Kinh doanh

Ba thách thức sống còn của doanh nghiệp gia đình, theo EY, là gì?

Các doanh nghiệp gia đình – đóng góp 50–80% việc làm, đang đối mặt ba thách thức sống còn: chuyển giao thế hệ, chuyển đổi số và cạnh tranh toàn cầu, theo EY Việt Nam.

Ông Robert Stover, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình EY khu vực châu Mỹ phát biểu tại sự kiện. Hình ảnh: EY Việt Nam

Ông Robert Stover, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình EY khu vực châu Mỹ phát biểu tại sự kiện. Hình ảnh: EY Việt Nam

Tác giả: Quỳnh Lê

22 tháng 4, 2025 lúc 3:35 PM

Việt Nam đang vươn mình với GDP dự báo đạt 476,3 tỉ đô la Mỹ năm 2024 và tăng trưởng bình quân 10,84% trong giai đoạn 2000-2024, ông Trần Đình Cường, Chủ tịch EY Việt Nam, Lào, Campuchia nói tại sự kiện Doanh nghiệp gia đình trước bước ngoặt chuyển đổi do EY Việt Nam tổ chức ngày 21.4.2025.

Dự kiến lọt tốp 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất đến 2030, Việt Nam sở hữu tầng lớp trung lưu trong giai đoạn bùng nổ, dự đoán lên tới 48 triệu người vào 2030, và mạng lưới thương mại vững chắc với 19 hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia đình, đóng góp 50-80% việc làm, đang đứng trước ngã rẽ then chốt: Chuyển giao thế hệ, chuyển đổi số và cạnh tranh toàn cầu.

Theo Chỉ số 500 Doanh nghiệp Gia đình 2025 của EY và đại học St. Gallen, 500 doanh nghiệp gia đình hàng đầu thế giới tạo ra 8,8 ngàn tỉ đô la Mỹ doanh thu, tương đương nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sử dụng 25,1 triệu lao động.

Các doanh nghiệp này có trụ sở tại 44 quốc gia, phân bổ lớn nhất ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á, với tỉ lệ tương ứng là 47%, 29% và 18%. Xét về quốc gia, Mỹ dẫn đầu, với 116 doanh nghiệp. Kết tiếp là Đức và Ấn Độ, với số doanh nghiệp tương ứng là 78 và 17. Hai lĩnh vực thu hút doanh nghiệp gia đình tham gia đông nhất là bán lẻ (19,8%) và sản phẩm tiêu dùng (19,4%). Hơn 40% có CEO là thành viên gia đình. 84% có tuổi đời hoạt động trên 50 năm.

Châu Á đóng góp 89 doanh nghiệp, tạo 1,62 ngàn tỉ đô la Mỹ doanh thu, sử dụng 5,43 triệu lao động. Trong đó, Tata Sons đến từ Ấn Độ dẫn đầu. ASEAN có 17 doanh nghiệp, trong đó có các tên tuổi quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như CP ALL (Thái Lan) và Ayala Corporation (Philippines).

Tại Việt Nam, theo ông Trần Đình Cường, dù chưa có số liệu cụ thể, nhưng qua tiếp xúc với các lãnh đạo doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam, băn khoăn lớn nhất của họ là tìm người kế nhiệm có thể gánh vác di sản gia đình và phát triển doanh nghiệp lên tầm cao mới.

“Thực tế ngay cả toàn cầu, tỉ lệ tồn tại qua các thế hệ của doanh nghiệp gia đình toàn cầu là khá thấp," ông Cường nói. "Khoảng 30% doanh nghiệp gia đình tồn tại đến thế hệ thứ hai, 12% đến thế hệ thứ ba và chỉ 3% tồn tại qua trên 4 thế hệ.”

Cũng tại sự kiện, ông Robert Stover, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình EY khu vực châu Mỹ, chỉ ra bốn yếu tố chiến lược then chốt giúp doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững qua nhiều thế hệ: tăng trưởng tạo giá trị, vốn hóa, đảm bảo thanh khoản cho cổ đông và chuyển giao thế hệ.

Ông cho biết, châu Âu đang dẫn đầu trong việc triển khai các chiến lược này, trong khi tại Mỹ, chỉ 3% doanh nghiệp quy mô trung bình có thể duy trì qua thế hệ thứ ba.

Bổ sung góc nhìn từ Việt Nam, ông Trần Nam Dũng, phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, nhấn mạnh các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình, hiện vẫn dành sự quan tâm lớn đến những ưu tiên truyền thống như tăng trưởng, mở rộng quy mô, xây dựng mô hình quản trị chuẩn mực và chuẩn bị cho quá trình kế thừa.

Những mối quan tâm này thường gắn liền với thế hệ sáng lập (F1), những người đặt trọng tâm vào hiệu quả vận hành và bảo toàn di sản cho thế hệ sau.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế liên tục thay đổi, một loạt chủ đề mới đang dần nổi lên và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thế hệ thứ hai (F2) trong các doanh nghiệp gia đình. “Những ưu tiên này bao gồm tuyển dụng nhân tài, thúc đẩy đa dạng hóa, chuyển đổi số, phát triển bền vững, và tạo ra giá trị cho cộng đồng," ông Dũng cho biết.

Dù có sự khác biệt về ưu tiên giữa các thế hệ lãnh đạo, cả F1 lẫn F2 đều đang đối mặt với một môi trường kinh doanh ngày càng bất định, từ căng thẳng địa chính trị đến những cú sốc thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần đồng thời đảm bảo khả năng sống còn trong ngắn hạn và xây dựng nền tảng tăng trưởng dài hạn.

Một trong những giải pháp chiến lược quan trọng là chuyển đổi số, không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà cần được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển.

Đại diện EY Việt Nam cho biết, chuyển đổi số có thể mang lại nhiều lợi ích rõ rệt: giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn dựa trên dữ liệu quá khứ và dữ liệu lớn, nâng cao khả năng phục hồi và thích ứng trong môi trường biến động, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động – từ đó cải thiện đáng kể tỉ suất lợi nhuận. “Chúng ta biết rằng lợi ích của chuyển đổi số có thể mang lại cho doanh nghiệp rất lớn,” ông Dũng nói.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ba-thach-thuc-song-con-cua-doanh-nghiep-gia-dinh-theo-ey-la-gi-53033.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media