Thời cơ đã chín muồi với các công ty gia đình ở Việt Nam

Dù từng bị xem nhẹ, công ty gia đình tại Việt Nam đang đứng trước thời cơ chuyển mình, trở thành trụ cột kinh tế nếu biết chuyên nghiệp hóa và kế thừa giá trị qua nhiều thế hệ.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Vũ Minh Tú

26 tháng 07, 2025 lúc 8:00 AM

Tóm tắt bài viết

Các công ty gia đình ở Việt Nam có cơ hội trở thành trụ cột kinh tế nếu chuyên nghiệp hóa và kế thừa giá trị, tương tự như các tập đoàn lớn ở Mỹ, Đức, Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, LG.

Nghị quyết 68 nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho các công ty gia đình tự định vị và phát triển bền vững hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Để phát triển, công ty gia đình cần gắn kết giá trị của người sáng lập với giá trị cốt lõi công ty, xây dựng văn hóa mang bản sắc gia đình và chuyển giao công ty cho thế hệ kế thừa một cách chủ động.

Doanh nghiệp cần tách biệt quản trị với điều hành bằng cách thiết lập cơ cấu quản trị rõ ràng, trong đó Hội đồng quản trị định hướng chiến lược và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp điều hành hàng ngày.

Các công ty gia đình cần phát triển thương hiệu, thể hiện cam kết của gia đình, quảng bá những câu chuyện và đóng góp cho cộng đồng, đồng thời tạo văn hóa gắn kết và đãi ngộ tốt để giữ chân nhân tài.

Tóm tắt bởi AI HAY

Ở hầu hết quốc gia phát triển trên thế giới, công ty gia đình là loại hình doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế. Các công ty gia đình cũng được xã hội công nhận và là niềm tự hào của cộng đồng, thậm chí của cả nền kinh tế. Nhưng ở Việt Nam, khi đề cập đến “công ty gia đình”, người ta thường nghĩ về những doanh nghiệp kém chuyên nghiệp, quản lý điều hành theo phong cách gia đình trị, và chưa có đóng góp nhiều cho nền kinh tế.

Vậy, cần phải làm gì để các công ty gia đình Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu, là niềm tự hào của nền kinh tế, tương tự như các quốc gia phát triển khác? Nhất là trong bối cảnh nghị quyết 68 vừa ra đời, nhấn mạnh tầm quan trọng và định hướng phát triển kinh tế tư nhân.

Trên thế giới, công ty gia đình từ lâu nay đã được chứng minh là trụ cột của nền kinh tế. Theo thống kê của E&Y, hầu hết các tập đoàn lớn, thương hiệu đại diện quốc gia ở Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Ý,... là công ty gia đình. Điều tương tự cũng diễn ra ở châu Á, nhất là ở Hàn quốc và Nhật - gần như toàn bộ công ty quốc tế hàng đầu là công ty gia đình. Thậm chí ở Hàn Quốc, các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Hyundai, LG được gọi là các chaebol, theo nghĩa đen là các công ty gia đình giàu có.

Từ thực tiễn kinh doanh, công ty gia đình đã trở thành nội dung nghiên cứu, với hàng loạt viện nghiên cứu, tạp chí khoa học được thành để phục vụ riêng cho việc nghiên cứu về công ty gia đình. Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy sự tồn tại của công ty gắn liền sự phát triển của gia đình qua nhiều thế hệ. Cho dù là công ty niêm yết, thì gia đình vẫn sở hữu cổ phần chi phối, tham gia quản trị và truyền lại quyền sở hữu công ty cho thế hệ tiếp theo.

Ở chiều ngược lại, các công ty gia đình có đóng góp chiếm tỉ trọng lớn nhất cho các nền kinh tế ở các nước phát triển, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn, phát triển bền vững hơn và có khả năng vượt qua các giai đoạn khủng hoảng tốt hơn nhiều so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, ở Việt Nam khi nhắc tới công ty gia đình, không ít người nghĩ ngay đến hình ảnh doanh nghiệp quy mô nhỏ, quản trị thiếu chuyên nghiệp, gia đình trị. Đến khi thế hệ thứ hai, thứ ba tiếp quản công ty, thì không còn tinh thần khởi nghiệp, lòng yêu nghề mà chỉ duy trì hoạt động công ty, thậm chí chấp nhận sáp nhập, bán lại công ty hay chuyển đổi qua loại hình doanh nghiệp khác.

Việc xây dựng thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm và thực hiện trách nhiệm xã hội của nhiều công ty gia đình cũng có cải thiện và đóng góp lớn, nhưng chưa có sự nhìn nhận, vinh danh của xã hội mà phần lớn được đánh giá dưới góc nhìn tương đối tiêu cực. Ngay cả việc đặt tên cho công ty theo họ tên người sáng lập, hay tên ghép các thành viên gia đình như các công ty gia đình ở các nước phát triển cũng hạn chế, có thể chính vì sự e ngại của những người sáng lập công ty.

Nếu nhìn các hạn chế nêu trên là cơ hội để phát triển công ty gia đình, thì có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để các doanh nhân bắt đầu việc tự định vị doanh nghiệp của mình là công ty gia đình. Theo sau nghị quyết 68, chắc chắn sẽ có nhiều chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, và việc tự định vị một doanh nghiệp là công ty gia đình, theo quan điểm của người viết, đảm bảo sự phát triền bền vững hơn bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào khác.

Để làm được điều này, đầu tiên cần gắn kết giá trị của người sáng lập và gia đình với giá trị cốt lõi công ty. Uy tín, chất lượng, sản phẩm, nguyên tắc sống của gia đình không còn là vật chất hữu hình và vô hình, mà là giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh và là sự bảo chứng cho sản phẩm và lòng tin của khách hàng. Những giá trị đó sẽ lan tỏa đến toàn thể nhân viên, đến khách hàng và đối tác. Giá trị gia đình gắn với giá trị công ty chính là nền móng tinh thần vững chắc, giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài.

Một khi đã có giá trị, văn hóa mang bản sắc gia đình thì việc tiếp theo là chuyển giao công ty cho thế hệ kế thừa cũng dễ dàng hơn hẳn. Các thế hệ tiếp theo được nhúng trong văn hóa và giá trị này, sẽ có sự yêu thích và ý muốn kế thừa tốt hơn. Bằng cách chủ động định hướng dài hạn, hai hay ba thế hệ cùng tham gia quản trị công ty, cho phép thế hệ con, cháu được học tập, phát triển theo nhưng chuyên môn khác nhau, nhưng vẫn định hướng quay về quản trị công ty, là đảm bảo cho sự phát triển công ty qua nhiều thế hệ.

Khi đã định vị mình là công ty gia đình, chủ doanh nghiệp càng phải đảm bảo tách biệt quản trị với điều hành. Khi công ty phát triển đến quy mô lớn hơn thì mọi quyết định không thể tập trung về chủ doanh nghiệp, mà phải có hệ thống phân quyền và vận hành công việc hiệu quả. Công ty gia đình càng cần thiết lập một cơ cấu quản trị rõ ràng: Hội đồng quản trị định hướng chiến lược và giám sát, còn việc điều hành hàng ngày giao cho đội ngũ quản lý chuyên nghiệp.

Điều tiếp theo là phát triển thương hiệu công ty gia đình theo thời gian. Lợi thế của công ty gia đình là có câu chuyện lịch sử thú vị hoặc một đặc tính khác biệt của sản phẩm: Lịch sử hình thành, quá trình chuyển giao, đặc trưng sản phẩm,... Mỗi sản phẩm, dịch vụ mang tên công ty gia đình phải thể hiện được cam kết của gia đình. Đồng thời cần quảng bá những câu chuyện gia đình, những đóng góp của doanh nghiệp cho cộng đồng, để công chúng thấy rằng công ty gia đình không chỉ kinh doanh vì lợi nhuận mà còn vì trách nhiệm và niềm tự hào gia tộc.

Về góc độ môi trường làm việc, một điểm yếu thường thấy của doanh nghiệp gia đình là ít có nhân tài. Để giải quyết hạn chế này, công ty cần tạo văn hóa gắn kết như một đại gia đình mở rộng, kèm theo chế độ đãi ngộ và lộ trình thăng tiến rõ ràng để giữ chân nhân tài lâu dài, bất kể đó là người trong gia đình hay người bên ngoài. Nếu đã tách bạch các quyền hạn về sở hữu, quản trị và điều hành, việc giao cho người ngoài gia đình tham gia quản trị, điều hành công ty cũng không làm mất đi quyền chi phối hoạt động công ty.

Để bắt đúng thời cơ hiện nay, từ việc khắc phục những hạn chế đến việc áp dụng các chiến lược phát triển nêu trên, công ty gia đình Việt Nam có thể vươn lên tầm cao mới. Khi đã phát triển bền vững qua nhiều thế hệ, quản trị chuyên nghiệp, thương hiệu uy tín và đội ngũ gắn bó trung thành, công ty gia đình sẽ không còn bị xem là “công ty của gia đình” nữa, mà sẽ được tôn vinh như niềm tự hào của người lao động, khách hàng, và thậm chí là của cả nền kinh tế. Đó chính là mục tiêu mà bài viết hướng tới: Một ngày không xa, nhắc đến công ty gia đình Việt Nam là nhắc đến những thương hiệu đáng tin cậy, lâu đời và thành công, sánh ngang với các hình mẫu và thương hiệu công ty gia đình quốc tế khác.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thoi-co-da-chin-muoi-voi-cac-cong-ty-gia-dinh-o-viet-nam-53920.html

#công ty gia đình
#kinh tế tư nhân
#nghị quyết 68
#Vũ Minh Tú
#Samsung
#Hyundai
#Chaebol

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media