nhưng một khi con tàu đồ sộ ấy bắt đầu chuyển hướng, đà quán tính của nó gần như không thể ngăn cản.

Tình thế hiện nay cũng diễn ra tương tự với điểm đến quan trọng nhất của các tàu chở LNG, than đá và dầu mỏ toàn cầu trong vài thập niên qua: Trung Quốc. Quốc gia tiêu thụ carbon lớn nhất thế giới, đồng thời là nguồn phát thải khoảng một phần ba lượng khí nhà kính toàn cầu mỗi năm, cuối cùng cũng đang chuyển hướng sang một tương lai sạch hơn. Quy mô khổng lồ của Trung Quốc khiến cho chỉ riêng việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của nước này đạt đỉnh – như đang xảy ra vào lúc này – cũng đủ làm thay đổi hướng đi của cả hành tinh.

Xét riêng về nhu cầu dầu mỏ, mức tiêu thụ của Trung Quốc có thể đã đạt trần ngay trong năm 2023, trước khi giảm 1,2% trong năm ngoái, theo Báo cáo Thống kê của Energy Institute công bố tuần trước – một bộ dữ liệu hàng năm quy mô lớn về thị trường năng lượng toàn cầu. Dù thời điểm này sớm hơn so với một số nhà phân tích khác dự đoán, nhưng cũng không lệch nhiều. Nhóm nghiên cứu nội bộ của tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum Co.) cho rằng mức đỉnh sẽ rơi vào năm nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định mức suy giảm sẽ chỉ diễn ra sau năm 2027, nhưng cũng chỉ ra rằng gần như toàn bộ tăng trưởng nhu cầu kể từ năm 2019 đến nay chủ yếu dành cho lĩnh vực hóa dầu – phần lớn chỉ là việc chuyển khâu chế biến về nội địa thay vì tạo ra thêm cầu thực tế trên thị trường toàn cầu.

Than đá cũng đang tiến gần thời điểm bước ngoặt tương tự. Sản lượng gang và xi măng – hai ngành từng tiêu thụ khoảng một phần tư tổng nhu cầu than của Trung Quốc – đã giảm khoảng 18% kể từ năm 2020. Nhu cầu đối với nhiên liệu rắn chỉ tăng do mức tiêu thụ điện tăng vọt trong 5 năm qua. Từ 2019 đến 2024, sản lượng điện từ lưới điện quốc gia Trung Quốc đã tăng gần một phần ba – tương đương với toàn bộ công suất phát điện của Ấn Độ, hoặc cộng gộp Nga và Nhật Bản. Hiện nay, Trung Quốc tiêu thụ điện bình quân đầu người nhiều hơn cả Liên minh châu Âu.

Việc triển khai ồ ạt năng lượng tái tạo cuối cùng cũng đang bắt kịp tốc độ đó. Tháng 12 vừa qua, tổng công suất các nhà máy điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt qua tổng công suất các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch. Công suất tối đa từ 1,08 terawatt điện mặt trời đã lắp đặt tính đến cuối tháng 5 tương đương với công suất của một ngàn lò phản ứng hạt nhân.

Sản lượng than vẫn đang tăng, nhưng thay vì được tiêu thụ, phần lớn được đưa vào các kho dự trữ quy mô lớn, do nguồn điện sạch với chi phí thấp hơn được sử dụng thay thế. Từ tháng 1 đến tháng 5, doanh thu bán hàng của công ty khai thác lớn nhất – China Shenhua Energy Co. – đã giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng điện từ các nhà máy của chính công ty này cũng giảm 10%. Tổng lượng điện sản xuất từ tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong năm tháng đầu năm nay giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Phần lớn kết quả này đến từ những chính sách cụ thể ưu đãi xe điện, đường sắt cao tốc và ngành công nghiệp có cường độ tiêu thụ điện cao – dẫn đến nhu cầu dầu mỏ suy giảm nhanh hơn dự kiến, trong khi tiêu thụ than vẫn ổn định. Nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy câu chuyện phát triển kéo dài hàng thập niên của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn kết thúc. Trên thực tế, Trung Quốc hiện đã là một quốc gia có thu nhập cao, và đang trên đà vượt qua những nước như Bulgaria – thành viên liên minh châu Âu – về tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người. Điều đó có nghĩa là giai đoạn phát triển đòi hỏi tiêu thụ năng lượng cường độ cao đang dần kết thúc. Miễn là nước này duy trì tốc độ triển khai năng lượng tái tạo như hiện nay, sẽ không còn động lực nào để phát thải tiếp tục gia tăng.

Một quan điểm bi quan cho rằng phát thải của Trung Quốc sẽ không thực sự đạt đỉnh, mà sẽ duy trì ở một “cao nguyên vô tận”. Đó là điều có thể xảy ra – nhưng trái ngược với những gì từng diễn ra ở các quốc gia công nghiệp hóa đi trước trong vài thập niên qua. Phát thải của Hoa Kỳ đã giảm 10% chỉ trong vòng 5 năm sau khi đạt đỉnh vào năm 2007, và hiện thấp hơn khoảng 22% so với mức đó. Nhật Bản giảm tương đương kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2008. Hàn Quốc giảm 13% sau khi đạt đỉnh vào năm 2018.

Xét tốc độ triển khai năng lượng sạch ở Trung Quốc hiện nay, kịch bản sụt giảm nhanh chóng – như đã thấy với nhu cầu dầu mỏ – là hoàn toàn khả dĩ. Gần 53% xe bán ra tại Trung Quốc trong năm nay là xe có thể sạc điện, và ngành công nghiệp xe điện đang bước vào một vòng chiến tranh giá cả khốc liệt khác, đẩy giá xe điện xuống thấp hơn đáng kể so với xe chạy xăng truyền thống. Trong một chuyến công tác gần đây đến Quảng Châu, tôi quan sát thấy hơn 80% xe trên đường mang biển số xanh và không có ống xả – dấu hiệu cho thấy đó là các phương tiện sạc điện.

Trong lúc Quốc hội Mỹ đang nỗ lực thông qua đạo luật trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và trừng phạt năng lượng sạch, thật dễ hiểu vì sao nhiều người mất niềm tin vào khả năng thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0. Nhưng cần nhớ rằng khoảng hai phần ba mức gia tăng phát thải toàn cầu kể từ năm 2000 đến nay đến từ Trung Quốc. Đà gia tăng tưởng như bất tận trong dấu chân carbon của nước này từng là lý lẽ chính để các quốc gia giàu viện dẫn khi trì hoãn quá trình chuyển đổi năng lượng của chính mình.

Nay, làn sóng ô nhiễm khổng lồ ấy cuối cùng cũng đang rút đi. Thế giới có thể sẽ ghi nhớ năm 2025 như thời điểm bước ngoặt đã xảy ra.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tu-quoc-gia-phat-thai-nhieu-nhat-the-gioi-trung-quoc-dang-dan-tu-lam-sach-53663.html

#Trung Quốc
#Năng lượng tái tạo
#phát thải
#Net Zero
#Điện mặt trời

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media