Tài chính

5 điều cần biết về chứng khoán Việt Nam cuối năm với Sufianti

Nếu được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, Việt Nam dự báo thu hút thêm ba tỉ đô la Mỹ từ dòng vốn chủ động và thụ động

Tác giả: Tuấn Anh

26 tháng 11, 2024 lúc 3:30 PM

1. Thưa bà, sau hành động bắt đầu hạ lãi suất điều hành từ cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cùng với việc Trung Quốc tung các gói kích thích kinh tế, thị trường chứng khoán Đông Nam Á có phản ứng như thế nào?

Việc Fed bắt đầu giảm lãi suất đã kích thích các giao dịch “risk-on” (nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn). Sức nóng lan tỏa sang các thị trường tăng trưởng như Đông Nam Á. Trong bối cảnh các gói kích thích từ Trung Quốc đã “kéo” một phần chú ý, nhưng nền tảng kinh tế vững chắc của Đông Nam Á sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường cổ phiếu trong khu vực này, duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn.

17.jpg
Bà Sufianti, chuyên gia Chiến lược Cổ phiếu của Bloomberg Intelligence. Hình ảnh: Nhân vật cung cấp

Các số liệu chỉ ra rằng nền kinh tế Đông Nam Á hiện đang nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mặc dù tâm lý của các nhà đầu tư có thể thay đổi theo các sự kiện ngắn hạn, nhưng yếu tố để nhà đầu tư ra quyết định, chủ yếu vẫn tập trung vào là khả năng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế và doanh nghiệp của từng quốc gia.

Dự báo đồng thuận của Bloomberg kì vọng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng hơn 20% trong 12 tháng tới. Xu hướng lợi nhuận điều chỉnh cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Dù còn đó những rủi ro bên ngoài do độ mở lớn đối với thương mại toàn cầu, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp của khu vực Đông Nam Á có thể ít bị ảnh hưởng trực tiếp, nhờ tăng trưởng chủ yếu từ thị trường nội địa. Về định giá cổ phiếu, hầu hết các thị trường cổ phiếu Đông Nam Á vẫn đang giao dịch dưới mức trung bình lịch sử. Vẫn còn cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong dài hạn.

2. Bà đánh giá thế nào về thị trường cổ phiếu Việt Nam với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi?

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận hầu hết các giới hạn của thị trường cận biên. Vốn hóa của thị trường chứng khoán theo chỉ số MSCI Vietnam Index đạt 33 tỷ USD vào cuối tháng 9.2024, tăng gần gấp 10 lần so với một thập kỷ trước. Với 58 thành viên trong rổ chỉ số của MSCI Vietnam, tính thanh khoản của cổ phiếu Việt Nam đã vượt qua một số thị trường mới nổi nhỏ hơn như Philippines, Qatar, Colombia và Cộng hòa Czech - các thị trường đang có số lượng thành viên thấp hơn đáng kể. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán của Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế của mình trong mắt các tổ chức xếp hạng quốc tế.

Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam dự báo thu hút thêm khoảng ba tỉ đô la Mỹ từ dòng vốn chủ động và thụ động, dù vẫn còn hạn chế về tỉ lệ sở hữu nước ngoài. Sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thấp so với các thị trường Đông Nam Á khác, chiếm khoảng 11% tổng giá trị giao dịch của thị trường, trong khi ở các thị trường mới nổi khác trong khu vực, tỉ lệ này trên 30%. Sau khi đạt được vị thế thị trường mới nổi, tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ gia tăng.

3. Ngoài việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, còn những yếu tố nào khác đang thúc đẩy dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam?

Triển vọng dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi, mà còn nhờ vào các yếu tố tăng trưởng vững mạnh của nền kinh tế. Đà tăng trưởng cao và ổn định, cùng sự đóng góp tiêu dùng từ thị trường nội địa, Việt Nam đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong đó hơn 40 công ty niêm yết có mức tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi năm trên 20% trong năm năm qua, và có tổng cộng 60 công ty nếu xét theo lợi nhuận ròng.

Như đã đề cập, mặc dù tỉ lệ đầu tư của các quỹ ngoại vào thị trường Việt Nam hiện tại vẫn còn ở mức khá khiêm tốn so với tiềm năng thực sự, nhưng sức hấp dẫn của Việt Nam vẫn khó phủ nhận, ngay cả khi vẫn là thị trường cận biên.

Theo khảo sát, có đến bảy trong số 50 quỹ chủ động đầu tư vào các thị trường mới nổi hiện nay đã phân bổ ít nhất 1% danh mục của mình vào cổ phiếu Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường mà các nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ. Nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới, đây sẽ là cơ hội lớn cho thị trường chứng khoán trong nước, khi thu hút thêm nhiều nhà quản lý quỹ chủ động. Những quỹ này sẽ có thể tham gia đầu tư vào Việt Nam mà không bị giới hạn bởi các quy định khắt khe về việc phải đầu tư theo các chỉ số tham chiếu.

4. Trong trường hợp đạt được vị thế thị trường mới nổi, sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ như thế nào so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực?

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được nhận định là mạnh mẽ nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là định giá của thị trường lại đang ở mức khá thấp. Điều này tạo ra tỉ lệ giá trên thu nhập kỳ vọng (PEG) chỉ khoảng 0.3x, một con số cho thấy thị trường cổ phiếu Việt Nam đang ở vị thế mua tốt về mặt tiềm năng tăng trưởng giá trị trong tương lai. Mức tăng trưởng này không chỉ tập trung ở một vài ngành nghề, mà diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, bất động sản, và tiêu dùng. Hơn nữa, với định giá thấp tại thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có mức chênh lệch tỉ suất lợi nhuận cao so với lợi suất trái phiếu chính phủ, điều này càng làm tăng sức hấp dẫn của kênh đầu tư vào cổ phiếu, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

xuat-chart-1(6).jpg
Nguồn: MSCI, BLOOMBERG Intelligence

5. Liệu thị trường Việt Nam có thể duy trì vị thế trong trung và dài hạn?

Cần phải nhấn mạnh rằng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư dài hạn, nhờ chiến lược “Trung Quốc cộng một” của nhiều tập đoàn đa quốc gia nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

xuat-chart-2(2).jpg

Sau một năm 2023 với tăng trưởng ấn tượng, động lực này tiếp tục phát huy trong năm 2024, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam. Các dòng vốn đầu tư mới không chỉ nâng cao lợi nhuận doanh nghiệp mà còn đóng vai trò như một đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định trong trung và dài hạn.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/5-dieu-can-biet-ve-chung-khoan-viet-nam-cuoi-nam-voi-sufianti-52591.html

#Chứng khoán Việt Nam
#Nâng hạng thị trường
#Thị trường mới nổi

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media