Ông Trump hạ giọng với Trung Quốc để đạt thỏa thuận thương mại mới

Ông Trump thể hiện thiện chí với Bắc Kinh nhằm nối lại đàm phán và có thể sẽ hoãn thời hạn áp thuế để đạt thỏa thuận thương mại ngắn hạn.

Hình ảnh: Qilai Shen/Bloomberg

Hình ảnh: Qilai Shen/Bloomberg

Tác giả: Jenny Leonard và Mackenzie Hawkins

17 tháng 07, 2025 lúc 1:15 PM

Tóm tắt bài viết

Tổng thống Donald Trump đang thể hiện thiện chí với Trung Quốc để thúc đẩy đàm phán thương mại, tập trung vào các thỏa thuận mua hàng ngắn hạn thay vì giải quyết các vấn đề gốc rễ.

Ông Trump có thể hoãn thời hạn 12/8, khi thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc quay lại mức 145%, và Mỹ có thể kéo dài thời gian hoãn áp thuế thêm ba tháng.

Việc cho phép Nvidia tiếp tục bán chip H20 cho Trung Quốc gây tranh cãi, với lo ngại về chuyển giao công nghệ bán dẫn chiến lược, dù Tổng giám đốc Nvidia Jensen Huang ủng hộ cạnh tranh trực tiếp với Huawei.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình là rất cao sau cuộc thảo luận "tích cực" với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Một số quan chức Mỹ đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, dù cách tiếp cận này gây chia rẽ trong nội bộ chính quyền.

Tóm tắt bởi AI HAY

Tổng thống Donald Trump đang hạ giọng với Trung Quốc nhằm đạt được một cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và thúc đẩy thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sáu tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump không còn đưa ra những tuyên bố gay gắt như trong chiến dịch tranh cử, vốn tập trung vào thâm hụt thương mại Mỹ – Trung và hệ quả mất việc làm. Lập trường mềm mỏng hiện tại hoàn toàn trái ngược với các lời đe dọa áp thuế gần đây mà ông dành cho các đối tác thương mại khác.

Ông Trump hiện tập trung vào các thỏa thuận mua hàng với Bắc Kinh — tương tự thỏa thuận đã ký trong nhiệm kỳ đầu — và hướng đến các kết quả ngắn hạn, thay vì giải quyết nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất cân bằng thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc vừa ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục trong nửa đầu năm nhờ xuất khẩu tăng mạnh.

Hôm thứ Ba (15.7), ông Trump cho biết sẽ “đối phó” với Trung Quốc “một cách rất thân thiện.”

Theo một số nguồn tin, trong các cuộc họp nội các, ông Trump thường là người có quan điểm ôn hòa nhất. Các quan chức trong chính quyền khẳng định ông luôn giữ thiện cảm với ông Tập, dù trong nhiệm kỳ đầu từng mạnh tay áp đặt các biện pháp hạn chế với Huawei và đánh thuế lên phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách trong và ngoài chính quyền bày tỏ lo ngại trước việc ông Trump thay đổi lập trường, đi ngược với các cam kết cứng rắn ban đầu. Diễn biến trong tuần này càng làm dấy lên lo ngại rằng các lằn ranh đỏ từng tồn tại trong quan hệ Mỹ – Trung giờ đã được đưa lên bàn đàm phán.

Việc cho phép Nvidia tiếp tục bán dòng chip H20 thế hệ cũ cho Trung Quốc mâu thuẫn với tuyên bố trước đây của Mỹ rằng sẽ không chuyển giao công nghệ bán dẫn chiến lược cho Bắc Kinh.

Tháng trước, khi bị thượng nghị sĩ chất vấn liệu Mỹ có đang bán chip công nghệ cao để đổi lấy đất hiếm hay không, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent viện dẫn quy định siết xuất khẩu chip H20 làm bằng chứng cho thấy chính quyền Trump vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

Dù Mỹ vẫn yêu cầu cấp phép với các lô hàng xuất khẩu loại này — biện pháp mà chính quyền Biden không áp dụng — một số quan chức trong nội bộ Trump đã âm thầm phản đối việc cấp phép, cho rằng điều đó sẽ tiếp tay cho sự phát triển của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc.

Tuy vậy, một số người khác bảo vệ quyết định này và cho rằng việc cho phép Nvidia cạnh tranh trực tiếp với Huawei tại thị trường nội địa Trung Quốc là yếu tố then chốt để giành lợi thế trong cuộc đua AI. Quan điểm do tổng giám đốc Nvidia Jensen Huang đưa ra hiện đang nhận được nhiều ủng hộ trong chính quyền, theo các nguồn tin.

jensen-huang_na-bian.jpg
Jensen Huang tại Bắc Kinh vào ngày 16 tháng Bảy. Hình ảnh: Na Bian/Bloomberg

Đàm phán ‘hiệu quả’

Một người phát ngôn của chính quyền cho biết ông Trump là người đưa ra quyết định cuối cùng trong mọi vấn đề thương mại. “Tổng thống luôn nỗ lực để thiết lập sân chơi công bằng cho người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ. Chính quyền vẫn đang duy trì các cuộc thảo luận hiệu quả với tất cả các đối tác thương mại,” phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai nói.

Để hạ nhiệt căng thẳng, các quan chức Mỹ đang chuẩn bị trì hoãn thời hạn ngày 12.8 — khi thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ quay lại mức 145% sau giai đoạn tạm hoãn 90 ngày. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television tuần này, ông Bessent cho biết thời hạn này có thể được điều chỉnh.

Một nguồn tin tiết lộ rằng Mỹ có thể kéo dài thời gian hoãn áp thuế thêm ba tháng. Động thái này diễn ra khi ông Trump đồng thời mở rộng chính sách thuế với các quốc gia khác, kể cả đồng minh, và đe dọa sẽ nhắm vào các ngành như dược phẩm và bán dẫn.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập là rất cao. Ông Rubio, một trong những chính khách có quan điểm chống Trung Quốc mạnh nhất tại Thượng viện, nói rằng ông đã có cuộc thảo luận “mang tính xây dựng và rất tích cực” với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào thứ Sáu tuần trước.

‘Bước đi lớn’

Hôm thứ Tư (16.7), ông Trump ca ngợi Trung Quốc vì các biện pháp kiểm soát hóa chất dùng để sản xuất fentanyl, sau khi ông áp thuế 20% lên Bắc Kinh vì để loại ma túy này tràn vào thị trường Mỹ.

“Trung Quốc đang hợp tác,” ông Trump nói với báo chí. “Vấn đề fentanyl đã gây nhức nhối suốt nhiều năm qua. Nhưng kể từ khi tôi lên nắm quyền, chúng tôi đã đối thoại với họ và đang đạt được nhiều bước tiến triển lớn.”

Hiện tại, một số quan chức trong chính quyền đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ — dù chưa rõ cụ thể loại nào — theo các nguồn tin am hiểu. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào mối quan tâm của ông Trump về thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, cách tiếp cận mới của ông Trump đang gây chia rẽ trong nội bộ cố vấn. Một số thành viên trong nhóm đàm phán thương mại muốn giữ lập trường cứng rắn với Bắc Kinh và từng cam kết rằng sẽ không đưa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào bàn đàm phán, theo các nguồn tin liên quan.

Dù vậy, trong cuộc đàm phán tại London tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick công khai tuyên bố rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây, dựa trên lý do an ninh quốc gia, cũng nhằm mục đích “gây khó chịu” cho Bắc Kinh. Trong tuần này, ông Lutnick cùng ông Bessent và đặc phái viên Nhà Trắng về AI và tiền mã hóa David Sacks khẳng định rõ ràng rằng việc cho phép bán một số dòng chip Nvidia kém chất lượng hơn cho Trung Quốc là một phần trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.

david-sacks_chris-kleponis.jpg
David Sacks. Hình ảnh: Chris Kleponis/CNP/Bloomberg

Diễn biến này làm dấy lên câu hỏi về mức độ sẵn sàng thỏa hiệp của ông Trump trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia nếu Trung Quốc đưa ra yêu cầu. Một số cố vấn cứng rắn lo ngại rằng việc Mỹ tiếp tục nới lỏng kiểm soát xuất khẩu chip giờ đây là điều không thể tránh khỏi. Số khác cho rằng việc cho phép xuất khẩu dòng chip H20 không nghiêm trọng bằng việc chuyển giao các phiên bản tiên tiến nhất, điều mà họ khẳng định không nằm trong phạm vi đàm phán.

“Chúng ta cần bán cho Trung Quốc một lượng chip đủ để khiến các nhà phát triển của họ bị phụ thuộc vào hệ sinh thái công nghệ Mỹ,” ông Lutnick phát biểu hôm thứ Ba trên kênh CNBC.

Nhiều đồng minh và doanh nghiệp tại châu Âu và châu Á đang theo dõi sát diễn biến này, khi Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ nhằm hạn chế sự phát triển của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Theo các nguồn tin, chính phủ và ngành công nghiệp tại các khu vực này đã nhận ra rằng chiến lược của Washington có thể thay đổi bất kỳ lúc nào.

Sáu lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ từng làm việc với đội ngũ của ông Trump về vấn đề Trung Quốc cho biết họ thường không nhận được đầy đủ thông tin chi tiết, trong khi các mục tiêu cốt lõi lại thay đổi trong các cuộc thảo luận sau đó.

Những thay đổi gây bất ngờ

Trong nhiều trường hợp, những người phụ trách chính sách công nghệ với Trung Quốc đã tự đưa ra quyết định mà không hỏi ý kiến của các cơ quan từng đóng vai trò quan trọng. Các biện pháp hạn chế của Bộ Thương mại, được áp dụng hồi tháng 5 đối với phần mềm thiết kế chip rồi sau đó bị hủy bỏ, đã khiến nhiều người trong chính quyền bất ngờ.

Quyết định liên quan đến chip H20 cũng được giữ kín, theo các nguồn tin am hiểu. Một số biện pháp khác đã được cân nhắc trong nhiều tháng — bao gồm các lệnh trừng phạt nhắm vào các tập đoàn chip lớn của Trung Quốc và nỗ lực hạn chế các công ty con về công nghệ của nước này — đã bị trì hoãn giữa lúc chính quyền ông Trump theo đuổi một thỏa thuận thương mại mới.

Tuy nhiên, ông Trump vốn nổi tiếng là người thường xuyên thay đổi lập trường về Trung Quốc, đôi khi ngay sau khi đưa ra quyết định — như trường hợp ông đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với tập đoàn viễn thông ZTE vào năm 2018, theo yêu cầu cá nhân của ông Tập.

zte-headquarters_giulia-marchi.jpg
Trụ sở của ZTE tại Thâm Quyến. Hình ảnh: Giulia Marchi/Bloomberg

Ông cũng dễ bị những chỉ trích nhằm vào cách tiếp cận của mình ảnh hưởng, cho thấy ông có thể sẽ thay đổi lập trường thêm một lần nữa.

“Tổng thống Trump quyết tâm đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng điều đó có thể không kéo dài,” Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhận định. “Thâm hụt thương mại của Mỹ từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh và ngân sách mới sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu trong quý IV. Nếu thâm hụt thương mại năm 2025 lập kỷ lục, mọi khả năng đều có thể xảy ra, kể cả với Trung Quốc.”

Trong khi đó, Bắc Kinh không hề che giấu quan điểm rằng họ mới là bên đang có lợi thế. Tại London, các quan chức Mỹ đã bất ngờ trước thái độ đắc thắng của Trung Quốc về vị thế hiện tại của họ, theo các nguồn tin am hiểu.

Trung Quốc gây sức ép bằng cách siết chặt kiểm soát nam châm đất hiếm — nguyên liệu mà Mỹ đang phụ thuộc vào — và sẵn sàng biến sự phụ thuộc đó thành công cụ đàm phán. Bắc Kinh hiện yêu cầu các công ty phải nộp dữ liệu nhạy cảm và xin cấp lại giấy phép xuất khẩu đất hiếm sau mỗi sáu tháng.

— Với sự hỗ trợ của Jordan Fabian và Catherine Lucey

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ong-trump-ha-giong-voi-trung-quoc-de-dat-thoa-thuan-thuong-mai-moi-53806.html

#Donald Trump
#Trung Quốc
#thỏa thuận thương mại
#thâm hụt thương mại
#Huawei
#Nvidia
#chip H20
#biện pháp kiểm soát xuất khẩu
#fentanyl
#an ninh quốc gia
#đàm phán thương mại
#đất hiếm

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media