Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Các mô hình toàn cầu hóa cũ đang thay đổi.
Vận hành máy dệt jacquard tự động gần Dhaka, Bangladesh. Hình ảnh: Fabeha Monir cho Bloomberg Businessweek.
Tác giả: Kai Schultz và Shruti Srivastava
28 tháng 11, 2024 lúc 11:25 AM
Nhà máy may mặc của Rubana Huq tràn ngập âm thanh liên tục của tiếng bàn ủi hơi nước, tiếng quạt gió và tiếng kéo cắt vải. Trong cơ sở công nghiệp rộng lớn gần Dhaka, hàng trăm phụ nữ cẩn thận đưa từng mảnh vải qua máy may, tạo ra những bộ quần áo cho các thương hiệu như H&M, Pepe Jeans và Primark. Một bảng điện tử theo dõi năng suất với độ chính xác như màn hình chứng khoán, tính toán tỉ lệ lỗi của quần áo đến từng 0.01%.
Khung cảnh này gợi nhớ đến chiến lược tăng trưởng mà hàng chục quốc gia đã theo đuổi trong mấy thập niên gần đây: Các nhà máy thuê nhiều đội ngũ công nhân để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, với mức lương thấp theo tiêu chuẩn phương Tây nhưng tương đối hào phóng theo mức địa phương. Mô hình này đã làm tăng gấp hơn ba lần quy mô nền kinh tế Bangladesh, biến những người nông dân tự cung tự cấp thành công nhân dệt may cho các thương hiệu từ Adidas đến Zara - điều mà ngân hàng Thế giới gọi là một trong những “câu chuyện phát triển vĩ đại nhất” của thời đại chúng ta.
Huq, chủ tịch của tập đoàn gia đình Mohammadi Group, nói rằng khi xem xét kỹ hơn, những đường may của mô hình đó đang nhanh chóng bung ra. Vài năm trước, Huq đã lắp đặt hàng trăm máy dệt kim jacquard điện tử và các thiết bị khác xuất xứ từ Trung Quốc và Đức, giúp cắt giảm 3.000 nhân công, gần một phần ba số nhân viên của bà. Mặc dù những người này cuối cùng đã tìm được việc làm ở các bộ phận khác của công ty, bà lo lắng về tương lai: Theo một nghiên cứu của Shimmy Technologies Inc., khoảng 80% nhà máy Bangladesh có kế hoạch mua thiết bị tự động hóa từ năm 2023 đến 2025, với mỗi máy có khả năng thay thế tới sáu người. “Khi tự động hóa quy mô lớn diễn ra ở Bangladesh, quá trình thay thế công nhân sẽ là một vấn đề lớn,” Huq nói.
Sự sụp đổ của liên bang Xô Viết và việc tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời vài năm sau đó đã thúc đẩy sự chuyển dịch từ nền sản xuất địa phương được bảo hộ bằng thuế quan sang sản xuất định hướng xuất khẩu, và đó được coi như con đường tốt nhất để phát triển bền vững. Chiến lược này đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở Trung Quốc và các nước khác, tạo nên một thời kỳ tăng trưởng ấn tượng.
Song, sách lược đó ngày càng ít khả năng giúp mở rộng nền kinh tế hơn nữa, điều mà các nước nghèo cần để nâng cao mức sống. Khi tự động hóa lan rộng, số lượng robot trong các nhà máy trên toàn thế giới đã tăng hơn ba lần từ năm 2012 đến 2022, với phần lớn tăng trưởng ở các nước đang phát triển. Chuỗi cung ứng đã bị phân mảnh khi chiến tranh tàn phá Ukraine và Trung Đông. Lạm phát sau đại dịch và lãi suất cao hơn đã đẩy Ethiopia, Pakistan và các quốc gia nợ nần khác đến chỗ gần vỡ nợ. Và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm xáo trộn các mô hình thương mại và khuyến khích các chính sách bảo hộ.
Ngày nay, sản xuất chiếm tỉ trọng nhỏ hơn trong sản lượng kinh tế toàn cầu so với hai thập niên trước. Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba lượng sản xuất hàng hóa trên toàn cầu, và khoảng một chục quốc gia tiếp theo - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Mexico và Đức - gánh khoảng 45% còn lại, tức là còn sót rất ít chỗ cho các quốc gia vẫn đang nỗ lực tìm cách thâm nhập. Và ngay cả khi Trung Quốc ngày càng giàu có hơn, nước này vẫn tập trung vào sản xuất và làm rất ít để thúc đẩy tiêu dùng, vì vậy 1,4 tỉ công dân của họ khó có khả năng mua nhiều hàng hóa hơn từ các quốc gia khác trong tương lai gần. “Thị trường hôm nay đã khác, và Trung Quốc đã đón đầu chúng ta,” Richard Baldwin, kinh tế gia tại trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sĩ nhận định.
Không có giải pháp thay thế nào rõ ràng cho các quốc gia đang phát triển muốn trở nên giàu có. Những nước đang phát triển tương đối tốt, như Romania, đã kết hợp các lợi thế như thị trường lớn và khả năng tiếp cận nguồn lực với mức thuế thấp và nền tảng công nghiệp đa dạng.
Thời kỳ toàn cầu hóa tăng trưởng nhanh, kéo dài, đã được thay thế bằng hiện tượng mà Bloomberg Economics gọi là “chậm lại trên toàn cầu” (slow- balization). Từ năm 1995 đến 2008, các quốc gia mới nổi và đang phát triển đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 10%, theo Bloomberg Economics. Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ làm dấy lên những nghi ngờ về thương mại tự do không giới hạn, tốc độ tăng trưởng ở các thị trường mới nổi đã giảm gần một nửa trong 15 năm qua. Xuất khẩu chiếm gần 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào năm 2007, tăng từ 18,8% năm 1991. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đã chững lại, với xuất khẩu chiếm 29,3% GDP vào cuối năm 2023.
Trong số 85 quốc gia kém phát triển hơn mà Bloomberg Economics đã phân tích, gần ba phần tư (các nền kinh tế có tổng sản lượng 25 ngàn tỉ đô la) khó có khả năng tiếp tục hưởng lợi từ sản xuất định hướng xuất khẩu. Nhiều nước trong số đó ở châu Phi, đặc biệt là ở những nơi có tỉ lệ biết chữ thấp, điện không ổn định và quản trị yếu kém. Những yếu tố đó khiến việc chuyển hướng sang các lĩnh vực có khả năng tăng trưởng như dịch vụ trở nên khó khăn, có nghĩa là hàng chục quốc gia có thể bị bỏ lại phía sau. “Tôi lo ngại rằng nhiều nước đang phát triển sẽ không thể chuyển đổi sang mô hình mới,” nhà kinh tế Dani Rodrik của đại học Harvard nói.
Ethiopia là minh chứng rõ ràng cho thấy nội chiến và quản lý yếu kém có thể làm chệch hướng phát triển ngay cả ở những quốc gia tiềm năng nhất. Trong phần lớn thập niên 2010, Ethiopia được ca ngợi là ứng cử viên sáng giá của châu Phi có khả năng sao chép thành công mô hình sản xuất dựa trên xuất khẩu của các quốc gia như Hàn Quốc hoặc Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế Thế giới từng gọi Ethiopia là “động cơ tăng trưởng mới” của châu lục, và từ năm 2004 đến 2017, nước này đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm thuộc hàng nhanh nhất thế giới, trung bình gần 11%. Ethiopia được hưởng lợi từ các chính sách miễn thuế khi xuất khẩu vào Mỹ và chi phí lao động thấp, khi một công nhân may mặc ở Ethiopia chỉ kiếm được khoảng một phần ba so với đồng nghiệp ở Kenya làm cùng công việc.
Tuy nhiên, đầu tư công lớn vào cơ sở hạ tầng như đường xá, tàu hỏa và sân bay đã dẫn đến nợ công không bền vững, lạm phát ngoài tầm kiểm soát, cùng với hàng loạt dự án lãng phí. Ethiopia nợ Trung Quốc khoảng bảy tỉ đô la, và Trung Quốc đã tài trợ cho 70 dự án lớn, bao gồm tuyến đường sắt đắt đỏ nối tới Cộng hòa Djibouti. Khoảng một thập niên trước, hệ thống tàu điện nhẹ được xây dựng bằng nguồn vốn từ Trung Quốc từng được ca ngợi như một giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn giao thông tại thủ đô Addis Ababa trong thế kỷ 21. Nhưng ngày nay, chỉ khoảng một phần ba số tàu còn hoạt động, hỏng hóc là chuyện thường ngày, và lượng hành khách hằng ngày chỉ bằng một phần nhỏ so với dự đoán ban đầu.
Khi Abiy Ahmed được bầu làm thủ tướng vào năm 2018, nhiều người hy vọng ông là nhà kỹ trị có khả năng đưa Ethiopia trở lại đúng hướng, nhưng hy vọng đó nhanh chóng tan biến. Năm 2020, cuộc chiến tranh giữa các nhóm sắc tộc ở vùng Tigray bất ổn đã bùng nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Các nhà tài trợ nước ngoài rút đi hàng tỉ đô la, và Mỹ đã chấm dứt quyền tiếp cận thị trường phi thuế quan của Ethiopia. Năm ngoái, gần 450 trong số khoảng 5.000 công ty sản xuất đã phải ngừng hoạt động sau cuộc chiến. Ngay cả Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Ethiopia, cũng đã cắt giảm hỗ trợ. Các công ty may mặc rút khỏi Ethiopia do tình trạng bất ổn dân sự, kinh tế bấp bênh, và sự khác biệt trong kỳ vọng văn hóa tại nơi làm việc. “Mô hình đô thị hóa dựa trên lao động trong các nhà máy của Trung Quốc đã không hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của Ethiopia,” theo lời Cobus van Staden từ nhóm nghiên cứu China Global South Project.
Ngay cả Bangladesh, quốc gia từng vươn lên từ vị trí nghèo thứ hai trên thế giới vào những năm 1970 để trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình thấp ngày nay, cũng đang gặp khó khăn. Đất nước này từng trên đà thoát khỏi nhóm các quốc gia “kém phát triển nhất” của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, bất ổn chính trị gần đây, với nhiều tuần giới nghiêm và biểu tình, đã dẫn đến việc thủ tướng phải từ chức và chạy trốn khỏi đất nước vào ngày năm tháng Tám, khiến triển vọng phát triển của quốc gia này trở nên mờ mịt. Các nhà xuất khẩu may mặc lo ngại doanh số sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay, và bà Huq cho biết một số thương hiệu thời trang đang cân nhắc việc rời khỏi Bangladesh hoàn toàn. “Nhiều thương hiệu đã nói với tôi rằng họ sẽ chuyển ít nhất 25% hoạt động kinh doanh của mình ra khỏi Bangladesh trước Giáng sinh,” bà nói. “Điều đó thật đáng lo ngại.”
Đại dịch Covid, cùng với lạm phát mà nó gây ra và việc lãi suất tăng vọt sau đó, đã làm trầm trọng thêm khó khăn. Khi các nhà đầu tư giảm cho vay đối với các thị trường mới nổi, ngay cả những “ngôi sao sáng” như Sri Lanka cũng rơi vào tình trạng phá sản, khiến ngân hàng Thế giới cảnh báo về một “thập niên mất mát.”
Hiện nay, các quốc gia mới nổi đang gánh khoản nợ công lên tới 29 ngàn tỉ đôla, tăng từ 12 ngàn tỉ đô la so với một thập niên trước, với nhiều quốc gia đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và phải yêu cầu cứu trợ từ các tổ chức cho vay toàn cầu. Năm ngoái, quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phê duyệt khoảng 5,7 tỉ đô la khoản vay cho các nước nghèo, gấp khoảng bốn lần mức trung bình hằng năm trước đại dịch.
Mâu thuẫn gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington đang gây thêm xáo trộn cho trật tự thế giới, thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ ngành công nghiệp trong nước, ngay cả từ những người từng ủng hộ thương mại tự do. Trong vài năm qua, Mỹ đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên gấp sáu lần, đạt mức 19,3%, và Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp hạn chế riêng. Cựu tổng thống Donald Trump còn hứa sẽ áp đặt thêm nhiều thuế hơn nữa nếu ông tái đắc cử.
Vào tháng Tư, Pháp, Đức và Ý đã cam kết phối hợp các biện pháp kinh tế để đáp lại sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Họ cùng với các quốc gia châu Âu khác áp dụng các biện pháp như trợ cấp có mục tiêu, ưu đãi thuế và hạn chế thương mại. Trên toàn cầu, các chính phủ đã đưa ra hơn 2.500 chính sách như vậy trong năm ngoái, gấp ba lần số lượng được thực hiện cách đây năm năm, theo báo cáo của IMF.
Romania cho chúng ta một ví dụ về cách tạo ra tăng trưởng, từ đó có thể sử dụng thêm người lao động ở quy mô lớn. Trước khi gia nhập liên minh châu Âu năm 2007, đất nước này là quốc gia nghèo thứ hai của châu lục. Giờ đây nó là một trong những điểm sáng của khu vực, với các cụm công ty phần mềm ở Bucharest và gần thành phố làm rượu cổ Iasi, nơi Amazon và Oracle đặt văn phòng. Sự thịnh vượng của Romania đã vượt qua nước láng giềng giàu có hơn là Hungary, và thậm chí cả thành viên EU lâu đời là Hy Lạp. Công dân nước này từng xếp hàng nhận cứu trợ lương thực trong giai đoạn cộng sản, nhưng ngày nay - một phần nhờ mức sống và mức lương cao hơn mà người Romania được hưởng - các hàng dài thường là của những người nhập cư muốn gia hạn giấy phép lao động.
Đất nước này đã đặt cược vào các ngành công nghiệp đa dạng, giúp giảm thiểu hiệu ứng của các cú sốc chuỗi cung ứng, vốn đã phơi bày điểm yếu của những nước như Bangladesh, nơi gia công quần áo chiếm gần 90% xuất khẩu. Nhà sản xuất ô tô Dacia Renault sản xuất một trong những mẫu xe phổ biến nhất châu Âu. Romania còn là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ hai của EU, sau Pháp, và có ngành thiết bị gia dụng phát triển mạnh, với các công ty như DeLonghi, Electrolux và Haier sản xuất tại đây. “Sự chuyển đổi của Romania trong những thập niên qua thật đáng chú ý,” Cristian Sporis, chủ tịch AmCham Romania, hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất của quốc gia, nói. “Nguồn nhân lực có kỹ năng cao, mức thuế cạnh tranh, thị trường nội địa lớn và khả năng tiếp cận nguồn lực là những lợi thế hàng đầu.”
Theo phân tích của Bloomberg Economics, Romania nằm trong số các quốc gia được xếp hạng hàng đầu về tiềm năng xuất khẩu. Và nước này đặc biệt mạnh trong lĩnh vực dịch vụ - từ thợ làm móng và bác sĩ cho đến nghề chăm sóc xe hơi và lập trình viên máy tính - lĩnh vực hiện chiếm hai phần ba sản lượng toàn cầu.
Ngay cả khi việc làm trong lĩnh vực dịch vụ ngày càng gia tăng, những công việc tốt nhất thường nằm ở các khu vực như tài chính và công nghệ, đòi hỏi những kỹ năng mà ít người ở các quốc gia đang phát triển có được. Khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng dịch chuyển khỏi sản xuất, nhiều quốc gia kém phát triển sẽ tụt hậu xa hơn. Một nghiên cứu năm 2023 của đại học Yale về Ấn Độ cho thấy những nông dân chuyển sang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đều có năng suất và thu nhập tăng lên. Nhưng những lợi ích này “không đồng đều một cách đáng kinh ngạc” và chủ yếu có lợi cho cư dân thành thị giàu có hơn, các nhà nghiên cứu cho biết.
Khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại, một cách tiếp cận đa dạng để thúc đẩy tăng trưởng dường như là giải pháp hiệu quả: Kết hợp giữa sản xuất, dịch vụ và một số chính sách bảo hộ. Dù vậy, giai đoạn bùng nổ kinh tế từng thúc đẩy tăng trưởng sẽ ngày càng hiếm gặp. “Việc tiến lên cao hơn trên nấc thang phát triển,” theo Raghuram Rajan, cựu thống đốc ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, “sẽ khó khăn hơn so với trước đây.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cac-nuoc-dang-phat-trien-khong-the-trong-cay-vao-san-xuat-de-tang-toc-tang-truong-52605.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media