Phong lưu

Công nghệ trình chiếu giúp cho người Việt thưởng lãm các cuộc triển lãm đẳng cấp

Tương lai của quảng cáo và nghệ thuật đang nằm gọn trong một chiếc màn hình. Tất nhiên, phải có công nghệ phù hợp.

Minh họa: Nguyễn Đức Huy

Minh họa: Nguyễn Đức Huy

Tác giả: Lạc Hoàng

07 tháng 11, 2024 lúc 10:05 AM

“Tôi vén bức màn ngăn cách giữa các căn phòng, để rồi chìm vào những mênh mông vòng xoáy màu sắc và âm thanh, giữa những tích truyện gần gũi diễn đạt qua ngôn ngữ đồ hoạ số - như tác phẩm “100 trứng” của Cao Hoàng Long” Thiên Thanh - giám tuyển không gian lưu trú nghệ sĩ AirHue chia sẻ về trải nghiệm khi thăm Sống Platform - Bảo Tàng Số “triệu đô“ tại Huế. Việc xây dựng một bảo tàng chuyên biệt dành riêng cho nghệ thuật số thay vì một triển lãm ngắn hạn, với 1.200m2 được mạnh tay bao phủ bằng hình chiếu - là một tiền lệ chưa từng xuất hiện trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Táo bạo và đột phá hơn cả khi một trung tâm văn hóa với bề dày lịch sử lâu đời như Huế, là nơi được lựa chọn. Sự ra đời của Sống Platform đặt ra nhiều câu hỏi không chỉ cho nền nghệ thuật nước nhà, mà còn về tiềm năng đầu tư vào không gian văn hoá nói chung và sinh lời từ tác phẩm số nói riêng.

Còn bạn, đã bao giờ bạn cảm thấy mình như lạc vào một bức tranh sống động? Trong nhiều năm vừa qua, cụm từ Immersive Exhibition - triển lãm đa giác quan - không còn là khái niệm mới với công chúng. Từ khoá tiếng Anh này cho ra 35 triệu kết quả trên Google. “Van Gogh Alive” - thu hút hơn bảy triệu lượt xem tại 70 thành phố kể từ khi ra mắt tại Singapore năm 2011. Năm 2019, TeamLab củng cố vị thế của loại hình nghệ thuật này với bảo tàng Borderless tại Thượng Hải. Từ năm 2023 đến nay, nhiều thương hiệu lớn như Sunlife, VPBank, Techcombank, Vietinbank, Masterise Homes, LG,... nhảy vào cuộc chơi đa giác quan tại Việt Nam. Ngoài nghệ thuật, triển lãm đa giác quan còn được sử dụng để quảng bá di sản văn hóa, như các chương trình “Văn Miếu Night Tour”(Văn Miếu - Quốc Tử Giám) và “Huế By Light” (Đại nội Huế) (2023), thu hút đông đảo khách tham quan.

Vậy triển lãm đa giác quan là gì? “Immersive art”, hay triển lãm đa giác quan, là loại hình nghệ thuật tạo ra trải nghiệm đắm chìm bằng công nghệ 3D Projection Mapping và AR/VR/MR - các công nghệ thực tế ảo, tăng cường và hỗn hợp để tạo ra không gian sống động. Ngoài các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, những buổi triển lãm này cũng có thể kết hợp các công nghệ khác như cảm biến tương tác với chuyển động, để tạo nên một trải nghiệm đa chiều, nơi người xem không chỉ chìm đắm mà còn có thể tương tác với tác phẩm nghệ thuật.

c1.jpg

Các triển lãm đa giác quan nở rộ tại Việt Nam trong hai năm qua là do nhiều yếu tố từ phía cung và cầu. Dân số trẻ có nhu cầu đến tận nơi giải trí sau thời gian “bó chân” trong dịch, trong khi các nhãn hàng cũng tìm kiếm những hình thức quảng cáo mới lạ, với mức độ đầu tư khiêm tốn hơn các lễ hội âm nhạc thời gian trước đó. Sự kết hợp hoàn hảo giữa nhu cầu trải nghiệm trực tiếp (live event) ngày càng cao của người dùng, các mục tiêu quảng cáo đa dạng của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng sáng tạo của các đại lý quảng cáo, tạo nên “cơn sốt” đa giác quan. Liệu đây chỉ là một xu hướng nhất thời hay sẽ trở thành một phần không thể thiếu của công nghiệp quảng cáo trong tương lai? Và các triển lãm đa giác quan có thể tiếp tục đổi mới như thế nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả?

Việc tiếp cận các thiết bị như màn hình LED, máy chiếu cũng ngày càng dễ dàng hơn nhờ thủ tục hải quan đơn giản và chi phí hợp lý. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Các đơn vị phân phối như Trần Linh Media đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển này, với những dự án ấn tượng như không gian trải nghiệm Immersive lớn nhất Việt Nam (khán phòng hơn 1.300m2 với diện tích màn LED lên tới gần 800m2 - 360 độ) tại The Galleria by Masterise Homes, hay sự kiện chiếu sáng tương tác trên mặt nước sông Hồng. Triển lãm đầu tiên cho dân chuyên tổ chức sự kiện với tên Event Technology (Gem Center, TP.HCM) diễn ra vào tháng 10.2023 tại TP.HCM, thu hút hơn 10 ngàn lượt khách trong một ngày, cũng cho thấy nhu cầu lớn của thị trường đối với các giải pháp công nghệ sự kiện như 3D Mapping, VR-AR...

c2.jpg

Khi đến xem những triển lãm đa giác quan này, bạn có bao giờ tò mò về những người đứng sau? Ai là người kiến tạo nội dung cho những màn hình này? Câu trả lời thường là một tập thể những nghệ sĩ đồ họa số, phần lớn hoạt động trong các CGI và VFX (Visual Effects) studio quy mô vừa và nhỏ. Những studio này thường năng động trong việc “một vốn bốn lời”, vốn là đơn vị sản xuất đồ hoạ và kỹ xảo cho các chương trình truyền hình, các gameshow và sân khấu ca nhạc quy mô lớn. Tại Van Gogh Expo tại Gigamall, toàn bộ phần hoạt hình “làm sống lại” những tác phẩm kinh điển của danh họa Van Gogh đều được sản xuất “made in Vietnam” do Enterspace Studio (đơn vị sản xuất hình ảnh cho Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023, GENfest & Vietnamese Concert của Hoàng Thùy Linh).

Bên cạnh các studio VFX/CGI, các nghệ sĩ đương đại cũng mang đến những góc nhìn nghệ thuật độc đáo. Nội dung được sản xuất bởi nhóm này thường sẽ mang tính cá nhân hoá cao, với dấu ấn sáng tạo khác biệt. Phần lớn các nghệ sĩ này có điểm bắt đầu là Visual Jockey (VJ), là một thuật ngữ dùng để chỉ những người dẫn chương trình hình ảnh và hiệu ứng thị giác cho các sự kiện âm nhạc trong các hộp đêm. Kết hợp thêm công nghệ 3D Projection Mapping, họ đã biến những đêm rave underground thành những không gian nghệ thuật đa chiều. Tinh thần sáng tạo và khả năng thích ứng của các nghệ sĩ này đã góp phần tạo nên tiền đề cho hiệu ứng hình ảnh trực tiếp (real-time visual effects) và Immersive Event tại Việt Nam.

Một trong những nghệ sĩ tiêu biểu có thể kể đến Tùng Crazy Monkey, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật số từ năm 2005, có kinh nghiệm hợp tác với nhiều nhãn hàng thương mại như Asus, Samsung, Adidas, Mercedes, Sunlife. Gần đây, anh Tùng (37 tuổi, TPHCM) cũng là người kiến tạo Bảo Tàng Số - Sống Platform tại Huế - top ba không gian nghệ thuật số lớn nhất Đông Nam Á, với năm phòng chiếu được bố trí trong không gian 1.000m². “Trước mắt, xu hướng triển lãm đa giác quan là một giao điểm tuyệt vời để công chúng hình thành thói quen đến xem nghệ thuật. Về đường dài, các xu hướng nghệ thuật - công nghệ tại Việt Nam thường ngắn ngủi do thiếu tính bền vững,” Tùng Monkey nói. Nghệ sĩ cho rằng các không gian immersive tại Việt Nam nên hướng tới tính quốc tế để thu hút cả khách du lịch trong và ngoài nước, để không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Anh lấy ví dụ các dự án nổi tiếng như Borderless (Thượng Hải), Teamlab Planet (Nhật Bản), và Atelier des Lumières (Paris, Pháp), những dự án đã thành công trong việc thu hút khách hàng và tạo ra doanh thu lớn. “Chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo, với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà sáng tạo nội dung, công ty tổ chức sự kiện, chuyên gia kỹ thuật và nhãn hàng.”

Ở Việt Nam, cũng đã có những nhãn hàng kiên trì tạo ra những trải nghiệm tương tác như trường hợp của Sun Life Việt Nam thông qua các triển lãm nghệ thuật đa giác quan như “LIT - Bật sáng” (2023, TP.HCM) và “Đủ” (2022, TP.HCM). Những trải nghiệm sáng tạo này không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn giúp Sun Life trở thành một thương hiệu bảo hiểm truyền cảm hứng và khẳng định vị thế tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ.

Hiếu Nguyễn, chuyên gia sáng tạo tại DSquare của sự kiện Vườn Thư Thái - kỉ niệm 35 năm của Ariston tổ chức tại nhà thi đấu Cầu Giấy, Hà Nội (2023) cho biết “Lợi thế của loại hình này, ngoài khía cạnh trải nghiệm khách hàng, còn là gây ấn tượng với truyền thông và các nhãn hàng đối thủ về yếu tố “đi đầu”. Nếu mục tiêu quảng cáo các nhãn hàng nhấn mạnh đến yếu tố cảm tính, thì immer- sive event là một lựa chọn phù hợp. “Immersive” là chìm đắm, và khi chìm đắm thì người ta có xu hướng cảm thông hơn, chia sẻ hơn, yêu quý sản phẩm hơn. Tính hữu hạn của trải nghiệm “tạm thoát khỏi thế giới thật” cũng mang đến cho người tham dự sự tập trung tận hưởng trong thời gian nhất định, một điều quý trong thế giới số hoá”.

7.jpg
Triển lãm “Vườn Thư Thái” thực hiện bởi ARISTON vào tháng 12/2023. Hình ảnh: Too Awake Studio

Đài phun nước mô phỏng Trevi Fountain “thật” kết hợp với đàn cá “ảo” đã tạo nên một không gian trải nghiệm độc đáo tại nhà thi đấu Cầu Giấy. Mỗi bước chân của người xem để lại những phản ứng tức thời tuyệt đẹp trên mặt sàn, tạo nên một trải nghiệm cá nhân hoá cho mỗi người. Theo báo cáo, sự kiện đã thu hút 1.480 khách tham dự trong 1 ngày diễn ra, với livestream đạt 63.000 lượt xem, tạo ra gần 2 triệu tương tác tích cực (theo DSquare).

6.jpg
Triển lãm “Vườn Thư Thái” thực hiện bởi ARISTON vào tháng 12/2023. Hình ảnh: Too Awake Studio

Hằng Nguyễn, nhà sản xuất của Too Awake Studio, đơn vị phụ trách đồ hoạ hình chiếu cho biết triển lãm Vườn Thư Thái đã gây ngạc nhiên cho nhiều khách tham quan nhờ vào việc ứng dụng công nghệ tương tác. Cô cũng nhận định rằng khán giả ngày càng mong đợi những trải nghiệm sâu sắc hơn chỉ một không gian toàn hình chiếu: “Để đáp ứng nhu cầu này, các triển lãm cần chú trọng đến việc xây dựng nội dung độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Các tác phẩm của nghệ sĩ đương đại Việt, những câu chuyện văn hóa, di sản, hay tái hiện các tác phẩm nghệ thuật kinh điển một cách sáng tạo, đều có thể trở thành điểm nhấn thu hút khán giả.”

Chương trình trải nghiệm tour du lịch đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Văn Miếu Night Tour”, ra mắt vào tháng 11 năm 2023, dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã nhận được phản hồi tích cực từ công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Hình ảnh biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, lung linh và huyền ảo vào ban đêm đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách tính đến ngày 20.9.2024, theo chia sẻ của ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với giá vé tham quan là 199 ngàn đồng/lượt. Trong đó, có khoảng 60% là khách quốc tế.

Việc ứng dụng công nghệ 3D Projection Mapping, cảm biến không chạm (leap-motion) và thực tế ảo tăng cường vào chương trình trải nghiệm đêm tại Văn Miếu đã giải quyết được nhiều bài toán khó. Với một di tích lịch sử có nhiều hiện vật bị thất lạc và giá trị phi vật thể khó truyền đạt, công nghệ đã giúp tái hiện lại các câu chuyện một cách sinh động và hấp dẫn, thu hút giới trẻ đến gần hơn với di sản văn hóa. Ông Kiêu chia sẻ thêm, ngoài bộ phim “Tinh hoa đạo học” đang trình chiếu 3D Mapping trên toàn bộ mặt trước của nhà Tiền Đường trên sân Thái Học, Văn Miếu cũng đang xây dựng bốn bộ phim và phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ như AI, thực tế ảo một cách phổ biến hơn, để mỗi khách tham quan có thể tự tìm hiểu các giá trị của di tích phi vật thể thông qua công nghệ.

Theo Giang Nguyễn, giảng viên khoa Digital Media tại đại học RMIT, “hậu đa giác quan” sẽ là những trải nghiệm tương tác, thời gian thực, nơi người xem có thể đối thoại trực tiếp với tác phẩm. Điều này sẽ tạo ra một không gian nghệ thuật đa chiều, mở ra những khả năng vô hạn. Mặc dù còn nhiều hạn chế về đào tạo, nhưng thị trường AR/VR tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng phát triển của loại hình nghệ thuật này, với trọng tâm mạnh mẽ vào việc phát triển các triển lãm đa giác quan cho du lịch và bảo tồn văn hóa. Thị trường AR & VR tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt doanh thu 123 triệu đô la Mỹ vào năm 2024.

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 9,61% kể từ năm 2024, quy mô thị trường đạt 194,6 triệu đô la vào năm 2029, theo statista.com.

Giám tuyển Thiên Thanh chia sẻ những suy ngẫm sau khi đi thăm Sống Platform: “Huế là một nơi tiềm tàng những phép màu, dù còn đang lu mờ trên bản đồ nghệ thuật đương đại cả nước. Các cơ sở hạ tầng, nguồn quỹ đầu tư cho mảng này thiếu hoặc không đủ đáp ứng cho sự phát triển bền vững. Một không gian như Bảo Tàng Số - Sống Platform đánh dấu một hướng đi về tầm nhìn phát triển, cũng như một lời hứa táo bạo đem nghệ thuật số - vẫn còn rất mới mẻ đến một vùng đất truyền thống.” Thanh hi vọng Bảo Tàng Số sẽ là một cột mốc vững chắc, không khỏi kỳ vọng một sự kết nối bền bỉ giữa bảo tàng, nghệ sĩ và công chúng trong hệ sinh thái sáng tạo còn non trẻ ở thành phố này.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cong-nghe-trinh-chieu-giup-cho-nguoi-viet-thuong-lam-cac-cuoc-trien-lam-dang-cap-52525.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media