Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Khi hóa đơn thuế trị giá 80.000 USD đến tay vào tháng Năm, Haley Pavone đã làm điều mà nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ có thể làm: Cô đóng băng việc tuyển dụng và thêm một khoản phụ phí khi thanh toán trực tuyến để giúp trang trải chi phí.
Haley Pavone. Nguồn: Pashion Footwear
Tác giả: Katia Dmitrieva
11 tháng 07, 2025 lúc 11:34 AM
Cô Pavone, người sáng lập công ty Pashion Footwear có trụ sở tại California chuyên nhập khẩu giày từ Trung Quốc, vẫn chưa chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước này. Không phải vì cô chưa thử, mà vì, giống như nhiều người khác, đó không phải là một lựa chọn khả thi.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sau khi quay trở lại Nhà Trắng, Pavone đã khảo sát các nhà máy ở Brazil, Ấn Độ và Việt Nam.
Nhưng cô nhanh chóng gặp phải những vấn đề: tất cả đều yêu cầu đơn hàng tối thiểu cao hơn và lực lượng lao động thiếu tay nghề, đặc biệt là để sản xuất dòng giày đặc biệt của cô có thể chuyển đổi từ giày bệt sang giày cao gót. Ngay cả khi cô có thể tìm được nhà máy với công nhân có tay nghề, họ vẫn sẽ cần nhập khẩu các linh kiện quan trọng từ Trung Quốc.
Một lần thử nghiệm mẫu giày cao gót quai mảnh từ một nhà máy ở Việt Nam bị đánh giá là “thiếu tinh tế”. Vì vậy, ngay cả khi mức thuế áp lên một số sản phẩm của cô lên đến 190% vào tháng Tư, cô vẫn quyết định tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp hiện tại.
Với việc thuế của Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam hiện gần bằng mức với Trung Quốc, càng có ít động lực để chuyển sản xuất khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Không nơi nào tối ưu như Trung Quốc,” Pavone, 29 tuổi, nói. “Chỉ riêng trình độ tay nghề và kiến thức ngầm định trong lực lượng lao động tại đó cho các ngành công nghiệp này đã vượt xa những gì bạn có thể tìm thấy ở nơi khác.”
Tình cảnh của Pavone là điều mà nhiều công ty trên toàn cầu phải đối mặt khi phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ và nhà sản xuất Trung Quốc. Việc đa dạng hóa khỏi Trung Quốc kể từ năm 2017 chủ yếu tập trung vào dệt may, điện tử, ô tô và khâu lắp ráp, tuy nhiên ngay cả các công ty trong những lĩnh vực đó vẫn thường phụ thuộc vào các doanh nghiệp đặt tại Trung Quốc để cung cấp linh kiện đầu vào, theo Rhodium Group.
“Không quốc gia nào có thể tái tạo một hệ sinh thái sản xuất được tối ưu hóa cao như Trung Quốc ở quy mô lớn, vì vậy các công ty vẫn chậm trong việc chuyển dịch sang các trung tâm sản xuất thay thế,” các nhà phân tích bao gồm Agatha Kratz viết trong báo cáo năm 2025.
Việc chuyển dịch thực tế có thể còn thấp hơn số liệu chính thức. Khi tính đến sự gia tăng các lô hàng de minimis — tức là hàng nhập khẩu vào Mỹ được miễn thuế nếu có giá dưới 800 USD — và việc tái xuất hàng hóa Trung Quốc qua nước thứ ba, mức độ phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc chỉ giảm khoảng 6 điểm phần trăm kể từ năm 2017, thấp hơn một phần tư so với ước tính trước đó là 8 điểm phần trăm, theo nghiên cứu mới từ một nhóm học giả thuộc Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
“Trung Quốc đang tự thay thế mình nhiều hơn cả Mexico hay Việt Nam trong thị trường Mỹ,” theo nhóm nghiên cứu do Caroline Freund, Trưởng khoa Chính sách Toàn cầu và Chiến lược của Đại học UC San Diego, dẫn đầu.
Dữ liệu thương mại gần đây nhấn mạnh động thái này: Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh trong khi xuất khẩu sang Đông Nam Á tăng vọt. Tuy nhiên, lô hàng từ Đông Nam Á sang Mỹ cũng tăng vọt — thường đạt mức kỷ lục — cho thấy hàng hóa và linh kiện từ Trung Quốc vẫn còn rất cần thiết tại Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một “thỏa thuận hiểu biết” vào cuối tháng Sáu, đồng nghĩa với việc Pavone và các nhà nhập khẩu như cô sẽ không còn phải đối mặt với các mức thuế cao nhất. Các mức thuế do Tổng thống Trump áp dụng vào ngày 2 tháng Tư nhân dịp Ngày Giải phóng đã làm bùng phát một cuộc chiến thuế trả đũa, đẩy thuế của Mỹ đối với hàng Trung Quốc lên tới 145%, và lên khoảng 190% đối với một số sản phẩm của Pashion Footwear vốn đã chịu thuế trước đó.
Tuy nhiên, vẫn chưa có sự rõ ràng về mức thuế cuối cùng sẽ dừng ở đâu.
Giày của Pashion được bán lẻ với giá khoảng 200 USD mỗi đôi, với các kiểu dáng trải dài theo nhiều mức giá. Thuế đang ăn mòn biên lợi nhuận, nhưng Pavone cho biết công ty vẫn còn sinh lời ở thời điểm hiện tại.
Đối với Pavone, thật khó để so sánh với các nhà máy cô đã sử dụng gần một thập niên tại Đông Hoản, Trung Quốc, một trung tâm toàn cầu cho sản xuất dệt may. Các linh kiện nhựa, kim loại và vải cần thiết đều đến qua một chuỗi cung ứng được hiệu chỉnh cẩn thận, và phần lớn đầu vào đều có sẵn tại địa phương. Pavone có thể đặt hàng theo lô nhỏ để thử nghiệm thiết kế mới, tức là ít rủi ro tài chính hơn.
Và còn có yếu tố chuyên môn. Yaqin Long, chủ nhà máy cung cấp của cô, Lovejoy Studio, là một người làm giày thế hệ thứ hai. Một nửa nhân viên trong nhà máy có khoảng 2.000 người, nơi sản xuất giày của Pashion, là kỹ sư.
Bà Long đã mở một nhà máy ở Việt Nam vào năm 2014 và có kế hoạch xây thêm một nhà máy khác ở Indonesia để tiết kiệm chi phí lao động, nhưng điều đó cũng đòi hỏi đào tạo, đầu tư và thời gian để thực hiện đúng cách. “Khách hàng Mỹ đang thúc ép chúng tôi ra nước ngoài nhưng chuyển sản xuất là điều rất khó,” bà Long nói từ văn phòng của mình ở Đông Hoản (Đông Quản).
Với Pavone, việc chuyển đơn hàng sang Việt Nam sẽ yêu cầu chi phí ban đầu ít nhất 50.000 USD, theo ước tính của cô. Và hiện vẫn chưa rõ mức thuế nào sẽ được áp dụng ở nhiều khu vực khác trên thế giới.
Tất cả điều đó có nghĩa là Pavone vẫn đang tính toán con đường tốt nhất cho công ty của mình, vốn bắt đầu như một startup khoảng sáu năm trước và từng xuất hiện trên chương trình Shark Tank.
“Thật tệ, rất tệ. Tôi không biết làm sao để hoàn thành công việc của mình,” Pavone nói. “Lẽ ra năm nay phải là một năm tuyệt vời, nhưng thay vào đó, đây sẽ là năm định đoạt việc chúng tôi có tồn tại được hay không.”
- Với sự hỗ trợ của James Mayger và Daniela Wei
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thue-190-cung-khong-the-khien-hang-giay-my-thoi-phu-thuoc-trung-quoc-53738.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media