Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Nỗ lực níu giữ sức sống dẫn đến việc giảm rượu, tăng cường vận động và một nhận thức sâu sắc về những giá trị giúp con người vượt qua giai đoạn cơ thể dần suy yếu.
Minh hoạ: Sophia Deng cho Bloomberg
Tác giả:
13 tháng 07, 2025 lúc 11:13 PM
Tóm tắt bài viết
Nghiên cứu của Đại học Stanford chỉ ra rằng quá trình lão hóa của con người có hai giai đoạn thay đổi rõ rệt vào khoảng tuổi 44 và 60, dựa trên phân tích "-omics" từ mẫu máu của 108 người.
Vào tháng 1/2025, tác giả quyết định thay đổi lối sống bằng cách mua giày chạy, Apple Watch để theo dõi sức khỏe và tạm dừng uống rượu sau khi biết kết quả kiểm tra sức khỏe không mấy khả quan.
Bác sĩ lo ngại về lượng rượu tác giả tiêu thụ, siêu âm cho thấy tụy bị nhiễm mỡ, nồng độ ferritin cao và cholesterol không ổn định, buộc tác giả phải ngừng uống rượu hoàn toàn.
Tác giả bị đau chân sau một tháng chạy bộ và sau đó phải nhập viện mổ ruột thừa khẩn cấp tại Bệnh viện Royal London, làm dấy lên nỗi lo về sức khỏe và tuổi tác.
Sau 160 ngày kiêng rượu, tác giả cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy sinh lực hơn, đồng thời nhận ra sự quan trọng của việc đối diện với cái chết và trân trọng từng ngày sống.
Tóm tắt bởi AI HAY
Tôi luôn tin vào khả năng trẻ hóa. Vì thế, tôi không khỏi rùng mình khi đọc một nghiên cứu y khoa gần đây của Đại học Stanford về "lịch trình lão hóa" của con người. Nghiên cứu kết luận rằng chúng ta không già đi một cách từ từ, mà có hai giai đoạn thay đổi rõ rệt, rơi vào khoảng tuổi 44 và 60.
Các nhà khoa học đưa ra kết luận này sau khi theo dõi mẫu máu của 108 người và phân tích hồ sơ “-omics” của họ, thuật ngữ dùng để chỉ dữ liệu sinh học như hệ vi sinh vật, hệ protein, chất béo, RNA, v.v. Tức là bao gồm cả vi khuẩn trong hệ tiêu hóa và cơ quan nội tạng, protein và lipid ở cấp độ tế bào, cũng như các gen được phiên mã thành phân tử RNA.
Cách tiếp cận “đa tầng omic” nghe vừa khoa học đầy thuyết phục, vừa đáng sợ đối với một người sắp bước sang tuổi 66 như tôi. Liệu đã quá muộn để sống khỏe và tràn đầy sinh lực?
Tháng 1 năm 2025, tôi quyết định thách thức kết luận của nghiên cứu kia. Dù sao thì trước đây tôi cũng từng tự “trẻ hóa” thành công. Năm 30 tuổi, sau cả thời thơ ấu thừa cân và trông già hơn tuổi thật đến cả chục năm, tôi đã giảm được 34 kg chỉ trong hai tháng, từ 102 xuống còn 68 kg. Tôi làm được điều đó bằng cách cắt bỏ hoàn toàn tinh bột và hầu hết chất béo, đồng thời chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Hiệu quả đến mức khi tôi ra sân bay New York đón em gái, cô ấy đi ngang qua mà không nhận ra người anh trai gầy gò của mình.
Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng sống trong tình trạng đói triền miên thì không lý tưởng và cũng chẳng thể duy trì lâu dài. Tôi thích ăn ngon, uống rượu và tận hưởng cuộc sống, nên tôi chuyển sang chạy bộ. Tôi chưa từng chơi môn thể thao nào, nhưng lại yêu thích những vòng chạy dài gần 10 km quanh Công viên Central Park, và duy trì thói quen này cho đến giữa độ tuổi 50, khi đầu gối bắt đầu có vấn đề khiến tôi phải giảm dần cường độ. Khi chuyển đến London và bước vào thập kỷ thứ sáu của đời mình, tôi vẫn tiếp tục tích lũy cây số, nhưng là bằng cách đi bộ thay vì chạy.
Dù vậy, những năm tháng hưởng lạc vẫn chiếm phần thắng. Cuộc sống của một người mê tiệc tùng cuối cùng đã vượt xa lượng vận động mà tôi cố bù đắp. Đó là lý do vì sao, vào tháng 1 năm nay, sau khi được thúc đẩy bởi nghiên cứu của Stanford và một chút tự mãn, tôi quyết định quay ngược đồng hồ. Tôi mua giày chạy và một chiếc Apple Watch để theo dõi quãng đường cũng như lượng calo đốt cháy. Tôi cũng quyết định tạm dừng việc uống rượu, dù trước đó tôi từng nhịn được khá lâu, chủ yếu là suốt 40 ngày Mùa Chay. Trong nỗ lực lấy lại phong độ, tôi còn đặt lịch gặp bác sĩ để kiểm tra vài vấn đề nhỏ về da.
Chính từ đó, năm 2025 trở thành “năm của sự lão hóa nguy hiểm” đối với tôi.
Tôi chỉ muốn được xử lý một cục mụn viêm, nhưng như thường lệ với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh, bác sĩ gia đình đã hỏi han và khám tổng quát để lập hồ sơ sức khỏe, bao gồm khá nhiều chỉ số sinh học. Kết quả không mấy dễ nghe. Tôi yêu rượu vang, và bác sĩ rất lo lắng về lượng rượu tôi đã tiêu thụ. Siêu âm cho thấy tụy của tôi bị nhiễm mỡ, và xét nghiệm máu cho thấy nồng độ ferritin cao, điều thường đi kèm với tình trạng lạm dụng rượu hoặc viêm nhiễm. Bác sĩ nói rằng việc tôi tự nguyện ngừng uống rượu giờ phải trở thành bắt buộc, có thể là vĩnh viễn. Trong khi đó, mức cholesterol của tôi cũng không ổn. Tôi nói rằng mình đang bắt đầu chạy bộ trở lại, hy vọng điều đó sẽ giúp cải thiện.
Rồi tôi bị đau chân. Sau một tháng chạy bộ, tôi đã tăng dần quãng đường từ một lên ba dặm, cách ngày chạy một lần. Nhưng một đoạn dốc xuống quá đột ngột đã khiến bắp chân và đùi bị căng nghiêm trọng, làm đầu gối vốn đã yếu thêm trầm trọng. Tôi đi tập tễnh suốt hai tuần, nghĩ rằng đi khập khiễng còn hơn là không vận động gì. Tự tin là mình đã hồi phục, tôi lao vội để kịp băng qua đường trước khi đèn đỏ dành cho người đi bộ bật lên và tái phát chấn thương. Trớ trêu thay, hôm đó lại là ngày Cá tháng Tư.
Tôi vẫn giữ bình tĩnh và tiếp tục lê bước. Tôi buộc phải thế, vì em gái và anh rể từ California sang thăm ba tuần, và chúng tôi đã lên kế hoạch đi Edinburgh (trời ơi, những ngọn đồi) và Paris. Cô ấy nhất quyết bắt tôi đi thang cuốn và thang máy mọi nơi để tránh làm căng thêm chấn thương. Việc đó giúp vết thương hồi phục. Nhưng chỉ 10 ngày sau khi cô ấy rời đi, tôi bắt đầu đau bụng dữ dội và phải tự đưa mình đến Bệnh viện Royal London để mổ ruột thừa khẩn cấp.
Giờ tôi gần như đã hồi phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật, nhưng những vết sẹo lại trở thành một lời nhắc nhở về cái chết. Nếu viêm ruột thừa xảy ra vào lúc không đúng nơi, không đúng thời điểm, hậu quả có thể không chỉ là thiệt hại tài chính. Tình trạng này cũng hiếm gặp ở người ở độ tuổi sáu mươi, có lẽ vì vậy mà bệnh viện đề nghị tôi nội soi đại tràng sau phẫu thuật. Điều đó khiến cả tôi lẫn bác sĩ gia đình cảm thấy lo lắng. Tôi tìm thấy một nghiên cứu nói rằng các khối u có thể là nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở người lớn tuổi. Sau cùng, nhóm nội soi của Royal London cho biết không cần thực hiện thủ thuật, nhưng nỗi nghi ngờ về khả năng "đảo ngược tuổi tác" trong tôi đã được gieo mầm.
Một vài điều khi nghĩ lại bỗng trở nên đáng ngại: Trước khi bị viêm ruột thừa, da tôi có tái xám đi không? Mẹ tôi bắt đầu xanh xao cũng vào lúc bà mắc chứng rối loạn máu đã cướp đi mạng sống của bà chỉ sau sáu tháng. Bà mới 68 tuổi. Đó có phải là điềm báo? Trời ơi, còn điều gì nữa sẽ xảy ra với tôi đây?
Căng thẳng khiến tôi như biến thành một người mắc chứng nghi bệnh, và tôi lại quay trở lại gặp bác sĩ vì nghĩ mình bị tăng huyết áp đột ngột. Bác sĩ cho tôi đeo thiết bị đo huyết áp liên tục trong 15 giờ ban ngày. Kết quả cho thấy chỉ số vẫn ổn (thở phào) nhưng máy dường như phát hiện nhịp tim không đều. Tôi lại phải đến một cơ sở khác trong thành phố để đo điện tâm đồ. Y tá nhìn vào kết quả, rồi nhíu mày. “Mọi thứ đều bình thường,” cô ấy hừ một tiếng như thể tôi vừa lãng phí thời gian của cô. “Dù sao,” cô nói thêm với vẻ vui vẻ gượng ép, “kiểm tra vẫn là việc nên làm.”
Hiện tại, tôi cảm thấy ổn. Thậm chí còn khỏe hơn bao giờ hết, ngoại trừ vài cơn nhói nhẹ thỉnh thoảng khiến tôi tưởng mình mắc hội chứng “ruột thừa ma”, cùng với một nỗi lo lửng về việc các xét nghiệm máu tiếp theo có thể hé lộ điều gì. Sáu tháng vừa qua đã thực sự làm xáo trộn tâm trí và sự tự tin của tôi. Việc kiêng rượu đã được hơn 160 ngày, tức hơn bốn mùa Chay, giúp tôi giảm được một ít cân nặng mà tôi rất biết ơn, dù vẫn còn cách khoảng 5 ký mới quay lại vóc dáng thời ngoài 30 tuổi. Tôi thức dậy với sự tỉnh táo và sinh lực mà tôi không còn nhớ rõ từ những thập kỷ mệt mỏi vì xây dựng sự nghiệp.
Nhưng sự minh mẫn cũng có cái giá của nó. Nó buộc bạn phải đối diện với cái chết mà không còn tấm màn che chắn nào. Và khi cơ thể đầy năng lượng, thật khó để có thể buông bỏ mọi thứ và đi vào giấc ngủ.
Tôi đã cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng cách đọc sách. Lời khuyên của tôi: đừng chọn Hồi ức Hadrian của Marguerite Yourcenar, như tôi đã làm trong những ngày đầu đi tìm chút an ủi qua con chữ. Dĩ nhiên đây là một kiệt tác, nhưng nó bắt đầu bằng hình ảnh hoàng đế La Mã Hadrian, chỉ mới 60 tuổi, than thở về sức khỏe của mình và nhìn thấy cái chết, nếu chưa gõ cửa thì cũng đang vẫy chào từ xa, trong khi bệnh tật kéo đến gây rắc rối trước. Dòng đề từ của tiểu thuyết là bài thơ Latin ngắn gọn tuyệt đẹp nhưng đầy u uất Animula vagula blandula, trong đó linh hồn trần trụi, rời khỏi thể xác, run rẩy và không còn khả năng đùa giỡn hay vui sống nữa.
Chủ nghĩa khắc kỷ khiến tôi hứng thú không phải là sự cam chịu mà Hadrian thể hiện, mà là tinh thần chiến đấu của Seneca, người mất mười năm trước khi Hadrian ra đời. “Sống là chiến đấu,” ông nói về bản chất của sự tồn tại, có lẽ cũng hàm ý việc rèn luyện thể chất. Dù sao đi nữa, cũng đừng lặng lẽ bước vào đêm tối. Tuy nhiên, triết lý khắc kỷ với sự nghiêm nghị hùng vĩ của nó lại hoàn toàn trái ngược với bản năng hưởng thụ đã giúp tôi đi qua phần lớn cuộc đời. Dù không thể quay ngược thời gian, vẫn còn nhiều điều có thể gìn giữ, cả trong tinh thần lẫn thể chất, để khiến sự suy yếu của cơ thể trở nên dễ chịu hơn. Bạn có thể nuôi dưỡng gu thẩm mỹ và tình bạn, khám phá những điều mới mẻ qua nghệ thuật và những chuyến đi, và đi những quãng đường dài để chiêm nghiệm.
Trước đây tôi thường đùa rằng mình muốn có một nhãn hạn sử dụng dán lên người: “Tốt nhất trước tháng Bảy năm 2039.” Đó là lúc tôi bước sang tuổi 80. Nhưng giờ tôi không còn thấy câu nói đó buồn cười nữa. Năm đầy sóng gió này và những căn bệnh nghiêm trọng mà bạn bè trẻ tuổi của tôi đang phải đối mặt đã dạy tôi cách đếm từng ngày mình sống, và mong muốn có thêm nữa, dù cũng đồng thời buông bỏ ảo tưởng về một sức sống bất tận.
Ý niệm đầy xao xuyến về việc đếm từng ngày xuất phát từ Thánh Vịnh 90, vốn được cho là lời của Moses trong những năm cuối đời. Bài thơ này thật rực rỡ, mang tính vũ trụ và thần thánh, trong khi Hadrian thì dứt khoát và hiện sinh. “Ngàn năm trước mặt Chúa chỉ như ngày hôm qua đã qua đi, như một canh gác trong đêm khuya,” vị tiên tri viết về cái nhìn vượt thời gian của Đấng Tối Cao.
Thánh Vịnh nổi tiếng tuyên bố rằng “Chúng con trải các năm tháng mình như một câu chuyện được kể lại” và xác định tuổi thọ con người là “ba mươi mươi năm và nếu nhờ sức mạnh mà được tám mươi thì các năm ấy cũng chỉ là lao khổ và buồn rầu.” Nhưng rồi, khi đoạn Kinh Thánh lên đến cao trào, lại vang lên lời nguyện đầy hy vọng: “Xin cho chúng con sớm được thỏa lòng bởi lòng thương xót của Chúa, để chúng con được hân hoan và vui mừng suốt đời mình… và xin cho vẻ đẹp của Đức Chúa Trời chúng con chiếu rạng trên chúng con.”
Tôi muốn thêm một lời phụ từ nữ thần bí gia người Anh thế kỷ 14, Julian thành Norwich. Trong một thị kiến, bà nghe tiếng Chúa nói rằng cuộc đời luôn là một cuộc đấu tranh với khổ đau, rằng không ai trong chúng ta tránh được sóng gió, cực nhọc và bệnh tật. Nhưng bà cũng nhận được một lời hứa thiêng liêng dành cho những ai kiên trì: “Con sẽ không bị khuất phục.”
Giờ thì, đôi giày chạy bộ của tôi đâu nhỉ? Dùng để đi bộ cũng vẫn tốt thôi.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/o-tuoi-66-toi-quyet-tam-song-lanh-manh-tro-lai-lieu-co-qua-muon-53761.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media