Kinh tế

Hướng ra đại dương

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có tên trong bảng xếp hạng cảng container toàn cầu nhờ duy trì ổn định hiệu suất khai thác. Phát triển hệ thống cảng biển – một dạng tài sản địa kinh tế - giúp Việt Nam tiếp tục thành công trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Linh Chi

28 tháng 11, 2024 lúc 2:37 PM

Con đường sáu làn xe từ quốc lộ 51 vào khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, cụm cảng nước sâu duy nhất ở Việt Nam đón được tàu container có kích cỡ thuộc lớn nhất thế giới, từng là “con đường đất đỏ dẫn vào khu vực đầm lầy,” theo ký ức của ông Phạm Anh Tuấn, tổng giám đốc Portcoast. Sau 15 năm, kể từ khi ông Tuấn cùng các chuyên gia bắt tay thực hiện đề án xây dựng cảng Cái Mép – Thị Vải, Cái Mép có tên trong nhóm các cảng container hoạt động hiệu quả nhất toàn cầu năm 2023 của ngân hàng Thế giới.

Cùng với Hải Phòng và TP.HCM, Cái Mép - Thị Vải có sản lượng xếp dỡ container lớn nhất Việt Nam. Tỉ trọng hàng container tới các cảng vệ tinh tại Cái Mép - Thị Vải trong tám năm tăng vọt lên mức gần 25% vào năm 2023. Sản lượng hàng hoá qua cảng biển tại Việt Nam luôn ghi nhận tăng trưởng trong ¼ thế kỷ qua, (ngoại trừ giai đoạn 2011- 2012 và dịch Covid-19 năm 2021). Riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có tốc độ tăng trưởng kép khoảng 25% trong giai đoạn 2010-2023, theo báo cáo ngành cảng biển từ Fiin Group. Đóng vai trò cửa ngõ giao thương của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Cái Mép - Thị Vải là cảng container duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 trong bảng xếp hạng về hiệu quả vận hành của hơn 400 cảng container trên toàn cầu năm 2023, theo báo cáo Chỉ số hiệu quả khai thác cảng container toàn cầu (CPPI) do ngân hàng Thế giới (World Bank) và S&P Global Market Intelligence thực hiện.

Chỉ số CPPI, theo trả lời qua thư điện tử của ông Dominik Englert và ông Rico Salgmann thuộc nhóm Vận tải biển toàn cầu tại World Bank, đo lường hiệu quả hoạt động của cảng dựa vào hai yếu tố: Thời gian container lưu tại cảng và số lượng container được giải phóng. “Đo lường thời gian là tiêu chuẩn quan trọng nhất trong thương mại hàng hải. Thời gian tăng, chi phí sẽ tăng theo và đây là nút cổ chai trong vận tải biển. Hiểu đơn giản, thứ hạng của một cảng càng cao nghĩa là họ mất ít thời gian hơn để xử lý các container” hai tác giả nhận xét. Khi phân tích chi tiết các dữ liệu về năng suất cảng, đồng tác giả báo cáo, ông Turloch Mooney, trưởng nhóm nghiên cứu và phân tích dữ liệu cảng, giám đốc tại S&P Global Market Intelligence cho biết, hiệu suất tại Cái Mép có thể tương đương một số cảng cửa ngõ lớn của Trung Quốc như Yantian hay Ningbo, và cao hơn các cảng lớn tại Ấn Độ như Mundra. Vậy điều gì khiến Cái Mép có tên trong nhóm dẫn đầu?

xuat-chart-13.jpg
xuat-chart-12.jpg

Vị trí địa lý thuận lợi là nền tảng đầu tiên quyết định sự thành công của một khu cảng. Khu vực Cái Mép – Thị Vải, theo phân tích của ông Trương Tấn Lộc, chủ tịch Hội đồng thành viên tại cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT), giáp với các trung tâm kinh tế nhộn nhịp và sầm uất nhất của miền Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… nên dễ dàng thu gom và tập trung hàng hoá. Cái Mép nằm gần hai trục đường hàng hải chính của thế giới là vận chuyển giữa các lục địa từ Đông sang Tây và vận chuyển hàng hoá nội vùng là từ Bắc xuống Nam. “Để một cảng hoạt động hiệu quả, cần có vị trí địa lý thuận lợi, nghĩa là gần trung tâm cung ứng nguồn hàng hoá và thuận tiện đón các tàu mẹ khi giao thương khắp thế giới,” ông Lộc nói.

Bên cạnh lợi thế địa lý, yếu tố quan trọng giúp cảng biển vận hành hiệu quả, theo ông Nguyễn Xuân Kỳ - CEO cảng quốc tế Cái Mép (Cai Mep International Terminal - CMIT), là quan hệ hợp tác với các hãng tàu lớn. Đi vào hoạt động từ năm 2011, CMIT là liên doanh giữa tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cảng Sài Gòn và APM Terminals - một trong những nhà khai thác cảng container lớn nhất thế giới thuộc tập đoàn AP Moller-Maersk. Tập đoàn này sở hữu Maersk – hãng tàu đang đứng thứ hai thế giới về thị phần. TCIT nơi ông Lộc đang là chủ tịch hội đồng thành viên có vốn góp của ba hãng tàu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đi tới khu vực hạ nguồn là Gemalink - cảng nước sâu đón được tàu lớn nhất tại Việt Nam, liên doanh giữa nhà khai thác cảng Gemadept và CMA-CGM, hãng tàu đứng thứ ba thế giới về thị phần.

Việc thiết lập điểm đón của tàu mẹ và các tuyến đường đi của hãng tàu sẽ quyết định nguồn thu của cảng. Nơi được nhiều hãng tàu chọn làm bến đỗ, theo ông Lộc, có được nguồn thu từ phí cập cảng, bốc dỡ, lưu kho bãi. Có thêm nhiều tàu cập cảng kéo theo hàng loạt dịch vụ vệ tinh như cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đội tàu, thủy thủ, sửa chữa... Khi các hãng tàu lớn, có sức ảnh hưởng chọn Cái Mép là cảng đến sẽ kéo thêm hàng hoá, và các tàu vệ tinh ghé ngang khu vực này. Trong hai năm từ 2022 tới nay, theo trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các liên minh hãng tàu đưa thêm 17 tuyến dịch vụ mới vào Cái Mép – Thị Vải, nâng tổng số tuyến tại cụm cảng này lên 51 tuyến/tuần, và hơn 2/3 là các tuyến quốc tế. Riêng đi Mỹ, Cái Mép - Thị Vải có 19 tuyến xuất phát mỗi tuần, xấp xỉ 50% tổng số tuyến quốc tế.

Hai tiêu chí để hãng tàu “chọn mặt gửi vàng”, theo ông Kỳ là khả năng đón được tàu lớn và năng suất khai thác bến. Ông Kỳ giải thích, cảng muốn cạnh tranh phải mở rộng để đón được tàu có kích cỡ lớn bởi xu hướng chung trên thế giới là các hãng sẽ tăng kích thước tàu nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí trong vận chuyển hàng hoá. Đối với yếu tố năng suất bến, hãng tàu luôn tìm những đơn vị khai thác cảng có năng suất xếp dỡ cao để giảm bớt thời gian tàu phải chờ ở bến. “Với các hãng tàu, thời gian chờ tại cảng càng cao, hiệu suất càng giảm nên họ luôn chọn các cảng có khả năng bố trí cầu bến linh hoạt và năng suất giải phóng tàu cao.” ông Lộc giải thích.

Cái Mép - Thị Vải trong quy hoạch được phân vai cảng cửa ngõ, và đầu tư hệ thống bến bãi được thiết kế để đón được các tàu container kích cỡ thuộc loại lớn trên thế giới. Báo cáo CPPI 2024 cũng xếp cụm cảng này vào nhóm cảng lớn (large) xét theo kích cỡ tàu mà cảng đón, trong khi cảng Hải Phòng chỉ thuộc nhóm trung bình (medium). Nằm ở thượng nguồn, TCIT đón được tàu có trọng tải 160 ngàn DWT (đơn vị tính trọng tải của tàu – một tấn trọng tải DWT nhỉnh hơn tấn thông thường khoảng 16kg). Các cảng xuôi về hạ nguồn như CMIT có thể đón tàu trọng tải lên tới 214 ngàn DWT, hay Gemalink là cảng duy nhất tại Việt Nam đón được tàu có trọng tải tới 250 ngàn DWT. Cùng là cảng nước sâu, nhưng kích cỡ tàu lớn nhất mà cảng Lạch Huyện, Hải Phòng đón được chỉ khoảng 160 ngàn DWT theo báo cáo từ Fiin Group.

xuat-chart-7(1).jpg

Các lợi thế về vị trí địa lý, hợp tác với hãng tàu chỉ là khởi đầu. Để giữ chân “khách quý” phụ thuộc nhiều vào năng lực của từng nhà khai thác cảng. Ở CMIT, năng suất giải phóng bến đạt trung bình 130 container/giờ. Trước đó, họ từng xác lập nhiều kỷ lục về năng suất khai thác. Tháng 6.2023, họ ghi nhận kỷ lục mới về năng suất khai thác khi đạt kỷ lục 233 container/giờ cho gần 7.000 TEU hàng hoá xuất nhập khẩu, đưa thời gian lưu bến của tàu mẹ chỉ khoảng 20 tiếng. Ở TCIT, năng suất giải phóng tàu trung bình liên tục tăng và đạt mức 140 container/giờ/tàu, tương đương gần 300 container/giờ/bến. Năng suất khai thác tại đây ghi nhận mức tốt nhất là khoảng 238 container/giờ vào năm 2021.

xuat-chart-7(1).jpg

“Năng suất bãi tại Cái Mép nhìn chung tốt hơn Hải Phòng, thời gian giải phóng container xuất khẩu tại đây sớm hơn Hải Phòng một ngày, và nhanh hơn khoảng 10% với hàng nhập khẩu. Thời gian tàu phải chờ ít hơn và có thể rời bến sớm”, ông Mooney từ S&P Global Market Intelligence trả lời người viết. Ông cũng nhận xét cụm cảng Cái Mép ghi nhận vượt trội hơn ở số lượng container di chuyển lẫn kích cỡ tàu vào cảng. Điều đáng chú ý, năng suất của bến và cẩu, cũng như toàn bộ quy trình xử lý hàng hoá ở tất cả các cảng đặt tại Cái Mép đều “tốt hơn những cảng tương tự tại Hải Phòng.”

Điểm chung của các cảng trong khu vực để duy trì hoạt động hiệu quả, là đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đối với những cảng liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài như CMIT, mục tiêu là hướng tới mô hình cảng quốc tế như Singapore với các tiêu chuẩn toàn cầu. “Chúng tôi đầu tư hệ thống cẩu mới, hệ thống công nghệ thông tin và đào tạo nhân sự theo tiêu chuẩn toàn cầu,” ông Kỳ nói. “Mức độ số hoá ở Cái Mép-Thị Vải trong các quy trình nhìn chung là rất cao.”

Tại TCIT, nơi chiếm 30% sản lượng hàng hoá qua cảng ở khu vực Cái Mép – Thị Vải trong chín tháng của năm 2024, theo ông Lộc, họ đang tiếp tục đầu tư mở rộng các dịch vụ hậu cần sau cảng để gia tăng giá trị dịch vụ cung cấp. Chuyển đổi số liên tục, đưa tự động hoá vào từng quy trình như xây dựng hệ thống giám sát hải quan tự động e-Customs, quản lý cảng e-Port thông qua Internet & điện thoại, e-DO (lệnh giao hàng điện tử) ... và đầu tư vào con người là những công việc được thực hiện tại TCIT liên tục trong những năm qua.

Vẫn còn những thách thức trước mắt nếu cụm cảng muốn duy trì vị trí trong top 10 bảng xếp hạng cảng container hoạt động hiệu quả nhất toàn cầu. Đối với TCIT, ông Lộc nhắc tới các yếu tố biến động bên ngoài xu thế phát triển các tàu có kích cỡ lớn (chở được 23 ngàn – 24 ngàn TEU), sự thay đổi liên minh các hãng tàu sẽ tái cấu trúc mạng lưới vận tải biển toàn cầu. Ngoài ra, Cái Mép - Thị Vải chỉ mới đóng vai trò cảng cửa ngõ phục vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam chứ chưa thu hút được hàng hoá trung chuyển quốc tế như kỳ vọng. Một điểm được cả ông Lộc lẫn ông Kỳ đề cập là cơ chế quản lý liên thông thủ tục hải quan giữa các bến cảng trong khu vực chưa được hình thành, khiến việc luân chuyển hàng hoá nội khu cảng bị phân mảnh và không thuận lợi.

xuat-chart-6.jpg

“Bây giờ có thể nhận thấy rõ hơn vai trò của các cảng như một dạng tài sản địa kinh tế” ông Peter de Langen, chủ sở hữu và cố vấn chính của Ports &Logistics Advisory, có trụ sở tại

Malaga, Tây Ban Nha cho biết vậy trong bài báo hồi tháng 8.2024 về vai trò quan trọng của cảng biển trên Bloomberg. Bài báo viết: “Giờ đây, cảng biển lâu đời cũng như mới - chịu trách nhiệm xử lý 80% trong số 25 ngàn tỉ đô la thương mại hàng hóa hàng năm của thế giới - là pháo đài kinh tế trong các cuộc tranh quyền lực lớn của một thế giới đa cực.”

“Cái Mép - Thị Vải là nguồn tài sản quý của quốc gia, và cần được hỗ trợ để trở thành một cảng trung chuyển quốc tế,” chủ tịch Hội đồng thành viên của TCIT khẳng định. Ông Lộc gợi mở rằng chính phủ nên có cơ chế đặc thù, nếu thí điểm thì chính sách phải “thoáng, nhanh và phù hợp” để thu hút thêm vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực cũng như nâng cao tính cạnh tranh cho Cái Mép - Thị Vải với các cảng khác ở châu Á. Vị chủ tịch cũng nhắc tới tính dài hạn và tổng thể khi khu vực công đưa ra quy hoạch, để không rơi vào tình trạng thiếu cân đối về nguồn lực, nơi thừa, chỗ thiếu trong hệ thống cảng biển. “Tôi tin rằng bộ mặt của khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ thay đổi nhiều trong vài năm tới, đặc biệt khi dự án Cái Mép Hạ được triển khai và hạ tầng giao thông xung quanh ngày càng được cải thiện.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/huong-ra-dai-duong-52612.html

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media