Giải pháp

Để công trình thực sự xanh

Công trình công nghiệp và dân dụng là hai mảng dẫn đầu về chứng nhận công trình xanh xét theo diện tích sàn.

Mô phỏng quá trình theo ghi nhận của vận hành để tối ưu thiết kế

Mô phỏng quá trình theo ghi nhận của vận hành để tối ưu thiết kế

Tác giả: Ánh Nguyễn

15 tháng 8, 2024 lúc 2:59 PM

Trong tháng Sáu, toà Golden Crown của DOJILand tại Hải Phòng được chứng nhận tạm thời LEED Residential-Silver (Leadership in energy and environmental design) do hội đồng Công trình Xanh Mỹ cấp – để ghi nhận công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường sống. “Nhu cầu có chứng chỉ xanh cho công trình ngày càng lớn trước áp lực thu hẹp dấu chân carbon trong ngành xây dựng,” kiến trúc sư Trần Thành Vũ, giám đốc EDEEC, người tham gia tư vấn chứng chỉ xanh cho tòa nhà này nói.

Đến hết quý II năm nay, Việt Nam có khoảng 476 công trình nhận chứng chỉ công trình xanh, phổ biến là LEED (USGBC), EDGE (IFC), Green Mark (Singapore) và LOTUS (VGBC), theo thống kê của IFC, với tổng diện tích sàn là khoảng 11,4 triệu m2. Trong đó, 36% diện tích sàn thuộc về mảng nhà ở. Đứng đầu là mảng công trình công nghiệp, với 38%. Diện tích sàn công trình xanh nói chung được xem là khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực. Một trong những điểm nghẽn lớn được nhiều chuyên gia chỉ ra là chủ đầu tư vẫn còn nghi ngại chi phí đầu tư cao. “Nhiều năm nay, ở các hội thảo chuyên ngành, doanh nghiệp luôn có những câu hỏi về chi phí xây dựng công trình xanh còn quá cao,” ông Vũ Linh Quang, giám đốc điều hành Ardor Green, đồng thời là thành viên ban giám đốc hội đồng Công trình xanh Việt Nam, chia sẻ.

Chi phí đầu tư xây dựng công trình bao gồm các khoản đầu tư cơ sở vật chất và chi phí tư vấn, quản lý, giảm sát công trình. Trong khi chuyển hướng đầu tư công trình xanh, chi phí thiết kế - gồm phí tư vấn kiến trúc, cơ điện, kết cấu... có thể tăng thêm, theo ghi nhận của Ardor Green. Đơn cử, các loại phí như đăng ký và đánh giá, nghiệm thu; tối ưu hoá hiệu quả vận hành; chi phí nâng cấp, cải thiện thiết bị điện, nước và vật liệu xanh... thường ít có tại các dự án thông thường. Do đó, tổng chi phí ban đầu cho công trình đủ tiêu chuẩn chứng chỉ xanh, theo ông Vũ Linh Quang, tăng từ 1-5% so với công trình cùng loại, tùy theo chứng chỉ, quy mô, tổng mức đầu tư và thiết kế ban đầu. “Chi phí đầu tư để đạt chứng chỉ LEED là cao nhất, thông thường dao động 3-5%, với LOTUS mức tăng khoảng 70% so với LEED,” ông Quang nói. Bù lại, hoàn vốn cũng có thể diễn ra sau 5-8 năm.

“Nên xem đó là khoản đầu tư, thay vì chi phí,” ông Đỗ Hữu Nhật Quang, giám đốc phát triển kinh doanh của GreenViet, đơn vị tham gia tư vấn công trình xanh từ năm 2012, nói. “Do đầu tư chất xám trong thiết kế giải pháp công trình xanh, chi phí xây dựng có thể tăng thêm 1 nhưng giá trị mang lại có thể tăng thêm 5-7.” Theo kinh nghiệm của ông Quang (GreenViet), khi vận hành, công trình xanh sẽ tiết kiệm khoảng 20% chi phí điện năng, 30% chi phí nước. Ông Trần Thành Vũ cho rằng, toà nhà xanh là công trình được thiết kế nhằm đảm bảo ba tiêu chí cốt lõi: Tối ưu chi phí đầu tư; giảm chi phí vận hành với hiệu quả sử dụng năng lượng cao; đảm bảo tiện nghi công trình. Các mục tiêu cần đạt này đều có thể định lượng được ngay từ giai đoạn thiết kế thông qua các tính toán trên mô hình tương tác nhiệt vật lý công trình 3D. Các hạng mục khác liên quan về xanh như tiện ích xung quanh, giảm ô nhiễm trong quá trình xây dựng hay sử dụng năng lượng tái tạo, trạm sạc xe điện, cấm hút thuốc, thu nước mưa... có thể bổ sung để có chứng nhận xanh sau khi đảm bảo ba hạng mục quan trọng nhất.

Từng theo đuổi chuyên ngành ứng dụng mô phỏng công trình, tiện nghi và năng lượng ở Pháp, và có nhiều năm theo dõi các dự án thiết kế công trình, ông Vũ nói, vấn đề hiện nay ở Việt Nam là nhiều toà nhà có chứng chỉ xanh theo quy trình tương tự thiết kế toà nhà bình thường - chỉ bổ sung các hạng mục lấy điểm xanh nhằm đạt chứng nhận. Các bài toán cụ thể về kinh tế năng lượng công trình hiếm được tính toán sâu để đưa ra các quyết định thiết kế. “Quy trình lấy chứng nhận xanh trong nước nhìn chung bám sát các yêu cầu dạng gạch đầu dòng của hệ thống chứng chỉ rồi làm theo, ưu tiêu các tiêu chí dễ đạt đủ điểm. Hệ quả là chi phí đầu tư khó có thể tối ưu, thậm chí không cẩn thận sẽ phát sinh cao,” ông Vũ nói. Bên cạnh đó, chứng nhận không đánh giá được quá trình vận hành, theo ông Quang của GreenViet. Điều này khiến cho chứng nhận công trình xanh có ý nghĩa đối với chủ đầu tư kiêm vận hành dự án.

Để giải bài toán tìm kiếm tối ưu thiết kế, ông Vũ sử dụng mô hình dự báo dựa trên mô phỏng quá trình vận hành, có đầy đủ tương tác của toà nhà với con người và yếu tố môi trường xung quanh để tối ưu thiết kế. Đi theo hướng này, nhà đầu tư có thể nhận các hỗ trợ như vốn xanh, hỗ trợ đầu tư dạng giải pháp tiết kiệm năng lượng, thậm chí nhận các khuyến khích về thuế, phí, giá điện... trong tương lai. Chỉ tay lên một bản vẽ, ông Vũ nói, so với thiết kế ban đầu, sau khi chạy dữ liệu, ông tư vấn cho doanh nghiệp chỉ lắp nhiều kính ở mặt trước và sau tòa nhà, nơi ánh nắng không chiếu trực tiếp, hai mặt bên tiếp xúc nhiều với mặt trời, phần kính sẽ xen kẽ mảng tường, nhằm giảm lượng nhiệt hấp thụ. “Chi phí mặt ngoài theo đó sẽ giảm 18%, còn thiết bị giảm 17%. Tổng mức đầu tư giảm được trong khoảng 40-50 tỉ đồng, tiêu thụ điện hàng năm giảm hơn bốn tỉ đồng, tương đương giảm 40% chi phí sử dụng điện so với các phương án thiết kế ban đầu,” ông Vũ nói.

Ghi nhận từ hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, nếu các mục tiêu chính của dự án được đưa ra từ đầu khi lập kế hoạch ngân sách, sau đó tích hợp trong quá trình thiết kế, triển khai cụ thể, chi phí phát sinh thêm thường sẽ thấp hơn. “Ở góc độ tư vấn, khi các công tác thiết kế được làm tốt, tính toán chặt chẽ từ giai đoạn đầu thì sẽ đạt hiệu quả cao và tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư xây dựng,” ông Quang (Ador Green) chia sẻ.

tin-phung-01.jpg
Công trình e.town 6 được cấp chứng nhận xanh. Hình ảnh: Tín Phùng

Các công trình nhận chứng chỉ xanh ở Việt Nam, theo ông Đỗ Hữu Nhật Quang, chủ yếu là các nhà máy, trụ sở doanh nghiệp, rồi tòa nhà cao ốc văn phòng. Đây là nhóm chịu tác động của các quy định khi tham gia thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, nhận chứng chỉ công trình xanh cũng giúp họ tiếp cận nguồn tín dụng xanh được cho là có lãi suất ưu đãi. Làn sóng đầu tư xanh từ các định chế tài chinh và các quỹ đầu tư, theo bà Đỗ Ngọc Diệp phụ trách chương trình Công trình Xanh và Tăng cường Khả năng Chống chịu Biến đổi Khí hậu tại IFC Vietnam, sẽ tác động tích cực cho sự tăng trưởng của thị trường công trình xanh.

Số liệu công bố tại Việt Nam cho năm 2022 cho thấy, mỗi số điện tiêu thụ thải ra 0,62kg CO2. Theo UNDP, nếu sử dụng hiệu quả, ngành xây dựng có thể tiết kiệm được 25-70% năng lượng, chủ yếu là điện, giúp giảm chi phí vận hành toà nhà. Còn theo văn phòng Dịch vụ dự án của Liên Hợp quốc (UNOPS), tiết kiệm năng lượng chính là một dạng nhà máy điện xanh...miễn phí và không thể bỏ qua hay xem nhẹ trong quá trình tiến tới Net Zero theo cam kết của chính phủ tới 2050.

“Nếu bỏ qua chứng chỉ công trình xanh, vẫn có thể nâng cấp được toà nhà theo các tiêu chuẩn đánh giá riêng về năng lượng. Ở nhiều nước trong khu vực, tiêu chuẩn năng lượng là bắt buộc, phải thực hiện từ đầu, sau đó mới tính đến các yếu tố khác như tiết kiệm nước, vật liệu xanh, chất lượng không khí, sinh thái,” ông Vũ Linh
Quang nói.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/de-cong-trinh-thuc-su-xanh-52630.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media