Ý kiến

Thuế quan của Mỹ và ba đề xuất dài hạn đối với kinh tế Việt Nam

Có ba đề xuất dành cho Việt Nam, không chỉ để ứng phó với thuế quan, mà dài hạn hơn, vượt ra khỏi phạm vi về thương mại, theo Kinh tế trưởng, giám đốc phụ trách khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của viện kinh tế Lowy, Úc.

Hình ảnh: Danh Phạm cho Bloomberg Businessweek Việt Nam

Hình ảnh: Danh Phạm cho Bloomberg Businessweek Việt Nam

Tác giả: Roland Rajah

09 tháng 07, 2025 lúc 5:30 PM

Tới thời điểm hiện tại, chúng ta cũng chưa biết rõ về tất cả những chi tiết được đưa vào thoả thuận về thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam. Do vậy, có rất nhiều câu hỏi về tình trạng, khung nội dung và chi tiết liên quan tới thuế quan.

Vấn đề lớn nhất ở đây, tôi nghĩ là định nghĩa về hàng hoá trung chuyển (transhipment). Chưa có một khái niệm rõ ràng được thống nhất về định nghĩa hàng hoá trung chuyển. Câu hỏi quan trọng nhất, là khi chính quyền Trump nhắc tới khái niệm trên, họ muốn nói tới điều gì? Nếu hiểu theo nghĩa đen của từ “trung chuyển”, cách ước tính tốt nhất là tính theo giá trị hàng hoá, theo tính toán của chúng tôi, chỉ khoảng vài tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Chính phủ Việt Nam cũng rất sẵn lòng hợp tác để giảm bớt các khoản này, vì cũng không mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Tuy nhiên, có vẻ phần lớn mọi người đều không cho là nên hiểu như vậy. Phần lớn điều đều nghĩ là Mỹ muốn nhắm tới tỉ lệ nguyên, vật liệu từ Trung Quốc trong hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam, ví dụ như linh kiện và phụ tùng. Lúc đó sẽ là một vấn đề phức tạp hơn nhiều vì cần nắm rõ mức đóng góp cụ thể cấu phần từ Trung Quốc trong hàng hoá Việt Nam. Nếu Mỹ yêu cầu tỉ lệ này là 0%, chắc chắn đó là vấn đề lớn với Việt Nam.

Trong trường hợp tỉ lệ khoảng 50-60%, tác động có thể nằm trong mức quản lý được. Việt Nam có thể sẽ bị thiệt hại một chút, nhưng vẫn tìm được các đối tác khác để thay thế phần thiếu hụt, và những đối tác này có thể đảm bảo được giao thương hàng hoá của Việt Nam.

Một yếu tố khác là phương pháp tính toán, đo lường của chính quyền Trump đối với thuế dành cho các loại hàng hoá có một phần tới từ Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là, họ sẽ áp thuế 40% lên giá trị nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc trong hàng hoá, hay “phủ đầu” bằng cách áp thuế lên tất cả hàng hoá thuộc nhóm “trung gian”. Cách tiếp cận sau sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho Việt Nam. Chúng ta cũng phải nhớ rằng điều này cũng gây hại cho chính nước Mỹ do thuế, chi phí khiến giá hàng hóa tại Mỹ tăng cao.

Có ba đề xuất của tôi dành cho Việt Nam, không chỉ để ứng phó với thuế quan, mà dài hạn hơn, vượt ra khỏi phạm vi về thương mại.

Đầu tiên, Việt Nam cần tiếp tục hợp tác tích cực với chính quyền Trump để chứng minh lợi ích của Mỹ thu được khi Việt Nam trở thành một điểm đến thay thế trong chuỗi cung ứng. Về mặt kinh tế, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng là một điều tốt để dịch chuyển chuỗi cung ứng, ngay cả khi doanh nghiệp đó do người Trung Quốc sở hữu, do lợi ích lan toả như nâng cao kiến thức và năng lực sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng chính quyền Trump có tầm nhìn nhận dài hạn như vậy là rất thấp.

Thứ hai, Việt Nam không thể phụ thuộc vào Mỹ như thị trường chính. Việt Nam đã làm khá tốt khi tham gia các hiệp định như hiệp định Đối tác tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Do vậy, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các thị trường khác như nội khối ASEAN, châu Á, châu Phi. Không có “viên đạn bạc” nào ở đây, vì đương nhiên không thị trường nào có thể thay thế được Mỹ, nhưng đa dạng hoá là chìa khoá quan trọng.

Điểm thứ ba cũng là động thái mà chính phủ Việt Nam đang hành động tích cực: Đẩy mạnh cải cách trong nước. Việt Nam cần phải xác định rất rõ đâu là nền tảng xây dựng năng lực cạnh tranh của quốc gia, và tìm cách cải thiện. Nội lực của đất nước sẽ thu hút dòng vốn đầu tư, và thu hút cả sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng. Điều này cho phép Việt Nam đa dạng hoá để ra quyết định quốc gia muốn nhập khẩu từ đâu, và xuất khẩu đi đâu, và chắc chắn cũng sẽ khiến cho Việt Nam dẻo dai và bền bỉ hơn.

Nếu Mỹ tuyên bố họ muốn giảm tỉ lệ cấu phần từ Trung Quốc trong hàng hoá Việt Nam bằng 0%, đó là vấn đề lớn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam có thể tìm kiếm nhà cung ứng thay thế hoặc phát triển nguồn cung nội địa. Rất khó để dự đoán cách mà chính quyền Trump xử lý vấn đề hàng “trung chuyển” từ Trung Quốc, nhưng Việt Nam có thể yên tâm phần nào vì nhiều nước khác như Indonesia hay Malaysia cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự. Tựu trung lại, Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận tương đối tốt, nhưng cần tiếp tục đa dạng hóa và cải cách để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thue-quan-cua-my-va-ba-de-xuat-dai-han-doi-voi-kinh-te-viet-nam-53715.html

#Thuế quan
#Kinh tế Việt Nam
#Mỹ
#Trung Quốc
#chiến tranh thương mại

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media