Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Donald Trump áp thuế đối ứng nhằm tái cân bằng thương mại, làm dấy lên lo ngại chiến tranh thương mại, gây bất định kinh tế và rủi ro lạm phát toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trưng bày sắc lệnh hành pháp đã ký tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC, Mỹ, vào thứ Năm, ngày 13 tháng 2 năm 2025. Hình ảnh: Francis Chung/Politico/Bloomberg.
Tác giả: Josh Wingrove, Jennifer A Dlouhy, và Jenny Leonard
14 tháng 2, 2025 lúc 9:16 AM
Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị chính quyền xem xét áp dụng biểu thuế đối ứng đối với nhiều đối tác thương mại, làm gia tăng triển vọng về một chiến dịch thương mại toàn diện nhằm tái cân bằng hệ thống mà ông cho là bất lợi đối với Hoa Kỳ.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Bộ trưởng Thương mại đề xuất các mức thuế mới theo từng quốc gia nhằm thiết lập lại cán cân thương mại. Quá trình này có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Howard Lutnick, ứng viên của Trump cho chức Bộ trưởng Thương mại, cho biết các nghiên cứu liên quan sẽ hoàn tất trước ngày 1.4 và Tổng thống có thể hành động ngay sau đó.
Các mức thuế nhập khẩu mới sẽ được thiết kế riêng cho từng quốc gia, không chỉ nhằm đối trọng với thuế suất họ áp lên hàng hóa Hoa Kỳ mà còn nhằm triệt tiêu các rào cản phi thuế quan như trợ cấp bất hợp lý, quy định hạn chế, thuế giá trị gia tăng (VAT), tỷ giá hối đoái, bảo hộ sở hữu trí tuệ lỏng lẻo và các yếu tố khác gây bất lợi cho thương mại Mỹ, theo bản ghi nhớ do Nhà Trắng công bố.
“Tôi quyết định, vì mục tiêu công bằng, rằng Hoa Kỳ sẽ áp thuế đối ứng – nghĩa là chúng tôi sẽ áp mức thuế tương tự như các quốc gia đang áp lên hàng hóa của chúng tôi,” Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục. “Trong hầu hết các trường hợp, họ đang áp thuế cao hơn nhiều so với chúng ta, nhưng điều đó sẽ không còn tiếp diễn.”
Tổng thống cũng tuyên bố sẽ áp thêm thuế nhập khẩu đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm vào một thời điểm khác, ngoài các mức thuế đối ứng.
Theo các nguồn tin từ Nhà Trắng, Trump nhắm đến các rào cản thương mại tại Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là VAT, đồng thời chỉ trích Nhật Bản và Hàn Quốc vì cho rằng các quốc gia này đang lợi dụng Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại.
Động thái áp thuế đối ứng có thể là biện pháp mạnh nhất của Trump nhằm giải quyết thâm hụt thương mại, một vấn đề mà ông luôn cho là xuất phát từ chính sách thương mại bất công đối với hàng xuất khẩu Hoa Kỳ. Trước đó, Trump đã áp mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc và lên kế hoạch áp thuế 25% đối với toàn bộ mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tháng tới.
Việc Trump không lập tức triển khai thuế quan có thể được coi là một chiến thuật thương lượng – tương tự cách ông đã dùng để buộc Mexico, Canada và Colombia nhượng bộ trong các đàm phán thương mại trước đây – hơn là một dấu hiệu cho thấy ông sẽ kiên quyết thực hiện kế hoạch này.
Thị trường phản ứng tích cực trước thông tin thuế quan chưa có hiệu lực ngay lập tức, khiến đồng USD suy yếu và chứng khoán toàn cầu tăng điểm. Giới đầu tư kỳ vọng đàm phán sẽ giúp giảm nhẹ các biện pháp thuế quan, xoa dịu lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên cao.
Cố vấn thương mại Peter Navarro khẳng định mục tiêu của chính sách này là thiết lập “thương mại công bằng và đối ứng,” điều mà ông cho rằng sẽ mang lại việc làm, mức lương cao và năng suất lao động cải thiện.
Dù Trump bày tỏ sẵn sàng đối thoại với các quốc gia để điều chỉnh chính sách thương mại, ông cũng nhấn mạnh sẽ không cấp ngoại lệ hay miễn trừ. Ông dẫn trường hợp Apple từng được miễn trừ khỏi thuế quan áp lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu để cạnh tranh với Samsung, nhưng lần này, ông khẳng định: “Biểu thuế này áp dụng đồng loạt cho tất cả.”
Dù Trump cho rằng thuế quan sẽ mang lại lợi ích kinh tế, giới chuyên gia cảnh báo rằng động thái này có thể làm gia tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ, đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao và làm trầm trọng thêm lo ngại về lạm phát.
Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển có mức thuế trung bình cao đối với hàng hóa Mỹ sẽ chịu tác động mạnh từ chính sách thuế đối ứng này. Khác với đề xuất áp thuế đồng loạt trên tất cả hàng nhập khẩu mà Trump từng đề cập trong chiến dịch tranh cử năm 2024, chính sách mới sẽ nhắm vào từng quốc gia cụ thể, nhưng Trump vẫn có thể quay lại chiến lược áp thuế toàn cầu trong tương lai.
Quyết định này được Trump công bố ngay trước cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – một trong những đối tác có thể bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thuế đối ứng do mức thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa Mỹ.
Việc triển khai biểu thuế đối ứng sẽ đòi hỏi một nỗ lực lớn từ Bộ Thương mại và USTR, khi họ phải phân tích và tính toán chính sách thuế quan của gần 200 quốc gia, mỗi nước có hàng ngàn mã thuế khác nhau. Ngoài ra, đánh giá tác động của các yếu tố phi thuế quan như quy định pháp lý, chính sách tài khóa và trợ cấp cũng là một thách thức không nhỏ.
“Theo đuổi một hệ thống thuế đối ứng toàn diện với tất cả quốc gia và trên mọi mặt hàng sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp,” Tim Brightbill, luật sư thương mại tại Wiley Rein LLP, nhận định.
Chính sách này sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cách tiếp cận thương mại của Hoa Kỳ, làm suy yếu một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại toàn cầu mà Mỹ đã góp phần xây dựng sau Thế chiến II.
Từ trước đến nay, Hoa Kỳ luôn sử dụng chính sách mở cửa thương mại như một lợi thế kinh tế, đồng thời thúc đẩy nguyên tắc “tối huệ quốc” trong thương mại quốc tế – tức là đối xử công bằng với tất cả đối tác, trừ khi có các hiệp định thương mại tự do song phương.
Trump quy trách nhiệm cho các thâm hụt thương mại của Mỹ là do các chính sách thương mại bất lợi và các thỏa thuận kém hiệu quả từ những chính quyền tiền nhiệm. Ông đặc biệt chỉ trích EU vì cho rằng khối này đang có những chính sách không công bằng đối với hàng hóa Mỹ, đặc biệt là ô tô và nông sản.
Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế cho rằng thâm hụt thương mại là kết quả của nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô – như tỷ lệ tiêu dùng cao của người Mỹ, đồng USD đóng vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu và sức hút của tài sản Mỹ trên thị trường quốc tế – nhưng Trump tiếp tục coi thuế quan là công cụ chính để tái cân bằng cán cân thương mại.
Dẫu kết quả cuối cùng của chính sách thuế đối ứng vẫn chưa rõ ràng, động thái này đã tạo ra sự bất định lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, buộc doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chờ đợi diễn biến tiếp theo trong chiến lược thương mại của Trump.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/donald-trump-chuan-bi-ap-thue-doi-ung-tu-thang-tu-co-the-day-toan-cau-vao-cuoc-chien-tranh-thuong-mai-moi-52795.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media