Kinh tế

Khi Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng của thế giới. Trước đây, chính sách lãi suất âm nhằm khuyến khích thúc đẩy nhu cầu vay vốn, tiêu dùng, và duy trì lạm phát. Nhưng giờ đây, sứ mạng của “công cụ chính sách” này đã kết thúc.

Tokyo, Nhật Bản
HÌNH ẢNH: BUDDHIKA WEERASINGHE/BLOOMBERG; SHOKO TAKAYASU/BLOOMBERG

Tokyo, Nhật Bản HÌNH ẢNH: BUDDHIKA WEERASINGHE/BLOOMBERG; SHOKO TAKAYASU/BLOOMBERG

Tác giả: Yoshiaki Nohara

08 tháng 5, 2024 lúc 1:56 PM

LÃI SUẤT “ÂM” NGHĨA LÀ GÌ


Nghĩa là, nếu gửi tiền vào ngân hàng, bạn phải mất tiền để duy trì tiền gửi, thay vì nhận được tiền lãi (như bối cảnh Việt Nam). Đây là công cụ chính sách quyết liệt đã được các ngân hàng trung ương ở châu Âu thi hành vào những năm 2010 để chống lại giảm phát. Năm 2016, BOJ tiến hành chính sách lãi suất âm, xem đây như một công cụ hoàn toàn mới để giúp họ chống lại giảm phát, hoặc suy giảm giá cả hàng hóa. Để cho “chắc ăn,” khi đó, chính sách lãi suất âm chỉ được áp dụng vào một phần nhỏ trong lượng tiền các ngân hàng tư nhân gửi tại BOJ và không áp dụng cho tiền gửi cá nhân. Chính sách này nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay để đẩy mạnh dòng tiền được dùng vào mục đích sản xuất, tiêu dùng bên cạnh việc BOJ ồ ạt thu mua các tài sản tài chính để “tung” thêm tiền vào nền kinh tế.

CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT ÂM CÓ HIỆU QUẢ?


Trên toàn cầu, mức độ hiệu quả của chính sách lãi suất âm còn nhiều tranh cãi. Trong trường hợp của Nhật Bản, chính sách này có thể đã có tác dụng (cùng với chiến lược thu mua tài sản tài chính của BOJ) trong việc ngăn chặn giảm phát sâu hơn đối với nền kinh tế. Nhưng rồi chính sách này chịu một “cú sốc nguồn cung” đến từ đại dịch Covid-19 và chiến sự bùng nổ giữa Nga và Ukraine, gây tăng vọt chi phí nhập khẩu năng lượng, nguyên vật liệu, và thực phẩm khiến tỉ lệ lạm phát Nhật Bản vượt qua mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này. Đến thời điểm đó, BOJ là ngân hàng trung ương cuối cùng trên thế giới còn duy trì lãi suất âm và việc kéo dài chính sách này tác động xấu đến lợi nhuận các ngân hàng. Chưa hết, việc ngân hàng trung ương các nước khác tăng lãi suất khiến giảm giá trị đồng yen. Và khi đồng yen suy yếu, chi phí nhập khẩu các loại hàng hóa lại tăng, gây thêm áp lực lên người tiêu dùng khi thu nhập của họ không đuổi kịp tốc độ tăng của chi phí sinh hoạt.

TẠI SAO BOJ CHỜ ĐẾN THỜI ĐIỂM NÀY ĐỂ KẾT THÚC LÃI SUẤT ÂM?


Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đồng ý nâng lương cho người lao động, từ đó đem lại kỳ vọng rằng các hộ gia đình sẽ có thêm năng lực chi tiêu. Điều này được BOJ gọi là “vòng xoáy tốt lành” của việc lương tăng dẫn đến chi tiêu tăng theo.

buddhika-weerasinghe-bloomberg.jpg
Osaka, Nhật Bản
HÌNH ẢNH: BUDDHIKA WEERASINGHE/BLOOMBERG; SHOKO TAKAYASU/BLOOMBERG

KẾT THÚC LÃI SUẤT ÂM CÓ Ý NGHĨA GÌ VỚI NỀN KINH TẾ NHẬT BẢN?


Đây là bước đầu tiên trong quá trình giảm bớt dần những biện pháp kích thích tiền tệ, vốn được thi hành để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong quá khứ, giảm phát từng khiến nền kinh tế Nhật Bản mắc kẹt vào một chu kỳ suy thoái, trong đó các doanh nghiệp liên tục cắt giảm chi phí để duy trì lợi thế cạnh tranh, dù phải hy sinh lợi nhuận. Vòng “xoắn ốc đi xuống” này khiến họ không có nguồn lực đầu tư và tăng lương, ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng và tạo ra áp lực giảm phát. Giờ đây, thủ tướng Fumio Kishida đang hy vọng điều ngược lại sẽ xảy ra, khi đầu tư, giá cả, và tiền lương đều đồng loạt tăng lên.

AI THẮNG, AI THUA?


Chấm dứt chính sách lãi suất âm sẽ khiến chính phủ Nhật Bản và ngân hàng trung ương nước này đối mặt thiệt hại do chi phí phục vụ nợ công tăng cao, cũng như sẽ khiến giá trị các khoản nợ chính phủ mà BOJ đang nắm giữ bị suy giảm giá trị, từ đó tạo ra lỗ trên giấy, hay còn gọi là lỗ chưa xác định (paper losses) cho BOJ. Đối với giới ngân hàng tư nhân, họ sẽ có lời từ việc cho vay với lãi suất cao hơn, đồng thời lượng trái phiếu họ nắm giữ sẽ chịu tổn thất trong dài hạn. Người mua nhà sẽ chịu lãi suất trả góp tăng cao, vốn có thể giúp hạ nhiệt phần nào thị trường bất động sản. Đồng yen mạnh hơn nhờ lãi suất tăng có thể giúp giảm chi phí nhập khẩu, hỗ trợ các hộ gia đình mua thực phẩm và năng lượng nhập khẩu với giá thấp hơn. Người Nhật đi nước ngoài cũng vui hơn khi đồng yen mạnh (đồng nghĩa mua được nhiều hàng hóa hơn), ngược lại người nước ngoài đến Nhật Bản du lịch sẽ đắt đỏ hơn.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khi-nhat-ban-cham-dut-lai-suat-am-52467.html

#Nhật Bản
#Lãi suất

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media