Burning Man đang đốt tiền không ngơi tay

Lễ hội này được hàng chục tỉ phú tôn vinh, hơn 100 phiên bản khắp nơi và một cộng đồng trung thành. Vậy tại sao tổ chức đứng sau nó lại vật lộn để tồn tại?

Hình ảnh: Livia Giorgina Carpineto

Hình ảnh: Livia Giorgina Carpineto

Tác giả: Ted Alcorn

26 tháng 07, 2025 lúc 7:00 AM

Tóm tắt bài viết

Burning Man Project, tổ chức phi lợi nhuận điều hành lễ hội Burning Man, đang đối mặt với khủng hoảng tài chính sau khi chi 59 triệu USD tổ chức lễ hội năm ngoái nhưng hụt 20 triệu USD do doanh thu bán vé không đủ.

Tổng giám đốc Marian Goodell cho rằng tổ chức cần vận hành như một doanh nghiệp để truyền bá thông điệp của Burning Man, nhưng cũng cảnh báo về rủi ro nếu đặt mục tiêu tài chính lên hàng đầu.

Burning Man Project đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự trỗi dậy của các phiên bản địa phương, giới hạn số lượng người tham dự ở mức 80.000 và chi phí vận hành tăng cao.

Nhiều tỷ phú như Larry Page, Sergey Brin, Elon Musk từng tham gia Burning Man, nhưng tổ chức này lại gặp khó khăn trong việc kêu gọi họ đóng góp tài chính do triết lý chống thương mại hóa.

Để giải quyết khó khăn tài chính, Burning Man Project đang kêu gọi cộng đồng quyên góp và thay đổi cách truyền tải thông điệp, đồng thời tính đến việc tăng giá vé trung bình lên 749 USD.

Tóm tắt bởi AI HAY

Nếu bạn từng gặp một người theo Burning Man (Burner), có lẽ bạn đã nghe họ kể về danh sách vật dụng được chuẩn bị công phu như một chiến dịch quân sự, mức độ “giác ngộ” mà sự tự do tuyệt đối có thể mang lại, và thực tế rằng ở thành phố Black Rock, Nevada, tiền chỉ là một đống giấy lộn.

Burning Man là lễ hội thường niên cấm mọi hoạt động thương mại, nơi gần 80.000 người sống bằng vật phẩm họ mang theo và quà tặng từ người khác vào cuối tháng 8. Bạn có thể bắt gặp một con bạch tuộc hai tầng phun lửa hoặc một thân máy bay được biến thành hộp đêm di động, nhưng ngoại trừ vài điểm bán đá được cấp phép để bảo quản thực phẩm, tuyệt đối không có giao dịch tiền mặt nào tại đây

Tuy nhiên, Burning Man Project, tổ chức phi lợi nhuận điều hành sự kiện, lại không thể tồn tại nếu không có tiền, và vấn đề tài chính đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Năm ngoái, tổ chức chi khoảng 59 triệu USD để tổ chức lễ hội, nhưng doanh thu bán vé không đủ bù chi phí, tạo ra khoản thâm hụt 20 triệu USD. Ban lãnh đạo tổ chức phải quay lại bàn làm việc trong tình trạng báo động. “Mọi thứ hiện đều bị đe dọa,” tổng giám đốc Marian Goodell viết trong loạt thông điệp trực tuyến mùa Thu năm ngoái.

Một tổ chức thông thường có lẽ đã bắt đầu tìm cách kiếm tiền, nhất là khi họ có liên hệ trực tiếp với những người giàu có nhất thế giới. Larry Page và Sergey Brin từng chọn Eric Schmidt làm CEO đầu tiên của Google một phần vì ông cũng là một Burner. Dustin Moskovitz từng mời Mark Zuckerberg đến sự kiện năm 2012 với hy vọng trải nghiệm đó sẽ giúp Zuckerberg trưởng thành hơn, và ông tin điều đó đã xảy ra. Sam Altman gọi Burning Man là “tác phẩm nhân tạo đẹp nhất tôi từng thấy” và ví đây là “viễn cảnh của thế giới hậu trí tuệ nhân tạo.” Elon Musk và Joe Gebbia, thành viên hội đồng quản trị Tesla và người hỗ trợ chương trình DOGE, cũng đều là người ủng hộ lâu năm.

man.jpg
Hình ảnh:Winni Wintermeyer cho Bloomberg Businessweek

Tuy nhiên, Burning Man Project bị ràng buộc bởi triết lý hoạt động đề cao tính tự lực, tự thể hiện và tính trực tiếp, đồng thời cấm mọi hình thức “thương mại hóa.” Tổ chức không thể kiếm tiền từ 1,6 triệu người theo dõi trên Instagram, cũng không thể bán quyền sử dụng các tác phẩm nghệ thuật tại lễ hội. Họ không được tìm tài trợ, quảng cáo hay bán hàng hóa, và cũng hiếm khi cấp phép hoặc nhượng quyền thương hiệu. Tình hình càng phức tạp hơn khi ngày càng nhiều người chọn tổ chức hoặc tham dự các phiên bản lễ hội địa phương thay vì đến Nevada. Hiện có khoảng 100 lễ hội Burning Man khu vực diễn ra trên toàn cầu, từ Mexico đến Úc. Burning Man Project giám sát và đảm bảo các sự kiện này tuân thủ quy định an toàn và nguyên tắc triết lý, đồng thời cho phép sử dụng tên và biểu tượng tổ chức. Tuy nhiên, họ không thu bất kỳ khoản phí nào, dù chính các sự kiện này đang làm giảm sức hút của lễ hội chính.

Goodell cho rằng để truyền bá thông điệp của Burning Man, tổ chức cần vận hành như một doanh nghiệp. Theo bà, tổ chức không thể “sợ tiền, thiếu tiền hay lo lắng về tiền.” Nhưng bà cũng cảnh báo rủi ro nếu đặt mục tiêu tài chính làm trung tâm.

man1.jpg
Hình ảnh: Brad Horn/AP Photo

“Tôi không muốn nhìn Burning Man như một sản phẩm mà mục tiêu là bán được càng nhiều càng tốt,” bà nói. Quan điểm này đẩy tổ chức vào tình thế trớ trêu: Họ cần thứ mà chính họ được thiết kế để không cần đến. Hiện tại, tổ chức buộc phải tìm tiền bằng cách cắt giảm chi tiêu hoặc kêu gọi cộng đồng hỗ trợ. Dennis Bartels, chủ tịch hội đồng quản trị và cựu giám đốc bảo tàng Exploratorium ở San Francisco, cảnh báo rằng chỉ cần nghĩ đến chuyện kiếm tiền cũng có thể khiến Burning Man Project đánh mất bản sắc. “Những lực lượng muốn bạn trông và vận hành giống như phần còn lại của thế giới rất nguy hiểm và hiện hữu ở khắp mọi nơi,” ông nói.

Thật vậy, chỉ một động thái nhỏ cũng có thể châm ngòi phản ứng dữ dội. Khi tổ chức đăng lại một video TikTok được biên tập kỹ lưỡng, với cảnh người tham dự bán khỏa thân nhảy trampoline, vật lộn và uống rượu trên nền nhạc điện tử, cộng đồng Burner trên Reddit đã phản ứng gay gắt. “Cái quái gì thế này,” một người viết. Bình luận được ủng hộ nhiều nhất chỉ trích video vì mang tính “thương mại hóa cực đoan.”

Burning Man từng vượt qua nhiều khủng hoảng. Năm 1997, chính phủ Mỹ từ chối cấp phép, buộc ban tổ chức phải tạm thời dời sự kiện sang đất tư nhân. Một thập kỷ sau, tranh chấp giữa các nhà sáng lập dẫn đến kiện tụng và chia rẽ. Năm 2017, một người tham dự lao vào ngọn lửa thiêu hình nộm của lễ hội và tử vong do bỏng nặng. Năm 2023, một trận mưa lớn biến nơi tổ chức thành bãi lầy, khiến hàng chục ngàn người bị mắc kẹt và thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ truyền thông.

Báo chí luôn theo sát Burning Man, ngay cả khi vấn đề chưa quá nghiêm trọng. Năm đầu tiên sự kiện có lãi, nhiều tiêu đề báo đặt câu hỏi liệu nhóm sáng lập có “chịu nổi sức ép” từ tiền bạc. Sau đó, truyền thông lại chỉ trích “thảm họa” khi vé bị đầu cơ. Burning Man vừa là biểu tượng văn hoá, vừa là mục tiêu cho những ai thích châm biếm: càng mơ mộng về một thế giới hoàn hảo bao nhiêu, họ càng dễ bị chế nhạo khi vấp ngã trong thực tế bấy nhiêu.

“Nét vừa quyến rũ vừa khó chịu của cộng đồng Burning Man là tinh thần ngoại lệ,” David Festa, người từng dẫn dắt nhóm gây quỹ năm 2024, nhận xét. Họ tin rằng “chúng tôi đặc biệt, chúng tôi tuyệt vời, chúng tôi đang giải cứu thế giới.”

man2.jpg
Hình ảnh:  Tomas Ovalle/ Getty Images

Festa, người đã rời tổ chức vào tháng 12, cho rằng sự tự mãn có thể khiến tổ chức chủ quan. “Nếu năm nay họ thất bại, thì đó sẽ là câu chuyện của một nỗ lực muộn màng,” ông nói. Mercedes Martinez, thành viên hội đồng quản trị gồm 22 người, cũng cảnh báo rằng sự tự mãn có thể dẫn đến tâm lý mù quáng nguy hiểm. “Có một thống kê về tai nạn leo núi cho thấy người chết nhiều nhất không phải là người mới, đúng không? Không phải người mới. Mà là những người đã leo ngọn núi đó sáu lần và lần này lại bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo nhỏ.”

Trên tầng bốn của một nhà máy cũ tại khu Mission, San Francisco, ngay phía trên một công ty và một startup AI, là trụ sở chính của Burning Man Project. Bên trong, hầu như mọi bề mặt đều phủ kín kỷ vật từ các kỳ lễ hội trước: ảnh chụp trên không của thành phố Black Rock hình bán nguyệt đặc trưng, mô hình thu nhỏ của các tác phẩm điêu khắc và đền thờ từng được xây dựng rồi thiêu rụi, một chiếc mũ bảo hộ lấp lánh, cùng khẩu súng phun lửa tự chế sáng bóng.

Lần đầu tiên Burning Man bán thứ gì đó gần giống vé vào cửa là vào năm 1990, khi ban tổ chức đề nghị quyên góp 10 USD để trang trải chi phí. Trước đó bốn năm, Larry Harvey, một người làm vườn có sức hút, cùng vài người bạn kéo một cột gỗ ra bãi biển ở San Francisco và đốt nó. Khi địa điểm này không còn phù hợp, họ chuyển sự kiện về sa mạc Nevada. Suốt nhiều năm sau đó, họ giữ giá vé ở mức thấp để các nghệ sĩ, dân công nghệ, người múa lửa, hacker truyền thống và tín đồ tâm linh mới đều có thể dễ dàng tham gia.

Khi Marian Goodell lần đầu tham dự Burning Man vào năm 1995, bà bắt đầu chỉ vì tò mò. Sau đó bà trở thành bạn gái của Larry Harvey, nhà sáng lập lễ hội, vào thời điểm sự kiện thu hút khoảng 4.000 người tham gia. Dù mối quan hệ tình cảm dần chuyển thành tình bạn, bà vẫn tiếp tục gắn bó với sự kiện, giúp thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn để quản lý tài chính và trở thành một trong sáu người sau này được công nhận là đồng sáng lập. Với bằng cao học ngành nhiếp ảnh và kinh nghiệm quản lý dự án, bà nhanh chóng trở thành người “giữ trật tự,” xử lý truyền thông và trấn an chính quyền mỗi khi những người bạn phóng khoáng gây ra rắc rối.

man3(1).jpg
Hình ảnh: Bromberger Hoover/Getty Images

Những va chạm như vậy xuất hiện ngày càng nhiều khi Burning Man mở rộng, vượt mốc 25.000 người vào năm 2000. Khi đó, tổ chức, được cộng đồng gọi tắt là “Org”, chỉ có khoảng 10 nhân viên toàn thời gian và chủ yếu đảm bảo các yếu tố thiết yếu như vệ sinh, an ninh, và tuân thủ luật liên bang cũng như tiểu bang. “Chúng tôi chỉ đặt ra quy định khi thật sự cần thiết,” Goodell nói.

Giống nhiều người trong cộng đồng Burner, Goodell có xu hướng đề cao tự do cá nhân. Bà thường nhắc đến ảnh hưởng từ cha mình, một “nhà tư bản Cộng hòa” từng học ở Harvard và đưa cả gia đình di chuyển khắp vùng Rust Belt trong quá trình thăng tiến trong ngành sản xuất đồng thau. Tuy nhiên, bà cũng hiểu rõ vai trò của quy trình trong việc quản lý một sự kiện có tính vô chính phủ diễn ra trong môi trường khắc nghiệt.

Qua nhiều thập kỷ, khi sự kiện ngày càng phát triển về quy mô và tầm ảnh hưởng, đội ngũ tổ chức buộc phải trưởng thành theo. Sự giám sát từ chính quyền đóng vai trò quan trọng: giấy phép sử dụng tạm thời bãi đất sa mạc từng chỉ dài một trang, nay đã kéo dài đến 174 trang, theo Goodell. Tổ chức phải giảm thiểu tác động đến chất lượng không khí, nguồn nước, các địa điểm khảo cổ của người bản địa, và cả mật độ trứng của tôm tiên — một loài giáp xác siêu nhỏ sống trong bụi và là nguồn thức ăn cho chim di cư. Burning Man cũng phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ khác như bảo dưỡng thiết bị hạng nặng phục vụ việc lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật lớn, phân phối nhiên liệu và vận hành sân bay riêng. Và khi quy mô tăng lên, chi phí vận hành cũng phình to. “Bạn cần thêm người để quản lý thêm người,” Goodell nói.

Năm 2014, nhóm đồng sáng lập chuyển quyền kiểm soát cho một tổ chức phi lợi nhuận để hợp pháp hoá sứ mệnh và cấu trúc pháp lý lâu dài, đồng thời bổ nhiệm Goodell làm giám đốc điều hành. Trước đó bà thường làm việc hậu trường, nhưng sau cái chết của Harvey năm 2018, bà trở thành gương mặt đại diện chính thức của tổ chức. “Tôi không muốn điều hành một cơ quan chính phủ,” bà nói, nhưng rồi lại miễn cưỡng trở thành người đứng đầu một bộ máy giống như vậy. Burning Man Project hiện có hơn 140 nhân viên toàn thời gian, một nửa làm việc tại San Francisco, nửa còn lại ở gần địa điểm tổ chức tại Nevada, cùng 1.000 lao động thời vụ tham gia dựng và tháo dỡ hạ tầng thành phố Black Rock.

Người theo sát tình hình tài chính của tổ chức hiện nay là Juho Parkkinen, một kế toán người Phần Lan từng làm việc tại công ty phần mềm đã niêm yết. Mùa Hè năm ngoái, ông rời công việc đó để trở thành giám đốc tài chính đầu tiên của Burning Man Project. Giống như nhiều nhân viên khác, ông là một Burner chính hiệu và có vẻ đã quá ngán ngẩm với việc phải dành quá nhiều thời gian cho tiền bạc. “Chuyện này thật nhàm chán, thật chuyên nghiệp, thật giống như ở Wall Street,” ông nói khi nhìn vào bảng tính ngân sách. “Nó chẳng giống Burning Man chút nào.”

Parkkinen nhanh chóng nhận ra tổ chức đang gặp rắc rối tài chính. Burning Man Project luôn bán vé để vừa trang trải chi phí, vừa định hình cộng đồng tham dự, với phần lớn vé được bán theo giá chuẩn (575 USD trong năm 2024) và một phần nhỏ có giá thấp hơn dành cho người có thu nhập thấp. Đây không chỉ là lựa chọn thực tế, vì 40% số vé được bán cho các trại từng tham gia, những người có thể hướng dẫn người mới, mà còn là vấn đề nguyên tắc.

man4.jpg
Hình ảnh: Scott London/Alamy

Dù có không ít tỉ phú tham gia, Burning Man vẫn đề cao nguyên tắc “bao trùm triệt để.” Nhưng khi giá vé tăng theo thời gian, người có thu nhập thấp ngày càng khó tiếp cận sự kiện hơn. Từ năm 2015 đến 2024, tỉ lệ người tham dự có thu nhập dưới 50.000 USD giảm từ 47% xuống 27%, theo khảo sát thường niên do tình nguyện viên thực hiện. Trong khi đó, tỉ lệ người kiếm trên 150.000 USD tăng từ 11% lên 29%.

Khi rà soát hàng chục hồ sơ thuế cũ, Parkkinen phát hiện chi phí cũng tăng mạnh, vượt xa tốc độ tăng giá chung của nền kinh tế. Nhân viên, những người theo ông từng được trả lương “thấp hơn đáng kể” so với mặt bằng chung các tổ chức phi lợi nhuận, đã được tăng lương. Từ năm 2019 đến 2024, chi phí thuê xe, máy phát điện và thiết bị hạng nặng gần như tăng gấp đôi. Điều này khiến tổ chức rơi vào thế khó: hoặc phải tăng giá vé, hoặc loại bỏ những người yêu mến sự kiện nhưng không còn đủ khả năng chi trả. Việc tăng số lượng vé cũng không khả thi vì từ năm 2019, cục Quản lý đất đai Mỹ đã giới hạn số người tham dự ở mức 80.000. Parkkinen kết luận rằng giá vé tiêu chuẩn hiện không còn đủ để bù chi phí, và mỗi vé bán ra đang khiến tổ chức lỗ thêm.

Trong nhiều năm, tổ chức đã cố gắng bù lỗ bằng cách bán một số vé với giá lên tới 2.500 USD cho những người muốn chắc suất tham dự từ đầu năm và tránh cảnh chen chúc đặt vé. Từ năm 2020, họ cũng đẩy mạnh kêu gọi quyên góp từ mọi tầng lớp Burner để lấp khoản chi thiếu hụt. Nhưng đến năm 2024, mô hình này sụp đổ. Lần đầu tiên trong một thập kỷ, vé không bán hết và quy mô sự kiện giảm 7% so với năm trước.

Lý do có thể là do trận mưa lớn năm trước, sự trỗi dậy của các phiên bản Burning Man địa phương, hoặc xu hướng suy yếu chung của các lễ hội như Coachella. Hoặc là điều gì đó nghiêm trọng hơn. “Tôi có cảm giác rằng sự quan tâm đến sự kiện đang giảm đi,” Goodell nói.

Dù nguyên nhân là gì, Burning Man Project bước vào năm 2024 với kỳ vọng cần 10 triệu USD tiền quyên góp, nhưng giờ lại phải đối mặt với khoản thâm hụt 20 triệu USD. Và nếu mọi người nghĩ rằng sẽ có vé dư, không ai còn sẵn sàng trả thêm để giữ chỗ từ sớm. Tổ chức đã cắt giảm chi phí hợp đồng và tinh giản nhân sự, qua đó tiết kiệm được 9% so với kế hoạch chi tiêu đến cuối năm. “Cần một chút phép màu để không cạn tiền,” Parkkinen nói. Nếu không, “chúng tôi đã tiêu đời rồi.” Dù tạm thời vượt qua khủng hoảng, tổ chức bước vào năm 2025 mà không có bất kỳ khoản dự phòng nào nếu lại hụt thu.

Tháng 10 năm ngoái, Goodell công bố bức thư dài gần 2.000 từ có tiêu đề “Bước ngoặt”, trình bày rõ những khó khăn tài chính của tổ chức và kêu gọi xây dựng tầm nhìn mới cho Burning Man Project như một “lực lượng tích cực toàn cầu.” Bà dẫn chứng các hoạt động hỗ trợ cứu trợ thiên tai, sáng kiến bảo vệ môi trường tại các khu đất ở Nevada và mạng lưới sự kiện lấy cảm hứng là lễ hội Burning Man. Bà kêu gọi cộng đồng bắt đầu quyên góp 20 USD mỗi tháng. “Thế giới cần những gì chúng ta mang đến hơn bao giờ hết,” bà viết.

Hàng trăm người trong cộng đồng Burner đã phản hồi, nhưng phần lớn không mấy thiện chí. “Hãy cắt bỏ các chương trình truyền thông dư thừa, dự án bất động sản gây sao nhãng và bộ máy hành chính cồng kềnh,” một người viết. Những người khác đặt câu hỏi về giá trị thật sự của tổ chức. “Marian đang ngồi trong một căn nhà đang cháy, và thay vì dập lửa rồi sửa chữa thiệt hại, bà lại xin thêm củi để tự dựng lối thoát,” một người nhận xét. Một người khác thì thẳng thừng hơn: “Thành thật mà nói, các người không còn cần thiết nữa.” Quan điểm chung là hãy tập trung vào điều quan trọng nhất: “Chỉ cần tổ chức cái lễ hội chết tiệt đó là được!” Dù có một số khoản quyên góp nhỏ lẻ, con số vẫn cách rất xa mục tiêu. Đến cuối năm 2024, Burning Man Project chỉ nhận được 7 triệu USD trong tổng số 20 triệu USD cần thiết.

Trong khi đó, ngày càng nhiều người rời sự kiện chính để “đốt lửa” ở nơi khác. Các lễ hội khu vực hiện dao động từ vài trăm đến hàng ngàn người tham dự, và trong vài năm gần đây, tổng số người “trải nghiệm Burning Man” tại các sự kiện này đã vượt số người đến Nevada. Burning Man Project từng cân nhắc thu phí bản quyền hoặc cấp phép nhượng quyền cho các sự kiện này, theo Steven Raspa, một nhân viên tổ chức, nhưng cuối cùng họ bác bỏ ý tưởng đó vì đi ngược lại sứ mệnh tổ chức. Sứ mệnh của Burning Man không phải là bảo vệ thương hiệu, mà là truyền bá văn hoá. Raspa trích dẫn nghệ sĩ Sol LeWitt: “Ý tưởng thuộc về những ai hiểu được chúng.”

man5.jpg
Hình ảnh: Ted Alcorn

Một trong những sự kiện khu vực khắc nghiệt nhất có lẽ là Frostburn, diễn ra cuối tuần tháng 2 trên một đỉnh núi ở West Virginia. Rebecca “Bexx” Rosenbloom, nhà dân tộc nhạc học đồng tổ chức sự kiện, mô tả lễ hội này trong một podcast là “việc ngu ngốc nhất bạn từng cố ý làm.” Năm nay, với giá vé 65 USD, người tham dự được bước vào một cánh đồng toàn bùn ở cuối con đường đất, nơi có hơn 100 chiếc lều, yurt và xe RV được dựng lên như một trại khai thác bị bỏ hoang. Thời tiết khoảng 1 độ C và có mưa, được xem là ấm hơn so với các năm trước. Những nhóm người làm việc dọc các con đường lầy lội để dựng trại cung cấp dịch vụ và giải trí. Một nhóm cách nhiệt ba gara di động và sưởi ấm bằng lò củi. Bên trong, họ mời thực khách thưởng thức mì ramen trong khi một ca sĩ hát jazz bên góc phòng. Tại một trại tổ chức sinh hoạt tập thể, người điều hành than phiền rằng rất khó giữ nệm hơi ấm áp khi đặt trên nền đất lạnh như băng.

Người tham dự cho biết họ không từ bỏ giá trị cốt lõi của sự kiện Nevada, mà chỉ từ bỏ chi phí cao và sự phô trương thái quá. Frostburn có ít yếu tố thị giác hơn và cũng ít hở hang hơn, khi đồ ren và trang phục đính pha lê được thay bằng áo khoác dày và flannel, nhưng đổi lại là cảm giác hiện diện rõ rệt hơn. S.T., kỹ sư 31 tuổi, nói rằng thời tiết mùa đông rất khắc nghiệt vì quê anh ở tây nam Ấn Độ chưa bao giờ lạnh dưới 4°C vào ban đêm. Sau khi được một cặp đôi trong trại khỏa thân kể về lễ hội, anh bắt đầu tham gia các lễ hội trong khu vực. “Nhiều người nói rằng họ mất đi tự do dưới chính quyền mới,” anh nói, “nhưng tôi thì thấy các bạn vẫn còn tự do hơn nhiều so với những gì người khác có thể tưởng tượng.”

Karina Padgett, vừa sưởi tay trên một bếp than, vừa bác bỏ Burning Man chính thống ở Nevada. “Mọi thứ xuống dốc khi các trại ‘plug n’ play’ xuất hiện,” cô nói. Cô không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu lễ hội khu vực. Đội một vương miện linh dương làm từ mũ bảo hiểm lacrosse và lớp lông thú, cô kể rằng sau khi chồng cô, một cựu binh Hải quân, tự tử, cô phải một mình nuôi con trai 4 tuổi. “Cảm giác như có thiên thạch rơi trúng gia đình tôi,” cô nói. Và rồi cộng đồng Burning Man đã đón nhận cô.

Tại một trại gần đó đang phát sandwich cho bữa sáng, Hal Homler đang xếp hàng. Là nhân viên bán hàng trung niên của Lowe’s Home Improvement, ông lần đầu tham gia sự kiện tại Nevada sau khi cuộc hôn nhân kéo dài 25 năm kết thúc, và cho biết lễ hội đã giúp ông “vực dậy bản thân.” Thay vì quay lại Nevada, ông chọn các sự kiện khu vực (Frostburn chỉ cách nhà ông ở Pittsburgh 80 dặm) và hiện ông tham gia đến tám sự kiện mỗi năm. Mùa Hè này ông dự định quay lại thành phố Black Rock, nhưng không than phiền về giá vé, mà so sánh nó với phí cắm trại ở các công viên quốc gia. Ông cũng không phàn nàn về mức lương gần 400.000 USD của Goodell trong năm 2023. Giám đốc điều hành Lowe’s kiếm tới 20 triệu USD mỗi năm, và ông nói: “Thế giới này vận hành theo chủ nghĩa tư bản.”

Thật vậy, nhiều nhà tư bản nổi tiếng nhất lại là người của Burning Man, và chỉ một trong số họ cũng có thể giải quyết mọi vấn đề của Goodell bằng một tấm séc. Goodell gọi Sergey và Elon bằng tên riêng, và một vài nhà tài trợ giàu có đã là phao cứu sinh của tổ chức: Theo tài liệu gây quỹ nội bộ, hai phần ba trong số 60 triệu USD tổ chức huy động được từ năm 2014 đến nay đến từ năm người duy nhất — không được nêu tên. Festa, người phụ trách gây quỹ, từ chối tiết lộ danh tính nhưng nói rằng “người giàu có cách nhìn rất kỳ quặc về tiền.”

man6.jpg
hình ảnh: Ted Alcorn

Các Burner siêu giàu sẵn sàng chi hàng triệu USD để tạo ra những chiếc xe lửa xa hoa chạy vòng quanh sa mạc hoặc trại tiệc hoành tráng nơi họ làm chủ cuộc chơi. Nhưng họ tỏ ra ít hứng thú hơn hẳn với việc chi trả cho các dịch vụ công cộng, như 3,2 triệu USD mà tổ chức phải bỏ ra năm ngoái cho dịch vụ nhà vệ sinh di động. Goodell cho biết tại các buổi gây quỹ, nhiều nhà tài trợ lớn khuyên nên thắt lưng buộc bụng. “Họ thường đặt câu hỏi kinh doanh rất thực tế kiểu như: ‘Các bạn đã cắt giảm gì rồi?’” bà nói. Nhưng bà cho rằng đó là cái nhìn thiển cận. Cách tốt nhất để giúp Burning Man phát triển là “hoàn toàn ngược lại. Là hãy dấn thân và tưởng tượng: ‘Làm sao chúng ta có thể giúp nó thăng hoa?’”

Cả Elon Musk và Sergey Brin đều không phản hồi yêu cầu bình luận.

Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho cách tiếp cận này là thành viên hội đồng quản trị Farhad Mohit. Trong buổi trò chuyện qua Zoom, ông mặc áo thun nhuộm tie-dye màu tím và kể về cảm giác không thể tin nổi khi đã “hoàn tất giai đoạn săn bắt hái lượm của đời mình” vào năm 2005, khi công ty đầu tiên ông đồng sáng lập, Shopzilla, được bán với giá 564 triệu USD. Một dự án khác mà ông góp phần sáng lập, Flipagram, được bán năm 2017 cho ByteDance, công ty sau đó tạo nên TikTok, với mức giá không tiết lộ. Ông thường tham gia Burning Man cùng vợ, con và đại gia đình, đồng thời giúp xây dựng một trà thất công phu phục vụ nước uống pha bạch đậu khấu và kem đá trái cây.

Mohit là một người tổ chức trại rất hào phóng. Năm 2023, trại của ông phát miễn phí một kilogram nhụy hoa nghệ tây Iran, và ông cũng là nhà tài trợ lớn cho Burning Man Project. Ông cho rằng việc theo đuổi hiệu quả “rõ ràng là tinh thần chung của thế giới hiện nay” và chỉ ra rằng hội đồng tổ chức từng có một người họ Musk. Em trai của Elon, Kimbal, được nêu trong hồ sơ thuế của tổ chức, dù Kimbal yêu cầu tên mình không đăng công khai trên trang web chính thức.

man7.jpg
hình ảnh: Ted Alcorn

Nhưng theo Mohit, áp dụng khái niệm hiệu quả vào Burning Man là điều nực cười. “Chúng tôi kéo đống đồ này vào giữa sa mạc chết tiệt. Chúng tôi xây dựng một trong những thành phố lớn nhất Nevada. Chúng tôi tiệc tùng một tuần, rồi đốt sạch mọi thứ, dọn sạch từng hạt bụi và quay về nhà. Thế thì hiệu quả ở đâu?” ông nói với vẻ bức xúc. “Muốn hiệu quả thì cứ ở nhà.”

Kimbal Musk không phản hồi yêu cầu bình luận.

Ý tưởng của Mohit nhằm ổn định tài chính cho tổ chức được ví như một loại thuế tài sản tự nguyện: Người tham dự sẽ quyên góp số tiền lãi mà tài sản của họ có thể sinh lời nếu được đầu tư vào thị trường chứng khoán trong thời gian họ tham gia Burning Man, sau khi trừ đi những đóng góp khác mà họ đã bỏ ra cho sự kiện. Trên một trang web do chính ông xây dựng mang tên “Burning Man Money on Principled Pause Calculator”, Mohit minh họa rằng một người sở hữu 100.000 USD tài sản và chi 1.000 USD để tham dự sự kiện sẽ không phải đóng thêm gì. Sau đó ông bắt đầu thêm các số 0 để mô phỏng khối tài sản lên đến 10 tỉ hay 100 tỉ USD, cho thấy ông đang nhắm tới những cá nhân cụ thể. “Một phẩy ba tỉ USD là số tiền tài sản của họ sinh lời chỉ trong một tuần. Chỉ một tuần chết tiệt đó,” ông nói. Và nếu dòng tiền này vượt chi phí tổ chức sự kiện, ông sẽ đảo ngược mô hình, xoá vé hoàn toàn và phân phối phần dư thành một khoản “thu nhập cơ bản cho Burner.”

Theo Mohit, các thành viên hội đồng quản trị và ban lãnh đạo Burning Man đều hào hứng với ý tưởng này, dù hiện tại nó vẫn chỉ mang tính lý thuyết. Ông mới chỉ trình bày ý tưởng với ba người thuộc tầng lớp siêu giàu, “không phải những cái tên bạn đang nghĩ đến”, và không ai trong số họ ngay lập tức bác bỏ ý kiến này.

man8.jpg
Winni Wintermeyer cho Bloomberg Businessweek

Hiện tại, chiến lược sinh tồn của Burning Man Project chủ yếu dựa vào việc thay đổi cách truyền tải thông điệp. Trong sự kiện năm nay diễn ra vào cuối tháng 8, tổ chức vẫn bán vé theo nhiều mức giá, từ 225 đến 3.000 USD, với kỳ vọng tăng giá vé trung bình. Tuy nhiên, thông điệp lần này rõ ràng hơn: Những ai có khả năng chi trả nên đóng ít nhất bằng chi phí trung bình để duy trì sự kiện, được tính là 749 USD vào năm 2023. Các loại vé đắt tiền hơn cũng được quảng bá công khai là phương tiện giúp trợ giá cho những người có thu nhập thấp. Theo lời tổ chức trên trang web, “mang Burning Man đến với nhiều người hơn.”

Vào ngày nhóm vé đầu tiên mở bán vào tháng 2, Goodell cùng ba đồng nghiệp nhắn tin qua Slack trong khi theo dõi hoạt động website. Vé tiêu chuẩn bán khá nhanh, và đến tối bà đã có thể thở phào. “Về tài chính, chúng tôi chưa vượt qua được thách thức lớn nào,” bà nói, nhưng “ít nhất chúng tôi có thể tiếp tục tiến lên.” Chỉ vài tháng sau đó, bà lại có mối lo mới: Liệu Tổng thống Donald Trump có cấm hoặc làm khó người nước ngoài đến sự kiện hay không, khi gần 20% người tham dự đến từ ngoài nước Mỹ.

Goodell vừa trải qua chuyến bay xuyên nước Mỹ và sắp phát biểu chính tại một hội nghị về chất thức thần, giọng bà nghe mệt mỏi. Cơn bão tài chính lần này là bài kiểm tra lớn cho khả năng lãnh đạo của bà, và ở độ tuổi ngoài 60, bà nói mình bắt đầu nghĩ về chuyện kế nhiệm, dù điều đó đồng nghĩa lần đầu tiên giao lại tổ chức cho người không gắn bó với Burning Man ngay từ những ngày đầu tiên. Khi được hỏi sẽ giữ chức CEO trong bao lâu nữa, bà đáp rằng mình đang chuẩn bị cho quá trình chuyển giao. “Sau đó tôi sẽ rất thiếu kiên nhẫn,” bà nói.

Giờ đây, bà cần tập trung vào việc thu hút thế hệ mới. Một buổi tối thứ Sáu đầu tháng đó, tại trụ sở chính, một nhóm nhân viên và thực tập sinh ở độ tuổi 20 đã tổ chức buổi giao lưu dành cho các bạn trẻ thuộc Gen Z tò mò về Burning Man. DJ phát nhạc của Chappell Roan, còn Goodell vui vẻ đi lại giữa đám đông, trên đầu đội sừng kỳ lân. Khi bà cầm micro để cảm ơn ban tổ chức và giới thiệu bản thân, một chiếc drone bay lơ lửng phía trên. Bà nói với mọi người rằng mình đã tham dự Burning Man gần nửa đời người, “có lẽ là trước khi một số bạn ở đây ra đời,” nhưng điều bà nghĩ đến là tương lai. “Burning Man sẽ tiếp tục phát triển, và phát triển cùng các bạn,” bà nói. Sau đó sẽ có phần đố vui kèm quà tặng, trong đó có hai vé miễn phí dự Burning Man, nhưng trước tiên bà dành thời gian trả lời câu hỏi. Một người trong đám đông hỏi Burning Man hiện cần gì nhất và làm sao để họ có thể giúp. Goodell không nhắc đến chữ “tiền.” Thay vào đó, bà đáp: “Sự kết nối.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/burning-man-dang-dot-tien-khong-ngoi-tay-53925.html

#Burning Man
#Nevada
#lễ hội
#tổ chức phi lợi nhuận
#Mark Zuckerberg
#Sam Altman
#Elon Musk
#thương mại hóa
#Frostburn
#tự do
#tài sản
#kết nối

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media