Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2025 sẽ tăng 9,4 % khi Mỹ áp thuế đối ứng khoảng 10-25%. Ngược lại, xuất khẩu sẽ giảm 4,5% ở kịch bản bi quan nếu mức thuế giữ nguyên.
Khu vực bán quần áo bên trong siêu thị Walmart tại New Jersey, Mỹ. Hình ảnh: Gabby Jones
Tác giả: Linh Chi
16 tháng 4, 2025 lúc 9:21 AM
Hai kịch bản lạc quan và bi quan nói trên phác hoạ tác động tới các trụ cột quan trọng của kinh tế Việt Nam 2025, được đề cập trong hội thảo trực tuyến về thuế quan và chiến tranh thương mại do Techcombank tổ chức sáng 15.4.
Ở kịch bản lạc quan, ông Đặng Ngọc Cảnh, giám đốc cao phân tích kinh tế và thị trường tài chính tại Techcombank cho biết nếu đàm phán thuận lợi, mức thuế đối với Việt Nam sẽ khoảng 10-25%, tạo ra khoảng cách đáng kể với mức thuế Mỹ đang áp cho Trung Quốc. Ở kịch bản này, chiến tranh thương mại chủ yếu diễn ra giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc. Cả hai nền kinh tế đều sẽ tăng trưởng chậm lại.
Điều quan trọng, Việt Nam cùng các quốc gia khác sẽ gia tăng mức độ cạnh tranh nhờ mức thuế thấp hơn Trung Quốc đáng kể. Nhóm nghiên cứu từ Techcombank đưa ra ví dụ là các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vào Hoa Kỳ - khi Trung Quốc đa số chiếm hơn 20% tỷ trọng. Riêng nhóm đồ chơi, quốc gia tỉ dân chiếm khoảng 70% tổng xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Nếu kịch bản lạc quan mà nhóm nghiên cứu đưa ra trở thành hiện thực, khoảng cách về thuế giữa Việt Nam và một số quốc gia khác so với Trung Quốc sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh rõ rệt.
Ông Cảnh dự báo xuất khẩu Việt Nam trong 90 ngày sắp tới sẽ tăng mạnh do doanh nghiệp tranh thủ đặt hàng trước khi bị áp thuế. Mức tăng trưởng có thể tiếp tục trong hai quý cuối năm và đạt khoảng 9% so với cùng kỳ. “Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt trong 90 ngày vàng sắp tới,” ông nói.
Cùng với mức tăng trưởng xuất khẩu, nhóm nghiên cứu từ Techcombank dự báo GDP 2025 của Việt Nam tăng 6,5%. Tuy vậy, giải ngân vốn FDI giảm nhẹ 3,5% so với cùng kỳ bởi nhà đầu tư trì hoãn quyết định mở rộng hoặc tăng vốn trước biến động của kinh tế toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, trong kịch bản bi quan, ông Cảnh và đội ngũ ước tính những nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 46% như ban đầu. Sau giai đoạn 90 ngày vàng để các nhà nhập khẩu tích trữ hàng hoá, xuất khẩu có thể suy giảm hai con số trong hai quý cuối năm.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam trong kịch bản này giảm 4,5% so với cùng kỳ - tương đương cú sốc năm 2023 khi người tiêu dùng Mỹ giảm bớt mua sắm hàng hoá. Tăng trưởng GDP, theo nhóm nghiên cứu đạt 4%, và giải ngân vốn FDI sẽ giảm khoảng 11% so với cùng kỳ.
Trả lời câu hỏi của một khán giả, ông Cảnh đưa ra ba lý do để cho thấy kịch bản cơ sở đang nghiêng về phía lạc quan hơn, bao gồm: Việt Nam không phải đối tác cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ, hàng hoá Việt Nam sẽ bổ sung cho sự thiếu hụt của hàng Trung Quốc vào Mỹ vì thuế cao, và các hành động tích cực của Việt Nam để cân bằng thương mại.
Ông phân tích thêm, Trung Quốc mới chính là đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự của Mỹ bởi nhiều đòn thuế của ông Trump đều hướng về Trung Quốc. Với các quốc gia khác, dù tuyên bố mức thuế đối ứng vào đầu tháng Tư, tổng thống Trump đều hoãn 90 ngày trước khi thuế có hiệu lực.
Bên cạnh đó, hàng hoá Trung Quốc bị áp thuế 145% sẽ khiến xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm, Mỹ buộc phải nhập khẩu thêm hàng hoá từ nơi khác để bổ sung, bù đắp cho phần thiếu hụt. Việt Nam, với một số nhóm hàng tương đồng có thể là ứng viên bổ sung sáng giá.
Những quốc gia là nguồn hàng bổ sung sẽ không bị áp thuế quá nặng vì chính phủ Mỹ e ngại mức thuế làm tăng lạm phát. Cuối cùng, những hành động cụ thể, quyết liệt của Việt Nam như cử đoàn sang đàm phán, mua thêm hàng hoá là lý do khiến Mỹ cân nhắc lại mức thuế đối ứng.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng “bất định” là thay đổi rõ nét nhất giữa thời kỳ ông Trump nắm quyền năm 2018 – Trump 1.0 với hiện tại – Trump 2.0. “Trong cuộc chiến thương mại này, ai cũng là người thua cuộc, chỉ là ai thua ít hay thua nhiều,” ông Tùng nói.
Ông Cảnh nhận xét, các kịch bản được đưa ra chỉ là một phần của bức tranh, bởi còn phải đặt Việt Nam cạnh các quốc gia khác khi xem xét về mức thuế đối ứng.
Nếu mức thuế đối ứng dành cho Việt Nam và các quốc gia cùng xuất khẩu tương đương, trong khi Trung Quốc chịu mức thuế cũ, đó là lợi thế. Ngược lại, lấy ví dụ với dệt may, hàng Việt Nam chịu thuế 20-30%, nhưng các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh chỉ chịu thuế 10%, câu chuyện sẽ rất khác.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/hai-kich-ban-nao-cho-xuat-khau-viet-nam-truoc-thue-doi-ung-tu-my-52994.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media