Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Để xây dựng nền kinh tế sáng tạo, giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang học tập mô hình Seoul.
Tác giả: Bloomberg News
24 tháng 10, 2024 lúc 2:25 PM
Khi chính quyền Trung Quốc đang gặp khó khăn trong kiểm soát tình trạng giá bất động sản lao dốc, giới kinh tế gia đã nhanh chóng so sánh họ với Nhật Bản. Dữ liệu gần đây ghi nhận lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ ở Trung Quốc, tiền cho vay từ ngân hàng với doanh nghiệp và hộ gia đình suy giảm, sau vài tháng doanh số bán lẻ tăng yếu, có vẻ xác nhận kịch bản “suy thoái bảng cân đối kế toán” kiểu Nhật Bản sẽ diễn ra. (Thuật ngữ này, được phổ biến nhờ Richard Koo, chuyên gia về kinh tế Nhật Bản, nói tới tình trạng người tiêu dùng và doanh nghiệp ưu tiên trả nợ hơn so với chi tiêu và đầu tư, do đó làm giảm tăng trưởng.)
Ngoài ra còn nhiều điểm tương đồng đáng lo ngại khác giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á. Ở Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng chung đã có quý thứ năm suy giảm liên tiếp – giai đoạn giảm phát kéo dài nhất kể từ những năm 1990. Cổ phiếu giao dịch ở các sàn đại lục và Hong Kong đã mất tổng cộng năm ngàn tỉ đô la Mỹ giá trị thị trường trong ba năm qua. Khi bong bóng bất động sản ở Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990, vài “thập kỷ mất mát” đã diễn ra sau đó, khi giá tài sản giảm và tăng trưởng èo uột.
Nhưng lập luận mô hình Nhật Bản này có một hạn chế lớn: GDP bình quân đầu người và mức độ đô thị hóa của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Nhật Bản những năm 1990, tức so sánh ở đây là giữa một nền kinh tế phát triển (Nhật Bản) với một nền kinh tế đang nỗ lực vươn lên phân loại đấy (Trung Quốc). Xét các thước đo đó, Trung Quốc hiện giống với Hàn Quốc hơn – quốc gia này cũng đã trải qua thời kỳ phải tự vấn khi chuyển giao thế kỷ do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng rồi đã bứt lên tăng trưởng còn mạnh mẽ hơn. “Nhật Bản những năm 1990 giống như một người ở độ tuổi trung niên,” Shu Jiapei, tác giả báo cáo Nhật Bản hóa hay Hàn Quốc hóa? đồng thời là chuyên gia phân tích của công ty SDIC Securities, nói ở một hội thảo của đại học Bắc Kinh hồi tháng 6.2024. “Hàn Quốc năm 1998 và Trung Quốc hiện giờ không còn là thiếu niên, nhưng vẫn còn trẻ và còn có thể cao thêm vài xen ti mét và mạnh mẽ hơn. Đó là khác biệt lớn nhất.”
Với giới hoạch định chính sách Trung Quốc, thách thức cấp bách nhất hiện tại là tìm được các động cơ tăng trưởng để bù đắp cho tình trạng kinh tế suy giảm vì thị trường bất động sản gặp khó khăn– và Hàn Quốc có thể là một lộ trình gợi ý. Khi nhiều thập kỷ tăng trưởng cấp tập kết thúc, giới lãnh đạo Hàn Quốc hậu khủng hoảng thay đổi chiến thuật. Trên mặt trận tài chính, họ tái cấu trúc các doanh nghiệp mất thanh khoản và cải tiến quản trị doanh nghiệp để ngăn ngừa những vụ sụp đổ trong tương lai. Ngược lại, Nhật Bản vẫn duy trì các công ty vốn đã chết rồi, điều tác động tiêu cực lên năng suất và tăng trưởng.
Giới lãnh đạo Hàn Quốc cũng đẩy mạnh xây dựng các ngành dịch vụ và kinh tế tri thức. Doanh nghiệp sản xuất chuyển sang hàng hóa công nghệ cao hơn và thúc đẩy xuất khẩu. Ngược lại, Nhật Bản không đạt được kết quả tương tự, dù cũng đã cố gắng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang ca ngợi sáng tạo khoa học và công nghệ sẽ là “lực lượng sản xuất chất lượng cao mới” thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế quốc gia. Trung Quốc đã sớm đón nhận xe điện, trở thành quốc gia với thị trường xe điện lớn nhất thế giới và các hãng xe tầm vóc toàn cầu. Đầu tư vào năng lượng sạch cũng giúp họ thống trị một số lĩnh vực như tấm pin mặt trời và pin ion lithium.
Louis Kuijs, kinh tế gia trưởng châu Á-Thái Bình Dương ở S&P Global Ratings, là một trong những người nhìn thấy nhiều điểm tương đồng giữa Hàn Quốc hậu khủng hoảng và Trung Quốc ngày nay. Ông nói Trung Quốc hiện “ở vị thế tương đối tốt” để tăng hơn nữa mức sống của người dân. Nhưng ông cũng chỉ ra hai điểm khác biệt tối quan trọng: Chính phủ can thiệp vào nền kinh tế mạnh tay hơn nhiều, và là nước xuất khẩu lớn, Trung Quốc lại đang phải đối phó với những biện pháp cấm đoán từ Mỹ và châu Âu về thuế và các hàng rào khác. “Dự báo tăng trưởng và năng suất dài hạn của chúng tôi với Trung Quốc về cơ bản là tương ứng với Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng chúng tôi ‘trừ điểm’ Trung Quốc vì hai yếu tố đó,” Kuijs nói.
Yan Kun, phó chủ tịch viện Nghiên cứu Nhật Bản ở viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), cơ quan nghiên cứu của chính phủ, dự báo tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc là 4-6%, cao hơn nhiều so với Nhật Bản. (Nền kinh tế số hai châu Á có mức tăng trưởng trung bình không tới 0,8% từ năm 2000 đến nay.) Nhật Bản đã không tận dụng được cơ hội gắn với tiến bộ công nghệ lớn lao những năm 1990, bao gồm quá trình lan rộng của Internet. Bắc Kinh muốn tránh vết xe đổ đó và đã công bố kế hoạch “Made in China” gần một thập kỷ trước, trong đó xác định hàng loạt ngành nghề tiên tiến là ưu tiên quốc gia. Thế dẫn dắt của Trung Quốc ở những mảng như xe điện là thành quả của viễn kiến đó, theo Yan và các đồng sự ở CASS trong một cuốn sách xuất bản vào tháng 4.2024.
Tất nhiên, so sánh mọi nền kinh tế đều là khập khiễng, nhất là với một gã khổng lồ như Trung Quốc. “Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Hàn Quốc,” theo Larry Hu, giám đốc kinh tế Trung Quốc ở Macquarie Group. “Quá trình vươn lên của Hàn Quốc dễ được thế giới chấp nhận hơn so với Trung Quốc.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-co-the-hoc-theo-han-quoc-tranh-vet-xe-do-kinh-te-nhat-ban-52497.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media