Kinh tế

Nhà đầu tư thận trọng với trái phiếu Mỹ giữa lo ngại bất ổn tài khóa

Lo ngại về bất ổn tài khóa và chi phí vay nợ tăng cao đang khiến nhà đầu tư yêu cầu mức lợi suất cao hơn cho trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài.

Tòa nhà Bộ Tài chính Hoa Kỳ tại Washington, DC. Hình ảnh: Samuel Corum/Bloomberg

Tòa nhà Bộ Tài chính Hoa Kỳ tại Washington, DC. Hình ảnh: Samuel Corum/Bloomberg

Tác giả: Michael Mackenzie

28 tháng 4, 2025 lúc 11:20 AM

Xu hướng "bán tài sản Mỹ" chi phối thị trường trong tháng này đã khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài, vốn là công cụ chủ chốt để tài trợ thâm hụt ngân sách.

Đối với các nhà quản lý trái phiếu tại BlackRock, Brandywine Global Investment Management và Vanguard Group, vấn đề này trở nên đáng chú ý khi Tổng thống Donald Trump tiến gần đến cột mốc 100 ngày đầu tiên tại nhiệm. Trong bối cảnh ông liên tục tạo thêm bất ổn, giới giao dịch buộc phải cân nhắc nhiều rủi ro ngoài triển vọng lãi suất.

Một loạt câu hỏi đang được đặt ra: chiến tranh thương mại, kế hoạch cắt giảm thuế và chính sách thiếu nhất quán của ông Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát và thâm hụt tài chính? Liệu ông có tiếp tục đe dọa sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell? Có phải ông đang chủ động làm suy yếu đồng USD hay không?

Tâm lý rủi ro gia tăng đã khiến người mua trái phiếu nghi ngờ vị thế trú ẩn truyền thống của nợ chính phủ Mỹ và yêu cầu mức lợi suất cao hơn cho các kỳ hạn dài. Theo một chỉ số, khoản bù rủi ro này, còn gọi là "term premium", hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014.

"Chúng ta đang bước vào một trật tự thế giới mới," Jack McIntyre, người cùng đội ngũ của mình đang quản lý số tài sản trị giá 63 tỷ USD tại Brandywine, nhận định. "Ngay cả khi ông Trump rút lại các mức thuế, tôi cho rằng sự bất ổn vẫn sẽ duy trì ở mức cao. Điều đó đồng nghĩa term premium sẽ tiếp tục ở mức cao."

chart-1_nha-dau-tu-than-trong-voi-trai-phieu-my-giua-lo-ngai-bat-on-tai-khoa-01.jpg

Một số nhà đầu tư có thể bớt lo ngại về trái phiếu kho bạc nếu ông Trump ký kết các thỏa thuận thương mại hoặc phát tín hiệu tránh làm thị trường trái phiếu sụp đổ. Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent chuẩn bị công bố kế hoạch vay nợ mới vào thứ Tư tới, ông Trump sẽ phải sẵn sàng trấn an các nhà đầu tư đang tỏ ra ngày càng bất an.

Những bất ổn hiện tại khiến McIntyre duy trì chiến lược trung lập so với chỉ số chuẩn của mình. Ông cũng điều chỉnh kỳ vọng về diễn biến của trái phiếu dài hạn nếu kinh tế suy thoái, và cho rằng lợi suất sẽ ở mức cao hơn so với dự báo ban đầu.

Dù vậy, nhà đầu tư hiện vẫn chưa từ bỏ trái phiếu kho bạc. JPMorgan Asset Management nhận định trái phiếu Mỹ vẫn hấp dẫn hơn so với trái phiếu chính phủ châu Âu. Cuộc đấu giá trái phiếu 30 năm của Bộ Tài chính Mỹ trong tháng này cũng cho thấy nhu cầu đối với trái phiếu kỳ hạn dài vẫn còn, miễn là mức giá đủ hấp dẫn. Kết quả này phần nào xoa dịu lo ngại về nguy cơ "người mua đình công", đồng thời giúp lợi suất kỳ hạn dài giảm nhẹ so với mức đỉnh gần đây.

Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn bất ổn. Dù ông Trump tuần trước khẳng định không có ý định sa thải ông Powell, những chỉ trích trước đó nhằm vào Chủ tịch Fed vẫn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương.

Pacific Investment Management, đơn vị từng so sánh đợt suy yếu đồng loạt của USD, cổ phiếu Mỹ và trái phiếu kho bạc trong tháng này với các thị trường mới nổi, cũng đang mua thêm trái phiếu kho bạc. Tuy nhiên, họ giới hạn hoạt động mua ở các kỳ hạn ngắn hơn, ưu tiên trái phiếu kỳ hạn từ 5 đến 10 năm.

Một số dấu hiệu khác cũng cho thấy tâm lý bất an của nhà đầu tư đối với trái phiếu dài hạn. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, lợi suất trái phiếu 30 năm trong tháng này đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Dù đã giảm trở lại, mức lợi suất này vẫn cao hơn so với thời điểm ông Trump công bố kế hoạch áp thuế quy mô lớn hôm 2 tháng 4.

Vanguard cho rằng mức bù rủi ro tiếp tục tích lũy ở các kỳ hạn dài, nhất là khi thâm hụt ngân sách liên bang ngày càng lớn kéo theo nhu cầu phát hành trái phiếu cũng tăng.

"Term premium hiện không còn ở mức thấp, nhưng cũng chưa thể coi là cao nhất trong lịch sử," Rebecca Venter, giám đốc sản phẩm thu nhập cố định cấp cao tại Vanguard, nhận xét. "Khi các rủi ro tài chính ngày càng rõ ràng hơn, term premium sẽ có xu hướng tăng theo thời gian."

Vanguard dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay sẽ ở dưới 1%, mức thấp nhất kể từ năm 2020. Venter cho rằng điều này sẽ làm thâm hụt ngân sách liên bang càng thêm trầm trọng.

Khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kế hoạch phát hành trái phiếu mới trong tuần này, giới đầu tư phố Wall kỳ vọng quy mô các cuộc đấu giá sẽ duy trì ổn định trong ba tháng tới. Trong bối cảnh đảng Cộng hòa còn tranh cãi về cách tài trợ cho dự luật cắt giảm thuế, yếu tố tài khóa sẽ trở thành chương tiếp theo trong câu chuyện về mức bù rủi ro.

Việc mức bù rủi ro tăng cao đặc biệt quan trọng, bởi mỗi phần trăm lợi suất tăng thêm đồng nghĩa chính phủ Mỹ phải trả thêm chi phí lãi vay, trong bối cảnh tổng chi phí trả nợ đã vượt 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Tại BlackRock, đơn vị quản lý gần 12.000 tỷ USD tài sản, đợt bán tháo diện rộng các tài sản Mỹ hồi đầu tháng đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng tài chính công sau đại dịch, đồng thời phản ánh sự mong manh trong niềm tin của các nhà đầu tư đối với trái phiếu Mỹ.

Viện Đầu tư BlackRock cho rằng đợt bán tháo tại thị trường Mỹ "cho thấy nhà đầu tư đang yêu cầu mức bù đắp rủi ro cao hơn và phản ánh sự bất ổn của thị trường."

"Nếu tình hình rõ ràng hơn và các thỏa thuận được ký kết, tôi hy vọng term premium sẽ giảm," ông nói. "Tuy nhiên, khó có khả năng trở lại mức thấp của thập niên trước vì yếu tố tài khóa vẫn sẽ là mối lo thường trực."

Những sự kiện cần theo dõi

Dữ liệu kinh tế:
Ngày 28 tháng 4 sẽ công bố chỉ số hoạt động sản xuất của Fed Dallas.
Ngày 29 tháng 4 sẽ có số liệu cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ, tồn kho bán buôn và bán lẻ, chỉ số giá nhà FHFA, chỉ số giá nhà S&P CoreLogic, số lượng việc làm trống theo khảo sát Jolts, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board và chỉ số hoạt động dịch vụ của Fed Dallas.
Ngày 30 tháng 4 sẽ công bố số đơn xin thế chấp MBA, số liệu việc làm ADP, GDP, chỉ số chi phí lao động, thu nhập và chi tiêu cá nhân, chỉ số PMI Chicago của MNI, chỉ số giá tiêu dùng PCE và số liệu hợp đồng mua nhà chờ xử lý.
Ngày 1 tháng 5 sẽ có báo cáo cắt giảm việc làm Challenger, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, chỉ số sản xuất của S&P Global tại Mỹ, chỉ số sản xuất ISM và số liệu chi tiêu xây dựng.
Ngày 2 tháng 5 sẽ công bố số liệu việc làm phi nông nghiệp, đơn đặt hàng nhà máy, đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền và đơn đặt hàng hàng hóa vốn.

Lịch trình của Fed:
Fed sẽ bước vào giai đoạn hạn chế truyền thông trước quyết định chính sách ngày 7 tháng 5.

Lịch đấu giá trái phiếu:
Ngày 28 tháng 4 sẽ đấu giá trái phiếu kỳ hạn 13 tuần và 26 tuần.
Ngày 29 tháng 4 sẽ đấu giá trái phiếu kỳ hạn 6 tuần.
Ngày 30 tháng 4 sẽ công bố kế hoạch tái cấp vốn hàng quý của Bộ Tài chính Mỹ và đấu giá trái phiếu kỳ hạn 17 tuần.
Ngày 1 tháng 5 sẽ đấu giá trái phiếu kỳ hạn 4 tuần và 8 tuần.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nha-dau-tu-than-trong-voi-trai-phieu-my-giua-lo-ngai-bat-on-tai-khoa-53077.html

#bán tài sản Mỹ
#nhà đầu tư
#trái phiếu chính phủ Mỹ
#thâm hụt ngân sách
#Tổng thống Donald Trump
#bất ổn
#thâm hụt tài chính
#lợi suất
#đồng USD
#trái phiếu Mỹ
#giá USD
#tỉ giá

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media