Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Giải pháp
Nếu có nhiều dữ liệu hơn về địa hình các khu dân cư ổ chuột, nhân viên cứu hộ sẽ ứng phó hiệu quả hơn với bão lũ và những thảm họa tự nhiên khác tại các khu vực này.
Thị trấn Blamo ở ngoại ô Monrovia, Liberia. Hình ảnh: Carielle Doe cho Bloomberg Businessweek.
Tác giả: Coco Liu và Festus Poquie
15 tháng 8, 2024 lúc 3:08 PM
Vào một sáng nhiều mây đầu tháng Năm, Charles Gamys tung chiếc máy bay điều khiển từ xa (drone) lên trời. Ở độ cao khoảng 120m, anh bắt đầu chụp ảnh cảnh quan bên dưới: Hàng loạt căn nhà tạm bợ, nối với nhau bằng những con hẻm không trải nhựa, xen lẫn hàng cây cọ dầu.
Đây không phải những ảnh chụp ngẫu nhiên. Gamys, 30 tuổi, đang giúp tạo ra bản đồ đầu tiên của thị trấn Blamo, một khu định cư không chính thức bên ngoài Monrovia, thủ đô Liberia. Thị trấn Blamo đã tồn tại gần 70 năm, là nơi sinh sống của khoảng 20 ngàn con người. Tuy nhiên, trên các bản đồ chính thức, nơi này rất ít được miêu tả chi tiết. Còn trên Google Maps, bạn không nhìn thấy nó đâu cả.
Trên toàn cầu, hơn một tỉ người – khoảng một trong bốn cư dân đô thị – sống trong các khu định cư không chính thức như thị trấn Blamo, được Liên Hợp quốc định nghĩa là các khu ổ chuột. Hàng ngày, cư dân các khu ổ chuột ở Monrovia nấu nướng, dọn dẹp, làm việc và tụ tập trong những căn lều chật hẹp được chắp vá từ bùn và kim loại phế liệu.
Và khi xảy ra thảm họa tự nhiên, tất cả những gì có ở các khu định cư này đều trở thành gáng nặng, bao gồm thiếu bản đồ. Lũ lụt thường đến rất nhanh, mọi công trình dễ dàng bị hư hại, nhân viên cứu hộ sẽ không biết đi đâu.
Mỗi khi chính quyền thành phố họp bàn kế hoạch cải thiện năng lực chống chịu biến đổi khí hậu, không ai đề cập đến các khu ổ chuột.
“Các khu ổ chuột dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hơn so với các loại khu vực khác,” Caroline Gevaert, phó giáo sư tại khoa Khoa học thông tin địa lý và quan sát trái đất, đại học Twente (Hà Lan), cho biết. “Việc lập được bản đồ (cho khu ổ chuột) thật sự rất quan trọng.”
Đây cũng là lúc đội Bản đồ mở nhân đạo (Humanitarian OpenStreetMap Team – HOT) vào cuộc. Với đội ngũ 105 nhân viên, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington này hợp tác với các nhóm cứu trợ địa phương, cùng cư dân các khu ổ chuột để bản đồ hóa những nơi như thị trấn Blamo. Họ dùng drone để chụp hình các khu định cư ổ chuột từ trên cao, rồi cho người vẽ bản đồ, trò chuyện, phỏng vấn người dân địa phương để ghi lại tất cả con đường và nhà cửa.
Thông tin thu được có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau: Chẳng hạn, bản đồ chi tiết có thể là cơ sở để đánh giá, đo lường thiệt hại sau thảm họa, còn việc đếm được số lượng công trình cho biết cần sơn trắng bao nhiêu mái nhà để phản chiếu ánh sáng mặt trời, giúp giảm nhiệt.
Kể từ khi thành lập vào năm 2010, HOT đã tham gia vào các dự án vẽ bản đồ khu ổ chuột tại hơn 10 thành phố ở 10 nước, gồm Dar es Salaam ở Tanzania và Dhaka ở Bangladesh. Trên phạm vi toàn cầu, các dự án tương tự đang gia tăng. Tổ chức phi chính phủ này cùng các đối tác đã vẽ bản đồ cho 21 trong hơn 100 khu định cư chưa được lập bản đồ trong và quanh Monrovia – một nỗ lực được trung tâm Thích ứng toàn cầu tài trợ, dự kiến sẽ phủ thêm 31 khu dân cư tương tự vào tháng Chín năm nay.
Cách chiếc drone của Gamys khoảng 8km về phía Bắc, Tetee Nyewan, chuyên gia vẽ bản đồ đến từ liên đoàn Cứu trợ người nghèo đô thị Liberia (Folups), một trong những tổ chức phi chính phủ là đối tác của HOT tại Monrovia, gõ cửa một gia đình ở khu dân cư không chính thức mang tên Duala. Cô ghi lại tình trạng ngôi nhà, thông báo với cư dân cô đang thu thập dữ liệu về nguy cơ lụt lội ở những khu vực thấp, trũng (như nơi họ đang sống).
“Thông tin này giúp chúng tôi đem lại lợi ích cho cộng đồng của mình,” Nyewan, 34 tuổi cho biết (cô cũng lớn lên ở một khu định cư gần đó). Năm 2016, căn lều nơi gia đình cô sống còn nằm cách bãi biển gần nhất 40 phút đi bộ, giờ đây khoảng cách này giảm còn một nửa khi các cơn bão biển ngày càng hung hãn hơn đã nuốt mất phần nào diện tích đất ven biển.
Khi xong cuộc phỏng vấn, bảng câu hỏi được Nyewan tải lên một cơ sở dữ liệu trực tuyến mà các NGO và chính phủ có thể truy cập. Ở Monrovia, Folups cùng các đối tác đang chi trả 15 đô la Mỹ/ngày cho các chuyên viên lập bản đồ người địa phương như vậy, kèm một tuần dùng dữ liệu di động miễn phí cho các dịch vụ của họ (là những ưu đãi hấp dẫn ở nơi có GDP đầu người chưa tới 800 đô la vào năm 2022).
“Mục tiêu của chúng tôi là huy động, tập hợp một lượng lớn người nghèo, yếu thế nơi đô thị để giúp mang tiếng nói của họ lên được bàn nghị luận,” George Gleh, một điều phối viên dữ liệu tại Folups, cho biết.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ve-ban-do-cho-khu-o-chuot-52631.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media