Hai nhà đàm phán của ông Trump nói gì về thỏa thuận thuế với Nhật Bản?

Hai quan chức nội các hàng đầu của chính phủ Tổng thống Donald Trump là Bessent, Lutnick ca ngợi cam kết tài chính của Nhật Bản khi đàm phán với EU đến hồi quyết định.

Nguồn: Bloomberg

Nguồn: Bloomberg

Tác giả: Daniel Flatley và Annmarie Hordern

24 tháng 07, 2025 lúc 5:00 AM

Tóm tắt bài viết

Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho rằng cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD của Nhật Bản vào Mỹ có thể là hình mẫu cho Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh đàm phán thương mại đến hạn chót 1/8.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết Nhật Bản được hưởng mức thuế 15% (bao gồm cả ô tô) nhờ cung cấp cơ chế tài chính đổi mới, giảm từ mức thuế 25% trước đó.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật Bản bao gồm quỹ đầu tư 550 tỷ USD của Nhật Bản vào Mỹ, thông qua vốn cổ phần, bảo lãnh tín dụng và tài trợ dự án lớn.

Ông Bessent giảm nhẹ báo cáo EU chuẩn bị áp thuế trả đũa 30% lên 100 tỷ euro (117 tỷ USD) hàng hóa Mỹ, cho rằng đó là chiến thuật đàm phán và đàm phán đang tiến triển tốt.

Vòng đàm phán Mỹ - Trung Quốc tiếp theo diễn ra ngày 28-29/7 tại Stockholm, tập trung vào thỏa thuận mua bán (nông nghiệp), an ninh và việc Bắc Kinh mua dầu từ Nga, Iran.

Tóm tắt bởi AI HAY

Hai trong số các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi cách tiếp cận của họ trong việc giải quyết các bất đồng thương mại với Nhật Bản, coi đó là một hình mẫu tiềm năng cho Liên minh châu Âu, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với khối này đang tiến đến hạn chót ngày 1.8.

Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick hôm thứ Tư nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television rằng cam kết đầu tư hàng trăm tỉ USD của Nhật Bản vào Mỹ “có thể” là một hình mẫu cho EU.

“Việc đó phụ thuộc vào họ trong đàm phán,” ông nói trong chương trình Bloomberg Surveillance, đồng thời tỏ ra hoài nghi rằng: “Châu Âu sẽ không đưa cho chúng ta 1.000 tỉ USD để đầu tư đâu.”

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent không khẳng định EU có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tương tự như Nhật Bản — thỏa thuận bao gồm mức thuế 15%, áp dụng cả với ô tô.

“Họ được mức thuế 15% vì họ sẵn sàng cung cấp một cơ chế tài chính đổi mới,” ông Bessent nói trước đó trong chương trình Bloomberg Surveillance, khi được hỏi liệu các đối tác thương mại khác có thể đạt được mức thuế đối ứng tương tự hay không.

Trước đây, Nhật Bản phải đối mặt với mức thuế 25%, nhưng sau đàm phán, hai bên đồng ý mức thuế 15%, bao gồm cả ô tô, giảm từ mức 25% được áp dụng trên toàn cầu với xe nhập khẩu. Đây là một nhượng bộ lớn, vì khoảng 80% thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ đến từ ô tô và phụ tùng ô tô.

Thỏa thuận này bao gồm quỹ đầu tư trị giá 550 tỉ USD của Nhật Bản nhằm đầu tư vào Mỹ.

“Họ đến gặp chúng tôi với ý tưởng về một quan hệ đối tác Nhật – Mỹ, trong đó họ sẽ cung cấp vốn cổ phần, bảo lãnh tín dụng và tài trợ cho các dự án lớn tại Mỹ,” ông Bessent nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài này là “toàn bộ vốn mới.”

Lutnick cho biết nếu EU đồng ý chấp nhận các tiêu chuẩn xe hơi của Mỹ, như cách Nhật đã làm, và mua thêm hàng hóa Mỹ thì họ sẽ có cơ hội đạt được thỏa thuận có lợi hơn.

“Nếu châu Âu chấp nhận điều đó,” ông Lutnick nói, “thì đó là hàng trăm tỉ USD cơ hội xuất khẩu cho người Mỹ, điều đó sẽ thuyết phục được Tổng thống.”

Ông Bessent cũng giảm nhẹ một báo cáo cho rằng EU đang chuẩn bị áp mức thuế trả đũa 30% với khoảng 100 tỉ euro (117 tỉ USD) hàng hóa Mỹ. Ông cho rằng “đó là chiến thuật đàm phán, và nếu là họ, tôi cũng sẽ làm như vậy.”

Khi được hỏi liệu Brussels đã đưa ra ý tưởng gì mới trong các cuộc đàm phán với Mỹ chưa, Bessent nói: “Chưa, nhưng dù sao, đàm phán đang tiến triển tốt hơn trước.”

Lutnick cho biết chính ông là người nghĩ ra ý tưởng đầu tư của Nhật từ tháng 1. “Người Nhật sẽ không bao giờ mở cửa thị trường của họ như cách ông Trump muốn họ mở,” vì thế mô hình quỹ đầu tư trở thành một lựa chọn thay thế, ông nói.

Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nói rằng khoản đầu tư sẽ một phần dưới dạng bảo lãnh tín dụng, Lutnick mô tả sáng kiến này là “gồm vốn cổ phần, cho vay và bảo lãnh tín dụng.” Ông nhấn mạnh rằng khoản tiền này không nhắm đến các dự án của công ty Nhật.

“Đây là Mỹ nói rằng chúng tôi muốn xây dựng một nhà máy sản xuất dược phẩm generic, hay nhà máy chế tạo chip, hoặc cơ sở xử lý khoáng sản chiến lược, và Nhật Bản sẽ tài trợ cho việc đó,” Lutnick nói.

Về đàm phán với EU, “chúng tôi đang đạt tiến triển tốt,” ông Bessent cho biết. Ông nhắc lại nhận định rằng khối này gặp vấn đề hành động tập thể do có 27 quốc gia thành viên. Ngược lại, Nhật Bản — đất nước mà ông Bessent nói ông đã đến 52 lần kể từ năm 1990 — “hành động như một thực thể thống nhất.”

Thặng dư thương mại của châu Âu với Mỹ cũng đồng nghĩa rằng “bất kỳ sự leo thang nào trong tranh chấp thương mại cũng sẽ luôn ảnh hưởng đến họ nặng hơn.”

Về các cuộc đàm phán với Trung Quốc, vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 28-29.7 tại Stockholm. Ông Bessent nói: “Chúng tôi đang ở vị trí rất tốt với Trung Quốc hiện nay, và có thể bắt đầu tiến tới các cuộc thảo luận lớn hơn.” Ông nhấn mạnh những nội dung đó bao gồm việc Bắc Kinh mua dầu từ Nga và Iran bị trừng phạt, cùng với “nhiều vấn đề an ninh.”

“Chúng tôi sẽ nói về các thỏa thuận mua bán, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp,” ông nói. Lutnick cho biết ông cũng sẽ tham gia đàm phán tại Stockholm.

Với thỏa thuận đình chiến thuế quan với Trung Quốc sẽ hết hạn vào ngày 12.8, ông Bessent cho rằng “chúng tôi có thể gia hạn thêm, có thể theo từng chu kỳ 90 ngày.”

“Cả hai bên đều đã hạ nhiệt, và tôi nghĩ chúng tôi có thể thiết lập một nhịp độ gặp gỡ định kỳ hiệu quả,” ông nói.

Bessent cho biết trong cuộc gặp tại Stockholm, ông sẽ nêu ra những vụ việc gần đây liên quan đến Trung Quốc cấm xuất cảnh đối với người muốn trở về Mỹ. Các báo cáo đề cập đến một giám đốc điều hành của Wells Fargo & Co. và một nhân viên Bộ Thương mại Mỹ. Bessent cũng nói rằng ông sẽ đưa ra vụ tấn công mạng nhắm vào Microsoft Corp., mà công ty này cáo buộc là do tin tặc được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Bessent nói những vấn đề đó sẽ không tạo lợi thế đàm phán cho Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ thảo luận rất nhiều vấn đề, và rõ ràng những việc như thế sẽ nằm trong chương trình nghị sự với đối tác Trung Quốc của tôi,” ông nói. “Tôi có thể khẳng định, ở Stockholm, điều đó sẽ không khiến tôi nhượng bộ.”

— Với sự hỗ trợ của Hadriana Lowenkron.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/hai-nha-dam-phan-cua-trump-noi-gi-ve-thoa-thuan-thue-voi-nhat-ban-53898.html

#Mỹ
#Trump
#Bessent
#Nhật Bản
#thuế quan
#Lutnick
#EU
#thỏa thuận
#thương mại

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media