Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
Được dán nhãn thị trường mới nổi là dấu chỉ thị trường đang ngày hoàn thiện. Bên dưới cái nhãn này là tiến trình phát triển, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh.
Tác giả: Rainer Michael Preiss
17 tháng 9, 2024 lúc 4:26 PM
Bối cảnh là tất cả. Có thể dùng câu nói thường xuất hiện trên Bloomberg TV để xem xét bối cảnh câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên sang thị trường mới nổi. Khi Singapore còn là đảo quốc khá nghèo, ngân hàng DBS của Singapore luôn nói với khách hàng và nhà đầu tư rằng, điều gì tốt cho Singapore chúng tôi sẽ làm. Tương tự, việc đạt được các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam, và đó là điều cần làm. Nếu làm được như vậy, dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ chảy mạnh vào Việt Nam.
Trong chín tiêu chí đánh giá thị trường nâng hạng của FTSE, Việt Nam còn hai tiêu chí chưa đáp ứng được. Cơ quan quản lý đang nỗ lực để thị trường chứng khoán đáp ứng các điều kiện xét nâng hạng trong các kỳ đánh giá sắp tới. Tuy thị trường chưa được công nhận trong sự chờ đợi của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố tích cực. Bên cạnh đó, cũng phải thấy được ngay cả Hàn Quốc, quốc gia nằm trong nhóm các nền kinh tế phát triển, cũng từng gặp nhiều thách thức trong quá trình nâng hạng. Đơn cử như tiêu chí bán khống, điều mà Việt Nam cũng chưa đạt được – từng là lý do khiến FTSE Russell từ chối công nhận chứng khoán Hàn Quốc là thị trường phát triển, dù MSCI công nhận. Bắt đầu vận hành từ năm 1956, thị trường Hàn Quốc phải mất vài thập kỷ - từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990 - để chuyển đổi từ một nền kinh tế và thị trường chứng khoán cận biên sang thị trường mới nổi.
Tính đến thời điểm hiện tại, một trong những trở ngại trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là “tính thanh khoản”. Mặc dù thị trường đã chứng kiến sự tăng trưởng về khối lượng và giá trị giao dịch, nhưng so với thị trường phát triển, khối lượng giao dịch vẫn còn thấp. Điều này có thể ngăn cản các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường.
Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, có thể hiểu đơn giản, là việc dễ dàng chuyển đổi từ cổ phiếu sang tiền mặt hoặc ngược lại, mà không gây ra tác động đáng kể đến giá tài sản. Tính thanh khoản càng cao, nhà đầu tư nhanh chóng gia nhập thị trường hoặc thoát khỏi các vị thế đang nắm giữ ở mức biến động giá càng nhỏ càng tốt. Điều này rất quan trọng để duy trì sự ổn định của thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Để thúc đẩy thị trường phát triển, theo quan điểm của tôi, bên cạnh các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường, cần nâng cao nhận thức của nhà đầu tư trong nước thông qua hướng dẫn nhà đầu tư – điều vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn ở Việt Nam. Thông qua việc hướng dẫn kiến thức, cung cấp thông tin, cách thức quản trị rủi ro, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định sáng suốt, không bị định kiến, qua đó thúc đẩy họ tham gia thị trường và thực hiện các giao dịch trên sàn. Làm được điều này, số lượng tài khoản chứng khoán không chỉ dừng ở mức tám triệu như hiện nay mà còn tăng lên nhiều. Bên cạnh hướng dẫn kiến thức cho nhà đầu tư, cần có cách quảng bá, nâng cao nhận thức của xã hội về thị trường chứng khoán, ích lợi của việc tham gia thị trường, cũng như quản trị rủi ro.
Cùng với việc hình thành và phát triển cộng đồng đầu tư trong nước, là việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện có thể tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF. Một số công ty môi giới nước ngoài có hoạt động chứng khoán tại Việt Nam giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam hơn. Nhưng nhà đầu tư nước ngoài có tài khoản ngân hàng và tài khoản môi giới ở Singapore, Thụy Sĩ hoặc các trung tâm ngân hàng toàn cầu khác vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận trực tiếp các khoản đầu tư của Việt Nam từ tài khoản ở nước ngoài.
Trong 10 năm trở lại đây, có nhiều thị trường thuộc khu vực châu Á như Qatar, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pakistan được công nhận là thị trường mới nổi vào năm 2014. Những đánh giá như vậy là dấu chỉ họ đạt được tiến bộ đáng kể về khả năng tiếp cận thị trường, tính minh bạch và phát triển kinh tế tổng thể. Tuy nhiên, nâng hạng là một việc, giữ được hạng hay không lại là chuyện khác. Pakistan bị MSCI hạ cấp đánh giá, trở về nhóm thị trường cận biên năm 2021 sau khi được nâng hạng từ năm 2017.
Lợi ích đầu tiên của việc nâng hạng là khả năng thu hút dòng vốn đầu tư. Từ tháng 9.2021, Nigeria được FTSE Russell nâng cấp từ thị trường cận biên lên trạng thái thị trường mới nổi. Sau khi nâng hạng, ước tính rằng khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ đầu tư thụ động sẽ chảy vào thị trường Nigeria. Nếu các nhà đầu tư mất kiên nhẫn trong việc chờ đợi thị trường nâng hạng, thậm chí bỏ qua tất cả những thành tựu phát triển kinh tế, họ có lúc có thể hối tiếc. — Rainer Michael Preiss, đối tác, nhà quản lý của Das Family Office có trụ sở ở Singapore
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nang-hang-thi-truong-khong-nen-xao-nhang-vi-cai-nhan-52555.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media