Chính sách phát triển xe điện tại Việt Nam: Cơ hội kinh tế và bài toán thực thi

Các chính sách xe điện mới dự kiến triển khai tại Hà Nội và TP.HCM được kỳ vọng tạo cú hích cho tăng trưởng xanh, song cũng dấy lên nhiều tranh luận về hành trình triển khai.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Giang Lê

15 tháng 07, 2025 lúc 3:15 PM

Theo chỉ thị số 20/CT-TTg ban hành ngày 12.7.2025, Hà Nội sẽ cấm hoàn toàn xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1 từ ngày 1.7.2026. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch khỏi nội đô vào năm 2030.

TP.HCM cũng đang cân nhắc kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện, tập trung vào nhóm tài xế công nghệ. Theo khảo sát của viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tài xế có thể tiết kiệm 40.000–60.000 đồng mỗi ngày khi chuyển sang sử dụng xe điện – tương đương hơn 1 triệu đồng mỗi tháng – đủ để trả góp phương tiện trong khoảng thời gian từ 2–2,5 năm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo về sự đột ngột và thiếu chuẩn bị trong chính sách hiện tại. “Chính sách của Hà Nội lập tức thu hút sự chú ý lớn từ dư luận xã hội. Không chỉ bởi đây là một chính sách mang tính tác động trực tiếp tới hàng triệu người dân đô thị, mà còn vì tính đột ngột, thời gian chuẩn bị ngắn, lộ trình thay thế chưa rõ ràng và các hệ quả xã hội chưa được đánh giá công khai,” ông Vũ Hoàng Linh, giảng viên chương trình Chính sách công tại Đại học Việt Nhật, nhận định trong một bài chia sẻ trên Substack.

Theo báo cáo “Hành trình bứt phá” do Ngân hàng Thế giới công bố tháng 3.2025, Việt Nam hiện có hơn 72 triệu xe hai bánh – chiếm 94% tổng số phương tiện đăng ký. Tỉ lệ cơ giới hóa đạt 518 xe máy trên 1.000 dân, trong khi xe ô tô chiếm 22 xe trên 1.000 dân. Đáng chú ý, Việt Nam vốn là thị trường xe điện hai bánh lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Dữ liệu của BoombergNEF cho thấy, năm 2023, Việt Nam tiêu thụ gần 304 ngàn xe hai bánh điện (bao gồm cả xe đạp và xe máy điện), đóng góp 80% doanh số khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ thâm nhập của xe điện trên thị trường xe hai bánh của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 11% - mức cao nhất Đông Nam Á và vượt xa tỉ lệ trung bình 3% của khu vực. BoombergNEF cũng dự đoán, năm 2040 xe điện sẽ chiếm 95% lượng xe bán ra tại Việt Nam. Điện hoá đã trở thành xu hướng tất yếu mà thị trường xe máy Việt đang hướng tới. 

Tác động kinh tế từ quá trình chuyển đổi sang xe điện được đánh giá là đáng kể. Theo Ngân hàng Thế giới, toàn bộ chuỗi giá trị xe điện – bao gồm sản xuất, pin, hạ tầng sạc và tái chế – có thể tạo ra tới 6,5 triệu việc làm đến năm 2050, trong đó 61% nằm ở mảng hạ tầng sạc. Ngoài ra, việc chuyển đổi giúp tiết kiệm chi phí năng lượng tương đương 360–498 tỉ USD nhờ giảm nhập khẩu nhiên liệu, tùy theo kịch bản chính sách.

Dù vậy, rào cản tài chính vẫn là yếu tố đáng lưu ý. Một khảo sát do đơn vị nghiên cứu thị trường InsightAsia công bố tháng 5.2025 cho thấy, 86% tài xế công nghệ gặp khó khăn khi giá xe điện cao gần gấp đôi xe xăng (35–50 triệu đồng so với 18–25 triệu đồng). Về phía người tiêu dùng, 72% lo ngại cước phí dịch vụ sẽ tăng nếu chuyển sang xe điện, và chỉ 48% sẵn sàng trả thêm 5–10% cho một chuyến đi bằng phương tiện thân thiện môi trường.

Một số quốc gia Đông Nam Á đã triển khai các mô hình hỗ trợ chính sách đáng tham khảo. Thái Lan áp dụng chương trình EV 3.0 với mức trợ cấp lên tới 150.000 baht (khoảng 4.500 USD) cho ô tô điện và 18.000 baht (khoảng 550 USD) cho xe máy điện. Giai đoạn EV 3.5 (năm 2024–2027) sẽ tiếp tục điều chỉnh mức hỗ trợ theo dung lượng pin để khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước.

Tại Indonesia, chính phủ thực hiện trợ cấp 10 triệu rupiah (hơn 600 USD) cho mỗi xe máy chuyển đổi từ xăng sang điện. Năm 2024, quốc gia này chuyển đổi hơn 1.100 xe – tăng gần 8 lần so với năm trước.

Các ví dụ trên cho thấy để chính sách xe điện phát huy hiệu quả cần gắn liền với viêkc trợ cấp trực tiếp, cơ chế tài chính khả thi và đầu tư vào hạ tầng thay thế. Chính phủ cũng cần ban hành các chính sách ưu đãi minh bạch, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận tín dụng và tham gia đầu tư dài hạn.

“Đây là điều hết sức quan trọng đối với hạ tầng sạc, vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy trợ giá của chính phủ có thể hiệu quả gấp sáu lần so với trợ giá mua xe điện,” ngân hàng Thế giới nhận định trong báo cáo. Đồng thời, lĩnh vực tái chế pin – vốn còn mới ở Việt Nam – cần được chính phủ khuyến khích để đảm bảo quản lý chất thải rắn hiệu quả. Những yếu tố này sẽ góp phần làm giảm chi phí sở hữu xe điện so với phương tiện chạy xăng, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi một cách bền vững và toàn diện hơn.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chinh-sach-xe-dien-viet-nam-co-hoi-kinh-te-va-bai-toan-thuc-thi-53783.html

#xe máy điện
#xe điện
#chính sách xe điện
#chuyển đổi xanh

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media