Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu và Mỹ đang bước vào một tuần đàm phán căng thẳng mới, trong nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1.8, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 30% đối với hầu hết hàng xuất khẩu của EU.
Hình ảnh: Angel Garcia/Bloomberg
Tác giả: Alberto Nardelli
22 tháng 07, 2025 lúc 8:15 AM
Tóm tắt bài viết
EU và Mỹ đang tăng tốc đàm phán thương mại để tránh việc Ông Donald Trump áp thuế 30% lên hàng xuất khẩu EU từ ngày 1/8, dù còn nhiều bất đồng và nguy cơ đổ vỡ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard tuyên bố EU sẵn sàng trả đũa nếu không đạt thỏa thuận cân bằng với Mỹ, nhằm bảo vệ lợi ích của Liên minh châu Âu.
Mỹ có thể áp thuế trên 10% lên hàng hóa EU, trừ hàng không, thiết bị y tế, dược phẩm gốc và thiết bị sản xuất cần thiết, theo nguồn tin riêng.
Tổng thống Trump đã gửi thư cảnh báo EU về thuế 30% và đã áp thuế lên ô tô, thép, nhôm, đồng đỏ, ước tính ảnh hưởng đến 70% hàng xuất khẩu EU (442 tỷ đô la).
EU đã chuẩn bị sẵn các biện pháp đáp trả như áp thuế lên 21 tỷ euro hàng hóa Mỹ và danh sách thuế bổ sung trị giá 72 tỷ euro nếu đàm phán thất bại.
Tóm tắt bởi AI HAY
Giới chức tại Brussels sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận mất cân đối nghiêng về phía Mỹ nếu đó là điều cần thiết để phá vỡ thế bế tắc trước thời hạn chót. Tuy nhiên, theo những người am hiểu vấn đề, dù đã có một vòng đàm phán trước đó tại Washington, hai bên vẫn chưa đạt được bước đột phá quyết định.
Vì lý do đó, EU cũng đang đẩy mạnh các bước chuẩn bị cho khả năng đáp trả nếu không đạt được thỏa thuận. Các đại diện EU dự kiến sẽ nhóm họp ngay trong tuần này để xây dựng kế hoạch đối phó với kịch bản không có thỏa thuận, trong bối cảnh lập trường đàm phán thuế quan của Trump được cho là đã cứng rắn hơn khi thời hạn đang đến gần.
“Các cuộc đàm phán này rất khó khăn”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard phát biểu trước một cuộc gặp với các hiệp hội doanh nghiệp tại Paris. “Nếu chúng tôi không đạt được một thỏa thuận cân bằng với Mỹ, thì chúng tôi có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả, tất nhiên là cân đối, nhưng nhằm bảo vệ lợi ích của Liên minh châu Âu.”
Mỹ hiện được cho là đang thúc đẩy một mức thuế gần như phổ quát đối với hàng hóa EU cao hơn 10%, với phạm vi miễn trừ ngày càng thu hẹp, chỉ còn giới hạn ở lĩnh vực hàng không, một số thiết bị y tế, dược phẩm gốc và một số thiết bị sản xuất mà Mỹ cần dùng, theo các nguồn tin đề nghị ẩn danh vì tính chất riêng tư của các cuộc thảo luận.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, cơ quan phụ trách các vấn đề thương mại của khối, từ chối bình luận về tiến trình đàm phán hiện tại.
Hai bên cũng đã thảo luận về khả năng thiết lập trần thuế cho một số ngành cụ thể, cũng như hạn ngạch cho thép và nhôm, và các cơ chế để cô lập chuỗi cung ứng khỏi các nguồn cung dư thừa kim loại, theo các nguồn tin. Tuy nhiên, những người này cảnh báo rằng kể cả nếu đạt được thỏa thuận, vẫn cần có sự phê chuẩn của Trump, và lập trường của ông hiện chưa rõ ràng.
“Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói trong chương trình Face the Nation của CBS hôm Chủ nhật. “Tôi nghĩ các nước lớn đều sẽ nhận ra rằng tốt hơn hết là mở cửa thị trường cho Mỹ thay vì chịu mức thuế nặng.”
Lutnick cho biết ông đã trao đổi với các nhà đàm phán thương mại châu Âu vào sáng sớm Chủ nhật.
Phát biểu trên CNBC hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng EU “đã khởi đầu khá chậm chạp” trong các cuộc đàm phán thương mại trước khi trở nên chủ động hơn. Ông cho rằng với thâm hụt thương mại “khổng lồ” giữa Mỹ và EU, cùng với mức thuế hiện tại, “tôi nghĩ họ sẽ muốn đẩy nhanh đàm phán hơn.”
“Chuyện này không cần phải trở nên căng thẳng với châu Âu”, Bessent nói. “Đó là bản chất của một cuộc đàm phán, luôn có nhiều qua lại.”
Ông nói thêm: “Điều quan trọng là chất lượng của thỏa thuận, chứ không phải thời điểm đạt được nó với các đối tác thương mại của Mỹ.”
Tổng thống Trump đã gửi thư tới EU hồi đầu tháng, cảnh báo rằng khối này sẽ phải đối mặt với mức thuế 30% đối với hầu hết hàng xuất khẩu bắt đầu từ ngày 1.8. Ngoài mức thuế phổ quát, Trump đã áp mức thuế 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô, và gấp đôi mức đó đối với thép và nhôm. Ông cũng đe dọa sẽ áp thuế mới với dược phẩm và chất bán dẫn ngay từ tháng tới, và gần đây đã công bố mức thuế 50% với đồng đỏ. Tổng cộng, EU ước tính các mức thuế của Mỹ hiện bao phủ khoảng 380 tỉ euro (442 tỉ đô la), tương đương khoảng 70% tổng lượng hàng xuất khẩu của EU sang Mỹ.
“Chúng ta cần phải chấm dứt tình trạng bất định này”, Giám đốc điều hành Siemens AG Roland Busch phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television hôm thứ Hai. “Một khi có thỏa thuận, thì thỏa thuận phải được tôn trọng, và khi đó chúng tôi mới có thể đầu tư vốn dựa trên các dữ kiện, ví dụ mức thuế trông sẽ như thế nào, và hy vọng rằng chúng không quá cao hoặc quá cực đoan, vì điều đó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.”
Trước khi Trump gửi thư, EU từng hy vọng rằng hai bên đang dần tiến tới một khuôn khổ sơ bộ, cho phép tiếp tục thảo luận chi tiết dựa trên mức thuế phổ quát 10% cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của khối.
EU đang tìm kiếm các ngoại lệ rộng hơn so với những gì Mỹ đang đề xuất, đồng thời muốn được bảo vệ khỏi các mức thuế theo ngành trong tương lai. Dù đã từ lâu thừa nhận rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ nghiêng về phía Mỹ, EU vẫn sẽ đánh giá tổng thể mức độ mất cân bằng trước khi quyết định có kích hoạt các biện pháp tái cân bằng hay không, theo các báo cáo trước đó của Bloomberg. Mức độ tổn thất mà các quốc gia thành viên sẵn sàng chấp nhận là khác nhau, và một số nước sẵn lòng chấp nhận thuế cao hơn nếu đổi lại có đủ số lượng ngoại lệ.
Hãng sản xuất ô tô Stellantis NV vừa báo lỗ bất ngờ 2,3 tỉ euro trong nửa đầu năm, trong đó có khoản thiệt hại 300 triệu euro do thuế quan của Mỹ gây ra.
Với triển vọng đạt được kết quả tích cực ngày càng mong manh và thời hạn đang đến gần, EU dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng kế hoạch hành động nhanh chóng nếu không đạt được thỏa thuận, theo các nguồn tin. Bất kỳ quyết định đáp trả nào có ý nghĩa đều sẽ cần sự phê chuẩn chính trị từ lãnh đạo các nước thành viên vì tính chất nghiêm trọng của vấn đề.
Các biện pháp đáp trả có quy mô đáng kể rất có thể sẽ làm bùng nổ một cuộc đối đầu thương mại xuyên Đại Tây Dương rộng hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh Trump cảnh báo rằng bất kỳ hành động trả đũa nào nhằm vào lợi ích của Mỹ sẽ chỉ khiến chính quyền ông áp dụng biện pháp cứng rắn hơn.
Khối EU đã phê duyệt các mức thuế tiềm năng đối với 21 tỉ euro hàng hóa Mỹ, có thể được triển khai nhanh chóng để đáp trả các mức thuế kim loại mà Trump đã áp. Các mức thuế này nhắm vào các bang nhạy cảm về chính trị tại Mỹ và bao gồm các sản phẩm như đậu nành từ bang Louisiana (quê nhà của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson), nông sản khác, gia cầm và xe máy.
EU cũng đã chuẩn bị một danh sách thuế bổ sung trị giá 72 tỉ euro đối với hàng hóa Mỹ nhằm đáp trả cái gọi là thuế đối ứng và thuế ô tô của Trump. Danh sách này nhắm đến hàng hóa công nghiệp, bao gồm máy bay của Boeing, ô tô sản xuất tại Mỹ và rượu bourbon.
Ngoài thuế quan, EU còn đang xây dựng các biện pháp tiềm năng khác như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế hợp đồng mua sắm công.
— Với sự đóng góp của William Horobin, Oliver Crook và Chris Anstey
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/eu-gap-rut-de-dat-thoa-thuan-voi-my-san-sang-kich-ban-xau-nhat-53869.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media