Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Nhiệm vụ không thể của Trump là vừa đáp ứng cho tầng lớp lao động vừa phục vụ các tỷ phú, khi ông đang cố gắng thực hiện chủ nghĩa dân túy của giới giàu có, nhưng con số không khớp.
Minh họa: Trevor Davis cho Bloomberg Businessweek; Hình ảnh: Getty Images
Tác giả: Joshua Green
17 tháng 12, 2024 lúc 5:32 PM
Ngạc nhiên lớn với buổi tối bầu cử là cuộc đua tổng thống mà suốt nhiều tháng được đánh giá là rất sít sao hóa ra không hề có gì kịch tính. Rốt cuộc thì ông Donald Trump đã thắng hết mọi bang chiến trường. Ông có thành tích tốt hơn kỳ bầu cử năm 2020 trên gần khắp bản đồ. Và sự ủng hộ ông tăng mạnh trong các cử tri tầng lớp lao động Latin và da đen, tạo ra liên minh Cộng hòa đa dạng nhất kể từ thời phong trào quyền dân sự, ngay cả khi chiến dịch của ông không thiếu những tỉ phú ủng hộ, như Elon Musk và Howard Lutnick.
Giờ đã chắc chắn sẽ trở lại Nhà Trắng, ông Trump đối diện nhiệm vụ khó khăn là phải duy trì được liên minh hết sức đa dạng này. Khi còn là ứng viên, mọi người đều thấy họ ở ông. Ông sẽ mở rộng các khoản cắt giảm thuế thời 2017, vốn được Phố Wall ủng hộ (các khoản cắt giảm này trị giá 4,6 ngàn tỉ đô la Mỹ); không đánh thuế thu nhập từ tiền tip với người lao động mảng dịch vụ (250 tỉ đô la); tăng tín dụng thuế trẻ em từ 2.000 lên 5.000 đô la để hỗ trợ cho ngân sách các hộ gia đình (3 ngàn tỉ đô la); và bỏ các khoản thuế đánh vào thu nhập từ chương trình an sinh xã hội với người cao tuổi (1,8 ngàn tỉ đô la). Nhưng phe Cộng hòa không thể làm được tất cả những chuyện đó, hay thậm chí là phần lớn những chuyện đó, dù gần như đang kiểm soát hoàn toàn Washington.
Điều đó nói lên tình trạng căng thẳng trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump: Liệu ông có thể thỏa mãn được các đồng minh tỉ phú và Phố Wall, đồng thời mang đến lợi ích cho các cử tri lao động đa sắc tộc đã đưa ông trở lại Nhà Trắng. Những cử tri đấy có thể dễ dàng quay lưng lại với phe Cộng hòa nếu chủ nghĩa dân túy tài phiệt của ông Trump không giúp cải thiện cho đời sống của họ hơn so với thời Joe Biden - Kamala Harris. “Đây là vấn đề mà mọi liên minh cầm quyền đều phải đối mặt,” Dan Geldon, cựu chánh văn phòng chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Elizabeth Warren năm 2020, nói. “Làm sao ta quản lý được căng thẳng trong liên minh mà không gây ra phản ứng ngược?”
Chiến thắng của ông Trump không có gì bí ẩn. Dù sau cuộc bầu cử, phe Dân chủ đã đổ lỗi cho đủ thứ, từ “trào lưu thức tỉnh” tới Joe Rogan, kết quả bỏ phiếu rõ ràng cho thấy cử tri tức giận với lạm phát và tin ông Trump sẽ khống chế giá cả tốt hơn bà Harris hoặc sẵn sàng đánh cược rằng ông sẽ làm được như vậy. Ở một đất nước chia rẽ sâu sắc về tất cả mọi thứ, người Mỹ thống nhất bởi nỗi thất vọng về chi phí nhu yếu phẩm cao, mối quan tâm hàng đầu với 9/10 cử tri, theo AP VoteCast, một trong những cuộc thăm dò bầu cử lớn nhất.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã thuyết phục được nhiều cử tri này bằng cách liên tục truyền đi thông điệp nói bà Harris có lỗi trong chuyện giá cả tăng cao. “Chúng tôi hầu như không chạy quảng cáo tích cực, và mọi quảng cáo về lạm phát nhắm vào chính những gì bà ấy từng nói,” John Brabender, chiến lược gia phe Cộng hòa và người thiết kế quảng cáo cho chiến dịch Trump, nói. “Thông điệp đó mạnh mẽ hơn nhiều khi cử tri nghe trực tiếp từ bà ấy.” Ông nhắc tới một quảng cáo đặc biệt hiệu quả, có tựa đề “Cuộc tranh luận lớn,” trong đó có video bà Harris phát biểu ở một thị trấn nhỏ, nhắc lại những lời than phiền về lạm phát. “Giá cả sinh hoạt quá cao - đồ ăn, tiền thuê nhà, khí đốt, quần áo cho con cái đi học,” bà nói. “Một ổ bánh mì hiện giờ có giá cao hơn 50%. Thịt bò xay tăng giá gần 50%.” Rồi quảng cáo chuyển sang cảnh khác, trong đó bà Harris khăng khăng: “Kinh tế kiểu Biden đang hiệu quả.”
Hầu hết cử tri không đồng ý. Và nghiên cứu mới của một nhóm nhà khoa học chính trị tìm hiểu tác động của lạm phát với cuộc bầu cử xác nhận rằng tình trạng bất đồng mạnh mẽ hơn khi cử tri được nhắc nhở về giá cả sinh hoạt tăng lên. “Chúng tôi thấy rằng gợi cho người Mỹ suy nghĩ tới lạm phát làm giảm sự chấp thuận với chính quyền Biden-Harris và làm giảm lòng tin vào năng lực quản trị đất nước của phe Dân chủ,” nghiên cứu của David Steinberg (đại học Johns Hopkins), Daniel McDowell (đại học Syracuse) và Selim Erdem Aytaç (đại học Koç, Istanbul), kết luận.
Tất cả những điều đó có vẻ đưa tới kết luận là chính quyền Trump sắp tới sẽ hết sức tập trung vào kềm chế lạm phát. Nhưng không nhất thiết là như vậy. Những chỉ dấu ban đầu cho thấy ông sẽ xử lý trước hết các vấn đề gây được cảm tình với đội ngũ ủng hộ Phố Wall. Với nhiều khoản cắt giảm thuế năm 2017 sẽ hết hạn vào năm tới, Chủ tịch Hạ viện của phe Cộng hòa Mike Johnson đã công bố nghị trình xây dựng luật mới cho 100 ngày đầu tiên của ông Trump bao gồm hạng mục hàng đầu là gia hạn các khoản cắt giảm. Ông Trump thậm chí còn có thể làm hơn thế. Vào tháng Bảy, ông đã nói với Bloomberg Businessweek rằng ông muốn giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn dưới mức 21% của nhiệm kỳ đầu. “Tôi nghĩ tốt hơn là 15% thôi,” ông nói.
Ưu tiên cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và người có thu nhập cao sẽ là rủi ro chính trị mà ngay cả một số người ủng hộ ông Trump nhiệt thành nhất cũng thấy e dè. “Ưu tiên phải là giai cấp lao động và trung lưu - mọi thứ phải xoay quanh phúc lợi kinh tế cho họ,” Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu của ông ở Nhà Trắng, nhận xét. “Tôi không thấy có gì phải gấp gáp trong chuyện giảm thuế cho tỉ phú và người có thu nhập cao, cho tới khi tổng thống Trump đã có cơ hội kiểm soát được nợ công và thâm hụt ngân sách.”
Rủi ro còn lớn hơn vấn đề hình ảnh chính trị khi giảm thuế cho giới tỉ phú là tác động lên lạm phát của các khoản giảm đó. Bơm thêm tiền vào nền kinh tế có thể khiến nó quá nóng, cản trở nỗ lực của cục Dự trữ liên bang (Fed) nhằm hạ lãi suất và giảm chi phí sắm sửa những món như xe cộ và nhà cửa.
Nguy cơ lạm phát càng lớn hơn do ông Trump dự tính sẽ áp thuế quan mạnh tay với cả đồng minh lẫn địch thủ - lên tới 60% với hàng Trung Quốc nhập khẩu. Gần như mọi kinh tế gia chủ lưu đều nghĩ những sắc thuế như vậy sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng dưới dạng giá cả cao hơn, dù ông Trump không đồng ý. “Tôi nghĩ nhiều người đang đánh giá thấp chuyện ông ấy có thể áp thuế cao thực sự tới mức nào,” theo Stephen Myrow, đối tác quản lý ở Beacon Policy Advisors, công ty nghiên cứu độc lập tại Washington. “Ông ấy sẽ không sợ lạm phát, vì không tin thuế quan gây ra lạm phát. Ông ấy phải thấy thì mới điều chỉnh. Nên chúng ta sẽ không biết được cho tới khi điều đó xảy ra.”
Nghị trình của Trump, và ưu thế kiểm soát của phe Cộng hòa ở Washington, đã khiến những người kỳ cựu ở Nhà Trắng như cựu bộ trưởng tài chính Lawrence Summers cảnh báo về tai họa kinh tế có thể xảy ra. “Nếu ông ấy làm đúng những gì đã nói khi tranh cử, cú sốc lạm phát sẽ còn lớn hơn nhiều so với năm 2021,” Summers nói với CNN.
Nhưng ngay cả nếu Trump cắt giảm thuế và áp thuế quan, ông rốt cuộc vẫn có thể thỏa mãn được cử tri giai tầng lao động đang bất mãn, vì ông có vẻ sẽ được hưởng lợi từ thời điểm hết sức thuận lợi. Hầu hết chỉ số kinh tế lớn đều đang tích cực. Lạm phát đã đạt đỉnh hai năm rưỡi trước và kể từ đó đã giảm đều. Tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp lịch sử. GDP thật đang tăng trưởng với tốc độ 3% mỗi năm. Fed đã bắt đầu giảm lãi suất và sẽ tiếp tục như vậy nếu ông Trump không làm chuyện gì quá sốc gây hỗn loạn cho nền kinh tế.
Viên thuốc đắng đặc biệt với phe Dân chủ là ông Trump, chứ không phải bà Harris, sẽ gặt hái lợi ích chính trị nhờ những khoản đầu tư lớn vào hạ tầng và ngành sản xuất chế tạo ở Mỹ, vốn là thành tựu chính của nhiệm kỳ Biden. Tính tổng cộng, ông Biden đã ký ban hành các đạo luật trị giá ba ngàn tỉ đô la để hồi sinh nền kinh tế “từ trong ra ngoài,” theo cách gọi của Nhà Trắng thời đó, đồng nghĩa mang lại lợi ích cho giai tầng lao động, những người đã lại từ chối bà Harris trong cuộc bầu cử.
Công ăn việc làm mới sẽ được tạo ra trong những năm tới nhờ nỗ lực của thời Biden chủ yếu sẽ tập trung ở các bang thiên về Cộng hòa mà ông Trump đã thắng hôm 5.11, và cũng là nơi phe Cộng hòa cần để duy trì thế đa số ở lưỡng viện quốc hội. “Hưởng lợi nhất từ chính sách thời Biden, thật trớ trêu, chủ yếu là các bang Cộng hòa như Texas, Georgia và hai bang Carolina,” theo David Autor, giáo sư kinh tế học ở viện Công nghệ Massachusetts và là chuyên gia về toàn cầu hóa và thị trường lao động. Một người Dân chủ từng góp sức thông qua các cải cách thời Biden xin giấu tên nói ông Trump đã được chọn chế độ chơi “dễ” trong trò quản trị nền kinh tế Mỹ.
Nhưng bất kỳ ai còn nhớ nhiệm kỳ tổng thống trước của Trump đều hiểu hỗn loạn sẽ là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và mọi chuyện hiếm khi xảy ra như dự liệu. Ông đã đe dọa đảo ngược nhiều khoản đầu tư thời Biden vào năng lượng sạch, tức có thể xóa sổ nhiều công ăn việc làm mới. Kế hoạch truy quét và trục xuất diện rộng với 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ cũng sẽ làm GDP suy giảm, có thể đủ để gây ra suy thoái, theo nghiên cứu của Bloomberg Economics. Một số vị trí nội các mà ông đã đề cử - Matt Gaetz, nghị sĩ đầy tai tiếng của Florida, làm tổng chưởng lý (nhưng nay đã rút lui); người dẫn chương trình Fox News Pete Hegseth làm bộ trưởng quốc phòng, đã gây sốc ở Washington và gần như chắc chắn dẫn tới tác động khó lường. Và lần này, ông Trump sẽ không bị phản đối như lần trước từ chính đảng của mình, khi ông tìm cách phá vỡ các tiêu chuẩn chính trị và kinh tế thông thường. “Khó thể có ai bên phe Cộng hòa dám công khai đối đầu với Trump,” theo Liam Donovan, chuyên gia vận động hành lang bên phe Cộng hòa.
Dù tốt hay xấu, thương hiệu đặc biệt của chủ nghĩa dân túy tài phiệt thời Trump, với tất cả những mâu thuẫn nội tại, sẽ đứng trước nhiều thử thách. Trong những thành tựu của ông vào đêm bầu cử, có việc là ứng viên tổng thống đầu tiên của phe Cộng hòa giành được đa số phiếu phổ thông sau 20 năm. Điều đó cho thấy cử tri giận dữ với bà Harris nhương nào, họ có vẻ đã coi bà có trách nhiệm cá nhân trong vấn đề lạm phát và tình trạng của đất nước: Ở bốn bang chiến trường mà bà Harris đã thua, phe Dân chủ vẫn chiến thắng trong cuộc đua Thượng viện.
Khi từ chối bà Harris, người Mỹ đã lần thứ ba liên tiếp từ chối đảng cầm quyền ở Nhà Trắng. Điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 1896, và nó nói lên nhiều điều về tính mong manh của các liên minh chính trị hiện tại, trong khi cử tri sẵn sàng quay lưng với những chính trị gia họ không còn niềm tin nữa. Giờ lại tới lượt Trump, và ông sẽ phải nỗ lực để đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại bằng một sự thay đổi quyền lực tiếp theo.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/donald-trump-va-lien-minh-nhung-nha-tai-phiet-dan-tuy-52661.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media