Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Các cơ quan chức năng Việt Nam đang thực hiện nhiều chiến dịch truy quét hàng giả, hàng nhái quy mô trên cả nước. Có thể học gì từ Singapore trong cuộc chiến tưởng không có hồi kết này?
Hình ảnh: Brent Lewin/Bloomberg
Tác giả: Lê Hữu Huy
07 tháng 7, 2025 lúc 10:48 PM
Tóm tắt bài viết
Theo các chuyên gia, hàng giả là sản phẩm mang nhãn hiệu nhưng không được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép sử dụng, hoặc gây nhầm lẫn cho công chúng.
Tại Singapore, điều 49 của Luật về nhãn hiệu (TMA) xử lý hàng giả, bao gồm cả việc bán lại trên các nền tảng trực tuyến như trường hợp một công dân Việt Nam bị kết án tù năm 2023.
TMA Singapore quy định các hành vi phạm tội như làm giả nhãn hiệu, dán nhãn trái phép, nhập khẩu hàng giả, với mức phạt lên đến 100.000 SGD hoặc 5 năm tù, hoặc cả hai.
Luật Singapore cho phép cá nhân/doanh nghiệp biện pháp phòng vệ nếu vô tình nhập khẩu hoặc bán hàng giả, bằng cách chứng minh đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa hợp lý.
Mục 31 của TMA cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu kiện người bán hàng giả để được bồi thường thiệt hại và lợi nhuận thu được, đồng thời có thể bị cấm giao dịch và tiêu hủy hàng giả.
Tóm tắt bởi AI HAY
Theo định nghĩa của nhiều chuyên gia, hàng giả là những sản phẩm mang nhãn hiệu nhưng không được chủ sở hữu nhãn hiệu đó cho phép sử dụng. Ví dụ, một chiếc túi nhãn hiệu COACH nhưng không phải do tập đoàn Tapestry Inc. sản xuất/cho phép sẽ được xem là giả mạo. Hàng giả cũng bao gồm sản phẩm có nhãn hiệu gây nhầm lẫn cho công chúng khiến họ nhầm hàng giả với hàng thật. Chẳng hạn như một chiếc túi có nhãn “COÅCH” có thể là hàng giả vì chữ “Å” dù không giống hệt chữ “A” cũng gây nhầm lẫn. Thế nhưng, một chiếc túi dán nhãn hiệu “COUCH” không hẳn là hàng giả vì chữ này khác đáng kể so với “COACH”.
Một số người cho rằng có sự khác biệt giữa hàng giả (fake) và hàng nhái (imitation) và điều này nằm ở mục đích và mức độ bắt chước sản phẩm gốc. Hàng giả được thiết kế để đánh lừa người tiêu dùng thường sử dụng tên, logo và thiết kế của thương hiệu mà không được phép. Trong khi đó, hàng nhái có thể giống với sản phẩm gốc về kiểu dáng hoặc chức năng nhưng không cố tình giả mạo sản phẩm chính hãng. Chúng thường tránh sử dụng nhãn hiệu và logo của thương hiệu gốc và có thể được bán dưới tên thương hiệu khác.
Tại Singapore, hàng giả được xử lý theo mục 49 của Luật về nhãn hiệu (TMA) bao gồm cả việc bán lại trên các nền tảng trực tuyến. Chẳng hạn như như năm 2023, một công dân Việt Nam bán các loại quần áo mà cô đã mua từ Taobao và các nền tảng thương mại điện tử khác đã bị kết án tù 6 tuần. Sau khi bị đưa ra tòa, cô này phải nhận hai tội danh sở hữu hàng giả để bán chiếu theo TMA cùng năm tội danh khác được xem xét. Đáng lưu ý là không những nhãn hiệu đã đăng ký tại Singapore đều được bảo vệ theo TMA mà cả các nhãn hiệu nổi tiếng cũng được bảo vệ ngay cả khi chưa được đăng ký trên đảo Sư tử.
TMA cũng xác định hành vi tội phạm trong trường hợp: a) Làm giả chính nhãn hiệu bằng cách tạo bản sao của nhãn hiệu đó hoặc thay đổi nhãn hiệu trên một sản phẩm hợp pháp, và b) dán nhãn cho một sản phẩm mà không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Nhập khẩu hàng giả hoặc sở hữu phương tiện để sản xuất hàng giả cũng có tội. Tất các hành vi phạm tội như trên đều bị phạt tiền lên đến 100.000 SGD hoặc bị phạt tù lên đến 5 năm hoặc cả hai. Đối với hành vi bán hoặc nhập khẩu hàng giả, mức phạt được ấn định là 10.000 SGD cho mỗi sản phẩm giả được bán hoặc nhập khẩu, tùy thuộc vào mức phạt tối đa chung là 100.000 SGD.
Hàng giả nhập khẩu vào Singapore có thể bị tịch thu khi chủ sở hữu nhãn hiệu trình báo hoặc cơ quan chức năng có lý do nghi ngờ đây là hàng giả. Cơ quan chức năng có thể tịch thu tại điểm nhập khẩu bất kể đối tượng mang hàng giả vào Singapore để bán hay để sử dụng cá nhân, vì TMA không nêu rõ rằng thẩm quyền tịch thu hàng hóa của chính quyền chỉ giới hạn ở hàng hóa nhập khẩu với mục đích bán.
Hàng giả thuộc sở hữu của người bị kết tội vi phạm TMA sẽ bị tịch thu và cảnh sát cũng có thể xin lệnh tòa án để khám xét cơ sở bị nghi ngờ có hàng giả và tịch thu bất kỳ hàng hóa nào họ tìm thấy. Điều này thường xảy ra khi cảnh sát đột kích một cửa hàng bị nghi ngờ bán hàng giả và thường cũng dẫn đến việc bắt giữ người bị cáo buộc bán hàng giả. Tuy nhiên, nếu không có thủ tục tố tụng tại tòa án liên quan đến hành vi phạm tội theo TMA bắt đầu trong vòng 6 tháng kể từ khi bắt giữ, hàng hóa phải được trả lại cho chủ sở hữu.
Mặc dù nghiêm khắc với tội phạm hàng giả, luật Singapore vẫn cho phép cá nhân/doanh nghiệp một số biện pháp phòng vệ nếu vô tình nhập khẩu hoặc bán hàng giả. Trước tiên, bạn có thể cố gắng chứng minh rằng mình đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa hợp lý để chống lại việc buôn bán hàng giả, chẳng hạn như bạn không có lý do gì để nghi ngờ rằng hàng hóa đó là hàng giả. Ví dụ, nếu bạn vô tình mua phải hàng giả nhưng chỉ mua sau khi kiểm tra cẩn thận hàng hóa trong khả năng tối đa của mình và kiểm tra với các nhà bán lẻ khác, những người trước đây đã mua hàng hóa đó từ cùng một người bán, xem họ có lý do gì để tin rằng hàng hóa đó là hàng giả hay không. Nếu sử dụng biện pháp phòng vệ này, bạn có thể được yêu cầu cung cấp cho cơ quan chức năng tất cả thông tin về nguồn gốc của hàng hóa để tránh bị kết tội về hành vi phạm tội. Thứ hai, nếu bạn có thể chứng minh rằng bạn đã hành động vô tội hoặc có thiện chí. Điều này đòi hỏi phải chứng minh rằng bạn không có ý định buôn bán hàng giả chẳng hạn như không biết về sự tồn tại của nhãn hiệu đã bị làm giả.
Mục 31 của TMA cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu kiện người bán hàng giả để được bồi thường dưới hình thức thiệt hại cũng như bất kỳ khoản lợi nhuận nào thu được từ việc bán hàng giả. Tòa án cũng có thể ra lệnh cấm người bán giao dịch với hàng giả và buộc người bán phải tiêu hủy tất cả các hàng giả khác mà mình sở hữu. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn đã tiết lộ rằng sản phẩm là hàng giả và chủ sở hữu nhãn hiệu biết về điều đó nhưng không thực hiện bất kỳ hành động nào, thì điều này có thể cấu thành sự đồng ý ngầm định để bán hàng hóa mang nhãn hiệu. Sự đồng ý ngầm định như vậy có thể phát sinh ngay cả khi không tiết lộ rằng sản phẩm là hàng giả. Nếu vậy, hàng hóa sẽ không còn được coi là hàng giả theo luật nữa, vì có sự đồng ý ngầm định từ chủ sở hữu nhãn hiệu để sử dụng nhãn hiệu.
Khác với nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu, tại Singapore mua hàng giả để sử dụng cá nhân không phải là bất hợp pháp. Nhưng nếu mua hàng giả ở nước ngoài và cố gắng mang chúng vào Singapore, bạn vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị tịch thu tại thời điểm nhập khẩu như đã nói ở trên. Trong trường hợp trả tiền mua sản phẩm chính hãng nhưng lại nhận hàng giả, bạn có thể khiếu nại hay khởi kiện người bán theo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng.
Theo quan sát chủ quan của người viết, người tiêu dùng Singapore và cả du khách nước ngoài đến đây mua sắm thường vào những cửa hàng thương hiệu uy tín ở khu thương mại lớn hiếm khi mua phải hàng giả. Nhưng người ta cũng chấp nhận mua hàng nhái tại các cửa hàng tư nhân, khu chợ ngoài trời, chợ đường phố cuối tuần hay chợ đêm như túi xách, quần áo, bóp ví, dây nịch, nước hoa... với giả cả phải chăng.
Luật pháp Singapore dường như không quá khắt khe với hàng nhái ngoại trừ có sự trình báo của chủ sở hữu thương hiệu hay yêu cầu kiện ra tòa. Tuy nhiên, chính phủ hoàn toàn không nhân nhượng đối với hàng hóa liên quan đến sức khỏe và y tế. Một số sản phẩm y tế chưa hẳn giả mạo theo TMA nhưng bị pha tạp (aduterated) hay kém chất lượng (substandard) sẽ bị chế tài theo Luật về dược phẩm (Medicines Act), Luật về chất độc (Poison Act) và/hoặc Luật về sản phẩm y tế (Health Products Act) với mức phạt lên đến 100.000 SGD và 3 năm tù hoặc cả hai.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/singapore-chong-hang-gia-hang-nhai-nhu-the-nao-53687.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media