Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
Gần 20 ngàn người có tài sản một triệu đô la Mỹ và tốc độ phát triển 125% trong 10 năm tới mở ra thị trường quy mô 600 tỉ đô la vào năm 2027.
Minh họa: Thanh Soledas
Tác giả: Tuấn Anh
18 tháng 9, 2024 lúc 10:46 AM
Vào ngày 3.7, lúc 16 giờ 30 phút, ông Hoàng Bảo Lâm, quản lý kinh doanh cấp cao của Masterise Homes, trong bộ vest đen chỉn chu thường ngày, đón tiếp vị khách từ Hà Nội đến dự án Grand Marina tại quận 1, TP.HCM. Vị khách sinh năm 1968 kiệm lời trong dáng vẻ chậm rãi, tay đeo đồng hồ Rolex Day- Date, dành 30 phút tham quan căn hộ rồi ra về. Khoảng hai tiếng rưỡi sau, vị khách gọi điện lại và quyết định ‘xuống tiền’ cho căn hộ rộng 50m2 với giá tương đương hai triệu đô la Mỹ. “Hôm đó là một ngày đáng nhớ của tôi,” ông Lâm chia sẻ. “Hầu hết khách hàng ở tầm 60 tuổi. Họ đã làm việc chăm chỉ và tích lũy suốt cả cuộc đời.”
Số lượng người đủ khả năng chi trả cả triệu đô la như vị khách hàng của ông Lâm, không phải là hiếm ở Việt Nam. Việt Nam, theo báo cáo Wealth Report của Knight Frank, vào năm 2021 có gần 19,5 ngàn người có tài sản hơn một triệu đô la Mỹ. Báo cáo này ước lượng số người như vậy ở Việt Nam vào năm 2025 đạt 25,8 ngàn người. Nhóm siêu giàu, với tài sản trên 30 triệu đô la trở lên, là 752 người vào năm 2023 và sẽ tăng lên con số 978 người vào năm 2028. Đáng chú ý, tốc độ gia tăng triệu phú đô la Mỹ ở Việt Nam ở mức 98% trong giai đoạn 2013- 2023, thuộc loại cao nhất thế giới, theo báo cáo công ty tài sản toàn cầu New World Wealth và công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners.
Nhu cầu bảo toàn và gia tăng gia sản của nhóm giàu và siêu giàu ở Việt Nam mở ra triển vọng phát triển thị trường dịch vụ tư vấn tài chính, bao gồm quản lý gia sản có quy mô 600 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027, theo báo cáo năm 2023 của McKinsey. Dù mức thù lao hàng năm không quá 2%, hoạt động quản lý tài sản đang được một số tổ chức tài chính trong và ngoài nước nhắm tới, chẳng hạn như ngân hàng BIDV và tổ chức tài chính danh tiếng Rothschild, hay ngân hàng Quân Đội với Bordie & Cie, định chế tài chính Thụy Sĩ có tuổi đời 175 năm. “Việt Nam là quốc gia có mảng quản lý gia sản triển vọng nhất so với các nước trong khu vực, nếu không muốn nói là trên toàn cầu,” ông Evard Bordier, quản lý đối tác của Bordier & Cie chia sẻ với Bloomberg Businessweek Việt Nam. Câu hỏi không còn là liệu thị trường quản lý gia sản tại Việt Nam sẽ phát triển, mà thời điểm nào cho lĩnh vực đang ở giai đoạn sơ khai này thực sự nở rộ tại Việt Nam?
Quản lý gia sản là thuật ngữ xuất hiện trước giai đoạn Covid, và đặc biệt mối quan tâm về lĩnh vực ngày càng lớn tại Việt Nam. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6% trong hơn ba thập kỉ, Việt Nam hiện có gần 20 ngàn người có mức tài sản ròng trên một triệu đô la Mỹ. Trong 10 năm tới kể từ 2023, tốc độ gia tăng của nhóm triệu phú tại Việt Nam đạt mức 125%. Nghĩa là vào năm 2033, câu lạc bộ triệu phú đô la ở Việt Nam có quy mô 45 ngàn người.
“Thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng so với tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia,” ông Evard nhận định. Một trong những lý do chính là khách hàng Việt Nam thường thận trọng, khiến việc tiếp cận thảo luận chi tiết về hồ sơ tài sản và đầu tư có phần thách thức. Đồng thời, nhà đầu tư Việt Nam thường chú trọng đến việc đầu tư có hiệu suất cao và lợi nhuận ngắn hạn hơn là dài hạn. “Khi đưa ra bức tranh tài chính cho khách hàng, chúng tôi hỏi họ ba câu hỏi quan trọng: Mục tiêu, khẩu vị rủi ro và thời gian họ mong muốn,” ông Gauraw Srivastava, giám đốc trung tâm Khách hàng ưu tiên và quản lý tài sản của VPBank, nói. Từng là giám đốc điều hành của công ty chứng khoán Vndirect, câu trả lời phần lớn mà ông Gauraw thường nhận từ nhà đầu tư Việt Nam là đầu tư dưới sáu tháng. “Điều chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp mạo hiểm, có kiến thức và kinh nghiệm tài chính.”
Việc đầu tư ngắn hạn là bài toán chưa có lời giải đối với các nhà quản lý gia sản. Các nhà quản lý gia sản thường có xu hướng đưa ra các mô hình đầu tư mang tính kỷ luật và dài hạn.
Các phương án đầu tư thường được tính bằng năm, thay vì theo ngày hay giờ đồng hồ. Quản lý gia sản không chỉ đơn thuần tập trung tăng giá trị của tài sản, mà còn bao gồm các hoạt động bảo vệ tài sản như quản trị rủi ro, tối ưu thuế. Thậm chí là kế hoạch nghỉ hưu hay chuyển giao tài sản cho thế hệ tiếp theo.
Theo quy định, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp nắm giữ ít nhất hai tỉ đồng trong danh mục chứng khoán niêm yết với thời gian tối thiểu 180 ngày, có chứng chỉ hành nghề và thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là một tỉ đồng. Nhiều cuộc tranh luận chưa có hồi kết về quy định này, nhưng đây là điểm khởi đầu cho một thị trường tài chính lành mạnh tại Việt Nam. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển, các nhà đầu tư được công nhận (Accredited Investor) thường được yêu cầu chứng minh bằng số năm kinh nghiệm chuyên môn, thu nhập hằng năm ở mức 200-300 ngàn đô la Mỹ hoặc giá trị tài sản ròng có một triệu đô la Mỹ.
“Người Việt Nam giàu lên chủ yếu nhờ bất động sản,” ông Nguyễn Quang Trung, chủ tịch hội đồng quản trị của HDCapital, nói. Người đàn ông sinh năm 1976 này tự nhận có tài sản ròng trên năm triệu đô la Mỹ. Dù có trải qua các đợt đóng băng, nhưng với quan niệm ‘tấc đất tấc vàng’, giá trị của loại tài sản liên tục leo thang trong một thập kỉ qua. Giá nhà ở khu vực Hà Nội và TP.HCM nằm trong danh sách những quốc gia đắt nhất thế giới, theo xếp hạng của công ty Global Property Guide. “Nhiều người giàu chưa thực sự hiểu và đặt niềm tin vào dịch vụ quản lý gia sản,” ông Trung nói.
Việc giao tài sản cho một người lạ quản lý chưa phổ biến tại Việt Nam. Hơn 90% tỉ trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân. Đáng chú ý là quy mô tổng tài sản quản lý (asset under management) của các quỹ tại Việt Nam mới chỉ đạt 5,7% của GDP, được một nửa chặng đường so với mục tiêu 10% vào năm 2030. Trong khi quy mô tương ứng ở Thái Lan và Malaysia năm 2022 lần lượt là 38% và 50%. Tư duy ‘đừng dạy người giàu tiêu tiền’ là thách thức đối với các nhà quản lý gia sản tại Việt Nam. Nút thắt vẫn nằm ở việc xây dựng lòng tin và mối quan hệ.
Để có thể hướng dẫn giới giàu có trong việc quản lý tài sản, hay nói cách khác là để nhận được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư giao phó tài sản của họ, trình độ và năng lực của các tư vấn viên hoặc chuyên gia đầu tư là một yếu tố không thể xem nhẹ. Trong báo cáo của McKinsey chỉ ra, nhóm khách hàng giàu có cảm thấy không được đáp ứng đúng nhu cầu khi tư vấn viên còn thiếu kỹ năng và kiến thức về thị trường tài chính. Dẫu đã có rất nhiều danh xưng như Tư vấn tài chính (Financial advisor) hay Tư vấn quản lý gia sản (Wealth Advisor), nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể cho hai loại hình này - điều mà các nước phát triển thường yêu cầu chứng chỉ đào tạo và ràng buộc pháp lý.
“Quản lý gia sản tại Việt Nam chủ yếu vẫn đến từ dịch vụ ngân hàng cá nhân (private banking),” ông Evard Bordier, nói. “Các dịch vụ này vẫn tập trung vào thu phí, hơn là xây dựng mối quan hệ. Làm xói mòn lòng tin, mà lòng tin thì cần nhiều thời gian để xây dựng.”
‘Miếng bánh’ quản lý gia sản dù màu mỡ nhưng vẫn chưa chín, khi cả bên khách hàng và dịch vụ cung cấp sản phẩm chưa tìm được tiếng nói chung. Một trong những hệ quả là các dòng tiền dịch chuyển ra khỏi Việt Nam, dù có các quy định hạn chế việc đầu tư ra nước ngoài. Nằm trong danh sách 10 quốc gia có số lượng triệu phú đô la di cư nhiều nhất, Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến sự ra đi của 300 triệu phú trong năm 2024, theo báo cáo của New World Wealth.
“Người giàu có Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài,” ông Jonathan Hewlett, chủ tịch của Private Office (dịch vụ cao cấp quản lý tài sản) của Savills London (Anh Quốc), nói. Ông giải thích, các nhà triệu phú Việt Nam đang muốn bắt đầu bảo vệ tài sản từ việc đầu tư cho con cái du học, từ đó tìm hiểu các kênh đầu tư, cụ thể là các dự án bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng, tại quốc gia hay châu lục đó. “Số liệu về điều này ngày càng tăng.”
Khi phát triển dịch vụ quản lý gia sản theo hướng bền vững, sự giàu có không chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân. Tác động tích cực không chỉ đến những người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như ông Hoàng Bảo Lâm, mà còn lan tỏa đến các ngành nghề khác, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế và mang lại thịnh vượng cho quốc gia.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/gioi-nha-giau-tang-truong-bung-no-o-viet-nam-52553.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media