Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Động thái táo bạo nhất mà một công ty thực phẩm đóng gói đang gặp khó khăn có thể thực hiện ngay lúc này là chuyển từ việc sử dụng chất bảo quản sang nguồn nguyên liệu từ nông trại.
Minh họa: Rui Pu
Tác giả: Deena Shanker
16 tháng 9, 2024 lúc 3:09 PM
Vài tuần trước, PepsiCo—hãng sản xuất thực phẩm tiện dụng lớn nhất ở Mỹ—công bố báo cáo thu nhập hàng quý. Nói ngắn gọn thì kết quả không tốt chút nào. Sau vài năm giá cả tăng cao, người tiêu dùng đang mua ít đồ ăn và thức uống của PepsiCo. Doanh số tính ra tiền quả có tăng chút ít, nhưng trong thời buổi lạm phát hoành hành này, số lượng hàng bán ra mới nói lên nhiều điều về sức khỏe doanh nghiệp.
CEO Ramon Laguarta nói lý do là người tiêu dùng Mỹ đang khó khăn, và ông muốn lôi kéo họ trở lại bằng các khoản giảm giá và quảng cáo. “Người tiêu dùng rõ ràng là đang gặp thách thức, và người tiêu dùng đấy đang nói với chúng tôi là trong những lĩnh vực danh mục hàng hóa cụ thể, họ muốn thấy nhiều giá trị hơn,” ông nói trong cuộc gọi báo cáo kết quả kinh doanh hôm 11.7.2024. Nhưng giá trị ngày nay có thể không chỉ là chi phí—vấn đề còn là chất lượng nữa. Phần lớn ngành công nghiệp thực phẩm đóng gói đều đang trải qua cùng một hiện tượng: Người tiêu dùng mua ít đồ ăn nhanh hơn.
Nếu xem xét kỹ, ta sẽ thấy cả ngành siêu thị không bị ảnh hưởng như vậy. Doanh số bán trái cây và rau củ tươi đều tăng, theo hãng nghiên cứu thị trường Circana. Những thực phẩm này thường đắt hơn, nên vấn đề không chỉ là giá cả. Trong khi một phần xu hướng này là do nhiều người nấu ăn ở nhà thay vì ăn nhà hàng, nó cũng là chỉ dấu cho thấy nhiều người muốn ăn uống lành mạnh hơn, và họ biết thực phẩm tươi rất quan trọng.
Các công ty thực phẩm đóng gói lẽ ra không có gì phải thấy sốc. Chỉ hơn một năm trước, Jason English ở Goldman Sachs đã dự báo xu hướng này khi viết trong một báo cáo rằng ông nghĩ “mức tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn, có chất bảo quản trên đầu người sẽ giảm xuống.”
Thật vậy, báo cáo của hiệp hội Công nghiệp thực phẩm (FMI) cho biết 44% các cửa hàng bán lẻ đang tăng không gian cho sản phẩm tươi sống—và 19% nói họ sẽ giảm không gian các quầy hàng ở trung tâm. Thay đổi cách bài trí cửa hàng này là khoản đầu tư lâu dài, vào cả bất động sản, chi phí nhiên liệu và nhân công có kỹ năng cao. “Xu hướng này sẽ không chỉ là một năm,” theo Mark Baum, phó chủ tịch cấp cao về quan hệ ngành hàng ở FMI. Trong báo cáo tháng 6.2024, hãng nghiên cứu thị trường Mintel cho biết “người tiêu dùng đang ưu tiên mạnh cho thực phẩm lành mạnh, tươi, và có dinh dưỡng tốt hơn.” Báo cáo khuyến nghị các hãng bán lẻ “tận dụng” quá trình dịch chuyển này bằng cách đa dạng hóa sản phẩm.
Xu hướng này không chỉ diễn ra ở những khách quen của chuỗi chuyên đồ tươi sống phân khúc cao Whole Foods, tức những người đã có truyền thống tập trung ăn uống lành mạnh. Ngay cả chuỗi bán đồ giá rẻ Dollar Genera cũng đã nhập cuộc, khi tuyên bố vào tháng 1.2024 rằng số cửa hàng có trái cây và rau củ tươi của họ hiện đã vượt con số 5.000.
Vậy một hãng thực phẩm đóng gói khổng lồ như PepsiCo có nên nhập cuộc không? Hiệp hội của ngành này, hội Thương hiệu sản phẩm tiêu dùng (CBA) nói các công ty thành viên vẫn đang làm ăn được, dù số hàng bán ra có tăng hay không. Họ “cung cấp quyền lựa chọn và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng,” theo Sarah Gallo, phó chủ tịch chính sách sản phẩm của CBA.
Ngành thức ăn tươi—tức chỉ sử dụng trong một hoặc hai tuần—có vị thế rất khác so với thực phẩm chế biến, vốn toàn chất bảo quản nhân tạo, và rất lý tưởng để dự trữ số lượng lớn. Do tình trạng dễ hư hỏng là ưu tiên hàng đầu, các nhà cung cấp, sản xuất và phân phối đều sẽ phải thay đổi. Hơn nữa, ở cửa hàng, các công ty thực phẩm chế biến lớn giờ sẽ không được đảm bảo không gian trưng bày như mảng tươi sống nữa. “Chúng tôi chưa thấy có hãng thực phẩm đóng gói có thương hiệu lớn nào tham gia vào lĩnh vực này chính vì những lý do đó,” Jeff Cleveland, chuyên gia tư vấn về ngành thực phẩm ở ngân hàng đầu tư Lincoln International, nói về hoạt động mua bán, sáp nhập trong ngành gần đây.
Mười năm trước từng có một vụ như vậy, nhưng kết cục không được tốt đẹp. Năm 2012, Campbell Soup mua lại Bolthouse Farms, công ty thực phẩm tươi sống nổi tiếng với sản phẩm cà rốt baby và nước ép đông lạnh, với giá 1,55 tỉ đô la Mỹ. Động thái này giúp hãng chuyên sản xuất súp đóng hộp ăn cho no này có chỗ đứng trong “thị trường thực phẩm tươi sống đóng gói trị giá 12 tỉ đô la đang tăng trưởng nhanh chóng,” theo thông cáo của họ lúc bấy giờ. Nhưng sau bảy năm và hàng triệu đô la thua lỗ, Campbell đã bán lại công ty với giá rẻ mạt so với giá lúc đầu. Food Dive, ấn bản của ngành này, đã viết về cuộc hôn nhân thất bại đấy, và lưu ý hợp doanh “đã nhanh chóng nhận ra những cạm bẫy của một thương hiệu phụ thuộc vào sản phẩm tươi và những bất trắc của thiên nhiên.” Những cạm bẫyđấybaogồmquảnlývụmùavàtổ chức thu hồi sản phẩm hư hỏng. Tóm lại, bước đi tưởng chừng là tiên phong của Campbell cuối cùng lại trở thành câu chuyện cảnh báo cho các hãng khác trong ngành.
Nhưng các công ty thực phẩm đóng gói cũng có thể tiếp cận chậm rãi và thận trọng hơn. Mùa Hè năm ngoái, hợp tác với Fresh Del Monte Produce, Kraft Heinz (cũng đang có số lượng sản phẩm bán ra suy giảm) bắt đầu chào bán các combo thịt nguội và phô mai Lunchable của họ kèm dứa tươi, quýt, táo và nho.
Trong khi đang tìm cách hồi sinh hoạt động kinh doanh, PepsiCo hóa ra có thể đang có sẵn câu trả lời. Trước cuộc báo cáo kết quả kinh doanh, công ty đã gửi cho tôi một bộ sản phẩm mẫu gồm nhiều món đang bán ở phạm vi quốc tế, bao gồm hộp Alvalle (thương hiệu của món gazpacho, tức súp lạnh kiểu Tây Ban Nha). Mọi nguyên liệu trong đó đều là “thực phẩm thật”—cà chua, ớt chuông đỏ, dưa leo, hành tây, dầu ô liu nguyên chất, giấm rượu, muối, tỏi và nước cốt chanh. Món này ít calorie, nhiều chất xơ, tươi tắn và không qua xử lý nhiều. Quan trọng nhất, món súp cực ngon; nếu ăn ở nhà hàng, tôi sẽ không biết đó là món đóng hộp. Không có gì lạ khi một lãnh đạo PepsiCo ở vùng Tây Nam châu Âu gọi đó là “báu vật của chúng tôi” vào vài năm trước.
Tuy nhiên, chắc chắn là công ty đã xoay xở tìm ra cách biến snack Doritos thành nguyên liệu ăn tối sẽ tìm được cách đưa gazpacho—và các thức ăn tươi khác— vào truyền thống ẩm thực Mỹ. Nhất là khi tăng trưởng tương lai của họ phụ thuộc vào đó.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tuong-lai-cua-do-an-vat-co-the-se-la-thuc-pham-lanh-manh-52535.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media