Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
Thị trường Việt Nam chịu rủi ro lớn nhất từ thuế quan Mỹ do phụ thuộc xuất khẩu, trong khi Philippines kiên cường nhờ tập trung vào thị trường trong nước.
Hình ảnh: Brent Lewin/ Bloomberg
Tác giả: Quỳnh Lê
15 tháng 4, 2025 lúc 11:23 AM
Trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump có thể làm giảm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào nước này, thì thị trường chứng khoán Đông Nam Á đang đối mặt với những tác động trái chiều, đặc biệt là Việt Nam và Philippines – hai quốc gia nằm ở hai thái cực của "cơn bão thuế quan", theo báo cáo Bloomberg Intelligence.
Cụ thể, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu rủi ro lớn nhất trong khu vực khi các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể gây ra những đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán. Báo cáo chỉ ra, Việt Nam có mức độ rủi ro cao nhất, với ba trong năm chỉ số phân tích cho thấy sự dễ bị tổn thương, bao gồm mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu, tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự gián đoạn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
"Xuất khẩu sang Mỹ chiếm hơn 25% GDP của Việt Nam trong năm 2023, cao nhất trong khu vực," theo bà Sufianti từ Bloomberg Intelligence. Điều này khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương nếu các chính sách thuế quan làm giảm nhu cầu từ thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, khi chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI (S&P Global Manufacturing PMI) toàn cầu giảm xuống dưới 50, ngưỡng cho thấy sản xuất bị thu hẹp, thị trường chứng khoán Việt Nam thường ghi nhận mức giảm mạnh, với bốn trên năm lần sụt giảm trong quá khứ ở mức hai chữ số.
Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ bởi động lực lớn từ thị trường trong nước, nhưng sự phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI (chiếm 4,2% GDP năm 2024) khiến thị trường dễ chịu tác động gián tiếp nếu tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Ngược lại, Philippines được đánh giá là quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất từ các mối đe dọa thuế quan. Thị trường chứng khoán nước này thể hiện khả năng chống chịu đáng kể, với chỉ số PSEi, đại diện cho 30 cổ phiếu lớn và giao dịch sôi động nhất, chỉ giảm 4-5% trong giai đoạn bất ổn trước khi Mỹ tuyên bố tạm hoãn thuế quan 90 ngày.
“Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Philippines tương đối kiên cường để vượt qua cú sốc chiến tranh thương mại,” bà Sufianti cho biết. Trong tuần từ ngày 3-9.4, dòng vốn nước ngoài rút khỏi Philippines ở mức 79 triệu đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với con số 300-500 triệu đô la từ các thị trường như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Sự ổn định của Philippines chủ yếu bắt nguồn từ việc tập trung mạnh vào thị trường nội địa, khi hơn 80% doanh thu của các doanh nghiệp trong chỉ số (ngoại trừ ngành tài chính) đến từ nguồn thu trong nước. Điều này giúp giảm thiểu tác động trực tiếp từ các cú sốc thương mại toàn cầu.
Indonesia, dù có nền kinh tế tập trung vào trong nước, lại dễ bị tổn thương khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Trong phiên ngày 8.4, các chỉ số chứng khoán Indonesia lao dốc hơn 10%, phản ánh sự nhạy cảm trước động thái nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan đối mặt với rủi ro từ tỉ trọng doanh thu nước ngoài cao hơn, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp xuất khẩu. "Các doanh nghiệp Malaysia và Thái Lan có tỉ trọng doanh thu từ nước ngoài cao, khiến lợi nhuận dễ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các rủi ro thương mại toàn cầu," theo Bloomberg Intelligence.
Các chỉ số chứng khoán Đông Nam Á, với trọng số lớn từ lĩnh vực tài chính (chủ yếu là ngân hàng), có thể phần nào hạn chế tác động trực tiếp từ thuế quan. Tuy nhiên, tại Thái Lan, chỉ số SET lại dễ bị ảnh hưởng do các ngành định hướng xuất khẩu, như Delta Electronics Thailand - doanh nghiệp có 26% doanh thu từ Mỹ.
Tâm lý nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định của thị trường chứng khoán khu vực. Ngoại trừ Việt Nam - thị trường mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm 11% giá trị giao dịch, các thị trường còn lại đều có tỉ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vượt 40%.
Indonesia đặc biệt nhạy cảm với dòng vốn ngoại, trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng, dễ bị tổn thương nếu dòng vốn này tiếp tục rút đi.
Trong bối cảnh thuế quan Mỹ đe dọa làm gián đoạn thương mại toàn cầu, Việt Nam đứng trước nguy cơ lớn nhất do phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI, trong khi Philippines nổi lên như một điểm sáng với khả năng chống chịu tốt hơn.
Các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Thái Lan, dù ở mức độ khác nhau, cũng không tránh khỏi những rủi ro từ sự suy giảm tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. "Khả năng leo thang trong chiến tranh thương mại được dự báo sẽ gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu," bà Sufianti nói.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thi-truong-chung-khoan-dong-nam-a-doi-mat-voi-nguy-co-ban-thao-do-tac-dong-cua-thue-quan-my-52983.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media