Kinh doanh

Khi EVN hai vai, hai gánh

Trong khi tập đoàn Điện lực gánh nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng và kinh doanh bán buôn, lẫn bán lẻ điện, ngành điện chưa thể đạt mục tiêu thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh vào năm 2024.

Minh họa: Bảo Việt

Minh họa: Bảo Việt

Tác giả: Tuấn Anh

15 tháng 8, 2024 lúc 2:01 PM

Kể từ đầu tháng Bảy năm nay, theo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), các đơn vị phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có thể bán trực tiếp cho khách hàng lớn tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng sử dụng điện lớn có thêm lựa chọn mua điện, thay vì chỉ từ năm đơn vị kinh doanh điện thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thêm lựa chọn mua điện năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam như Samsung, Heineken, Foxconn...góp phần giúp doanh nghiệp và Việt Nam thực hiện được lộ trình cam kết phát thải ròng bằng 0. “Nhiều doanh nghiệp chờ đợi điều này từ năm 2016, đây là cơ hội để họ đạt được net-zero vào năm 2030,” ông John Rockhold, đồng chủ tịch ủy ban Năng lượng của AmCham, chia sẻ với Bloomberg Businessweek Việt Nam.

Cơ chế DPPA đang áp dụng cho các đơn vị sản xuất sử dụng điện lớn (trên 200 ngàn kWh/tháng) mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện (trên 10 MW) năng lượng tái tạo - nguồn điện hiện chiếm gần 14% sản lượng điện sản xuất trong tháng 6.2024. Còn người mua nhỏ lẻ, chủ yếu là các hộ gia đình hay doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn chưa có lựa chọn nào khác, ngoài việc mua điện từ EVN. Dù được ấn định thời hạn đến năm 2024, Việt Nam chưa thể có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, người tiêu dùng cuối có quyền chọn mua điện từ các đơn vị bán lẻ khác nhau.

c8.jpg

Sau nhiều năm thực hiện tái cấu trúc, thị trường điện đang từng bước hoàn thiện dần. Đầu tiên là thị trường phát điện cạnh tranh, với sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. 47% tổng công suất nguồn điện năm 2023, tương đương 37 GW theo cục Điều tiết điện lực, nằm trong tay doanh nghiệp nhà nước như EVN, Than Việt Nam và tổng công ty Dầu khí. Trong khi công suất điện tiêu thụ của quốc gia trong năm 2023 là hơn 45 GW. Điều này đồng nghĩa nếu huy động hết công suất điện từ các nhà máy doanh nghiệp nhà nước thì chưa tới 20% nguồn điện đến từ đơn vị tư nhân và các dự án BOT. Tiếp theo là thị trường bán buôn điện, ngoài EVN, mới có thêm năm tổng công ty Điện lực thuộc sở hữu của EVN.

Tuy có những bước phát triển nhất định, EVN vẫn nắm giữ phần lớn nguồn phát điện, quản lý cơ sở hạ tầng truyền tải, kiêm mua buôn điện cho tới phân phối điện bán lẻ. Vì vậy, bàn tay vô hình chưa thể chứng tỏ uy lực ở thị trường điện.

“Thực sự thế độc quyền đã giúp EVN có bước tiến đáng kể trong thời gian qua,” ông Rockhold nói. “Họ cũng đang muốn thoát khỏi việc độc quyền để đảm bảo an ninh năng lượng, vốn là điều tối trọng với Việt Nam ở thời điểm hiện tại.”

Ngành điện là một lĩnh vực đặc thù. Nếu so sánh mỗi quốc gia là một cơ thể, thì điện là dòng máu chảy tới mọi ngóc ngách, tác động tới các tế bào của xã hội. Thử hình dung một ngày không có điện bạn sẽ làm gì? Chúng ta vẫn sinh hoạt bình thường, dù có đôi chút bất tiện. Đối với bài toán kinh tế thì lại một câu chuyện khác. Chỉ riêng trong đợt mất điện tháng Năm và tháng Sáu năm ngoái, ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Việt Nam đã đánh rơi 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Đảm bảo an ninh năng lượng không còn đồng nghĩa với thế độc quyền. Năm năm kể từ khi xảy ra thảm họa động đất kèm sóng thần năm 2011 khiến Nhật Bản phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, nguồn cung 30% lượng điện cho xứ sở mặt trời mọc, Nhật Bản chấm dứt 70 năm độc quyền thị trường điện. Tính tới năm 2023, người dân Nhật Bản tự do lựa chọn sử dụng điện từ hơn 700 nhà cung cấp, chiếm khoảng 20% thị phần điện của xứ Phù Tang.

Ngành điện lực Việt Nam cũng trải qua 70 năm phát triển. Trước việc lượng điện tiêu thụ liên tiếp lập đỉnh cùng mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kinh tế, ngành điện cần nhiều thành phần tham gia hơn. Theo ông Thái Doãn Cầu, tác giả cuốn sách dày 700 trang có tên Thị trường điện, mô hình độc quyền bộc lộ nhiều điểm yếu, điển hình là việc không tạo ra động lực cho các nhà máy điện sản xuất điện với chi phí thấp. Giá điện thấp sẽ hỗ trợ giảm giá thành đầu vào, giúp nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia. Ngược lại, khi chi phí cao, người tiêu thụ điện cuối buộc phải gánh chịu.

Khi không tách bạch nhiệm vụ chính trị là bảo đảm an ninh năng lượng và hoạt động sản xuất, kinh doanh, EVN lâm vào thế khó. Tổng số lỗ sau thuế trong ba năm liên tiếp 2021-2023 của EVN là hơn 53 ngàn tỉ đồng. Ông Đinh Quang Tri, nguyên phó tổng giám đốc EVN, hiện là thành viên hội đồng quản trị của công ty tư vấn Xây dựng Điện 2, giải thích: “EVN đang huy động nguồn từ nhà máy điện có giá đầu vào cao, nhưng giá bán lẻ đang ở mức thấp.”

c9.jpg

Với hơn 35 năm làm việc tại EVN, ông Tri phân tích, than nhập khẩu, turbine khí đang có giá đầu vào 3.000-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán lẻ hiện tại 1.700-1.800 đồng/kWh. Theo báo cáo tài chính của EVN, trong năm 2023, chi phí giá vốn đang chiếm hơn 90% doanh thu, tăng gần 8% so với năm 2022. “EVN sẽ phải tăng giá bán điện.”

Muốn tăng giá bán lẻ điện từ mức 5% trở lên, EVN phải được bộ Công Thương phê duyệt. Trong trường hợp giá bán lẻ tăng từ 10% trở lên, người ra quyết định là Thủ tướng chính phủ. “EVN chỉ có thể tăng giá điện trong điều kiện kinh tế cho phép, trong đó có yếu tố lạm phát,” ông Tri nói.

Công ty chứng khoán Rồng Việt chỉ ra giá bán lẻ điện cần tăng 5% để EVN đạt điểm hoà vốn. Thực tế, tuy giá điện tăng gấp đôi trong giai đoạn 2009-2023, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có giá điện thấp nhất trong khu vực. Câu hỏi: Liệu tăng giá điện có giúp ngành điện “đi trước một bước” để đảm bảo nhu cầu năng lượng?

“Giá bán lẻ là mấu chốt vấn đề hiện tại của ngành điện Việt Nam, cần theo sát quy luật cung-cầu của thị trường,” ông Somsak Chutanan, cố vấn cao cấp của tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf Thái Lan. “Nếu không thể cải thiện tình hình tài chính thì EVN khó có khả năng huy động vốn đầu tư cho kế hoạch năng lượng quốc gia.”

Việt Nam vạch ra lộ trình phát triển điện lực trong Quy hoạch điện VIII tới 2050. Ước tính theo kế hoạch cần đầu tư khoảng 135 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021-2030 và hơn 534 tỉ đô la trong năm 2050 để xây dựng nguồn phát điện đi cùng nhu cầu cơ sở hạ tầng, bao gồm đường lưới truyền tải điện quốc gia.

linh-pham-02_.jpg
Tháp truyền tải ở xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam. Hình ảnh: Linh Phạm

“Vấn đề của Việt Nam không hẳn là thiếu điện, mà là lưới điện,” ông Somsak nói. Với kinh nghiệm hoạt động gần 10 năm tại Việt Nam, ông chỉ ra rằng các nhà máy điện ở miền Trung và miền Nam chưa thể cung cấp điện cho miền Bắc. Đi kèm với hiện tượng thiếu hụt nước ở các nhà máy thuỷ điện, EVN buộc phải huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt than. “Hệ quả là càng vận hành thì càng lỗ.”

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tri cho rằng, EVN nên chỉ tập trung vào phát triển lưới điện quốc gia. Phần còn lại để tư nhân và thành phần kinh tế khác cùng tham gia phát triển nguồn điện. “Khi từ bỏ thế độc quyền, cái mất của EVN là phần đang lỗ, cụ thể là các nhà máy nhiệt điện than, turbine khí với giá thành đầu vào cao.”

Nhìn rộng hơn, tự do hoá thị trường sẽ thúc đẩy ngành điện phát triển bền vững hơn. Khi chỉ có EVN mua điện, nhà phát điện chỉ có thể bán cho EVN. Nếu giá mua từ EVN thấp thì nhà đầu tư không có nhiều động lực. Còn khi giá mua cao, tình trạng phát triển ồ ạt có thể lặp lại. Điển hình là điện mặt trời tại Việt Nam chỉ mất bốn năm công suất đã đạt gần 20 GW, trong khi Nhật Bản cần 15 năm để làm được điều tương tự.

Cũng theo Quy hoạch điện VIII, bên cạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, vai trò chính còn nằm ở nguồn điện từ khí hoá lỏng (LNG) - nguồn cung cấp không chịu tác động của thời tiết, với mục tiêu đạt công suất 22,5 GW từ LNG trong năm 2030, tương đương khoảng 15% tổng công suất nguồn điện. Khung giá mua điện LNG vừa được phê duyệt tháng Năm năm nay và tháng Sáu mới ở giai đoạn chạy thử. Tuy giá mua được giới kinh doanh điện đánh giá cao hơn so với thế giới, nhưng hiện mới áp dụng cho năm 2024 và chưa có quy định cụ thể cho các năm tiếp theo. Với kế hoạch tài chính chưa rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ gặp gặp nhiều thử thách khi tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

“Chính phủ Việt Nam đang tập trung ưu tiên cải thiện tình hình tài chính của EVN, tạo điều kiện thực hiện các hợp đồng mua bán điện (PPA).” ông Rockhold nhận định. Ông cũng cho hay, cơ chế bảo lãnh thanh toán như giá FIT trong quá khứ sẽ không xảy ra. “Các nhà đầu tư phát triển điện cần chấp nhận sự thật là những ngày tháng tươi đẹp đã đi qua. Thay vì mong đợi bảo lãnh thanh toán từ chính phủ, doanh nghiệp nên tìm cách giúp các nhà máy nhiệt điện than của EVN hoạt động hiệu quả hơn bằng công nghệ mới.”

Không phủ nhận tầm quan trọng của việc hướng tới tự do hoá thị trường điện. Khi đi theo quy luật cung-cầu, hàng hoá sẽ đa dạng hơn, đáp ứng được đúng nhu cầu của thị trường, bao gồm nguồn điện sạch. Nếu mở rộng cơ chế DPPA, ông Tri kì vọng, nguồn năng lượng sạch sẽ phát triển bền vững hơn. “Đây là động lực thu hút nhiều FDI đầu tư vào Việt Nam, cũng như thúc đẩy nhà sản xuất có ưu thế xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt đối với các nước châu Âu đang áp dụng thuế carbon.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khi-evn-hai-vai-hai-ganh-52626.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media