Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Tại Nam Phi, các phòng khám hỗ trợ người di cư, cộng đồng LGBTQ và lao động tình dục đang phải đóng cửa vì cạn nguồn tài trợ.
Bệnh nhân xếp hàng bên ngoài phòng khám Witkoppen ở Johannesburg từ trước bình minh. Hình ảnh: Marc Shoul cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Janice Kew và Antony Sguazzin
05 tháng 6, 2025 lúc 11:30 AM
Trong hơn hai thập niên, Mỹ là quốc gia hàng đầu trong việc điều trị và phòng ngừa HIV/AIDS. Washington đã tài trợ thuốc cứu mạng cho hơn một nửa trong khoảng 40 triệu người nhiễm HIV trên toàn thế giới, cùng với các chương trình tư vấn cộng đồng và hỗ trợ kỹ thuật, chủ yếu thông qua Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), được triển khai từ năm 2003 với tổng ngân sách hơn 120 tỉ USD.
Tuy nhiên, hiện hơn 50 quốc gia đang mất đi sự hỗ trợ thiết yếu này khi chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét và cắt giảm viện trợ nước ngoài. Trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất có Nam Phi — quốc gia hiện là tâm điểm của đại dịch AIDS, với gần 8 triệu người, tương đương 13% dân số, đang sống chung với HIV. Theo Bộ Y tế Nam Phi, mỗi năm nước này nhận khoảng 440 triệu USD từ chính phủ Mỹ để vận hành các chương trình y tế của nhà nước và tổ chức từ thiện.
Vào một buổi sáng lạnh lẽo tháng Năm, từng hàng từng hàng bệnh nhân đứng trước cửa phòng khám Witkoppen, một cơ sở phi lợi nhuận phía Bắc Johannesburg chuyên điều trị HIV. Khoảng 100 người đã có mặt từ trước khi mặt trời xuất hiện, nhiều người trong số đó đã phải vượt quãng đường hàng trăm cây số từ các khu dân cư nghèo bằng xe minibus chật kín người là người. Họ sẵn sàng trả 8 USD cho mỗi lượt khám để tránh đến các phòng khám công, nơi thường thiếu thuốc và người bệnh phải đối mặt với nhiều định kiến xã hội. Hơn một nửa số bệnh nhân tại Witkoppen là người nước ngoài, trong bối cảnh nạn bài ngoại vẫn rất phổ biến tại Nam Phi. “Khi tôi đến phòng khám công, họ đuổi chúng tôi đi,” Rhoda, một người giúp việc đến từ Malawi, cho biết. “Vì chúng tôi là người nước ngoài.”
Tại Nam Phi, khoảng 80% người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus, do chính phủ mua số lượng lớn. Số ca tử vong hàng năm đã giảm từ mức đỉnh điểm 284.000 ca vào năm 2005 xuống còn 68.000 ca vào năm ngoái. Các sáng kiến do Mỹ tài trợ đã giúp hàng triệu người như Rhoda — những người thuộc nhóm dân số “trọng yếu” theo định nghĩa của các chuyên gia y tế, gồm người di cư, nam quan hệ đồng giới, lao động tình dục và người sử dụng ma túy. Tất cả chuyên gia được phỏng vấn trong bài đều nhấn mạnh rằng nhóm người này thường bị từ chối khỏi hệ thống y tế công cộng trong một xã hội mà phần lớn người dân vẫn còn bảo thủ, dù hiến pháp đã có nhiều tiến bộ.
“Đôi khi bệnh nhân bị từ chối điều trị chỉ vì sự kỳ thị và phân biệt đối xử,” Naomi Hill, nguyên giám đốc Chương trình Quần thể trọng điểm tại Viện Nghiên cứu & Sức khỏe sinh sản Wits ở Johannesburg, cho biết. Chương trình này từng cung cấp thuốc kháng virus cho hơn 5.500 nữ lao động tình dục và người chuyển giới, đồng thời làm xét nghiệm và tư vấn cho hàng chục ngàn người khác. Tuy nhiên, chương trình này đã phải dừng hoạt động từ cuối tháng Ba vì mất nguồn tài trợ từ Mỹ.
Tại Witkoppen, một phần ba ngân sách điều trị HIV đến từ các nguồn của Mỹ như PEPFAR và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trong đó 80% được dùng để trả lương nhân viên. Nguồn lực tài chính này đang dần biến mất. Quốc hội Mỹ đã để chương trình Pepfar hết hiệu lực vào ngày 25/3. Hai tháng trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành lệnh tạm dừng các chương trình viện trợ nước ngoài – trong đó có phần lớn hoạt động của PEPFAR – để chờ đánh giá trong 90 ngày. Dù một số dịch vụ HIV trọng yếu vẫn được phép tiếp tục nhờ lệnh miễn trừ có hiệu lực từ ngày 1 tháng Hai, sự thiếu rõ ràng trong phạm vi áp dụng đã dẫn đến việc nhiều phòng khám đóng cửa, nhân viên bị sa thải và dịch vụ điều trị bị gián đoạn tại nhiều quốc gia. Bộ Ngoại giao Mỹ không phản hồi khi được yêu cầu bình luận.
Engage Men’s Health, một mạng lưới gồm năm phòng khám cộng đồng dành cho nam đồng tính và song tính, đã phải đột ngột ngừng hoạt động vào tháng Một sau khi mất khoản tài trợ thường niên 2,5 triệu USD từ Mỹ. Các phòng khám này từng cung cấp dịch vụ điều trị HIV cho 2.000 người và thuốc dự phòng sau phơi nhiễm (PrEP) cho 4.000 người khác.
Hoạt động của các phòng khám này không chỉ là cấp phát thuốc. Nhân viên ở đây được đào tạo bài bản và nhận được sự tin tưởng từ cộng đồng, giúp họ tiếp cận được các địa điểm gọi là “nhà chemsex” – nơi nam giới dùng ma túy và quan hệ tình dục – tại khu Soweto, Johannesburg, nơi tỷ lệ nhiễm HIV vượt 50% trong số những người được xét nghiệm, theo ông Dawie Nel, giám đốc tổ chức điều hành Engage Men’s Health. Xét nghiệm là bước đầu tiên để người bệnh được điều trị.
Hiện nay, một số bệnh nhân cũ của Engage Men’s Health đã dùng hết thuốc PrEP, có kết quả dương tính với HIV và phải chờ tới bảy tiếng tại cơ sở y tế công. Đó là nếu họ được khám. “Tới phòng khám công thì họ không thể sống thật với con người mình,” ông Nel nói.
“Chính phủ thường không giỏi xử lý các vấn đề liên quan đến giới tính và xu hướng tình dục,” Mitchell Warren – giám đốc điều hành tổ chức AVAC tại New York, từng làm việc tại Nam Phi trong thập niên 1990 – nhận định. “Tôi thực sự lo rằng niềm tin được xây dựng trong nhiều năm giữa cộng đồng và các chương trình y tế đã bị tổn hại nghiêm trọng vì hành động của chính phủ Mỹ.”
Các chương trình do Mỹ tài trợ tại Nam Phi không chỉ cứu sống nhiều người bệnh mà còn góp phần ổn định nền kinh tế. HIV chủ yếu ảnh hưởng đến người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Khi việc điều trị bị gián đoạn, người bệnh ngừng làm việc, kéo theo vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo tại một quốc gia nơi một người đi làm thường phải nuôi sống cả gia đình.
Khalina Kunene, 58 tuổi, đến phòng khám Witkoppen để khám định kỳ và nhận thuốc điều trị HIV. Vì chưa đủ tuổi nhận lương hưu của nhà nước, bà thỉnh thoảng nhận giặt đồ thuê để nuôi sống bản thân, một người con gái 17 tuổi còn đang đi học và con gái 22 tuổi đã có con nhỏ. “Ở đây tôi biết chắc mình sẽ được khám,” bà nói trong lúc ngồi co mình trên băng ghế với chiếc áo phao đỏ trong khi chờ tới lượt. “Ở các phòng khám công, có khi bạn phải quay về vì thuốc vẫn chưa được chuyển tới,” bà nói thêm.
Trong lần khám gần đây nhất vào tháng Năm, Kunene còn nhận được một phần quà gồm gạo, cá hộp, dầu ăn và xà phòng — đây là đợt hàng miễn phí cuối cùng mà phòng khám phát. Witkoppen hiện đang tìm cách kêu gọi khẩn cấp 320.000 USD để duy trì hoạt động đầy đủ đến hết tháng Chín.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc hàng loạt phòng khám được Mỹ tài trợ tại Nam Phi và các quốc gia khác phải đóng cửa có thể khiến dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại sau nhiều năm được kiểm soát. Một phân tích của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy nếu các chương trình do PEPFAR hỗ trợ bị dừng lại, sẽ có thêm 4,2 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS trong giai đoạn 2025 đến 2029.
Tại cuộc họp báo ngày 15 tháng Năm, Bộ trưởng Y tế Aaron Motsoaledi cho biết chính phủ đang nỗ lực duy trì các chương trình y tế công cộng về điều trị và phòng ngừa HIV, bất chấp việc Mỹ rút đi hàng triệu USD viện trợ. “Dù là trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ không để toàn bộ công sức khổng lồ kéo dài hơn 15 năm nay sụp đổ chỉ vì Tổng thống Trump quyết định làm như vậy,” ông nói.
Ông Motsoaledi cho biết chính phủ đã lập kế hoạch chăm sóc cho 63.000 người thuộc nhóm dân số trọng điểm. Tuy nhiên, vẫn có lý do để hoài nghi liệu kế hoạch này có được thực hiện hay không. Khi còn giữ chức bộ trưởng nội vụ, chính ông Motsoaledi đã từng nhiều lần chỉ trích sự hiện diện của người di cư không có giấy tờ tại Nam Phi.
Điều này khiến các tổ chức phi chính phủ — vốn đã mất hàng chục năm xây dựng hệ thống hỗ trợ cho các nhóm người yếu thế — không khỏi lo ngại. “Các chương trình HIV/AIDS không phải là thứ có thể bật tắt tùy ý. Chúng cần thời gian, và các mối quan hệ cũng cần thời gian để vun đắp,” ông Warren từ AVAC nói. “Phá bỏ thì dễ, nhưng xây dựng lại thì rất khó.”
—Với sự hỗ trợ của Jason Gale và Katlego Mtshali
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chuong-trinh-chong-hiv-bi-de-doa-nghiem-trong-khi-my-cat-vien-tro-53366.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media