Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Điểm sách
Trong cuốn tiểu sử mới, Ron Chernow thuật lại những nỗi buồn trong giai đoạn cuối đời của Mark Twain.
Minh hoạ: Kristina Tzekova cho Bloomberg
Tác giả: Gary Sernovitz
10 tháng 5, 2025 lúc 7:30 PM
Nhiều người biết rằng Mark Twain là đồng tác giả cuốn The Gilded Age (Thời đại hoàng kim), tác phẩm xuất bản năm 1873 mô tả sự thô ráp và náo động của chủ nghĩa tư bản Mỹ cuối thế kỷ 19. (Đó không phải là một cuốn sách hay; gần như toàn bộ hai tá sách của Twain đều không hay lắm.) Điều ít người biết hơn là tác giả không chỉ là người quan sát nền kinh tế thị trường tự do khốc liệt của nước Mỹ — mà còn là người tham gia đầy ám ảnh.
Và cơ bản là không lấy gì làm tài giỏi lắm.
Trong cuốn tiểu sử mới dài hơn 1.000 trang Mark Twain (45 đô là Mỹ, Penguin Press xuất bản), Ron Chernow viết: “Twain đã mắc kẹt trong các khoản đầu tư sâu đến mức đôi khi thật khó biết ông là một nhà văn có làm ăn thêm, hay là một doanh nhân thi thoảng thử viết lách.” Chernow lồng ghép lòng tham của Twain vào cuốn sách và cho thấy phong cách viết nhanh, ồn ào đã làm nên tên tuổi ông, nhưng cũng khiến phần lớn sự nghiệp của ông trở nên rối rắm. Twain qua đời khi đã nổi tiếng, nhưng không hẳn là khi đang hạnh phúc.
Tên khai sinh là Samuel Langhorne Clemens, ông bắt đầu sự nghiệp một cách khiêm nhường: làm thợ sắp chữ ở Missouri và New York, rồi làm hoa tiêu tàu thủy hơi nước trên sông Mississippi trong bốn năm. Năm 25 tuổi, ngay sau khi Nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ, Clemens chuyển đến Nevada. Tại đây, ông làm thư ký cho anh trai trong chính quyền địa phương, do thất bại trong nghề đào bạc, rồi trở thành biên tập viên ở thành phố cho tờ báo Daily Territorial Enterprise của Virginia City. Ông viết truyện trinh thám, những truyện hoàn toàn dựng đứng (như tuyên bố từng nhìn thấy “người bị hóa đá”), và mọi thứ giữa hai thái cực ấy. Chính tại đây, nước Mỹ lần đầu tiên biết đến giọng văn táo bạo, hài hước, và đậm chất trò chuyện thân tình của nhà văn Mark Twain. Chẳng bao lâu sau, ông bắt đầu viết cho các tạp chí quốc gia và sống một cuộc đời viết lạch sau khi may mắn bắt được những vụ việc đang là tin tức sốt dẻo — như một vụ phun trào núi lửa hay một vụ đắm tàu — trong chuyến đi đến Hawaii.
Những câu chuyện đó đã đặt nền móng cho phong cách kể chuyện có lẽ là tự nhiên nhất của Twain: những buổi “thuyết trình” mang dáng dấp kể chuyện, trước đám đông khán giả lớn, với phong cách lạnh lùng mà châm biếm như diễn hài độc thoại. Những buổi kể chuyện này góp phần định hình chất liệu sáng tác ban đầu của ông, và cuốn sách đầu tay cũng là thành công thương mại lớn nhất trong sự nghiệp của Twain: The Innocents Abroad (Những kẻ ngây thơ ở hải ngoại), tuyển tập các giai thoại du lịch hài hước và những quan sát tinh nghịch sau này được dựng lại rất thành công trên sân khấu, xuất bản năm 1869.
Năm sau đó, Twain càng giàu thêm theo cách truyền thống: cưới người thừa kế một gia đình đại gia than đá. Với khối tài sản kết hợp của hai người, ông không chỉ có tham vọng trở nên giàu có hơn, mà còn mơ đến sự giàu có tầm cỡ lịch sử thế giới. Đây là nỗi ám ảnh suốt đời, và gần như luôn gây hại cho ông. Twain sống một lối sống đòi hỏi những pha ghi điểm lớn: đầy tớ lúc nhúc, và một ngôi nhà mơ ước 25 phòng ở Hartford, Connecticut (nơi bạn vẫn có thể đến thăm ngày nay). Năng lực chú ý của ông bị phân tán giữa vô số kế hoạch làm giàu. Có lần, Twain khuyên Andrew Carnegie đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Carnegie đáp lại: “Đó mới là sai lầm. Hãy bỏ hết trứng vào một giỏ — và trông chừng cái giỏ đó.”
Tệ hơn nữa, Twain đã đánh giá quá cao nhạy bén kinh doanh của chính ông. Ông mua rất nhiều cổ phiếu cá nhân bằng tiền vay. Sau khi đạt thành công vang dội với vai trò nhà xuất bản hồi ký sau khi qua đời của Ulysses S. Grant, ông tiếp tục xuất bản hồi ký của các vị tướng ít tiếng tăm hơn trong Nội chiến, và càng lúc càng thua lỗ. Suốt nhiều năm, ông đổ vào một công ty khởi nghiệp phát triển “Paige Compositor,” chiếc máy sắp chữ tiên tiến nhất thời đó, số tiền tương đương 9 triệu đô la ngày nay (phần lớn là từ tài sản thừa kế của vợ ông). Vấn đề là nó quá tiên tiến. Quá phức tạp, dễ hỏng, và không đáng tin cậy, máy Paige cuối cùng đã mất thị trường vào tay công nghệ Linotype đơn giản hơn.
Những người cùng thời với Twain không tiếc lời chế giễu các sai lầm của ông. (The Washington Post từng viết: “Một cách khá chắc chắn để xác định một khoản đầu tư rủi ro là xem liệu Mark Twain có được tham gia từ đầu hay không.”) Đầu những năm 1890, Twain rời ngôi nhà ở Hartford, tuyên bố phá sản, và sống ở châu Âu trong hoàn cảnh chật vật, tuy không đến mức nghèo túng, suốt chín năm.
Cuối cùng, Twain thoát khỏi vũng lầy tài chính bằng cách tái cấu trúc tiền bản quyền sách và dựa vào lời tư vấn và đôi khi là cả các thương vụ mờ ám của Harry “Hell Hound” Rogers, nhà tư bản liều lĩnh khét tiếng. Cứ như thể Susan Sontag giao toàn bộ danh mục đầu tư của mình cho Steve Cohen vậy.
Tuy nhiên, điều mà cuốn Mark Twain cho thấy rõ là thất bại liên tiếp trong kinh doanh của Twain không phải vì ông là một thi sĩ mong manh, không phù hợp với thế giới thương trường khắc nghiệt. Thất bại trong kinh doanh của ông giống hết thất bại trong chuyện viết lách. Twain luôn nóng vội, và “không có chút gì cô độc hay suy tư trong bản chất”. Văn chương của ông tuôn ra ào ạt, ở đủ thể loại, định dạng, và chất lượng rất không đồng đều. Những nhà văn có lẽ cũng nên “bỏ hết trứng vào một giỏ — và canh chừng cái giỏ đó.”
Cuộc đời của Twain đạt đến “đỉnh cao hạnh phúc” vào năm 1885, ở trang 362 trong cuốn sách của Chernow. Khi ấy, ông 50 tuổi, sống trong ngôi nhà mơ ước ở Connecticut cùng vợ và ba cô con gái, tận hưởng đỉnh cao văn chương với Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn và đỉnh cao tài chính với hồi ký của Grant.
Và rồi, cuốn sách u ám của Chernow tiếp tục thêm 671 trang nữa, dành trọn cho 1/3 cuối cùng của cuộc đời ngày càng bất hạnh của Twain. Văn chương của ông không bao giờ đạt lại được sức mạnh hay sự ổn định như trước. Vợ ông và hai cô con gái qua đời. Quan điểm của Twain về nhân loại trở nên đen tối. Ông tự làm mình mất mặt với độc giả hiện đại — và với cả nhiều độc giả thời bấy giờ — khi qua lại một cách ám ảnh (dù là trong sáng) với các thiếu nữ còn trẻ tuổi. Ở 596, khi ông nói câu nổi tiếng và thường bị trích sai, “tin tức về cái chết của tôi đã bị phóng đại quá mức”, độc giả cảm thấy hơi hụt hẫng. Vì vẫn còn tới 437 trang nữa.
Chernow, người đã làm sống lại danh tiếng bất tử cho một vài nhân vật vĩ đại trong lịch sử Mỹ (nổi bật nhất là Alexander Hamilton), lần này đã viết một cuốn sách xoáy sâu vào những giới hạn của thể xác và tinh thần, những cạm bẫy của danh tiếng, cái chết của những người ta yêu thương, và nỗi khao khát níu giữ tuổi trẻ. Ông rõ ràng có thiện cảm và ngưỡng mộ sâu sắc Twain: người đã đứng về phía lẽ phải trong hầu hết những vấn đề quan trọng, bảo vệ quyền của người Mỹ da đen, gốc Hoa, gốc Do Thái, ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ và phản đối chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Tuy nhiên, Chernow đã viết mộ cuốn tiểu sử nghiêng về nỗi thất vọng nhiều hơn là thành công, về cái chết nhiều hơn là đạo đức. Cuốn sách mang đến những bài học hữu ích về những điều không nên làm trong cả kinh doanh lẫn viết lách. Và Twain vẫn là tấm gương đáng suy ngẫm về cách ta có thể đối diện với những bất toàn của cuộc sống: bằng lòng kiên trì, niềm tin vào lẽ phải, và niềm tin rằng óc hài hước có thể là liều thuốc tốt nhất chống lại nỗi tuyệt vọng.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chuyen-ve-nha-dau-tu-mark-twain-53164.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media