Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
"Một trong những chủ đề nóng nhất tại hội nghị khí hậu toàn cầu năm nay là liệu Trung Quốc có gia nhập hàng ngũ các quốc gia phát triển để đóng góp cho những nguồn quỹ cấp thiết hay không."
Nhà máy điện mặt trời Cauchari do Trung Quốc tài trợ ở Argentina. Nguồn: Estebran/Shutterstock
Tác giả: Dan Murtaugh, John Ainger và Alfred Cang
28 tháng 11, 2024 lúc 2:00 PM
Nếu Trung Quốc có thể phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng, như vị tùy viên về khí hậu của liên minh châu Âu đặt câu hỏi hồi tháng Chín, tại sao họ không đóng góp nhiều hơn cho nghị trình khí hậu? Câu nói đùa của Wopke Hoekstra đã phơi bày một điểm tranh cãi sẽ bao trùm hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Liên hiệp quốc tại Baku, Azerbaijan vào tháng 11: Làm thế nào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể vừa là “phát triển” - đi đầu về khoa học và công nghệ - nhưng trên thực tế vẫn được xếp loại là “đang phát triển” - được phép nhượng bộ về khí thải và tiếp cận các quỹ trên toàn cầu?
Trung Quốc thích tự coi mình là một siêu cường “lai”, một mô tả thỏa hiệp phục vụ cho các mục tiêu ngoại giao của họ. Tuy nhiên, trong mảng tài chính khí hậu, lập trường này không thể đứng vững. Nếu một quốc gia được coi là đã phát triển, họ được kỳ vọng sẽ đóng góp vào quỹ 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm của Liên hiệp quốc. Đối với Mỹ, con số này ước tính là 9,5 tỉ đô la trong năm 2023. Các quốc gia đang phát triển không chỉ không có nghĩa vụ như vậy mà còn có thể sử dụng số tiền này để giảm thiểu tác động của mùa Hè nóng hơn và các cơn bão thường xuyên hơn.
Một mục tiêu chính tại Baku là thống nhất mục tiêu tài chính khí hậu sau năm 2025. Các quốc gia đang phát triển - bao gồm cả Trung Quốc - muốn tăng mạnh khoản tiền này, lên hơn một ngàn tỉ đô la mỗi năm. Đối với các nước giàu, vốn đã đang vật lộn để đạt mục tiêu hiện tại, việc bổ sung thêm các quốc gia tài trợ là tối quan trọng. Và họ đang hướng đến Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu sẽ thúc đẩy quốc gia này gia nhập hàng ngũ của họ và bắt đầu đóng góp. Nhưng Bắc Kinh đang quyết tâm bảo vệ vị thế quốc gia đang phát triển của mình, điều này cho phép họ chi tiêu số tiền đáng kể để thúc đẩy các mục tiêu khí hậu toàn cầu nhưng theo điều kiện của riêng họ.
Có nhiều lý lẽ thuyết phục để xếp cường quốc kinh tế và chính trị này vào một trong số những quốc gia phát triển. Trung Quốc là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Họ có nhiều nhà máy thép và nhà máy lọc dầu hơn bất kỳ quốc gia nào khác, một kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng và, như Hoekstra đã lưu ý, một chương trình thám hiểm không gian lớn. Hạ viện Mỹ năm ngoái đã bỏ phiếu nhất trí rằng Trung Quốc không được phép tự nhận là nước đang phát triển nữa.
Tuy nhiên, lập luận để Trung Quốc vẫn được xem là một quốc gia đang phát triển, trên giấy tờ, cũng không kém phần thuyết phục. Mặc dù thu nhập trung bình đã tăng đều đặn trong những thập niên gần đây, nhưng con số này của Trung Quốc vẫn thấp hơn ngưỡng của các nước phát triển. Trong khi đường chân trời lấp lánh của các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến là nơi sinh sống của một số trong những người giàu nhất thế giới, đất nước này vẫn còn hàng trăm triệu người sống dưới ngưỡng nghèo.
Nhưng bất đồng thực sự ở đây không phải về kinh tế, mà là về chính trị. Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã nỗ lực tạo dựng hình ảnh là nhà vô địch của các quốc gia mới nổi. Dù sự giàu có của họ đã tăng lên, Trung Quốc vẫn tiếp tục phản đối trật tự thế giới do các cường quốc phương Tây thống trị. “Vấn đề giờ đây không còn xoay quanh tình trạng phát triển của Trung Quốc, GDP bình quân đầu người hay lượng khí thải nữa,” Li Shuo, giám đốc trung tâm Khí hậu Trung Quốc tại viện Chính sách châu Á ở Washington, chia sẻ. “Thực chất, vấn đề nằm ở sự thiếu lòng tin sâu sắc. Không chỉ trong chính trị khí hậu toàn cầu, với những lời hứa không được thực hiện từ nhóm các nước Bắc bán cầu, mà còn bởi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến Trung Quốc tìm mọi cơ hội để làm mất uy tín phía bên kia.”
Cuộc tranh luận về tài chính khí hậu đã xuất hiện từ hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Copenhagen năm 2009. Tại đó, người ta đã đồng ý rằng các quốc gia phát triển, những nước đã hưởng lợi từ hàng thập kỷ của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, nên đóng góp 100 tỉ đô la mỗi năm đến năm 2020 để hỗ trợ hành động khí hậu ở các nước đang phát triển, một mục tiêu mãi đến năm 2022 mới đạt được.
Với việc mục tiêu đó hết hạn vào năm 2025, các quốc gia phải đưa ra một con số mới vào tháng 11. Liên hiệp quốc ước tính khu vực đang phát triển của thế giới cần 500 tỉ đô la hàng năm để thực hiện các kế hoạch về khí hậu của họ. Các nhà phân tích khác đưa ra con số từ 1.000 tỉ đến 6.000 tỉ đô la. “Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của mình,” Jennifer Morgan, đặc phái viên khí hậu của Đức nói. “Chúng tôi chỉ nghĩ rằng những quốc gia khác cũng có của cải và đã góp phần tạo ra khí thải trong lịch sử cũng nên làm điều tương tự.”
Các quốc gia phương Tây sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục Trung Quốc đóng góp vào quỹ toàn cầu. Các nhà ngoại giao khí hậu đã trao đổi với các đối tác Bắc Kinh năm nay cho biết quốc gia này sẽ không thay đổi lập trường của mình. Thay vào đó, các đặc phái viên Trung Quốc cam kết rằng nước này sẽ không rút tiền từ quỹ, để lại tiền cho các nước nghèo hơn, và sẽ tăng cường tài trợ khí hậu thông qua các kênh khác. “Thay vì đưa tiền vào quỹ chung mà họ ít kiểm soát, họ thích chi tiêu tiền theo cách mà họ có nhiều tiếng nói hơn,” Yao Zhe, cố vấn Chính sách toàn cầu của Greenpeace Đông Á tại Bắc Kinh cho biết.
Nhưng điều đó khiến Trung Quốc phải tìm cách thuyết phục các quốc gia giàu có tăng mục tiêu tài trợ mà không có sự giúp đỡ của họ. Để đạt được điều đó, Bắc Kinh có thể cần phải chứng minh họ đang đóng góp phần công bằng của mình theo cách riêng, theo Shuang Liu, giám đốc tài chính Trung Quốc tại viện Tài nguyên Thế giới, một think tank về môi trường ở New York.
Điều đó sẽ không dễ dàng, với sự thiếu minh bạch của Trung Quốc và mạng lưới phức tạp của các cơ quan công quyền mà tiền có thể chuyển qua. Liu và các đồng nghiệp đã rà soát các hồ sơ công và tuyên bố công khai để xác định những khoản cam kết phù hợp với định nghĩa về tài chính khí hậu của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bao gồm đóng góp cho các quỹ hoặc các dự án đáp ứng tiêu chí về giảm thiểu hoặc thích ứng, như các trang trại năng lượng mặt trời hay hệ thống tưới tiêu. Họ ước tính rằng Trung Quốc đã phân bổ khoảng 45 tỉ đô la cho các quốc gia nghèo hơn dưới dạng quỹ có thể được coi là tài chính khí hậu, trong thập niên từ năm 2013 đến 2022. Con số này chiếm khoảng 6% tổng số tiền huy động được từ các nền kinh tế phát triển. Trên cơ sở song phương và đa phương, tài trợ của họ ngang bằng với vương quốc Anh và chỉ đứng sau Pháp, Đức, Nhật Bản và Mỹ.
Quả thật, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ ở nước ngoài trong các lĩnh vực không được xem là tài chính khí hậu nhưng vẫn đóng vai trò trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo nghiên cứu từ trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của đại học Boston, các ngân hàng phát triển của họ đã chi 34 tỉ đô la cho các dự án thủy điện và 8,8 tỉ đô la cho các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài kể từ năm 2000. Khi xem xét tình trạng phát triển của từng quốc gia này, thật khó để bỏ qua những điều kiện cấp vốn thường không mấy hào phóng từ phía Trung Quốc.
Kế đó là vai trò của vốn tư nhân Trung Quốc. Contemporary Amperex Technology, BYD, Longi Green Energy Technology và các công ty khác giúp quốc gia này thống trị sản xuất pin, xe điện và tấm pin mặt trời. Các hãng trên đang ngày càng đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy ở nước ngoài. Kể từ đầu năm 2023, các khoản đầu tư về mặt sản xuất vươn lên dẫn đầu. Cùng lúc đó, các công ty Trung Quốc công bố hơn 100 tỉ đô la đầu tư ra nước ngoài trong công nghệ năng lượng sạch, theo think tank Climate Energy Finance có trụ sở tại Sydney.
Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về chi tiêu cho quá trình chuyển đổi năng lượng của riêng mình, với nguồn tài trợ cho công nghệ xanh tăng lên 675 tỉ đô la năm ngoái, gấp hơn hai lần so với quốc gia đứng thứ hai, theo BloombergNEF. Những khoản đầu tư này đã giúp Trung Quốc sắp đi qua ngưỡng phát thải đỉnh điểm, sớm hơn nửa thập niên so với mục tiêu của họ.
Có thể không bên nào sẽ nhượng bộ tại Baku về vấn đề địa vị của Trung Quốc. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là cuộc tranh luận này sẽ lấn át các cuộc đàm phán tháng 11 và làm lệch hướng khỏi nhu cầu cơ bản hơn là chỉ cần huy động và chi tiêu, bất kể các quốc gia chọn cách nào để thực hiện. “Quá chú trọng vào việc phân biệt giữa các nước phát triển hay đang phát triển là một mối phân tâm,” Liu từ viện Tài nguyên Thế giới cho biết. “Điều thực sự quan trọng là số tiền nào đã được cam kết và số tiền đó phải được chi tiêu trên thực tế.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-sieu-cuong-kinh-te-hay-van-la-quoc-gia-dang-phat-trien-52606.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media