Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng giữa những ngã rẽ trong một thế giới nhiều thay đổi. Những cơ hội và thách thức nào đang đón chờ chúng ta?
Hình ảnh: Shutterstock
Tác giả: Vũ Hoàng Linh
19 tháng 07, 2025 lúc 5:30 AM
Tóm tắt bài viết
Nửa đầu năm 2025, Việt Nam đối mặt thách thức lớn về thương mại, năng lượng, dân số và thể chế dù được kỳ vọng là "ngôi sao mới của châu Á" với tăng trưởng khả quan quý II.
Việc Mỹ cảnh báo áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam cho thấy chủ nghĩa bảo hộ đang được ngụy trang dưới danh nghĩa công bằng và an ninh, thay vì toàn cầu hóa dễ dãi như trước đây.
Việt Nam đang gánh di sản năng suất lao động thấp, khu vực kinh tế phi chính thức lớn, hạ tầng chậm trễ, quản lý công thiếu đồng bộ, bộc lộ khi tăng trưởng chú trọng chất lượng.
Quý I/2025, Việt Nam dẫn đầu ASEAN về xuất siêu sang Mỹ với trên 45 tỷ USD, chiếm hơn 35% tổng thặng dư thương mại, nhưng đối mặt cáo buộc gian lận xuất xứ.
Chính quyền Trump tuyên bố áp thuế lên đến 46% với hàng Việt Nam từ ngày 2/4/2025, cáo buộc gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế.
Tóm tắt bởi AI HAY
Nửa đầu năm 2025 khép lại trong một trạng thái lưng chừng. Việt Nam, nền kinh tế được kỳ vọng là một "ngôi sao mới của châu Á", vừa ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong quý II vừa đối mặt với những thách thức chưa từng có trên nhiều mặt trận – từ thương mại, năng lượng, dân số, đến thể chế.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn được xem là một cơ hội thế kỷ cho Việt Nam, giờ đây cũng đi kèm những điều kiện khắt khe hơn từ các đối tác thương mại. Cơ hội phát triển bền vững thông qua chuyển đổi xanh và số hóa hiện hữu rõ ràng, nhưng nếu không nâng cao năng lực thực thi và đấy mạnh cải cách có thể dẫn tới nguy cơ bỏ lỡ thời cơ lịch sử.
Thận trọng trong phấn khích
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà hoạch định chính sách tỏ ra vừa phấn khích, vừa thận trọng. Bởi lẽ, những gì Việt Nam đối diện hiện nay không đơn thuần là bài toán tăng trưởng, mà là một tổ hợp đan xen giữa chính trị quốc tế, áp lực thể chế trong nước và những chuyển động dài hạn mang tính cấu trúc như già hóa dân số hay biến đổi khí hậu. Sự kiện Mỹ cảnh báo áp thuế thương mại ở mức cao với hàng hóa Việt Nam – bất chấp việc chính quyền Washington từng cổ vũ chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc – cho thấy thế giới không còn vận hành theo logic cũ. Thay vì toàn cầu hóa dễ dãi, điều Việt Nam phải đối mặt là một chủ nghĩa bảo hộ được nguỵ trang bằng danh nghĩa công bằng và an ninh.
Trong khi đó, bên trong, nền kinh tế vẫn đang gánh những di sản chưa được tháo gỡ: năng suất lao động thấp, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn, hạ tầng đầu tư công đội vốn chậm tiến độ, và hệ thống quản lý công vẫn vận hành theo mô hình chia cắt, thiếu đồng bộ. Những “vết nứt” này từng được che lấp bởi tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2010–2020, nhưng nay bắt đầu bộc lộ khi nền kinh tế bước vào vùng tăng trưởng cao hơn, đồng thời cần chuyển sang chú trọng chất lượng thay vì số lượng.
Trái ngược với hình ảnh thường thấy của một nền kinh tế đang lên, Việt Nam năm 2025 giống như một con tàu hai mũi: Một bên hướng về các thị trường lớn, năng lượng tái tạo, và khát vọng công nghệ; bên kia lại mắc kẹt trong những vướng víu của thể chế, sự trì trệ trong cải cách, và sức ì từ những nhóm lợi ích cũ kỹ. Thực tế này khiến câu hỏi quan trọng nhất không còn là “Việt Nam sẽ tăng trưởng bao nhiêu phần trăm?”, mà là “Liệu Việt Nam có chuyển mình thành công hay không?”
Để trả lời câu hỏi ấy, cần lần lượt tháo gỡ các khối áp lực đang chồng chất. Từ quan hệ thương mại Mỹ–Trung và chuỗi cung ứng toàn cầu, tới tham vọng tăng trưởng 8% và các giới hạn nội tại; từ chuyển đổi năng lượng đến cấu trúc dân số; từ cải cách thể chế đến sự vận động của kinh tế số. Mỗi vấn đề là một mảnh ghép trong bức tranh rộng lớn, và cũng là một phép thử cho năng lực điều hành, bản lĩnh chính trị và sự đồng thuận xã hội của Việt Nam trong giai đoạn bản lề này.
Đối đầu Mỹ-Trung và sự giằng co của chuỗi cung ứng
Nếu giai đoạn 2018–2022 được đánh dấu bằng sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc, thì từ 2023 trở đi, câu hỏi không còn là “rời khỏi Trung Quốc hay không” mà là “đi đâu tiếp theo, và có thể tránh được xung đột thương mại không?” Trong cuộc tái cấu trúc đó, Việt Nam từng bước nổi lên như một điểm sáng nhờ vị trí địa lý chiến lược, lao động tương đối rẻ và nền chính trị ổn định. Hàng loạt tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Intel, Foxconn đã mở rộng hoặc dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam. Tính đến quý I.2025, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ASEAN về giá trị xuất siêu sang Mỹ với con số ước tính trên 45 tỉ USD – chiếm hơn 35% tổng thặng dư thương mại của cả nước.
Nhưng chính sự thành công này lại kéo theo phản ứng từ đối tác. Ngày 2.4.2025, chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế lên đến 46% đối với hàng Việt Nam. Đằng sau tuyên bố này là các cáo buộc cho rằng nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam – bao gồm thiết bị điện tử, dệt may, và đồ gỗ – có dấu hiệu gian lận xuất xứ, tức hàng hoá có nguồn gốc Trung Quốc nhưng được “đội lốt” Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế. Đây không còn là đòn cảnh cáo, mà là một cú siết có tính cấu trúc, thể hiện sự dịch chuyển trong tư duy của Washington: không chỉ muốn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mà còn muốn đảm bảo chuỗi cung ứng mới không bị Bắc Kinh chi phối gián tiếp.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã phản ứng một cách khôn ngoan và thận trọng trong đàm phán với Mỹ, với nhiều biện pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại với Mỹ được đưa ra. Dữ liệu từ bộ Công Thương cho thấy kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đã tăng gần 28% trong 5 tháng đầu năm 2025, trong khi tốc độ tăng từ Trung Quốc chỉ ở mức 11%.
Nhưng những động tác này, dù khôn khéo, không đủ để xoa dịu hoàn toàn áp lực. Trong bối cảnh Mỹ đang sắp bước vào năm bầu cử giữa kỳ với xu thế dân túy ngày càng tăng, Việt Nam có thể trở thành “con dê tế thần” cho chính sách bảo hộ kinh tế. Hơn nữa, bản thân các tập đoàn FDI tại Việt Nam cũng đang chịu áp lực từ chính phủ Mỹ trong việc minh bạch hoá chuỗi cung ứng – điều không dễ thực hiện tại một nền kinh tế vẫn còn hơn 40% doanh nghiệp nhỏ hoạt động không đăng ký hoặc đăng ký nhưng không thực hiện kê khai thuế đầy đủ.
Tình thế này khiến Việt Nam phải bước đi cẩn trọng. Một mặt phải duy trì vai trò là điểm đến của chuỗi cung ứng toàn cầu, mặt khác phải đảm bảo tính minh bạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đồng thời không để bị lôi kéo vào những toan tính địa chính trị giữa các siêu cường. Đây không chỉ là bài toán thương mại – mà là bài toán về năng lực thể chế, về khả năng điều phối chính sách công – tư, và về sự độc lập chiến lược trong một thế giới ngày càng đa cực.
(Hết kỳ 1)
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te-viet-nam-giua-nhung-nga-re-trong-the-gioi-day-bien-dong-ky-1-53829.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media