Kinh tế

Mở rộng đối tác nhập khẩu song hành với gia tăng thương mại chiều sâu

Việt Nam,theo ông Steven Altman, giám đốc phụ trách Sáng kiến toàn cầu hoá DHL, nên tận dụng lợi thế sẵn có về kết nối thương mại, song song với cải thiện các yếu tố liên quan tới môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Linh Chi

28 tháng 11, 2024 lúc 1:54 PM

Báo cáo “Kết nối toàn cầu” 2024 của DHL đưa ra phác hoạ về tương lai của toàn cầu hoá: Chúng ta có vẻ gần hơn với một thế giới được tạo ra bởi những nhóm quốc gia riêng rẽ, thay vì một thế giới toàn cầu hoá “toàn diện”. Những thay đổi kể trên sẽ tác động tới thương mại toàn cầu thế nào?

Steven Altman: Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều người nghĩ rằng toàn cầu hoá có thể bị giới hạn, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đang mở rộng sự hiện diện ở nhiều quốc gia hơn. Điều này cũng đúng khi nói về thương mại. Khía cạnh dễ thấy nhất trong toàn cầu hoá được thể hiện ở thương mại: Chỉ 21% giá trị của hàng hoá và dịch vụ được xuất khẩu sang một quốc gia khác với nơi sản xuất ra chúng. Điều này mang một số ý nghĩa quan trọng: Đầu tiên, thương mại toàn cầu còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Thứ hai, những vấn đề trong thương mại quốc tế thực ra cần các giải pháp chính sách từ quốc gia sở tại. Cuối cùng, toàn cầu hoá đòi hỏi các công ty phải linh hoạt thích ứng hơn.

Những thách thức và rủi ro mà các quốc gia hay khu vực nói chung, và Việt Nam nói riêng phải đối mặt?

Steven Altman: Rủi ro lớn nhất hiện nay là căng thẳng địa kinh tế và mối đe dọa gia tăng xung đột quân sự. Căng thẳng địa kinh tế gia tăng kéo theo sự gia tăng các rào cản chính sách đối với thương mại và các loại luồng chảy quốc tế khác. Những mối đe dọa này đối với toàn cầu hóa cần được xem xét nghiêm túc, vì lịch sử cho thấy toàn cầu hóa có thể đảo ngược. Điều quan trọng hơn, phi toàn cầu hóa thực sự vẫn chưa xảy ra. Đây là một rủi ro trong tương lai chứ không phải là thực tế hiện tại. Do đó, các công ty và quốc gia nên tiếp tục tận dụng các lợi ích của toàn cầu hóa, nhưng họ cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho những gián đoạn tiềm ẩn có thể xảy ra.

Ông dự báo thế nào về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai, liệu có những thay đổi lớn xảy ra?

Steven Altman: Tỉ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ 22% vào năm 2017 xuống còn 14% vào năm 2023, khiến Trung Quốc trở thành đối tác xuất khẩu thứ hai vào Mỹ, sau Mexico. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm đã chậm lại vào năm 2023 và nửa đầu năm 2024. Tương lai thương mại giữa hai quốc gia sẽ phụ thuộc vào mức độ phát triển của quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Nếu không có những cải thiện có ý nghĩa, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự suy yếu trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế.

Nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, điều này sẽ tác động thế nào đến Việt Nam và đề xuất của ông để Việt Nam giảm rủi ro?

Steven Altman: Việt Nam đã nhận được tấm huân chương có cả hai mặt cơ hội lẫn rủi ro khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra. Trước mắt, tôi thấy cơ hội đang chiếm phần lớn khi Việt Nam hưởng lợi do các quốc gia cố gắng giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Rủi ro quan trọng nhất đối với vị trí của Việt Nam là trở thành một điểm giữa trong chuỗi cung ứng, hàng hoá từ Trung Quốc sẽ được sản xuất tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các đồng minh địa kinh tế của nước này.

Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Quan hệ giữa hai nền kinh tế này xấu đi có thể khiến vị trí trung gian đó trở nên không thể duy trì. Chiến lược quản trị rủi ro, bên cạnh chính sách ngoại giao khéo léo, có lẽ cần đa dạng hóa và phát triển hơn nữa những nhà cung ứng trong nước. Điều này không đồng nghĩa với việc phải hạn chế nhập khẩu. Vị trí trung gian trong chuỗi cung ứng tự nhiên tạo ra cơ hội kinh doanh cho các quốc gia phát triển năng lực sản xuất các mặt hàng đầu vào, để thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Dòng chảy xuất khẩu, Việt Nam xếp hạng 8/181 quốc gia, nhưng dòng nhập khẩu lại xếp hạng 99/181. Mức chênh lệch này nói lên điều gì?

Steven Altman: Xuất khẩu của Việt Nam mang tính toàn cầu hơn nhập khẩu. Điều này có nghĩa là mối liên kết về địa lý giữa xuất khẩu từ Việt Nam với nhu cầu nhập khẩu của thế giới chặt chẽ hơn nhiều so với hoạt động nhập khẩu của Việt Nam và nhu cầu xuất khẩu từ phần còn lại của thế giới. Nói ngắn gọn là Việt Nam còn nhiều cơ hội để đa dạng hoá các nguồn nhập khẩu hơn là đa dạng hoá nguồn xuất khẩu.

Ông có đề xuất gì với Việt Nam để cân bằng giữa hai hạng mục về giao thương rộng rãi (breadth) sâu sắc (depth) đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang những biến động?

Steven Altman: Một khuyến nghị mang tính khái quát cho Việt Nam là quốc gia nên nâng cao mức độ tham gia vào giao thương theo chiều sâu (depth) hơn là chiều rộng. Bởi lẽ gia tăng mối quan hệ thương mại theo chiều sâu có thể xem như yếu tố đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Những mối quan hệ giao thương sâu sắc hơn chắc chắn là lợi thế. Mở rộng quan hệ giao thương cũng có lợi thế nhưng không phải cho mọi trường hợp. Ví dụ, một quốc gia nếu mở rộng quan hệ thương mại nhiều, đôi khi có thể bỏ lỡ cơ hội để tập trung vào một số đối tác thương mại tự nhiên hoặc đa đạng hoá dòng thương mại toàn cầu.

xuat-chart-10.jpg

Việt Nam, trong giai đoạn 2001-2019 theo báo cáo của DHL đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể. Điều hỗ trợ Việt Nam đạt được các thành tựu kể trên?

Steven Altman: Việt Nam thực sự nổi bật khi là một trong những quốc gia đã đạt được thành công lớn trong việc đưa kết nối toàn cầu trở thành trụ cột chính trong phát triển kinh tế. Mức độ tham gia của Việt Nam vào thương mại quốc tế (được đo bằng xuất khẩu theo tỉ lệ GDP) và GDP bình quân đầu người tăng vọt trong những thập kỷ sau khi bắt đầu quá trình cải cách Đổi mới. Tiến trình này được hỗ trợ bởi những cải thiện trong môi trường kinh doanh trong nước và các chính sách tập trung trực tiếp vào mở cửa và hội nhập thương mại, bao gồm gia nhập ASEAN và trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, và ký các hiệp định thương mại rộng lớn của Việt Nam.

xuat-chart-9.jpg

Giữa bốn yếu tố gồm: Thương mại, nguồn vốn, con người, thông tin đâu trọng tâm phát triển với nền kinh tế độ mở cao như Việt Nam?

xuat-chart-9.jpg

Steven Altman: Trong bốn yếu tố mà chúng tôi phân tích (thương mại, vốn, thông tin và con người), những kết quả tốt nhất của Việt Nam cho đến nay là trong lĩnh vực thương mại. Tôi sẽ đề xuất Việt Nam tập trung vào việc duy trì lợi thế này, song song với tìm kiếm các cơ hội tiềm năng chưa được khai thác thuộc ba yếu tố còn lại. Đối với năm yếu tố chính, theo chúng tôi, tạo nên sự kết nối toàn cầu (hòa bình và an ninh, môi trường kinh doanh trong nước, cởi mở quốc tế, hội nhập khu vực và sự ủng hộ của công chúng), tôi đề xuất tập trung vào việc tiếp tục tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, cởi mở quốc tế và hội nhập khu vực. Môi trường kinh doanh trong nước đặc biệt quan trọng vì nó tạo điều kiện để cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài tăng năng suất. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất để thu hút các dòng chảy quốc tế. Ngoài ra, cởi mở với những cơ hội bên ngoài cũng hỗ trợ để hiện thực hóa tiềm năng mà môi trường trong nước tạo ra.

xuat-chart-9.jpg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/mo-rong-doi-tac-nhap-khau-song-hanh-voi-gia-tang-thuong-mai-chieu-sau-52610.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media