Chuyên đề

Tình trạng người di cư bế tắc xin tị nạn ở Mỹ: Bài toán nan giải

Những cải cách trên toàn thế giới cho thấy có thể giúp một hệ thống gặp đầy trục trặc vận hành vừa nhanh hơn, vừa công bằng hơn.

Những người xin tị nạn được dẫn đến buổi phỏng vấn với nhân viên biên giới Mỹ tại cửa khẩu San Ysidro, gần San Diego.  
Hình ảnh: Robert Gauthier/Los Angeles Times/Getty Images.

Những người xin tị nạn được dẫn đến buổi phỏng vấn với nhân viên biên giới Mỹ tại cửa khẩu San Ysidro, gần San Diego. Hình ảnh: Robert Gauthier/Los Angeles Times/Getty Images.

Tác giả: Michael Riley và Sinduja Rangarajan

02 tháng 1, 2025 lúc 12:33 PM

Vào cuối mùa Hè 2022, khoảng 30 người Haiti tới phi trường quốc tế Portland, rồi chẳng biết đi đâu.

Họ là những người đầu tiên trong 40 ngàn người nhập cư đã tới Oregon kể từ đó, mức tăng mạnh bất ngờ đến mức tiểu bang này đã phải phản ứng khẩn cấp. Giới chức hữu trách nhanh chóng chuyển đổi khách sạn cũ Ramada Inn ở gần sân bay thành khu dân cư cho hàng trăm người mới đến. Các tổ chức cứu trợ tư nhân đã góp sức với nhu yếu phẩm như xà bông, dầu gội và sữa tắm. Những người mới đến còn gây ra một vấn đề khác về phân bổ nguồn lực với Stephen Manning, nhà sáng lập Innovation Law Lab, nhóm hỗ trợ pháp lý cho người nhập cư lớn bậc nhất ở Oregon. Dù có tới 18 luật sư, nhóm này vẫn thiếu người nghiêm trọng, do phải hỗ trợ nhiều ngàn người đột ngột muốn đệ đơn xin tị nạn. Theo thủ tục, họ phải chính thức tuyên bố mình bị truy bức ở quê nhà và chứng minh được tuyên bố đó trước tòa án về nhập cư. “Số luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý nhập cư ở Oregon có chuyên môn về chứng minh tị nạn là 98 người,” Manning nói. “Điều đó đồng nghĩa là tỉ lệ 0,002 luật sư cho một đơn xin tị nạn.”

2000x1333-1-.jpg
Ông Manning. Hình ảnh: Tojo Andrianarivo/Bloomberg

Vì vậy nhóm của Manning lập một cơ sở hỗ trợ pháp lý tị nạn miễn phí đón khách ba lần mỗi tuần. Những người tham gia được giới thiệu nhanh về luật pháp tị nạn của Mỹ và được trao đổi trực tiếp để xác định các trường hợp phức tạp. Tiến trình này thường mất khoảng năm tiếng đồng hồ. Sau đó đương đơn chuyển hồ sơ tới tòa nhà liên bang Edith Green-Wendell Wyatt cách đó 10 ngã tư.

Cơ sở hỗ trợ pháp lý tị nạn đã giúp hàng trăm người khởi động quy trình bắt đầu cuộc đời mới ở Mỹ, nhưng cũng cho thấy hệ thống pháp lý nhập cư đã khủng hoảng ở nước này. Do Mỹ hạn chế ngặt nghèo mọi phương cách hợp pháp khác để vào và ở lại Mỹ, số người chuyển sang phương án tốt nhất còn lại: Xin tị nạn, đã tăng lên mức kỷ lục, ngay cả khi trường hợp của họ không đạt chuẩn hay không có hồ sơ đáng tin cậy.

Tất cả các đương đơn, ở Portland và khắp nước Mỹ, nay đang ứ đọng ở tòa nhập cư. Sau nhiều thập kỷ, các vụ xin nhập cư Mỹ tồn đọng ở tòa đã lên tới 672 ngàn (vào năm 2018). Thêm 672 ngàn vụ nữa đã được đệ đơn chỉ trong 12 tháng tính tới tháng 9.2023, theo Donald Kerwin, nhà nghiên cứu về nhập cư ở đại học Emory. Gần một nửa trong số đó là các vụ xin tị nạn.

03.jpg

Trong khi tình trạng ứ đọng này đã trở nên tuyệt vọng, nghiên cứu cho thấy phán quyết về các vụ xin tị nạn càng bị trì hoãn, thì càng nhiều người đã vượt biên có động cơ nộp đơn, gồm nhiều trường hợp không hề có cơ sở. Họ rốt cuộc có thể sẽ bị trục xuất, nhưng ít ra là trong khi chờ đợi, họ vẫn có thể làm việc hợp pháp ở Mỹ.

“Tôi không nghĩ là các tòa án xử lý nổi trừ khi phải có thay đổi mạnh mẽ,” theo Denise Gilman, chuyên gia về luật di trú ở đại học Texas, Austin.

Chính vì vậy, hiện đang diễn ra cuộc vận động cải cách mạnh mẽ hệ thống di trú Mỹ để đơn xin tị nạn, dù có đáng tin hay không, có thể xử lý được trong vòng vài tháng, thay vì vài năm. Đây là thách thức mà nhiều nước đã phải đối phó những năm gần đây, với nhiều bài học đau thương mà giá trị có thể hữu ích cho Mỹ.

06.jpg
Những người xin tị nạn tham gia một buổi tư vấn pháp lý miễn phí tại Innovation Law Lab ở trung tâm thành phố Portland. Hình ảnh: Tojo Andrianarivo/Bloomberg
07.jpg
Những người xin tị nạn cầm hồ sơ đến Tòa nhà Liên bang Edith Green-Wendell Wyatt. Hình ảnh: Tojo Andrianarivo/Bloomberg

Giải pháp được rất nhiều nhà nghiên cứu, tổ chức, giáo sư luật và nghị sĩ từ cả hai đảng ủng hộ là chuyển các vụ xin tị nạn khỏi tòa nhập cư, về cơ bản là tách ra hoàn toàn. Các vụ đấy sẽ được giải quyết bởi đội ngũ chuyên xử lý vấn đề tị nạn có huấn luyện chuyên môn về hoàn cảnh khủng hoảng của các nước có nhiều người xin tị nạn nhất.

Cải cách dự kiến với an ninh biên giới của thượng viện công bố hồi tháng Hai bao gồm nhiều yếu tố cơ bản cho thay đổi này. Chương trình đấy phân bổ bốn tỉ đô la Mỹ để tăng mạnh số chuyên viên phụ trách vấn đề tị nạn và lập cơ quan phúc thẩm mới tách biệt với hệ thống tòa hiện tại.

“Nó được gọi là dự luật biên giới, nhưng trên thực tế nó sẽ thay đổi mạnh mẽ hệ thống xin tị nạn,” theo Kathleen Bush-Joseph, luật sư và nhà phân tích chính sách ở viện Chính sách Di trú, Washington, DC, tổ chức hợp tác chặt chẽ với quốc hội Mỹ để soạn thảo chính sách di trú.

Đề xuất đó bị bãi bỏ khi Donald Trump, lúc bấy giờ đang là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, lên tiếng phản đối. Và ông thề sẽ đóng luôn con đường tị nạn với bất kỳ ai vượt biên trái phép. Ngược lại, ứng viên Kamala Harris tuyên bố ở đại hội đảng Dân chủ vào tháng Tám là bà sẽ ký ban hành dự luật nếu quốc hội thông qua nó trong tương lai.

Nhưng ngay cả đề xuất đó cũng có thể trục trặc nghiêm trọng, theo các chuyên gia. Trong mười năm qua, các nước điểm đến quen thuộc đã thi nhau siết chặt quy định với người xin tị nạn hoặc tìm cách ngăn chặn không cho họ vào lãnh thổ nước mình – những chính sách đắt đỏ nhưng thường là không hiệu quả. Để cải cách ở Mỹ thành công, họ cần học hỏi từ sai lầm và thành công của các nước khác, theo Daniel Ghezelbash, học giả chuyên tư vấn cho chính phủ Úc và là nhà nghiên cứu về các nỗ lực cải cách chính sách tị nạn trên toàn thế giới. Những bài học là rất rõ ràng. “Cách duy nhất để tăng hiệu năng,” Ghezelbash nói, “là chú ý hơn tới vấn đề công bằng.”

Mỹ là một trong số ít nước có hệ thống kiểu tòa án đóng vai trò trung tâm trong phán xử người xin tị nạn, và đó không phải là thiết kế có chủ ý.

Đạo luật di trú 1980 pháp điển hóa quy trình tị nạn được thiết kế chủ yếu nhằm ổn định cuộc sống cho người di cư mất nhà cửa vì các cuộc khủng hoảng. Sau đó quy trình tị nạn riêng rẽ được bổ sung đòi hỏi những người tìm kiếm quy chế này phải có mặt ở Mỹ hay ở một cửa khẩu chính thức. Quốc hội tính toán quy trình tị nạn này sẽ xử lý khoảng 5.000 người mỗi năm, lúc bấy giờ họ chủ yếu nghĩ tới những người như các vũ công ba lê Nga không muốn trở lại Liên Xô, chứ không phải tình trạng di cư ồ ạt ở biên giới phía Nam như hiện tại.

04.jpg

Những năm 1990, thay đổi trong quy trình tị nạn dẫn tới nhiều hệ quả ngoài mong đợi. Cơ quan Di trú và nhập tịch (INS), nơi xử lý quy trình này của bộ An ninh nội địa, lập một bộ phận nhỏ chuyên về tị nạn với ý định xử lý hầu hết các trường hợp. Rồi quốc hội, do người nhập cư tăng lên ồ ạt qua đường biên giới phía Nam, đã thông qua đạo luật mới siết chặt quy định mang tên đạo luật Cải cách di trú bất hợp pháp và di trú có trách nhiệm.

Luật này trao cho cơ quan biên phòng thêm nhiều quyền lực mới, bao gồm trục xuất lập tức không trì hoãn và không qua quy trình cứu xét và tố tụng ở tòa với người nhập cư. Nhưng luật có một ngoại lệ quan trọng: Những ai có nguy cơ bị truy bức sẽ được trình bày ở tòa di trú trước khi bị trục xuất.

Trên thực tế, quy định này đã hợp nhất hệ thống tị nạn với bộ máy làm công việc trục xuất ngày càng lớn. Chính điều đó cũng dẫn tới gần ba thập kỷ sau, hàng trăm ngàn người xin tị nạn đang ùn tắc ở các tòa di trú trên cả nước.

Giới chuyên gia chính sách lẫn người xin tị nạn đều nhất trí các tòa này không phù hợp với vai trò đó. “Tòa di trú đang xử các vụ này vì nhiều người vượt biên giới Tây Nam không đúng pháp luật, và xin tị nạn trở thành cách để họ không bị trục xuất,” theo Doris Meissner, người đứng đầu INS vào những năm 1990. “Vì vậy hệ thống đã hoàn toàn tắc nghẽn.”

Vấn đề cốt lõi với tòa di trú thật rõ ràng: Không có cách nào giải quyết các đơn xin tị nạn có bằng cứ xác thực nhất, hay nhanh chóng bác bỏ các đơn xin thiếu cơ sở. Lịch hẹn ra tòa hiện giờ thường cách vụ việc nhiều năm.

Với một số người, tình trạng trì hoãn là thời cơ để họ tìm chỗ đứng ở đất nước mà họ hy vọng sẽ được ở lại lâu dài. Với những người khác, đó sẽ là nhiều năm bất định và rơi vào phận thế yếu.

Đến tháng 7.2021, Mohammad Zia Hamdard còn là tỉnh trưởng tỉnh Daykundi ở Afghanistan, viên chức trong chính quyền thân Mỹ đủ nổi tiếng để có trang Wikipedia riêng. Ông cũng nổi tiếng với Taliban, vốn đang săn đuổi ông và gia đình trong những tuần lễ hỗn loạn sau khi chế độ thân Mỹ sụp đổ.

Dù Mỹ đã đưa hơn 75 ngàn người Afghanistan đi trong chiến dịch di tản đồng minh, Hamdard và gia đình bị bỏ lại. Trong lúc binh lính Taliban tìm kiếm ông, Hamdard và vợ, Masuma Tawasoli, chạy sang Iran, cùng hai con nhỏ, bắt đầu hành trình dài cuối cùng kết thúc ở Portland.

Trong quá trình trốn chạy, hai vợ chồng ông có lúc đã lạc nhau, Tawasoli và các con đi trước. Bà nhớ mình đã tới vùng Tây Bắc Đại Tây Dương thuộc Mỹ mà không hiểu mình đang ở đâu. Điểm đến được chọn trước qua một nhóm hỗ trợ di trú sau khi họ vượt biên giới ở gần San Diego, trước đó là 40 ngày lội bộ từ Brazil, băng qua vùng Trung Mỹ và xứ sở của các băng đảng Mexico. Ba tháng đầu, gia đình họ sống trong một căn nhà bốn phòng ngủ ở Portland cùng vài gia đình khác, tất cả có 26 người. Lịch sử dụng nhà vệ sinh được lên rất chặt chẽ. Rồi họ chuyển sang khu Ramada Inn, nơi có tình nguyện viên cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Họ không còn cách nào khác để kiếm cái ăn hay trả tiền thuê nhà, vì người xin tị nạn phải đợi sáu tháng trước khi được phép nộp đơn xin quy chế lao động hợp pháp ở Mỹ.

08.jpg
Bà Tawasoli. Hình ảnh: Tojo Andrianarivo/Bloomberg

Hai vợ chồng rất biết ơn những hỗ trợ mà họ nhận được. Nhưng viễn cảnh phải đợi tới năm 2029, theo lịch hẹn ở tòa với vụ Tawasoli (vụ của người chồng còn sau đó nữa) khiến họ rất chán nản. “Ngày nào con gái tôi cũng gặp ác mộng. Các con tôi và tôi đều thấy không khỏe,” Tawasoli nói qua một người phiên dịch tiếng Dari. Bà thường tự nhủ: “Không biết chúng tôi phải sống sao đây?”

Những năm tháng bất trắc với gia đình này đã là chuyện chắc chắn ngay khi họ vượt biên giới trái phép, đồng nghĩa vụ việc sẽ được chuyển cho tòa di trú.

Những người Afghanistan may mắn được tham gia chiến dịch di tản đồng minh – trên những chiếc máy bay quá tải tuyệt vọng giữa cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ – phải đối mặt với tình trạng thủ tục pháp lý rườm rà kiểu khác khi xin tị nạn. Hệ thống không phải ở tòa được thiết lập những năm 1990 cho những ai đã vào Mỹ hợp pháp, và một số chuyên gia tin rằng nó gợi mở cách thức xử lý vấn đề này tốt hơn. Hệ thống này không có thẩm phán và công tố viên, vì quy trình được thiết kế không có tính đối kháng. Các viên chức ở bộ An ninh nội địa (DHS), được huấn luyện bài bản về hoàn cảnh của những người xin tị nạn, thu thập bằng chứng và ra quyết định.

Cải cách đã không được thông qua ở thượng viện nói trên dựa trên mô hình đó, và sẽ rót tiền để xây dựng lực lượng 4.300 viên chức DHS chuyên về tị nạn. (Dự luật sẽ hạn chế khả năng xin tị nạn khi số vụ vượt biên tăng quá cao; tuy nhiên, một số chuyên gia ủng hộ cải cách này nói điều khoản đấy có thể vi phạm luật pháp quốc tế.) Trong một hệ thống như vậy, quyết định cuối cùng về đơn xin tị nạn lý tưởng sẽ mất không quá sáu tháng.

Những thay đổi này là nhằm sửa chữa thiệt hại mà quốc hội đã gây ra vào những năm 1990, nhưng giới chuyên gia nói bài học từ các nước khác cho thấy Mỹ không thể chỉ dừng lại ở đó.

Từ năm 2009 tới 2013, ít nhất 30 ngàn người nhập cư đã tới Úc bằng đường biển. Hành trình của họ thường là từ những nơi đang có chiến tranh như Syria, Afghanistan và Iraq tới các đảo phía Nam Indonesia, rồi tàu biển chở lậu người đến vùng bờ biển phía Bắc xa xôi của Úc.

Năm 2014, Úc lập quy trình rút gọn để nhanh chóng xử lý đơn xin tị nạn của họ. Nước này lập hội đồng phúc thẩm đặc biệt để xem xét lại quyết định của viên chức xử lý đơn. Đảng Bảo thủ vừa đắc cử ở Úc đã xóa bỏ quy định ưu tiên tính công bằng và công lý trong phận sự của hội đồng này. Những người đánh giá lại vụ việc sẽ không được xem bằng chứng mới hay nghe trình bày từ nhân chứng mới – vốn là những biện pháp bảo vệ quan trọng từng được đưa vào hệ thống ban đầu.

“Một thảm họa toàn tập,” Ghezelbash nói, ông là giám đốc trung tâm Kaldor về luật pháp di cư quốc tế, đại học New South Wales. Trong khi việc xử lý đơn xin tị nạn rất nhanh, quy trình này đầy sai sót. Các tòa liên bang Úc sau đó đã bác bỏ 37% vụ việc, theo lời ông, tỉ lệ sai sót vào loại cao nhất thế giới.

Cuối cùng, các vụ theo quy trình rút gọn lại mất thời gian hơn nhiều so với quy trình bình thường, theo nghiên cứu của Ghezelbash. Đó là bài học trực quan về tổn thất khi không xây dựng quy trình chuẩn.

Ngược lại, vào năm 2019, Thụy Sĩ đã rút ngắn thời gian ra quyết định với hầu hết các đơn xin tị nạn từ khoảng bốn năm xuống còn không tới năm tháng. Thụy Sĩ đã thành công trong khi nhiều nước khác thất bại nhờ vào hai thay đổi trọng yếu: Quy định khung thời gian ngắn với giới viên chức xử lý tị nạn và cung cấp hỗ trợ pháp lý cho người xin tị nạn do nhà nước chi trả. Các đơn vị hỗ trợ này được nhận một khoản tiền cố định để tư vấn cho người xin tị nạn từ phiên hỏi đáp đầu tiên tới cả quá trình kháng cáo. Trong nỗ lực trước đó, Úc đã giảm trợ cấp từ chính quyền cho dịch vụ pháp lý cho người nhập cư với lý luận để họ có thêm cơ hội thực thi quyền của mình sẽ khiến quy trình kéo dài hơn. Thụy Sĩ làm ngược lại, và đạt được kết quả tốt hơn.

Một lý do quan trọng nữa của mô hình Thụy Sĩ là họ không coi các vụ việc như nhau. Thụy Sĩ có hệ thống đánh giá phân loại bắt đầu với đánh giá ban đầu và chia các vụ xin tị nạn có cơ sở và ít cơ sở nhất với những vụ phức tạp hay đòi hỏi thu thập bằng chứng nhiều hơn. Nhóm thứ nhất, chiếm tỉ lệ áp đảo, được giải quyết nhanh, trong khi phần còn lại là quy trình kéo dài có thể tới một năm.

“Giải quyết kiểu một khuôn đúc cho mọi mẫu là rất thiếu tinh tế khi xem xét các đơn xin cũng như phân bổ nguồn lực khan hiếm trong hệ thống,” Ghezelbash nói. Khi có hỗ trợ pháp lý, tỉ lệ chấp thuận đơn xin tị nạn cơ bản không đổi, trong khi thời gian xử lý giảm chỉ còn vài tháng. Nói cách khác, Thụy Sĩ đã đi đến giải pháp vừa nhanh chóng vừa công bằng. Thay đổi này cho phép Thụy Sĩ làm được điều hầu hết các nước khác đã không làm được: Thuyết phục những người không được chấp thuận tị nạn trở về. Nước này hiện có tỉ lệ người di cư tình nguyện trở về vào loại cao nhất thế giới, theo giới chức Thụy Sĩ.

“Hóa ra khi người ta không được trình bày sòng phẳng và không có cơ hội được lắng nghe, họ sẽ chống đối hơn nhiều với việc tình nguyện trở về,” Ghezelbash nói.

Mỹ tất nhiên không thể so sánh với Thụy Sĩ, hay thậm chí là với Úc. Quy mô xin tị nạn ở Mỹ lớn hơn rất nhiều, chưa kể nhiều khác biệt lớn trong hệ thống chính quyền và văn hóa chính trị giữa các nước.

Lấy ví dụ, thái độ chống đối hỗ trợ tư pháp cho người nhập cư bằng ngân sách đã có lịch sử mấy chục năm ở quốc hội. Năm 1974, các nghị sĩ từng lập cơ quan Dịch vụ Pháp lý, vốn chuyên dùng tiền liên bang để hỗ trợ pháp lý cho người nghèo trong các vụ dân sự, nhưng họ không quan tâm tới người nhập cư.

Ý tưởng đấy cũng gây tranh cãi ở Thụy Sĩ, theo những người đã tham gia cuộc cải cách ở đó. Nhưng hỗ trợ pháp lý do nhà nước tài trợ có thể coi là sự đánh đổi cần thiết: Nếu thiếu thời gian để quyết định chính xác, thì điều quan trọng là người xin tị nạn lập tức được trình bày lý lẽ tốt nhất mà họ có. Lý luận này đã tỏ ra đúng đắn.

Meissner, cựu điều phối viên của INS, nói bà cũng đã kết luận tương tự. Hiện là giám đốc ở viện Chính sách Di trú tại Washington, bà đã viết một báo cáo nhiều ảnh hưởng vào năm 2018 được ghi nhận là đề xuất cải cách đầu tiên với vấn đề tị nạn đã được đưa vào dự luật không được thông qua của thượng viện.

Bà mô tả nhu cầu cung cấp trợ giúp pháp lý cho người xin tị nạn là “vô cùng quan trọng” và “là điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống hiện tại của chúng ta.” Nhưng điều đó không có trong dự luật được bà Harris ủng hộ. Đề xuất đấy chỉ cung cấp ngân quỹ để hỗ trợ pháp lý cho trẻ em xin tị nạn, thay đổi mà bà Meissner gọi là “đáng chú ý và thú vị.” Nhưng trẻ em chỉ chiếm phần nhỏ các vụ xin tị nạn. Không cung cấp được hỗ trợ như vậy có thể khiến quy trình tắc nghẽn, khiến mục đích chính của cải cách khó thể đạt được.

Tìm ra cách hỗ trợ pháp lý cho người xin tị nạn là điều không dễ. Rà soát các vụ việc dựa trên tính chính đáng có thể dễ hơn nhiều. Nhưng điều đó phụ thuộc gần như hoàn toàn vào quyết định trước hết phải chuyển các trường hợp xin tị nạn ra khỏi hệ thống tòa di trú, theo lời các chuyên gia.

Cách tiếp cận này thừa nhận những người đã chạy trốn các hoàn cảnh giống nhau được bảo vệ như nhau. Đó sẽ là sự thay đổi lớn với kiểu vận hành ở tòa di trú hiện nay, khi người xin tị nạn phải nộp đủ thứ giấy tờ về quốc gia họ đã rời đi, thường là kèm theo lời khai của chuyên gia về khu vực đó, dù cho tình cảnh của họ đã rõ ràng tới đâu.

“Một khi đã xác nhận được nhân thân người ấy và nói, lấy ví dụ, họ là người Hazara từ Afghanistan, thì quy trình lập tức kết thúc ở đó,” Ghezelbash nói (Hazara là nhóm người thiểu số bị Taliban đặc biệt truy lùng). “Khi đó có thể dành thời gian và nguồn lực cho các chuyện khác.”

Với Hamdard và vợ, cách tiếp cận như vậy lẽ ra đã khiến đời họ rất khác. Tawasoli thật sự là người Hazara, nhóm sắc tộc chủ yếu là người Hồi giáo Shiite, vốn đã bị Taliban, theo Hồi giáo Sunni, truy bức vô cùng tàn bạo qua nhiều năm tháng, bao gồm nhiều vụ giết người không qua xét xử từ sau khi Kabul thất thủ, theo tổ chức Ân xá Quốc tế.

Bà cũng là luật sư từng tư vấn về vấn đề giới tính cho bộ Nội vụ Afghanistan, một lý do nữa khiến bà bị đe dọa sau khi Taliban lên nắm quyền. Và với tư cách tỉnh trưởng chính quyền thân phương Tây, Hamdard lập tức gặp nguy hiểm khi quân Mỹ rời Afghanistan. Năm ngoái, Liên hiệp quốc cho biết Taliban đã sát hại hơn 200 cựu quan chức và thành viên lực lượng an ninh chính quyền cũ.

Manning, người đang xử lý trường hợp của gia đình này, tin rằng rồi họ sẽ được tị nạn, nhưng cũng không thể đảm bảo chắc chắn. Tòa di trú Portland bảo thủ hơn so với thành phố vốn cấp tiến này. Hai trong ba thẩm phán toàn thời gian đã chấp thuận cho tị nạn với tỉ lệ thấp hơn mức trung bình toàn quốc.

Với trường hợp Hamdard, còn một yếu tố phức tạp nữa. Ông vượt biên giới sau tháng 5.2023. Theo quy định được thông qua dưới chính quyền Joe Biden, điều đó đồng nghĩa ông có thể không được nộp đơn xin tị nạn. Đây là một trong vài quy định mà Nhà Trắng ban hành thời Biden khi Mỹ muốn ngăn cản dòng người nhập cư vào Mỹ rồi xin tị nạn.

Hamdard đã vượt biên cùng một nhóm nhỏ người Afghanistan. Ông còn nhớ khi nhìn thấy một cụm turbine điện gió màu trắng ở phía Nam của San Diego, ông đã thấy vô cùng nhẹ nhõm và vui mừng. “Cảnh tượng thật đẹp, và tôi cảm thấy tuyệt vời vì đã đến được đây,” ông nói qua người phiên dịch. Một chiếc xe tải của biên phòng xuất hiện. Khi biết xuất thân của họ, một người đã nói lời chào đón họ đến nước Mỹ. Người này nói mình từng phục vụ ở Afghanistan và hiểu nguy cơ với những ai tìm cách trốn chạy.

Nhớ lại thời khắc đó, Hamdard nhận ra những nguy cơ đấy vẫn còn. “Chúng tôi tới Mỹ với hy vọng mong manh, và vẫn đang chạy theo hy vọng đấy,” ông nói. “Dù mất bao nhiêu năm đi nữa, thì chúng tôi cũng chẳng còn nhiều lựa chọn, ngoài phải chờ đợi.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tinh-trang-nguoi-di-cu-be-tac-xin-ti-nan-o-my-bai-toan-nan-giai-52695.html

#Người di cư
#Xin tị nạn ở Mỹ

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media